Làm việc trái ngành, trái nghề hiện nay không còn là hiện tượng hiếm gặp trong xã hội. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành lên tới 60%. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường tuyển dụng có nhiều xáo trộn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay, việc chọn được một vị trí công việc phù hợp, đúng theo chuyên ngành đào tạo càng trở nên nan giải. Báo cáo xu hướng tuyển dụng hậu Covid-19 tại Việt Nam do TopCV thực hiện cũng đã đưa ra những con số đáng lưu tâm, khi có tới 43.27% nhân sự được phỏng vấn sẵn sàng làm trái ngành hoặc trái lĩnh vực để có thể đi làm ngay.  

Trước thực tế cạnh tranh đó, sinh viên mới ra trường khi ứng tuyển cho một vị trí công việc trái với chuyên môn được đào tạo, cần chú ý những gì để biến mình thành một ứng viên tiềm năng trong mắt nhà tuyển dụng?

Làm việc trái ngành – Không có gì phải tự ti

Có rất nhiều lí do dẫn đến quyết định ứng tuyển vào một công việc khác với chuyên môn ghi trên tấm bằng đại học của bạn. Không phải ai làm trái ngành cũng là bởi họ thất bại trong việc tìm được một công việc đúng chuyên môn. Trên thực tế, có rất nhiều doanh nhân thành đạt trên thế giới không hề đi theo con đường mà họ nghĩ ban đầu. Bill Gates, tỷ phú giàu thứ 2 thế giới, từng ước mơ trở thành một luật sư, nhưng rồi lại đạt được thành công ở lĩnh vực công nghệ. Hay tại Việt Nam, Shark Đỗ Liên, người được mệnh danh là “nữ hoàng bảo hiểm”, ít ai biết, bà đã từng theo học tại khoa Ngữ văn của trường Đại học sư phạm Hà Nội 2. 

Điều này cho thấy thành công không hề phụ thuộc vào việc chúng ta có làm đúng với chuyên môn đào tạo hay không, mà nó phụ thuộc vào niềm đam mê, năng lực và sự cố gắng của mỗi cá nhân trên con đường mình chọn. Vì vậy, để ứng tuyển thành công cho một công việc trái ngành, điều đầu tiên bạn cần làm, đó là lên dây cót tinh thần, tự tin vào bản thân mình, đừng để hai chữ “trái ngành” trở thành một nỗi ám ảnh khiến bạn tự ti, rụt rè và không dám thể hiện hết mình trước mặt nhà tuyển dụng.

Xác định mục tiêu nghề nghiệp

Có 2 kịch bản có thể xảy ra với những người làm trái ngành. Một là họ theo đuổi đúng đam mê, phát triển được bản thân và từng bước trở thành người có chuyên môn cao trong lĩnh vực đó, hai là họ dần chán nản, mông lung, thậm chí cảm thấy “vỡ mộng”, rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan” vì kỹ năng được đào tạo từ trường lớp đã mai một, còn công việc hiện tại lại không được như mong muốn.

Để tránh rơi vào trường hợp thứ hai, trước khi quyết định thử sức với bất cứ lĩnh vực nào trái chuyên ngành, bạn hãy đảm bảo rằng mình thực sự hứng thú và có hiểu biết nhất định về lĩnh vực đó, ngành nghề đó, vạch ra một mục tiêu và lộ trình phát triển rõ ràng cho sự nghiệp. Điều này cũng sẽ giúp nhà tuyển dụng yên tâm hơn khi lựa chọn một ứng viên trái ngành như bạn – hãy cho họ thấy bạn thực sự nghiêm túc đầu tư cho công việc đó, chứ không chỉ đơn thuần là một cuộc dạo chơi vô thưởng vô phạt.

Trau dồi những kỹ năng đã có và tự tìm tòi những kiến thức mới

Hạn chế rõ ràng nhất của những người làm việc trái ngành đó là họ không được đào tạo về kiến thức cũng như những kĩ năng nền tảng của lĩnh vực đó. Vì vậy, để thuyết phục nhà tuyển dụng chọn bạn thay vì một ứng viên tốt nghiệp đúng chuyên môn, bạn cần phải nỗ lực gấp nhiều lần họ.

Hãy tìm hiểu xem vị trí trái ngành đang tuyển dụng cần những kỹ năng nào, chứng chỉ nào, thậm chí sẵn sàng làm những công việc lương thấp để học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước. Cộng với những khả năng vốn có, hoặc chính chuyên ngành mà bạn được đào tạo, hãy biến chúng thành những điểm cộng đặc biệt, khiến bạn trở nên nổi bật hơn cả, khi bạn vừa đảm bảo được yêu cầu về chuyên môn công việc, lại vừa thông thạo những kĩ năng bổ trợ, như ngoại ngữ, thiết kế, công nghệ,…

Trải nghiệm nhiều công việc thực tế

Nếu chuyên ngành bạn đang học trên ghế nhà trường không phải là sự lựa chọn bạn mong muốn cho công việc tương lai, thì cũng đừng để thời gian 4 năm đại học trôi qua một cách lãng phí. Hãy tận dụng khoảng thời gian này để trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau, như tham gia các CLB phát triển kỹ năng, tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, hay thử sức với nhiều công việc part-time,… Những hoạt động thời sinh viên sẽ đem lại rất nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá cho những ai biết tận dụng nó.

Đừng để cái tôi quá lớn cản trở con đường phát triển

Làm việc trái ngành – không có gì phải tự ti, đúng, nhưng tất nhiên cũng không được tự cao. Dù bạn có là sinh viên của một trường đại học top đầu, ra trường với bằng giỏi, tích luỹ nhiều kỹ năng từ các công việc part-time hay các hoạt động thời sinh viên, thì hiện tại, bạn vẫn đang dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, không phải chuyên môn được đào tạo, và bạn mới chỉ là “newbie”, chưa thể dày dạn bằng những tiền bối đi trước trong công ty. Vì vậy, đừng đòi hỏi quá cao, mà hãy chấp nhận công việc hay đãi ngộ có thể thấp hơn mong đợi, đón nhận nó bằng một thái độ cầu tiến và học hỏi để nhanh chóng trau dồi kiến thức và phát triển bản thân nhé.

Làm việc trái ngành – Cơ hội nào cho sinh viên mới ra trường?

Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, để tìm được công việc phù hợp, đặc biệt là công việc trái ngành, ứng viên cần hiểu rõ xu hướng tuyển dụng của doanh nghiệp để chuẩn bị cho mình chiến lược hợp lý. Nắm bắt được nhu cầu này, TopCV đã tiến hành khảo sát trên 1000 doanh nghiệp và cho ra mắt Báo cáo xu hướng tuyển dụng hậu Covid-19, cung cấp những số liệu xác thực nhất về thị trường lao động, hỗ trợ ứng viên giải quyết bài toán tìm việc làm sau đại dịch.

Theo số liệu thống kê từ báo cáo này, 62.39% doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng ứng viên mong muốn làm trái ngành. Trong đó 2 nhóm doanh nghiệp cởi mở với nhân sự trái ngành là Bất động sản, Du lịch với tỷ lệ lần lượt là 84.04% và 81.25% doanh nghiệp trong lĩnh vực chấp nhận tuyển dụng. 

>>> Xem thêm: Chia sẻ của Mark Zuckerberg về việc Facebook thúc đẩy xu hướng làm việc từ xa

Bên cạnh đó, 73.33% doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng người có kinh nghiệm làm việc nhưng chưa có trải nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó 3 nhóm doanh nghiệp cởi mở với nhân sự trái ngành là Bất động sản, Nhà hàng khách sạn, Du lịch với tỷ lê lần lượt là 82.98%, 81.25% và 80.95% doanh nghiệp trong lĩnh vực chấp nhận tuyển dụng. 

Những con số trên chắc chắn sẽ là cơ sở quan trọng để những ứng viên có nhu cầu tìm việc trái ngành lựa chọn được hướng đi phù hợp cho tương lai. Để nhận báo cáo chi tiết về tình hình thị trường lao động và phương án tuyển dụng của doanh nghiệp giai đoạn hậu Covid-19, bạn đọc có thể xem chi tiết tại đây.


Để cập nhật những bài viết mới nhất, đừng quên truy cập https://blog.topcv.vn/ hoặc fanpage: https://www.facebook.com/topcv.vn/.