Muốn người khác lắng nghe mình thì trước hết bạn phải dám lên tiếng
Người Việt Nam chúng ta từ nhỏ đã được giáo dục tâm lý rất tốt, đặc biệt là tâm lý ngại va chạm. “Chờ được vạ thì má đã sưng”; ” tránh voi chẳng xấu mặt nào”; “đi với bụt mặc cà sa, đi với ma mang áo giấy”. Ông cha ta cần mẫn dạy con cháu bài học xương máu rằng: tránh được chừng nào hay chừng nấy; trốn được bao nhiêu thì cứ trốn hết đi; con người phải lươn lẹo một chút; biết người biết ta thì mới được yên an.
Vậy là chúng ta cứ thế cùng nhau đề cao “truyền thống khôn vặt”; chỉ giỏi những chuyện nhỏ nhặt mà những vẫn đề to lớn cần đấu tranh thì lại ngại ngùng không ai lên tiếng.
Bạn có thể sống rất tốt với suy nghĩ đó tầm 30 năm về trước. Thời kì mà con người ta ăn không dám cắn miếng to; đi không dám bước lớn; chạy một chiếc xe đẹp quá ra đường thì sợ dèm pha mà làm việc giỏi quá cũng bị người ta chèn ép nghi kị.
Chúng ta hôm nay, tay cầm smart phone, chân leo lên những toà nhà chọc trời; sống trong thời kì mà xe càng đẹp càng tốt, người càng giỏi càng giàu; hiển nhiên phải mạnh tay mà gạt bỏ ngay cái tâm lý ngại va chạm, sợ đấu tranh ấy.
Thời đại ngày nay, bạn phải va chạm, phải chủ động, phải dám cất lên tiếng nói cá nhân thì mới có thể thành công!
Lên tiếng để bảo vệ quyền lợi
Tâm lý ngại va chạm được hình thành từ thời kì phong kiến lạc hậu; khi cha ông ta dẫu làm vua hay làm dân đều bị lễ giáo kìm hãm. Họ được dạy cuộc sống vợ nuôi tằm dệt vải; chồng kéo trâu đi cày; bữa cơm trắng muối vừng sau luỹ tre làng là hạnh phúc. Nhưng thử hỏi giờ đây, có bao nhiêu người bằng lòng cùng bạn chấm muối ăn cơm hết 30 ngày một tháng? Nếu ai đó bày tỏ rằng người ta từ nay muốn thanh tịnh ăn chay thì tôi đoán chắc 90% đó cũng là kẻ đã thử sắp hết các loại thịt trên đời rồi.
Thẳng thắn mà nói, xã hội hiện đại chính là xã hội của mưu cầu cá nhân. Bạn làm việc vì sẽ được trả lương, bạn cống hiến vì sẽ được đền đáp; ngay cả tình yêu trao đi cũng mong muốn được đáp lại; có xách gạo đi cứu trợ người nghèo thì cũng cần một nụ cười, một lời cám ơn chân thành mới mong quay lại lần sau.
Con người có nhu cầu, cần quyền lợi là điều không thể nào chối bỏ. Vậy làm thế nào để người khác biết đến điều đó? Tất nhiên bạn phải lên tiếng. Ai cũng có mong muốn, cũng có ước mơ; vậy người thể hiện được điều đó rõ ràng nhất sẽ là người có lợi. Đơn giản như việc bạn sẽ đến sớm và xếp hàng đầu tiên để mua một cốc cà phê yêu thích; hay ví như nếu phía trước bạn là một đám đông vô kỷ luật; người có giọng nói to và rõ nhất tất nhiên là người được lắng nghe.
Bạn may mắn được làm việc với một người sếp tâm lý nhưng lại không biết cách thể hiện nhu cầu của mình thì một là sẽ không bao giờ được thưởng; hai là dẫu có thì phần của bạn chắc chắn sẽ tới sau người khác. Nếu sếp của bạn không phải là một nhà lãnh đạo lý tưởng; việc không biết lên tiếng sẽ biến công việc của bạn thành địa ngục thực sự: không hiệu quả; không ghi nhận; không quyền lợi; và tất nhiên là không lâu dài.
Dám lên tiếng để đấu tranh vì quyền lợi, đấy là điều đầu tiên cần phải ghi nhớ. Không chỉ là vì cá nhân mà còn là vì sự hoà hợp của tập thể. Chẳng ai muốn làm việc với một người mà tới những vấn đề liên quan tới lợi ích của mình mà cũng không biết ý kiến!
Lên tiếng để khẳng định bản thân
Nếu bạn là động vật ăn cỏ; sống nhạt nhoà là điều cần thiết. Giấu mình sau cây cối, trà trộn vào đám đông; không ai biết tới bạn và cũng không ai có thể làm hại bạn. Tuy nhiên, chúng ta lại đã và đang lớn lên trong thời đại “ăn thịt” thì khó mà có thể “khoẻ mạnh”. Lối sống “bầy đàn” chỉ là chuyện của những ngày xưa cũ. Hiện nay người trẻ muốn thành công luôn cần độc lập. Và tất nhiên độc lập sẽ đi kèm với tự tin, nổi bật chứ không phải là nhạt nhoà hay ẩn giấu.
Chưa bao giờ khao khát được biết đến, được nổi bật lại của con người lại mạnh mẽ như hiện nay. Khi ai nấy xung quanh bạn đều tìm đủ mọi cách (cả tích lẫn tiêu cực) quảng cáo bản thân để tìm cơ hội phát triển thì bạn sao có thể bình chân sống một cuộc đời trầm lặng? “Vòng tròn an toàn” không còn là khái niệm được yêu thích. Giờ đây chúng ta được giáo dục để “bứt phá” “dẫn đầu” “vượt qua giới hạn”.
Nếu tất cả mọi người đều tiến lên mà bạn đứng yên; nghĩa là bạn đang thụt lùi. Nếu tất cả mọi người đều cố gắng thể hiện mình còn bạn không thì tất nhiên; bạn sẽ bị lãng quên. Buồn cười ở chỗ hiện nay đến kẻ bị ghét cũng dễ dàng kiếm được tiền nhưng người nhạt nhoà thì không hề có được trao cơ hội. Đúng vậy, bạn là ai, làm gì, có khả năng như thế nào còn không ai biết thì làm gì có cơ hội được trao.
Một quan niệm phổ biến rằng chỉ người giỏi mới hay lên tiếng; vậy hãy dùng nó như một vũ khí tâm lý ngược: dám lên tiếng nghĩa là có khả năng. Dẫu cho ý kiến của bạn chưa hoàn hảo thì cũng sẽ được ghi nhận.
Dám lên tiếng chỉ là bước đầu; luôn chủ động mới là quan trọng
Câu chuyện về sự chủ động nắm bắt, làm chủ cuộc sống sẽ luôn được nhắc mãi nhưng không bao giờ là thừa thãi. Không ai ngoài bạn có quyền quản lý cuộc sống của mình và cũng không ai ngoài bạn có khả năng làm điều đó tốt hơn.
Muốn có một chiếc bánh ngon hãy chủ động yêu cầu; muốn xem một bộ phim hợp cũng phải chủ động đề xuất; muốn có một công việc tốt; tất nhiên phải chủ động tìm kiếm.
Bạn có quyền tin vào may mắn; nhưng đến cả may mắn cũng xuất phát từ năng lực. Chúng ta hiểu rằng mọi phần thưởng, cơ hội được trao đều là thành quả của một quá trình phấn đấu và tích luỹ năng lượng.
Vậy nên, hãy lên tiếng và chủ động để phát triển ngay từ bây giờ. Chúc tất cả chúng ta sẽ đều can đảm để thành công và hạnh phúc!
TÚ ANH