Như thường lệ những ngày cuối năm, dân văn phòng lại háo hức đợi chờ tới kỳ đánh giá (review) với mong muốn được ghi nhận và “đền đáp” sau một năm cố gắng và gắn bó cùng công ty. Ngoài việc là nguồn thu nhập phục vụ cho chi tiêu trong cuộc sống, thu nhập hay tiền lương còn cho thấy những giá trị của bạn đối với tổ chức nói riêng, đối với xã hội nói chung.
Dẫu vậy, kỳ đàm phán này không phải lúc nào cũng “dễ xơi” và dễ nắm bắt. Trên 78% nhân viên cảm thấy nản lòng trong kỳ đánh giá này. Thậm chí, một số người phải chuẩn bị hàng tháng, hàng năm để đề xuất tăng lương của mình được duyệt. Ngoài việc chứng minh bằng những con số, kết quả làm việc, quá trình này còn đòi hỏi những kỹ năng và nghệ thuật ứng xử khéo léo, cũng như sự quyết đoán đưa ra quyết định hay chấp nhận đề xuất từ sếp.
Để giúp bạn đạt “điểm cao” và thể hiện tốt nhất trong kỳ đánh giá tới, TopCV gửi tới bạn bản đồ chỉ dẫn trong giai đoạn quyết định này.
Theo Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định, chế độ nâng bậc, nâng lương là một trong những nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động.
Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận cụ thể về điều kiện, thời gian mà mức lương sau khi tăng, hoặc ghi nhận về việc thực hiện việc tăng lương theo thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của công ty.
Như vậy, pháp luật không quy định cụ thể về thời hạn nâng lương và mức tăng lương mà hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên. Vì vậy, để biết được làm việc bao lâu sẽ được tăng lương, cần căn cứ cụ thể vào hợp đồng lao động đã ký hoặc thỏa ước lao động tập thể, quy chế nâng lương của công ty.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 93 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng yêu cầu phía công ty buộc phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. Việc này sẽ làm cơ sở để thỏa thuận mức lương trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
Do vậy, nếu hợp đồng lao động thỏa thuận thực hiện tăng lương theo quy định của công ty thì người lao động cần xem xét thang lương, bảng lương của công ty để biết thời điểm mình được tăng lương.
Các trường hợp mà công ty bắt buộc phải tăng lương:
– Người lao động ký hợp đồng lao động sau khi hết thử việc.
Điều 26 Bộ luật Lao động năm 2019 cho biết, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận, nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.
Như vậy, nếu trước đó mức lương thử việc thấp hơn lương chính thức, thì sau khi thử việc đạt yêu cầu, người lao động phải được trả lương với mức cao hơn.
– Khi lương tối thiểu vùng tăng, người nhận lương tối thiểu sẽ được tăng lương.
Theo Điều 90 Bộ Luật Lao động năm 2019, tiền lương theo công việc hoặc chức danh trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Ngoài ra, nếu làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, người lao động phải được trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương tối thiểu vùng này do Chính phủ công bố, dựa trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mức lương này thường sẽ được tăng dần theo từng năm.
Do vậy, nếu mức lương tối thiểu vùng tăng, những người lao động đang nhận lương tối thiểu cũng sẽ được tăng lương.
Ngoài ra, Charles Cotton – Cố vấn hiệu suất và khen thưởng tại CIPD – Bộ phận chuyên trách về phát triển nhân sự – cũng gợi ý “Những gì bạn sắp hỏi cũng sẽ phụ thuộc vào công ty nơi bạn làm việc thuộc công hay tư nhân. Ở loại hình công, hầu hết người lao động đều yên tâm với mức lương tăng thông qua sự thỏa thuận của Công đoàn hoặc quyết định từ nhà lãnh đạo. Ngược lại, những nhân viên làm việc ở công ty tư nhân có nhiều khả năng tăng lương hơn dựa trên năng lực và hiệu quả công việc của họ.”
Trước khi ngồi xuống nói chuyện với sếp, bạn nên tìm hiểu một chút về mức lương của những đồng nghiệp cùng cấp độ như bạn, cũng như những người ở vị trí tương đương trong một tổ chức có quy mô tương tự hay mức lương trên thị trường là như thế nào. Bằng cách này, bạn có thể thảo luận về mức lương hiện tại không phù hợp với mặt bằng chung trên thị trường, cũng như với khối lượng công việc mà bạn đang đảm nhiệm.
Bạn cũng có thể tham khảo những chia sẻ về lương thưởng từ tất cả các công ty trên hệ thống TopCV thông qua Báo cáo Thị trường Tuyển dụng 2020 – 2021. Báo cáo sẽ cho bạn thông tin thực tế về mức lương mà các nhân viên trong công ty đó trải nghiệm và nhận được.
Ngoài ra, một nguồn tham khảo mang tính cập nhật bạn có thể xem xét đến đó là phần Mức lương / Quyền lợi từ những tin tuyển dụng trên TopCV. Với hệ thống 20.000+ việc làm được cập nhật mỗi ngày, 180.000+ nhà tuyển dụng uy tín từ các công ty hàng đầu, đây chắc chắn là nguồn dữ liệu uy tín đáng tin cậy để bạn lưu ý. Vì vậy, đừng quên cập nhật những tin tuyển dụng mới nhất từ những doanh nghiệp cùng lĩnh vực hay những vị trí tương đương mà bạn quan tâm để theo dõi được mức lương và những quyền lợi đang có trên thị trường.
Charles Cotton cũng tiết lộ thêm rằng “Có xu hướng những người mới thường được trả cao hơn. Nếu bạn đã gắn bó với công ty được vài năm, bạn có thể thấy khoản tiền lương của bạn đã bị tụt lại phía sau”.
Đừng bao giờ yêu cầu tăng lương khi chưa chuẩn bị cho cuộc trò chuyện này. Cho dù mối quan hệ của bạn với người quản lý của bạn tốt đến đâu, họ sẽ mong đợi bạn chứng minh rằng bạn xứng đáng với mức lương mà bạn đang yêu cầu và sẽ không đáp lại một cách thuận lợi nếu có vẻ như bạn đã không chuẩn bị.
“Số hoá” những thành công, lập danh sách những công việc hoàn thành xuất sắc
Dù là doanh số bán hàng, đánh giá của khách hàng hay những tài khoản mới được thành lập, hãy cố gắng chuyển hoá chúng thành những con số ấn tượng. Thu thập những số liệu này chứng tỏ bạn thực sự quan tâm tới việc đánh giá năng suất và mục tiêu của mình. Hơn nữa, những con số sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho sếp và dễ ghi nhớ hơn những câu chuyện giải thích dài dòng.
Hãy đánh giá những dự án lớn bạn đã hoàn thành trong năm qua và chọn ra một số ví dụ điển hình cho năng suất, hiệu quả làm việc của bạn. Nói cách khác, hãy lập một danh sách cụ thể những công việc bạn tự hào mình đã làm được trong năm qua. Những ví dụ đó phải thể hiện giá trị của nhiều kỹ năng, khả năng khác nhau của bạn để sếp thấy được sự đa dạng, linh động của bạn trong công việc.
Diana Faison, đối tác của công ty phát triển lãnh đạo Flynn Heath Holt Leadership cho biết: “Nếu bạn không chuẩn bị, bạn sẽ không biết mình đang thực sự yêu cầu điều gì. Thu thập hai loại “bằng chứng” trước khi đưa ra yêu cầu của bạn. Đầu tiên, và quan trọng nhất, là sự thật về những đóng góp độc đáo của chính bạn để củng cố đề xuất của bạn: kết quả công việc hàng tháng của bạn, hiệu quả chi phí mà bạn đã tối ưu, kết quả từ những dự án bạn vừa giám sát, lời chứng thực tích cực của khách hàng hoặc lời khen ngợi từ cấp trên. Sếp của bạn có thể không biết về tất cả những gì bạn đã hoàn thành trong năm qua. Bạn cũng nên thu thập thông tin về mức lương của công ty và toàn ngành để có thể đưa ra con số mục tiêu hợp lý trong đầu
Xây dựng tình huống của bạn, tưởng tượng về buổi đánh giá
Điều quan trọng là phải luyện tập lại những gì bạn sẽ nói chứ không chỉ phác họa qua loa trong đầu bạn, Faison cho biết thêm. “Hãy làm điều đó thành tiếng, thực hành nó với người khác, tự ghi âm và phát lại.” Lắng nghe những điểm yếu trong lập luận của bạn hoặc những dấu hiệu cho thấy bạn không đi vào vấn đề đủ nhanh. Đảm bảo xem xét cuộc trò chuyện theo quan điểm của sếp, tưởng tượng những phản ứng khác nhau mà sếp có thể có và lập kế hoạch phản ứng của bạn. McGinn khuyên: “Hãy thực sự suy nghĩ về quan điểm, ý kiến của sếp và lý do mà sếp cần tăng lương cho bạn.”
Hãy tự tin
Khi bạn đưa ra trường hợp của mình, hãy luôn cố gắng đạt được thái độ tôn trọng lẫn nhau. Faison nói: “Tôi gọi nó là 3C. “Bạn phải bình tĩnh (Calm), trò chuyện (Conversational) và thiết lập không khí cộng tác (Collaboration)” Cố gắng tránh những kiểu nói mà Faison gọi là “kẻ cướp quyền lực”. Đừng đưa ra những câu hỏi dưới dạng câu hỏi như “Anh/chị có đồng ý tăng lương cho em không?”) hoặc đánh giá tuyệt đối như: “Em tin rằng công việc của em đã rất tốt…”. Thay vào đó, hãy trực tiếp và tự tin. Ngôn ngữ cơ thể tích cực cũng sẽ truyền cảm giác tự tin.
Tránh phàn nàn và đưa ra tối hậu thư
Không bao giờ bắt đầu cuộc trò chuyện bằng một lời than phiền hoặc đe dọa. McGinn nói: “Bạn sẽ chỉ đặt sếp của mình vào thế phòng thủ, đó không phải là một lập trường tốt. Tránh so sánh bản thân với đồng nghiệp hoặc phàn nàn rằng bạn kiếm được ít hơn; hãy tích cực và tập trung vào việc bạn đóng góp bao nhiêu. Đồng thời, bạn cũng nên tránh “đe dọa” bỏ đi một cách “ngấm ngầm” như một chiến thuật đàm phán. Đó có thể là điều tệ nhất, bạn sẽ biến cuộc trò chuyện trở thành ngõ cụt cho mình, và vô hình chung biến sếp bạn trở thành phe đối lập.
Nếu câu trả lời là không
Nếu yêu cầu của bạn bị từ chối, hãy chuẩn bị sẵn Kế hoạch B: Có những lợi ích nào bạn có thể chấp nhận thay cho việc tăng lương, chẳng hạn như tiền thưởng, lương theo KPI/OKR, phụ cấp thêm hoặc giờ làm việc linh hoạt hơn? Và nếu câu trả lời của sếp bạn vẫn là không, hãy hỏi bạn nên làm gì để chuyển câu trả lời thành có. McGinn nói: “Hãy hỏi xem bạn có thể đảm nhận những nhiệm vụ gì, những thay đổi nào bạn có thể thực hiện trong công việc sẽ dẫn đến mức tăng lương đó. Hãy cho sếp của mình thấy rằng bạn cam kết phát triển trong công ty cũng như gia tăng những lợi ích mà công ty có thể nhận được từ bạn”.
Lưu ý 4 “Đừng”
1/ Đừng chờ cho đến khi thời gian đánh giá mới thực sự cố gắng
2/ Đừng bị động, nếu bạn đã hoàn thành xuất sắc công việc và nhận được kết quả thành công nhất định, hãy chủ động đề xuất với sếp
3/ Đừng so sánh bạn với đồng nghiệp. Điều cần so sánh ở đây là mức độ hay chất lượng hoàn thành công việc của bạn so với yêu cầu của sếp / công ty.
4/ Đừng “đe dọa” với sếp rằng bạn sẽ đi nơi khác nếu không đạt được nguyện vọng tăng lương lần này.
Hãy chủ động và tích cực thảo luận kết quả công tác của mình trong năm qua, thay vì hờ hững điền thông tin vào mẫu đánh giá có sẵn và thụ động lắng nghe những lời căn dặn của sếp. Bạn nên tự tin nói lên những thành công và những điểm mình cần cải thiện trong năm qua. Việc này chứng tỏ bạn sẵn sàng đảm nhận thêm trách nhiệm. Và đây là cách bản đánh giá hiệu quả công việc dẫn bạn tới nhiều cơ hội trong năm tới. Chúc bạn có một kỳ đánh giá thành công trong cuối năm 2021 này. Đừng quên theo dõi các bài viết tại Blog TopCV để cập nhật thông tin, tham khảo kinh nghiệm để thăng tiến và phát triển sự nghiệp của riêng mình.