Đã bao giờ bạn nghe tới cụm từ “đa trí thông minh” chưa? Làm sao để biết bạn sở hữu trí thông minh nào?
Ngày còn đi học, môn Toán là ác mộng của cuộc đời bạn khi lần nào cũng phải chật vật mới đủ điểm lên lớp và bạn cảm thấy mình không thông minh? Bạn cho rằng mình suy nghĩ kém logic cũng là do IQ thấp? Bạn không nhớ nổi password máy tính hay bất kỳ mật khẩu cá nhân nào là do thiếu trí tuệ? 2019 rồi, hãy bỏ ngay những quan điểm lạc hậu này đi bởi có thể bạn đang sở hữu những trí thông minh đặc biệt đang ẩn giấu mà bạn chưa phát hiện ra thôi.
Thuyết đa trí thông minh (MI)
Năm 1983, tiến sĩ Howard Gardner – một nhà tâm lý học nổi tiếng của Đại học Harvard- đã xuất bản một cuốn sách có nhan đề “Frames of Mind” (tạm dịch “Cơ cấu của trí tuệ”), trong đó ông công bố các nghiên cứu và lý thuyết của mình về sự đa dạng của trí thông minh (Theory of Multiple Intelligences ).
Theo lý thuyết này, Howard Gardner đã phản bác quan niệm truyền thống về khái niệm thông minh, từng được thống nhất và đánh giá bởi bài kiểm tra IQ. Có nghĩa, một người có khả năng giải quyết dễ dàng một bài toán phức tạp, chưa chắc đã thông minh hơn một người chật vật, loay hoay mãi không giải xong.
Với lý thuyết về Đa Trí thông minh, Howard Gardner đã đề xuất ra một góc nhìn mới để đánh giá, cũng như phân loại và đo lường tài năng của con người. “Trí thông minh” không chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là khả năng tính toán số (Logic/Toán học) hay khả năng ghi nhớ và sử dụng vốn từ vựng (Ngôn ngữ), mà giờ được hiểu rằng mỗi cá nhân đều có những tố chất riêng, mà đều có thể được phát triển thành những năng lực tương ứng. Với xuất phát điểm 7 loại hình, hiện tại MI đã được tiếp tục nghiên cứu và phát triển đến 9 loại hình trí thông minh:
- Trí thông minh Xã hội: năng lực liên quan đến con người
- Trí thông minh Nội tâm: năng lực liên quan đến nội tâm bản thân
- Trí thông minh Logic/Toán học: năng lực liên quan đến xử lý số và dữ liệu
- Trí thông minh Ngôn ngữ: năng lực liên quan đến sử dụng ngôn từ
- Trí thông minh Không gian: năng lực liên quan đến trí tưởng tượng và không gian
- Trí thông minh Vận động: năng lực liên quan đến điều khiển cơ thể
- Trí thông minh Âm nhạc: năng lực liên quan đến âm thanh và giai điệu
- Trí thông minh Thiên nhiên: năng lực liên quan đến các yếu tố trong thiên nhiên, động vật, thực vật, etc.
- Trí thông minh Triết học (Hiện sinh): năng lực liên quan đến tư duy trừu tượng và nghiên cứu sâu
Lý thuyết về Đa Trí thông minh đã được ứng dụng phổ biến trong các trường học ở Mỹ, với mục tiêu thiết kế chương trình giảng dạy và những hoạt động học tập phù hợp, khuyến khích học sinh nhận diện và phát triển những loại hình mạnh của mình, đồng thời biết cách khắc phục những điểm yếu, từ đó có được nền tảng vững vàng cho sự nghiệp trong tương lai.
Một vấn đề Gardner đã chỉ ra rằng trong trường học thông thường chỉ đánh giá một học sinh thông qua 2 loại trí thông minh là trí thông minh về ngôn ngữ và trí thông minh về logic/toán học, và điều này là không chính xác.
>> Xem thêm: Mông lung không biết chọn nghề gì ? – tham khảo trắc nghiệm MBTI ngay nhé!
Trường học đã bỏ rơi các em có thiên hướng học tập thông qua âm nhạc, vận động, thị giác, giao tiếp…đồng thời lèo lái tất cả mọi học sinh đi theo cùng một con đường và cùng chịu chung một sự đánh giá và phán xét. Nhiều học sinh đã có thể học tập tốt hơn nếu chúng được tiếp thu kiến thức bằng chính thế mạnh của chúng.
Bởi vậy, không có gì xa lạ khi nhiều người vẫn thường mặc định bạn kém thông minh chỉ vì bạn không học giỏi Toán, Lý, Hóa hay các kỹ năng đòi hỏi tư duy nhanh. Sau bài viết này, bạn hoàn toàn có thể phản bác lại ngay những lập luận có phần phiến diện và lạc hậu, áp đặt lên bản thân nhờ kết quả đa trí thông minh của mình nhé!
Vậy làm sao để biết bạn đang sở hữu trí thông minh nào trong 9 loại trí thông minh?
Trắc nghiệm đa trí thông minh
Trắc nghiệm đa trí thông minh MI (Multiple Intelligences) là phương pháp đánh giá trí thông minh nổi trội của mỗi người, dựa trên Lý thuyết đa trí thông minh (Theory of Multiple Intelligences) nghiên cứu bởi Giáo sư Tâm lý học Howard Gardner vừa được nhắc tới ở trên.
Bằng bộ các câu hỏi được chọn lọc và tính toán kỹ càng, sau khi trả lời xong, bạn sẽ nhanh chóng biết được điểm mạnh của bản thân khi sở hữu loại trí thông minh nào. Từ đó giúp mỗi cá nhân hiểu bản thân mình hơn, cũng như đưa ra quyết định chính xác không chỉ với lựa chọn nghề nghiệp mà còn với tất cả vấn đề xoay quanh cuộc sống. Tuy nhiên, kết quả này không phải là “hằng số” trong suốt cuộc đời mà có thể sẽ thay đổi tùy vào sự trau dồi của mỗi cá nhân.
Bài Trắc nghiệm MI có 86 câu hỏi với thời gian hoàn thành trong khoảng 5 phút có thể giúp bạn nhận diện được những loại hình trí thông minh mạnh và yếu của bản thân.
Lưu ý trước khi làm trắc nghiệm MI
MI là một trắc nghiệm tâm lý nên để thực hiện nó một cách chính xác nhất bạn nên hiểu rõ:
- Kết quả của một trắc nghiệm tâm lý có thể phụ thuộc vào tâm trạng hay tình trạng sức khỏe của bạn. Tốt nhất hãy thực hiện nó trong một trạng thái tâm lý và thể chất bình ổn nhất. Nếu bạn đang quá vui, buồn, phấn khích, bực bội hay đang trong quá trình thay đổi nhận thức thì sẽ không đảm bảo được độ chính xác.
- Trung thực khi trả lời câu hỏi, phân biệt giữa lý tưởng và thực tế. Kết quả của trắc nghiệm hoàn toàn là câu chuyện cá nhân của bạn, đừng để yếu tố bên ngoài tác động đến câu trả lời.
- Chúng ta trưởng thành và thay đổi từng ngày, kết quả trắc nghiệm tất nhiên có thể từ đó mà thay đổi tùy theo nhận thức và thế giới quan của mỗi người. Tốt nhất hãy làm bài kiểm tra nhiều lần và điều độ để có cái nhìn tổng quát và chính xác nhất.
Từ kết quả trắc nghiệm MI, bạn hoàn toàn có thể biết được thế mạnh của bản thân thông qua các loại trí thông minh mà bạn sở hữu. Hiểu rõ bản thân, nắm được thế mạnh và biết được điểm yếu bạn hoàn toàn có cơ sở đưa ra những lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Tuy nhiên, mọi dữ liệu đưa ra đều mang tính chất tham khảo, quyết định hoàn toàn thuộc về bạn.
TopCV sẽ luôn đồng hành cùng bạn trong mọi lựa chọn nghề nghiệp. Với một hành trang vững vàng, bạn hãy tin tưởng rằng mọi kế hoạch đều sẽ thành công!