Nếu quan tâm hoặc đang theo học ngành xây dựng, thiết kế thì chắc chắn kiến trúc sư là công việc đáng mơ ước của nhiều người. Nhưng cũng vì độ phức tạp và đòi hỏi chuyên môn cao của nghề này mà không phải ai muốn cũng có thể trở thành kiến trúc sư. Hôm nay hãy để BlogTopCV chia sẻ cho bạn bí quyết xin việc làm kiến trúc sư hiệu quả, đập tan những định kiến và khó khăn mà người đi trước thường bảo.
Tổng quan về việc làm kiến trúc sư
Kiến trúc sư là người làm thiết kế mặt bằng, không gian, hình thức, cấu trúc cũng như dự đoán sự phát triển của công trình, hay làm thiết kế quy hoạch vùng, khu dân cư, khu công nghiệp và cảnh quan đô thị. Kiến trúc sư cung cấp các giải pháp về công năng, thẩm mỹ cũng như giải pháp kỹ thuật cho các đối tượng khách hàng có nhu cầu xây dựng ở các lĩnh vực khác nhau. (Theo Wikipedia)
Công việc chính của kiến trúc sư:
– Phát triển ý tưởng, đồng thời thiết kế và tạo ra các ứng dụng mới
– Kiểm tra, giám sát để đảm bảo quá trình thiết kế tuân thủ quy định và tiêu chuẩn hiện hành
– Tính toán khoảng cách, kích thước, khối lượng công việc, thời gian, chi phí, các nguồn lực và nguyên vật liệu cần thiết để thực hiện công việc
– Phối hợp với các phòng ban và đối tác để thống nhất giải pháp, phương án thiết kế cho các dự án
– Quản lý, bám sát tiến độ thiết kế của nhà thầu
– Đảm bảo tiến độ dự án hoàn thành đúng kế hoạch.
Mức lương khởi điểm: 10.000.000 – 14.000.000 VNĐ
Cơ hội xin việc làm kiến trúc sư hiện nay
Dễ dàng nhận thấy, xã hội càng phát triển thì nhu cầu kiến trúc càng lớn và đa dạng. Cơ hội việc làm của các kiến trúc sư càng rộng mở.
Kiến trúc là ngành tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực từ khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật đến kinh tế, xã hội. Đây thực sự là môi trường thuận lợi để mở rộng hiểu biết, và đi sâu khám phá khả năng sáng tạo của bản thân.
Những tố chất cần thiết khi ứng tuyển kiến trúc sư
– Năng khiếu: Muốn vào học trường kiến trúc, bạn phải trải qua môn thi năng khiếu là vẽ. Tuy nhiên, năng khiếu mỹ thuật của sinh viên kiến trúc không yêu cầu cao như sinh viên ngành mỹ thuật. Đối với ngành kiến trúc, năng lực tư duy thẩm mỹ trong không gian, nhận thức và tạo dựng cái đẹp quan trọng hơn năng lực vẽ. Tuy vậy, bạn cũng cần biết vẽ. Vì vẽ là phương tiện chủ yếu để thể hiện ý tưởng kiến trúc của bạn.
– Khả năng đọc và tự học: Kiến trúc là lĩnh vực mà bạn không thể chỉ học ở trường. Muốn thành công, bạn cần có khả năng tự đọc, tự học và sự nỗ lực vươn lên không ngừng.
– Niềm đam mê: với ngành này năng khiếu thôi là chưa đủ. Bạn cần phải có niềm đam mê với nghề thì mới có thể trụ vững trước những điều kiện khắc nghiệt và khó khăn vấp phải.
Những thách thức, khó khăn trong nghề kiến trúc sư
Khi quyết định dấn thân vào nghề kiến trúc sư, bạn phải học cách tự vượt qua mọi thông lệ và sự dễ dãi nếu muốn khẳng định mình. Nếu như nhà thơ, họa sĩ có thể xuất thần làm nên một kiệt tác. Thì đối với kiến trúc sư, giây phút thăng hoa đó mới chỉ là bước đầu phác thảo. Từ đây đến khi hoàn thành tác phẩm kiến trúc là chặng đường rất dài, phải trải qua vất vả, kiên trì và dẻo dai lắm mới đến đích.
Hơn nữa, tác phẩm kiến trúc thường được bày ra trước công chúng và bị công chúng đánh giá. Bạn cần phải có bản lĩnh để đứng vững trước dư luận, có trách nhiệm để luôn hãnh diện với tác phẩm của mình, để người sử dụng hài lòng với công trình và không làm lãng phí tiền xây dựng của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, mới chỉ vậy mà đã chùn bước thì bạn sẽ chẳng thể làm được gì. Hãy nhớ, đam mê chính là chìa khóa để bạn vững bước trên con đường sự nghiệp này.
Bí quyết xin việc làm kiến trúc sư
CV xin việc làm kiến trúc sư
Khâu chuẩn bị hồ sơ xin việc là những bước đầu tiên để bạn tiếp cận gần hơn với nghề này. Hãy đầu tư thời gian cho một bản CV xin việc làm kiến trúc sư súc tích và ấn tượng.
Nếu chưa rõ cách viết, bạn có thể tham khảo:
– Cách viết CV xin việc ngành xây dựng ghi điểm với nhà tuyển dụng
– Tạo CV online nhanh chóng cho riêng mình.
Phỏng vấn xin việc làm kiến trúc sư
Một số lưu ý trong vòng phỏng vấn xin việc:
– Trang phục nghiêm túc, lịch sự, không cần quá trang trọng nhưng phải gọn gàng.
– Sử dụng ngôn ngữ cơ thể khéo léo.
– Thể hiện thái độ tự tin, thẳng thắn.
– Luôn nở nụ cười và thể hiện sự thân thiện.
– Hạn chế nói “Tôi không biết” hoặc “Tôi không làm được”. Thay vào đó là “Tôi chưa tìm hiểu”, “Tôi sẽ tìm hiểu về vấn đề này”.
Mong rằng những chia sẻ trên đây mà Blog.TopCV tổng hợp được sẽ giúp ích cho bạn trên con đường xin việc làm kiến trúc sư!