Mới đây, với tình hình dịch COVID tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, một bộ phận người lao động mất việc làm, trong khi chi phí sinh hoạt như nhà ở, ăn uống,… đắt đỏ và khó khăn, buộc họ phải đưa ra lựa chọn về quê.

Đen Vâu cũng hát “Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”, về sự mệt mỏi tại thành phố lớn.

Không chỉ mình nữ chính trong Hometown Cha-cha-cha mới muốn bỏ phố về quê, có phải vũ trụ đang nhắc bạn suy nghĩ và cân nhắc về lựa chọn này?

Bộ phim Hometown Cha-cha-cha kể về chuyện gì?

Yoon Hye Jin (Shin Min Ah thủ vai) là một nha sĩ. Vì không đồng nhất với quan điểm làm việc của cấp trên, đồng thời từ bé đã có dịp tới ngôi làng ven biển Gongjin, một ngày cô quyết định về lại nơi đây khởi đầu một cuộc sống khác. Tại đây cô gặp Hong Doo Shik (Kim Seon Ho đóng) – một chuyên gia làm tất cả mọi việc và được mọi người yêu mến.

Bên cạnh những khoảnh khắc “ngọt đến sâu răng”, hay phân đoạn hài hước của cặp đôi thì tình cảm chân thành của người dân tại làng chài cũng khiến người xem vô cùng thích thú.

Hometown Cha-cha-cha có mức rating tăng dần đều với điểm IMDb 9,1/10 và đang đứng Top 1 Netflix Việt Nam với khung giờ 21h thứ 7, Chủ Nhật.

Hometown Cha-cha-cha gửi gắm điều gì đến xu hướng bỏ phố về quê?

Nhân vật nữ chính Yoon Hye Jin vốn là người có cả sự nghiệp lẫn ổn định về kinh tế, song cô vẫn gặp khó khăn khi bắt đầu lại với cuộc sống thôn quê.

“Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau” cũng đang là xu hướng nở rộ của một bộ phận người trẻ tại Việt Nam và cả nước ngoài. 

Từ 2016 – 2020, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê khu vực nông thôn tăng 5,59% về số hộ và tăng 9,05% về số nhân khẩu. Một trong những ký do được nêu ra là làn sóng người từ khu vực thành thị đến định cư và khởi nghiệp.

Như một quy luật, khi cuộc sống ngày càng đối mặt với nhiều áp lực, nhiều vấn đề bất định xảy ra mà con người không thể lường trước và kiểm soát được thì chúng ta càng có xu hướng tìm về với làng quê, với thiên nhiên, như tìm về một vòng tay che chở. Giới trẻ hiện tại cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Ông Trương Thanh Hùng (Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia) chia sẻ: “Nếu phân tích về góc nhìn hành vi bản năng của con người thì môi trường càng bất định, chúng ta chỉ cảm thấy an toàn khi làm những việc mà chúng ta hiểu rõ về nó và những yếu tố môi trường xung quanh. Đó có thể chính là động lực bên trong kéo các bạn trẻ bỏ phố về quê. Còn dưới góc nhìn của tư duy khởi nghiệp, về quê thể hiện triết lý “đi để trở về” mang theo đó những kiến thức, những tư duy và những cách làm mới để tạo ra những giá trị cao hơn cho những tài nguyên bản địa mà chính các bạn là người hiểu nhiều nhất về nơi đã nuôi dưỡng mình lớn lên”

Bên cạnh đó, cảnh đẹp, không khí trong lành và thoáng đãng, đời sống bình yên với giá thành thấp có thể đều là lý do thúc đẩy nhiều người bỏ phố về quê. Họ chấp nhận làm lại ở môi trường mới để không phải đối mặt với lối sống nhiều căng thẳng: đời sống nhanh nhiều loại ô nhiễm, về vấn đề định cư và phát triển tại thành thị như nên mua nhà hay thuê nhà, làm bao lâu thì mới mua được nhà, vay tiền bao nhiêu, tích cóp bao nhiêu,…

Nhưng bỏ phố về quê không đơn thuần chỉ là chuyện tiền nong và đam mê. Giá thành thấp cũng đồng thời với thu nhập không cao, sống chậm đôi khi cũng khiến ta lơ là việc phấn đấu. Thậm chí, môi trường nông thôn đôi khi không tạo nhiều điều kiện thuận lợi về giao thông, điện nước, giáo dục, bệnh viện, y tế,…

Chọn một lối sống mới, tức là bạn phải học cách làm quen lại từ đầu.

Vài điều bạn cần cân nhắc trước khi bỏ phố về quê lập nghiệp

1/ Thuận lợi

Môi trường: Nếu như ở phố, bạn phải chịu cảnh khói bụi, ô nhiễm, chật chội, kẹt xe… thì ở quê, không khí trong lành, bình yên hơn nhiều. Buổi sáng, bạn có thể chạy bộ, chiều chiều có thể đi bơi vận động. Không còn đau vai gáy, cột sống với công việc văn phòng, chất lượng sống và tình trạng sức khỏe của bạn sẽ tốt hơn nhiều.

Chi phí: Ở phố, mọi thứ đều quá đắt đỏ, càng về sau càng đắt, từ đi lại, thuê trọ, mua sắm, lễ nghĩa, học phí cho con cái… Một gia đình trẻ, để có cuộc sống tạm gọi là ổn ở thành phố, mức chi hàng tháng tối thiểu phải từ 30-40 triệu đồng cho hai vợ chồng và hai đứa con. Còn để mua được một căn hộ tầm 50m2 bằng tiền vay mượn hoặc gom góp nữa thì vô cùng vất vả. Và với mức thu nhập này, không phải ai cũng kiếm và duy trì được, nó đòi hỏi ở bạn năng lực và luôn nỗ lực.

Trong khi đó, ở quê, bạn chỉ cần 15-20 triệu là đã có cuộc sống tương đối thoải mái rồi, thậm chí còn tốt hơn hẳn so với mặt bằng chung. Chính vì thế, các bạn trẻ ở phố có xu hướng chọn chỉ sinh một con để giảm bớt chi phí.

Stress: Căng thẳng là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh tật như tim mạch, đột quỵ, ung thư… Và stress chính là mặt trái của công nghiệp, của đô thị. Mở mắt dậy từ 5h sáng, bạn tất bật lo quần giày áo, mũ nón, ăn uống, đưa đón con đi học, vội vàng lên cơ quan, rồi quần quật với công việc đến tận chiều muộn, ra về chen chúc trong những dòng xe nối dài, về tới nhà là mệt nhoài. Hôm nào bị sếp la mắng, hoặc bị khách hàng hủy kèo ở phút cuối là chỉ muốn bỏ luôn cơm tối… Vòng lặp ấy cứ kéo dài từ thứ hai cho đến cuối tuần.

Rủi ro rình rập: Ở phố, nhà nào cũng kín cổng cao tường, khóa trong, khóa ngoài… sơ hở một chút là bị trộm vào nhà quét sạch không còn gì. Chính vì thế mà tình làng nghĩa xóm cũng không có được như ở quê. Nhiều người ở cả chục năm mà không biết nhà bên cạnh như thế nào? Ra đường, lơ là một chút là ví, điện thoại, túi xách, xe máy “bốc hơi” trong nháy mắt. Đó là chưa kể đến tai nạn giao thông, những bệnh do ô nhiễm môi trường và thức ăn công nghiệp gây ra…

Đọc đến đây, hẳn các bạn sẽ cảm thấy một bức tranh màu xám cho thành thị phải không? Nhưng thực tế cũng không phải hoàn toàn xám xịt như vậy, bởi ở đâu cũng có cái khó, cái tốt. Thấy trong bụi hoa hồng có gai hay trong gai có hoa hồng là do lựa chọn góc nhìn của mỗi người. Không phải tự nhiên mà bao đời nay, người ta vẫn cứ Nam tiến, hút hết về Sài Gòn.

2/ Khó khăn

Khó kiếm tiền: Hà Nội, Sài Gòn dù chi phí cao nhưng thị trường rất rộng lớn, đồng nghĩa với nhiều cơ hội kiếm tiền, nhiều người sẵn sàng trả tiền sử dụng dịch vụ… Còn ở quê, thị trường quá hẹp, sức tiêu quá thấp, ít công ăn việc làm, nên khó săn việc hơn… Để kiếm được mức lương 20-30 triệu một tháng ở quê là cả một vấn đề lớn. Nếu chọn làm nông nghiệp thì quá vất vả, đòi hỏi các bạn phải công nghiệp hóa nông nghiệp, gia tăng được giá trị, giỏi bán buôn, chứ với giá mua tại vườn hiện nay thì khó mà trụ được. Nhiều lúc một kg gà còn rẻ hơn một kg thức ăn cho gà. Còn bán buôn thì đòi hỏi bạn phải có nghề truyền thống, hay có những lợi thế đặc trưng nào đó

Sức ỳ lớn: Ngược với sự năng động của thành phố lớn, nhịp sống ở quê rất chậm, vì sống nhàn nên con người dần cũng chậm theo. Mà chậm thì sẽ thiếu tác phong công nghiệp, thiếu sự cầu tiến… từ đó rất khó duy trì năng lượng, duy trì sự quyết tâm… những thứ quyết định đến thành công. Theo kinh nghiệm của tôi, đây có lẽ là rào cản khó vượt qua nhất khi về quê.

An sinh xã hội thấp: Nói về tiện ích, có lẽ không đâu bằng Hà Nội, Sài Gòn, thượng vàng hạ cám, muốn cỡ não cũng có. Còn về quê, bạn không có nhiều lựa chọn trường lớp cho con đi học, địa điểm khám chữa bệnh, hay quán xá để tụ tập cuối tuần… Tất nhiên, trước đây, quê là nhà quê, nhưng nhờ sự phát triển các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, viễn thông, đô thị hóa, các mô hình chuỗi… nên giờ, chênh lệch này giữa quê và phố không còn nhiều như xưa.

Văn hóa địa phương: Có một số nét văn hóa địa phương gây ra nhiều khó khăn khi bạn về quê. Nếu ở thành phố lớn đúng nghĩa “đèn nhà ai, nhà nấy sáng”, việc ai nấy làm, thì ở quê, có những chuyện dở khóc dở cười. Chẳng hạn như một bạn gái tối đó mua xoài về ăn là có khi sáng hôm sau cả xóm truyền tai nhau “con bé có bầu”. Rồi họ nhận xét, bình bàn, điều tiếng… gây ra áp lực cho nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn có phần khác biệt, sáng tạo, cá tính.

Thời tiết khắc nghiệt: Khía cạnh này là tùy vùng miền. Nếu ba tháng cuối năm Sài Gòn tập trung chạy nước rút, tăng năng suất, cán mốc mục tiêu năm, thì ở quê, mùa đông về, lạnh lẽo, suốt ngày trùm mền, bầu trời chỉ có một màu xám xịt, ngày cũng như đêm, ngắm mưa rả rích… bạn chỉ ở nhà và tiêu từng “giọt” tiền tích lũy. Chưa kể năm nào không may, bão lớn, lũ về là chuồng trại, gà vịt, heo bò… trôi theo sông nước, thiệt hại rất nặng nề.

Tóm lại, dù ở bất cứ nơi đâu, thì cơ hội luôn ở đó sẵn sàng chờ bạn nắm bắt. Nếu bạn đang có băn khoăn về con đường sự nghiệp của mình, dù là sinh viên mới vào nghề, người muốn chuyển việc, chuyển ngành, thậm chí người đi làm lâu năm,… đội ngũ TopCV luôn sẵn sàng hỗ trợ và đồng hành cùng bạn. Chuyên gia TopCV sẽ giải đáp tất cả băn khoăn của bạn trong vấn đề hướng nghiệp và tìm việc, giúp bạn tìm ra con đường của chính mình.

Bài viết: Phượng Lê | Thiết kế: Hiền Nguyễn