Có thể khi mới đọc tiêu đề, bạn sẽ vụt nghĩ: Được thăng chức thì tội gì mà từ chối? Trên đời này làm gì có ai không thích một công việc tốt với mức lương cao và chức vị khiến người người ngưỡng mộ.
>>> Sếp cưới nên để phong bì bao nhiêu cho vừa?
>>> Sếp mới làm gì khi bị nhân viên “bật lại
Nhưng bạn nhầm rồi. Không phải ngẫu nhiên mà dân gian ta lại có câu “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Bạn thích, nhưng chưa chắc người khác đã muốn. Bởi vì vị trí cao hơn đồng nghĩa với các gánh nặng về trách nhiệm cũng tăng theo, nên trong một số hoàn cảnh, bạn cần phải từ chối thăng chức để không làm mất sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc.
Đôi khi quyết định đồng ý thăng chức vội vàng lại phản tác dụng nếu bạn chưa thực sự sẵn sàng, gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả làm việc. Do đó, khi được đề xuất một vị trí mới tốt hơn, bạn cần phải bình tĩnh, tự vấn bản thân 4 câu hỏi sau:
-
Bạn đã sẵn sàng đảm nhận chức vụ mới chưa?
“Sẵn sàng” ở đây là cả về kiến thức lẫn kỹ năng. Dẫu biết rằng sếp muốn thăng chức cho bạn vì nhìn thấy năng lực của bạn trong công việc hiện tại. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn đã chuẩn bị sẵn tinh thần đảm nhận một chức vụ mới đòi hỏi nhiều yêu cầu cao hơn. Nếu chưa thực sự sẵn sàng, hiệu quả công việc của bạn có thể bị kéo xuống, thậm chí gây tổn hại đến con đường sự nghiệp sau này.
Và đôi khi, nguyên nhân bạn chưa “sẵn sàng” lại xuất phát từ chính công việc cũ. Đấy là trong trường hợp bạn rất yêu thích công việc hiện tại. Chấp nhận một vị trí mới khiến bạn không còn được làm công việc yêu thích với những đồng nghiệp quen thuộc nữa. Ảnh hưởng tâm lý này tưởng chừng như không đáng kể nhưng lại tác động khá lớn đến sự thích nghi và hiệu suất làm việc mới đấy.
-
Bạn có muốn nhận thêm các trách nhiệm mới không?
Chức vụ tăng, trách nhiệm tăng. Đầu việc tăng, tần suất công việc cũng tăng. Bạn có thể sẽ phải đi công tác nhiều hơn, tham dự nhiều cuộc họp hơn, chịu trách nhiệm quản lý nhiều người hơn, điều phối nhiều chiến dịch quan trọng hơn… Và nếu không hoàn thành tốt, có thể bạn còn bị phạt nặng hơn. Hãy thử nghĩ, liệu bản thân mình có muốn chịu nhiều căng thẳng như vậy không?
-
Cơ hội mới này có phải con đường sự nghiệp bạn chọn?
Nếu đã có những hoạch địch cụ thể cho mục tiêu nghề nghiệp, bạn hoàn toàn có thể nhận thức được quyết định nào ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp của mình. Hãy đảm bảo rằng mọi đường đi nước bước của bạn đều có thể trở thành bàn đạp phát triển cho tương lai. Vậy nên đừng ngần ngại từ chối những cơ hội không giúp ích được gì cho mục tiêu sự nghiệp của bản thân. Biết buông bỏ những thứ không cần thiết mới là người sáng suốt.
Nếu trong trường hợp lần đề bạt này đúng với dự định nghề nghiệp của bạn rồi, hãy nhìn xa hơn xem với vị trí này bạn có thể thăng tiến nữa không. Và nếu có thể, bạn sẽ phải mất bao lâu. Đôi khi, giậm chân mãi tại một vị trí không cao cũng không thấp khiến con người ta vô cùng chán nản và mất hết động lực ban đầu.
-
Vị trí mới có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn không?
Trách nhiệm công việc tăng lên khiến bạn không còn nhiều thời gian chăm lo cho bản thân và gia đình. Không ít người đã bị “stressed” nặng khi công việc can thiệp quá nhiều vào cuộc sống cá nhân. Vậy nên hãy xem xét thật kỹ những giá trị cuộc sống bạn phải đánh đổi khi làm công việc mới này có quá sức chịu đựng của bạn không nhé.
Sau khi đã suy nghĩ kỹ những câu hỏi trên và cảm thấy chưa phải là lúc để thăng tiến, hãy phản hồi lại sếp của bạn khôn ngoan. Giải thích lý do bạn không muốn thăng tiến thật rành mạch, chia sẻ thật lòng rằng vị trí hiện tại là tốt nhất cho bạn và cho toàn công ty. Sau đó hãy tiếp tục làm việc thật tốt để có những cơ hội sau phù hợp hơn.
Chúng ta đều hiểu, chấp nhận một con đường mới chưa bao giờ là dễ dàng. Quan trọng là bản thân bạn đã sẵn sàng và dám chấp nhận những thử thách mới hay chưa.
Nếu vẫn đang mông lung trên con đường nghề nghiệp, đừng ngần ngại tìm đến TopCV để hiểu rõ mình hơn và tìm được công việc phù hợp nhé!