Khi nghĩ đến nhà lãnh đạo, mọi người thường nhắc đến các yếu tố trí thông minh, chuyên môn giỏi, có tầm nhìn…Nhưng những điều này không giúp họ giải quyết các mối quan hệ trong doanh nghiệp, giữ chân nhân viên, đối mặt với thách thức, khó khăn… Điều gì giúp nhà lãnh đạo làm nên sự khác biệt đó? Câu trả lời chính là trí tuệ cảm xúc. Trí tuệ cảm xúc giúp phân biệt các nhà lãnh đạo bình thường và nhà lãnh đạo vĩ đại.
Trí tuệ cảm xúc là gì?
Theo từ điển tâm lý học APA, trí tuệ cảm xúc là một loại trí thông minh liên quan đến khả năng xử lý cảm xúc và sử dụng nó trong các hoạt động nhận thức khác. Trí tuệ cảm xúc bao gồm:
- Nhận thức cảm xúc: Nhận diện và gọi tên cảm xúc
- Xử lý cảm xúc: Tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện cảm xúc này, những hành động nào thường gợi lên cảm xúc đó, các khuôn mẫu cảm xúc…
- Quản lý cảm xúc: Điều chỉnh cảm xúc, đưa ra các quyết định phù hợp, không để cảm xúc dẫn dắt.
Nhận thức là nền tảng của trí tuệ cảm xúc
Trí tuệ cảm xúc bắt đầu từ sự tự nhận thức về bản thân. Đó là:
- Tự nhận thức về bản thân:
Tự nhận thức là khả năng một người nhận diện được cảm xúc, những tác động của cảm xúc lên suy nghĩ, hành vi của mình. Tự nhận thức về bản thân thể hiện mức độ một người nhìn rõ những giá trị, đam mê, điểm mạnh, điểm yếu, niềm tin giới hạn của bản thân.
- Nhận thức về xã hội:
Học cách nhìn vào điểm mạnh của người khác, để tạo ra động lực, truyền cảm hứng từ đó có những mối quan hệ tốt đẹp. Nhận biết về người khác cũng là nắm bắt cảm xúc, quan điểm, góc nhìn của họ.
Khi có năng lực tự nhận thức về bản thân và xã hội một người sẽ có khả năng tự quản lý bản thân và quản lý các mối quan hệ trong cuộc sống.
Môi trường doanh nghiệp là một tập hợp rất nhiều mối quan hệ đan xen, chồng chéo. Nếu người lãnh đạo không có khả năng quản lý các mối quan hệ này, công việc sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Daniel Goleman – nhà tâm lý học, tác giả cuốn sách “Trí tuệ cảm xúc”, đã chia sẻ trên Harvard Business Review rằng những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất giống nhau ở một điểm đó là họ đều có trí tuệ cảm xúc cao. 90% sự khác biệt giữa những nhà lãnh đạo tài giỏi và những nhà lãnh đạo trung bình là do các yếu tố trí tuệ cảm xúc quyết định chứ không phải là chuyên môn.
Trong nghiên cứu năm 1996 về một công ty thực phẩm và đồ uống toàn cầu, McClelland phát hiện ra rằng khi các nhà quản lý cấp cao có năng lực trí tuệ cảm xúc cao, thì bộ phận của họ đã vượt 20% kế hoạch hàng năm.
Trí tuệ cảm xúc đối với nhà lãnh đạo là khả năng nhận biết và quản lý cảm xúc của mình, cũng như cảm xúc của người khác ở nơi làm việc. Theo Daniel Goleman, trí tuệ cảm xúc bao gồm 5 yếu tố: Tự nhận thức về bản thân, tự quản lý bản thân, động lực, đồng cảm, kỹ năng xã hội.
1. Tự nhận thức bản thân
Tự nhận thức bản thân là yếu tố đầu tiên của trí tuệ cảm xúc. Tự nhận thức bản thân là khả năng một người hiểu về cảm xúc, điểm mạnh, điểm yếu, nhu cầu và động lực của mình. Những người có năng lực tự nhận thức bản thân cao thường không quá đề cao hay phán xét bản thân. Họ nhìn nhận bản thân một cách khách quan.
Khi có năng lực tự nhận thức bản thân cao, các nhà lãnh đạo sẽ nhận ra cảm xúc ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của mình, ảnh hưởng đến cả những người xung quanh và hiệu quả công việc. Nhà lãnh đạo có tự nhận thức bản thân cao nhìn ra được điểm yếu của mình và đưa ra những biện pháp cải thiện.
Tự nhận thức về bản thân giúp nhà lãnh đạo biết được những giá trị họ muốn theo đuổi và có hành động nhất quán dựa trên những điều đó.
2. Tự quản lý bản thân
Tự quản lý bản thân là khả năng một người có thể điều chỉnh được cảm xúc của mình. Trong cuộc sống ai cũng phải trải qua những cảm xúc khó chịu, tức giận, căng thẳng,… nhưng nhờ khả năng tự quản lý bản thân mà những người có trí tuệ cảm xúc cao có thể dừng lại suy nghĩ, tìm phản ứng phù hợp thay vì để cảm xúc dẫn dắt.
Trong tổ chức, khả năng tự quản lý bản thân của lãnh đạo rất quan trọng. Nhà lãnh đạo có khả năng tự quản lý cảm xúc tốt khiến mọi người xung quanh cảm thấy an toàn, được đối xử công bằng trong công việc. Họ sẽ không nổi giận, quát mắng nhân viên vô cớ mà nhận biết được những cảm xúc khó chịu của bản thân, dừng lại quan sát, tìm hiểu nguyên nhân, gốc rễ của cảm xúc. Khi tự quản lý bản thân tốt, nhà lãnh đạo cũng sẽ nhìn sự việc một cách khách quan, đưa ra những phản ứng có tính toán đến cảm xúc của nhân viên.
Trong môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh cao, nhà lãnh đạo có khả năng tự quản lý bản thân sẽ bình tĩnh trước những tình huống khó khăn, đưa ra những nhận xét, đánh giá không bị cảm xúc dẫn dắt. Họ có khả năng thích nghi nhanh, tìm cách đối mặt với những thay đổi hơn là chỉ trích, lo lắng, sợ hãi.
3. Động lực
Động lực là thứ thúc đẩy một người hành động, giữ cho họ luôn tiến về phía trước. Có 2 loại động lực đó là động lực bên ngoài và động lực bên trong.
Động lực bên ngoài đến từ chức vụ, tài chính, sự ngưỡng mộ của mọi người…Động lực bên trong đến từ những mong muốn, khát khao hoàn thành công việc, đạt được mục tiêu đề ra. Những người làm việc với động lực bên trong thường kiên trì, không ngừng nâng cao năng suất, cống hiến hết mình cho công việc.
Doanh nghiệp thường mong muốn tìm kiếm nhà lãnh đạo được thúc đẩy bởi động lực bên trong. Nhà lãnh đạo làm việc xuất phát từ động lực bên trong thường tìm kiếm những thử thách, sáng tạo và không ngừng học hỏi. Họ có một nguồn năng lượng dồi dào và tự hào khi hoàn thành tốt một công việc.
Trong các hoàn cảnh khó khăn, thách thức thì sự tự điều chỉnh bản thân và động lực từ bên trong giúp nhà lãnh đạo không đầu hàng trước những khó khăn mà luôn tìm giải pháp để giải quyết vấn đề.
4. Đồng cảm
Đồng cảm là yếu tố được mọi người biết đến nhiều nhất trong trí tuệ cảm xúc. Đồng cảm là khả năng một người có thể kết nối cảm xúc với người khác, quan tâm đến cảm xúc, quan điểm của những người xung quanh. Đây là một kỹ năng quan trọng cần có để xử lý các mối quan hệ trong và ngoài doanh nghiệp.
Nhà lãnh đạo có sự đồng cảm thường cân nhắc đến cảm xúc, phản ứng của nhân viên, khách hàng trong quá trình đưa ra quyết định. Đồng cảm còn giúp lãnh đạo hiểu, tôn trọng những quan điểm khác biệt, có những đối sách hợp lý trong việc giữ chân nhân viên và đàm phán kinh doanh. Một nhà lãnh đạo đồng cảm sẽ nhận được sự tôn trọng, lòng trung thành của nhân viên.
5. Kỹ năng xã hội
Kỹ năng xã hội liên quan đến khả năng một người quản lý mối quan hệ của mình với những người khác. Kỹ năng xã hội là kết quả của các khía cạnh khác trong trí tuệ cảm xúc. Một người quản lý các mối quan hệ hiệu quả khi họ có thể hiểu, kiểm soát cảm xúc của chính mình và có thể đồng cảm với cảm xúc của người khác.
Nhà lãnh đạo với khả năng quản lý mối quan hệ tốt, có khả năng xây dựng được mạng lưới quan hệ rộng và chất lượng, điều này ảnh hưởng tích cực trong kinh doanh. Họ cũng có khả năng xử lý các xung đột bằng ngoại giao, truyền cảm hứng, hướng dẫn và phát triển các thành viên trong công ty điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu suất làm việc.
Một số người bẩm sinh có trí tuệ cảm xúc cao hơn so với những người khác, nhưng đây là kỹ năng rèn giũa được. Dưới đây là một số bước bạn có thể cân nhắc và thực hiện:
- Biết được điều gì quan trọng với bạn. Nghĩa là đánh giá lại giá trị và nguyên tắc mà cá nhân bạn xem trọng, cũng như những gì thúc đẩy doanh nghiệp của bạn.
- Sẵn sàng thừa nhận sai lầm và đối mặt với hậu quả. Tránh đổ lỗi cho người khác, sẵn sàng cho thấy bạn và hành động của mình chịu ảnh hưởng như thế nào bằng cách nhận trách nhiệm.
- Tập giữ bình tĩnh và lý trí khi những cảm xúc như tức giận, thất vọng hay khó chịu có nguy cơ chiếm lấy bạn. Bạn có thể lùi lại, tạm dừng và tập thở để bình tĩnh lại.
- Ý thức được giọng nói và ngôn ngữ cơ thể của bạn khi giao tiếp với người khác.
- Sẵn sàng nỗ lực giành lấy sự tôn trọng, cũng như chờ đợi đội ngũ hiểu hơn về bạn và tin tưởng bạn.
- Tìm cách duy trì động lực. Suy ngẫm lại động lực thúc đẩy bạn và thường xuyên đặt mục tiêu mới.
- Rèn luyện tinh thần lạc quan. Cố nhìn nhận mọi tình huống theo hướng tích cực và để những người khác tham gia vào quá trình đó.
- Kết nối với mọi người ở cấp độ cá nhân. Dành thời gian tìm hiểu về từng cá nhân trong đội ngũ và cố hiểu được những trải nghiệm đa dạng của họ. Như vậy, bạn có thể cân nhắc những điều quan trọng với họ khi tương tác, đồng thời thông cảm với cách họ phản ứng với tình huống và cảm xúc
- Không ngại khen ngợi. Lãnh đạo và quản lý không nên chỉ khen ngợi vì kết quả. Bạn cũng cần ghi nhận công khai nếu phù hợp khi nhân viên tiến bộ rõ rệt, thậm chí khi họ chỉ đóng góp một phần nhỏ vào thành công và bất cứ khi nào bạn nhận thấy họ có điểm tiến bộ.
- Lắng nghe và tiếp tục lắng nghe. Lắng nghe hiệu quả cũng có nghĩa là tránh phán xét, tạo không gian an toàn để chia sẻ ý tưởng và mối lo ngại. Trong quá trình phát triển kỹ năng giao tiếp, hãy nhờ mọi người đóng góp ý kiến và sẵn sàng làm theo để cho thấy bạn lắng nghe họ.
- Trao cho mọi người cơ hội lên tiếng. Đảm bảo mọi người có cơ hội đóng góp và cảm thấy được lắng nghe. Một số người cần nhiều thời gian hơn người khác để cảm thấy tự tin đóng góp. Vì vậy, hãy kiên nhẫn.
- Giao tiếp bằng lòng đồng cảm. Lòng đồng cảm là chìa khóa đảm bảo sự đa dạng của tổ chức. Hãy đặt mình vào vị trí của người khác bất cứ khi nào có thể. Trước khi giao tiếp, hãy suy nghĩ về cách mọi người đón nhận thông điệp của bạn.
- Cẩn trọng xử lý xung đột. Thay vì ứng phó theo cách thông thường, hãy tìm hiểu các phương pháp giải quyết xung đột cho nhiều tình huống hoặc cá nhân khác nhau, đồng thời sẵn sàng thay đổi cách ứng phó.
Một nhà lãnh đạo giỏi không chỉ gây ấn tượng bởi kiến thức, tài năng mà còn bởi trí tuệ cảm xúc. Cách ứng xử tinh tế, khéo léo của lãnh đạo trong các tình huống sẽ khiến cho khó khăn dường như nhẹ đi và mọi mục tiêu cũng dễ dàng thực hiện hơn. Đó là người lãnh đạo mà mọi nhân viên đều tìm kiếm. Hy vọng bài viết này giúp ích cho bạn trong hành trình lãnh đạo ở hiện tại cũng như trong tương lai.
Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiết theo từ TopCV.
- Tham khảo thêm các mẫu CV để tăng 80% cơ hội trúng tuyển tại: https://www.topcv.vn/mau-cv
- Tìm việc làm chất lượng lương cao tại: Việc làm chất lượng
- Tải App TopCV để trải nghiệm tìm kiếm và ứng tuyển công việc chỉ với một chạm:
- – iOS: https://apple.co/2TSeTJA
- – Android: http://bit.ly/2FnLblz