Chốn công sở đầy rẫy thị phi, đồng nghiệp thân thiết hay không cũng nên giữ khoảng cách nhất định. Những câu chuyện xảy ra xung quanh chẳng khác nào “hậu cung” trên những bộ phim dài tập. Nơi mà người ta vẫn thường nhắc nhau, người mình tin tưởng chưa chắc đã thuộc phe mình; lời mình nói ra chưa chắc đã không bị đưa đẩy thất thiệt hay đơm đặt đủ kiểu.
Môi trường công sở đích thị là một nơi tai vách mạch rừng. Không cẩn thận, chỉ cần lỡ mồm một chút thôi, bạn cũng có thể lãnh hậu quả hoặc khiến cả công ty dậy sóng ầm ĩ. Nếu không muốn trở thành người gây sóng gió hoặc trở thành đối tượng bị nhỏ to; dân công sở đặc biệt là hội chị em nên thận trọng, đừng dại kể 4 câu chuyện này cho đồng nghiệp.
>> Xem thêm: Chia bè kết phái chốn công sở: Đi làm hay “nội chiến thâm cung”?
Đừng than vãn áp lực công việc cho đồng nghiệp
Suy cho cùng, công việc nào cũng có áp lực. Tuy nhiên, việc đón nhận và xử lý áp lực mới là điều mà dân công sở nên nghĩ tới. Chứ không phải mang ra than thở và kể lể với đồng nghiệp. Chẳng hạn lọt vào tai một kẻ chẳng ưa gì mình, khác nào tự biến mình thành một kẻ lười biếng, không có năng lực và kỹ năng gì trong mắt họ.
Có những điều đôi khi bạn nghĩ là vô thưởng vô phạt nhưng lại trở thành cái cớ để kẻ xấu lợi dụng và hạ bệ ta bất cứ lúc nào. Con đường thăng tiến, cuộc sống chốn công sở bất trắc chỉ vì chút lời than vặt thật không đáng tí nào, phải không?
Chưa kể cảm xúc là thứ rất dễ lan truyền; nhất là những cảm xúc tiêu cực. Vậy nên nếu bạn cứ thở dài thườn thượt, nằm gục xuống ngủ hay kể lể ngày nọ qua ngày kia; đồng nghiệp của bạn sẽ cảm thấy thế nào? Chắc chắn họ sẽ chẳng có gì vui vẻ. Tốt nhất có áp lực thì cũng tìm cách giải quyết, than thở chẳng giúp được gì nhiều khi chỉ chuốc hại vào thân.
>> Xem thêm: Ngay cả những người bản lĩnh nhất cũng mắc phải 4 áp lực vô hình này tại công sở
Đừng kể lể cuộc sống riêng tư cho đồng nghiệp
Tiên Cookie có một bài hát mang tên “Tâm sự cùng người lạ” nói về việc đôi khi chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi tâm sự, kể chuyện với một người không biết quá rõ về bản thân ta (người lạ). Thế nhưng, đời không như là mơ. Sai lầm bắt nguồn từ những suy nghĩ kiểu thế này. Những đề tài trong các cuộc “buôn dưa lê” nói xấu sau lưng đồng nghiệp của kẻ xấu tính chưa bao giờ bị giới hạn ở phạm vi công ty, mà đó còn là chuyện cá nhân của người khác. Nên nhớ, công sở chẳng khác nào cái “hậu cung”, người mình tin tưởng chưa chắc là người thuộc phe mình, lời mình nói ra, chưa chắc đã không loang xa như hương hoa sữa đầu thu.
Chẳng hạn hôm nay bạn ngồi tỉ tê với một cô bạn đồng nghiệp chuyện thất tình thật sầu thảm, bi thương. Thế rồi cả hôm sau cả công ty đồn ầm lên bạn bị “bồ đá” thì bạn cảm thấy thế nào? Hay tự dưng sáng thứ 2 hào hứng kể cho hội đồng nghiệp về buổi party nóng bỏng đêm chủ nhật. Đến lúc họp hành, công việc năng suất không hiệu quả, sếp lôi ra nhắc nhở “Em bớt ăn chơi lại đi!” nghe có chua chát không?
Chia sẻ về tiền lương với đồng nghiệp
Tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm, có thể phá vỡ nhiều giới hạn và đẩy nhiều mối quan hệ tới bờ vực đổ vỡ. Môi trường công sở cũng không ngoại lệ, nhất là tiền lương. Có thể nói, thảo luận về tiền lương với đồng nghiệp là điều không nên. Bởi bạn không chủ động nói ra nhưng lắm lúc hay bị đồng nghiệp “gài bẫy” dẫn đến việc tiện mồm “khai” ra hết.
Lý do buộc chị em không được chia sẻ bàn tán về vấn đề lương bổng của nhau đã được cố vấn nhân sự Samantha Moyer của trường cao đẳng Marymount Manhattan giải thích: “Đừng thảo luận với đồng nghiệp về mức lương, thưởng của cá nhân bạn. Nếu bạn biết rằng, công ty đãi ngộ khác nhau giữa các nhân viên, điều đó sẽ dẫn đến sự oán giận của bạn hoặc của đối phương”.
Ý định thay đổi công việc
Nếu có ý định thay đổi công việc sang một công ty khác; dù lý do là tích cực hay tiêu cực; bạn cũng đừng kể cho đồng nghiệp. Bởi lẽ khi thông tin về ý định nhảy việc của bạn bị rò rỉ đến tai sếp, rất có thể sếp sẽ cho bạn vào “danh sách đen”, “tặng” thêm vài trở ngại khó nhằn và chính thức sa thải bạn trước khi bạn thực sự sẵn sàng để rời khỏi công ty hoặc khi chưa có sự chuẩn bị tốt nhất cho công việc mới. Suy cho cùng, từ ý định đi đến hành động cũng là một khoảng cách khá xa.
Để giải quyết vấn đề này, chuyên gia nhân sự Moyer khuyên chị em: “Bạn nên trình bày quyết định nghỉ việc của mình với sếp trực tiếp đầu tiên. Đừng để sếp nghe thông tin về kế hoạch nghỉ việc của bạn từ đồng nghiệp. Nếu điều đó xảy ra, tốt nhất bạn nên ngay lập tức gặp ông chủ và nói về quyết định của mình”.
- Tham khảo thêm các mẫu CV để tăng 80% cơ hội trúng tuyển tại: https://www.topcv.vn/mau-cv
- Kết nối với TopCV tại fanpage: TopCV Việt Nam
- Tải App TOPCV để trải nghiệm tuyển dụng qua smartphone
IOS: https://apple.co/2TSeTJA
Android: http://bit.ly/2FnLblz