Trắc trở như tình yêu công sở

Người ta gọi tình yêu học trò là “gà bông” vậy có chăng tình yêu công sở nên được gọi là “gà công nghiệp”.

Ừ thì cũng phải, hãy tưởng tượng nơi bạn đang làm việc chính là một cái “chuồng” cao cấp với đèn đóm sáng trưng và điều hòa mát mẻ. Chúng ta – thế hệ văn phòng – chắc chắc là những chú “gà công nghiệp” chen chúc trong bốn bức tường.

Mà khổ một nỗi, bước chân nam nữ đi tới đâu là hoa tình yêu đều đâm chồi nảy lộc, khi thế hệ trẻ ngày nay dành 8 tiếng mỗi ngày chôn chân ở văn phòng thì cũng là lúc tình yêu công sở được dịp tràn lan. Và tất nhiên, ở một môi trường nhốn nháo và thị phi không kém gì showbiz, câu chuyện tình yêu tưởng toàn màu hồng cũng bông nhiên loang lổ hẳn!

Định kiến về tình yêu công sở

  • “Yêu vào thì làm việc kiểu gì”

Văn phòng dĩ nhiên là môi trường mà công việc được ưu tiên hàng đầu. Dân công sở được nghe nhiều khái niệm KPI hơn là khái niệm Mr. right, nhìn màn hình máy tính nhiều hơn là nhìn thấy mặt người, quan tâm tới deadline hơn một dịp kỷ niệm đặc biệt nào đó.

rất nhiều công ty hiện nay đã có quy định cấm yêu ?

Trong một môi trường như vậy thì việc tình yêu ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc là chắc chắn. Mọi công việc đều kém hiệu quả nếu bạn mang yếu tố cá nhân vào đó, huống hồ tình cảm lại là thứ cá nhân hơn cả.

Làm sao có thể làm việc với một người mà vừa mấy phút trước vừa cãi vã với bạn, hay là sao để công bằng đánh giá sản phẩm của một người mà bạn rất thương? Nếu muốn tình yêu và công việc cùng tồn tại ở một nơi thì bạn nhiều lúc phải đánh đổi bằng việc chỉ làm tốt được một thứ. Đối với thế hệ Y lớn lên trong cuộc cách mạng công nghệ số, ám ảnh với sự cạnh tranh và khao khát thành công thì một vài tình cảm nhất thời có đáng đánh đổi con đường sự nghiệp phía trước?

  • Dùng “Tình” mua quyền lợi

Công sở là một môi trường mang tính phân hóa cao: sếp – nhân viên, leader – member, master – beginer… Tình cảm nảy sinh trong một môi trường bất bình đẳng sẽ có những biến thể méo mó.

Không hiếm những trường hợp người ta mang danh nghĩa “tình yêu” để che giấu cho một mục đích vị kỷ hơn: muốn được thăng tiến, muốn một thiên vị, thậm chí chia sẻ kinh nghiệm làm việc. Vô hình chung tạo nên cái mác không đẹp mắt cho “tình yêu công sở”. Khiến những tình cảm đơn thuần trong sáng cũng không tránh được điều tiếng.

Bạn có sẵn sàng bắt đầu một mối quan hệ với đầy những lời dèm pha đố kị chốn văn phòng. Bắt đầu một tình yêu công sở nghĩa là bạn đang đưa mình vào tầm ngắm, trở thành miếng mồi ngon cho hội buôn chuyện chị em. Bỗng nhiên chuyện hôm nay bạn mang một chiếc váy đẹp, thay chiếc cà-vạt mới hay thậm chí nhặt hộ một chiếc bút rơi cũng trở thành tình tiết cho một câu chuyện drama lâm li bi đát mà đôi khi bạn buộc phải đóng vai phản diện.

  • Người yêu hay thám tử?

Khoảng cách giữ lửa cho tình yêu – ấy là một ý kiến hoàn toàn hợp lý. Vậy trường hợp tình yêu công sở “vào đụng ra chạm” thì sao? Bạn phải chấp nhận rằng không gian riêng nhiều khi là một thứ xa xỉ.

Đâu ai dám đùa vui thoải mái với bạn bè nếu có người yêu kè kè bên cạnh. Hơn hết, chung văn phòng với người yêu có nghĩa là cuộc sống của bạn 100% public. Mọi thứ từ thời gian biểu hay lời ăn tiếng nói của bạn đều dễ dàng được vào tầm ngắm. Sự quan tâm thái quá chính là giám sát. Với cảm giác luôn có một thám tử theo sát hằng ngày thì không khéo một ngày nào đó chính bạn lại chết ngợp trong tình yêu của mình.

Làm thế nào để vừa làm vừa yêu?

Cuộc sống luôn cần sự cân bằng, tình yêu cũng thế, tình yêu công sở lại càng cần hơn. Có những nguyên tắc mà những cặp tình nhân văn phòng nên nhớ để bảo vệ tình yêu

Tách biệt công việc – tình cảm

Mọi cãi vã tranh chấp tốt nhất nên để lại phía sau cánh cửa thang máy. Tất nhiên con người sẽ là động vật máu lạnh nếu có thể gạt phăng cảm xúc của mình trong 3 giây. Một số nguyên tắc nhỏ để hạn chế nhất việc để cảm xúc chen vào công việc là:

  • Trong giờ làm chỉ trao đổi thông tin về công việc.
  • Xưng hô nghiêm túc, chừng mực
  • Không thể hiện tình cảm công khai ở văn phòng
Hạn chế làm việc trực tiếp với nhau

Nhiều người sẽ cho rằng đây là một phương pháp tiêu cực, “”đường cùng”. Tất nhiên nếu yêu câu công việc bắt buộc các bạn phải làm việc cùng nhau thì chẳng còn gì để bàn. Tuy nhiên trong trường hợp bạn có nhiều opptions để lựa chọn và không có yếu tố về quyền lợi, cơ hội phát triển quyết định thì tốt nhất bạn hãy chọn một không gian làm việc “no love”. Vừa thoải mái lại tránh được thị phi.

Làm tốt công việc của mình

“Cây ngay không sợ chết đứng” nếu bạn là một nhân viên giỏi thì chắc chắn không ai có thể làm khó bạn. Tình yêu không thể trở thành một yếu tố gây khó khăn trong công việc nếu bạn không cho nó cơ hội để làm điều đó. Hãy cứ hoàn thành deadline đúng hạn, cho ra nhiều sáng kiến tốt, trở thành một nhân viên chủ động làm việc. Lúc đó hình ảnh bạn trong mắt người khác sẽ chỉ là năng lực, không phải thị phi. Hơn hết, làm sếp dĩ nhiên thoải mái hơn làm nhân viên, yêu cũng vậy. Và muốn làm sếp, trước hết phải giỏi!

Yêu đủ nhiều, mọi điều đều có thể.

Tình yêu công sở rắc rối, thị phi là vậy nhưng vẫn luôn tồn tại, thậm chí lại ngày một phổ biến. Tình yêu vẫn luôn ngọt ngào, tình yêu công sở thậm chí còn có thể ngọt ngào hơn bởi sự thấu hiểu nhau trong công việc, chia sẻ áp lực, quan tâm đúng lúc.

Có một câu nói rất hay “True love always wins” tình yêu thực sự là một điều đầy sức mạnh. Nếu tình yêu đủ trưởng thành và mạnh mẽ thì có lẽ việc nó tồn tại ở đâu là không còn quan trọng. Tất cả những khó khăn mà bạn phải vượt qua cuối cùng chỉ là những gia vị cho tình cảm thêm đậm đà và sự thăng hoa trong tình yêu biết đâu chính là chìa khóa cho những thành công khác!

Tú Anh