Tốt nghiệp Marketing nhưng chắc chắn trường học không dạy bạn những điều sau!

Blogger Giang ơi chia sẻ về công việc Marketing từ trải nghiệm của chính bản thân mình. Sau 4 năm học tập và làm việc ở cả trong nước và nước ngoài, cùng lắng nghe xem cô gái trẻ đã nghiệm ra những gì nhé!

Bài viết được chia sẻ trên blog cá nhân của blogger nổi tiếng Giang ơi.

Nội dung bài viết

Nguyên văn chia sẻ

Tính đến thời điểm blog này được viết, mình đã làm trong ngành marketing được gần 2 năm. Đây là một thời gian không dài và mình còn rất rất, rất nhiều thứ phải học. Nhưng mình rất hào hứng.

Công nghệ và mạng internet đã đưa ngành marketing đến một thời kỳ mà mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng. Và tất cả những phương pháp từng đúng trước đây trở nên khác đi. Và mình thực sự hào hứng khi liên tục được thử nghiệm, rút kinh nghiệm, thử nghiệm. Rồi lại rút kinh nghiệm để tìm cách làm chủ được sự vận động đó.

Tốt nghiệp đại học ngành Fashion Design & Technology. Mình ra trường và trở thành Phóng viên Thời Trang/Stylist cho một tạp chí. Gần 2 năm làm việc ở đây, công việc của mình gắn liền với chụp ảnh thời trang, viết bài, phỏng vấn người nổi tiếng. Các sự kiện quảng bá và quan hệ với các thương hiệu. Những điều này đã cho mình một nhận thức thực tế về marketing, thương hiệu, hình ảnh, dư luận, truyền thông. Và sự ham thích của mình với ngành marketing cũng bắt đầu từ đây.

Mẫu CV nhân viên Marketing ngành F&B

cv nghề marketing

Làm tạp chí được gần 2 năm, mình quyết định nghỉ việc

Để đi học thạc sĩ ngành Fashion Marketing. Đây là thời gian để mình học về những khái niệm và quy trình cơ bản trong ngành marketing. Nghe kinh nghiệm của các chuyên gia trong ngành, quan sát và tìm hiểu về các thương hiệu ở đất nước đang học.

Sau khi tốt nghiệp, mình quay lại Sài Gòn và trở thành con mọt marketing. Trong tuần mình đi làm công việc marketing. Cuối tuần viết blog, làm video, lên ý tưởng về nội dung. Thời gian rảnh mình đọc và nghe thông tin về các nhãn hàng, mạng xã hội, những làn sóng mới trong tiêu thụ và đời sống.

Marketing không phải tiếp thị. Marketing không phải quảng cáo. Marketing là văn hoá, là thói quen, là cuộc sống của mình. Và bài viết này là để chia sẻ với bạn những điều không được dạy ở trường, những điều mình quan sát được, những điều mình suy nghĩ.

*LƯU Ý TO: Bài viết này không thay thế kiến thức cơ bản ở trường, không phải quy tắc marketing thời đại mới, không mang tính giáo dục, chỉ đơn thuần là chia sẻ 100% từ góc độ cá nhân.

Hầu hết các công ty sẽ không công nhận quan điểm Marketing của bạn

Quan điểm marketing là gì?

Nếu bạn đã và đang học. Chắc chắn bạn biết những kênh quảng bá hiện có cũng như những chiến lược phổ biến, đúng không?Ai cũng biết là có quảng cáo TV, radio, biển hiệu, sự kiện, digital banners, celebs & influencers (một số gọi là KOL gì đó), mạng xã hội, vân vân.

Nhưng tiền thì không phải vô tận và công ty nào cũng có con số ngân sách cho marketing. Và tất nhiên con số này phải hạn chế ở mức mà người ta (tức ban lãnh đạo công ty) tính toán để doanh thu còn có lãi chứ. Thế thì giữa bạt ngàn sinh viên ngành marketing tốt nghiệp ra trường. Ai cũng nắm lý thuyết trong sách. Lúc đó ăn nhau là ở chỗ quan điểm marketing thế nào.

Quan điểm marketing của bạn, nếu bạn làm ở một công ty, sẽ được trình lên những cấp cao hơn. Và trong hầu hết các trường hợp sẽ bị gạt đi không thương tiếc.

Tức là trong các kênh marketing hiện có, cái nào chọn. Cái nào bỏ qua, cái nào dồn nhiều lực, cái nào giữ ở mức sơ sơ. Quan trọng nhất là thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả tối đa cho vốn đầu tư tối thiểu. Đó là quan điểm marketing.

Chuyện này xảy ra vì nhiều lý do khác nhau. Có thể công ty đã quen với những cách làm cũ và quan điểm mới toanh của bạn làm cho ban quản trị cảm thấy không thoải mái. Có thể ngân sách của công ty không thể đáp ứng những gì bạn đề ra. Có thể người quản lý không thể lấy chính chức vụ và sự sống còn của họ trong công ty để đánh cược cho kế hoạch lạ lẫm của bạn. Hoặc có thể, cũng có thể, kế hoạch đó thực sự chả ra gì cả. Khi ở trong trường hợp này, bạn có vài sự lựa chọn.

Sự lựa chọn đầu tiên cũng là sự lựa chọn phổ biến nhất.

Đó là chấp nhận bỏ ý tưởng của mình. Đơn thuần thực thi những chiến lược công ty yêu cầu. Rồi đợi đến hết giờ làm phóng xe ra quán bia ngồi kêu ca về sự lỗi thời của ban quản trị. Chém gió về tầm vóc của những chiến lược bạn đề ra hiện lại nằm trong thùng rác máy tính văn phòng.

Sự lựa chọn thứ nhất này sau một thời gian thường sẽ dẫn đến sự lựa chọn thứ hai.

Đó là nghỉ việc. Xin làm ở một công ty mới. Nghe nói là trẻ, năng động và chịu khó đổi mới hơn. Để cuối cùng trong hầu hết mọi trường hợp là bạn lại cay đắng phát hiện ra rằng vẫn không ai thèm đếm xỉa đến quan điểm của bạn cả. Và rồi bạn lại theo lựa chọn thứ nhất.

Blogger Giang ơi – Tác giả bài chia sẻ (ảnh: internet)

Lựa chọn thứ ba là bạn đẻ ra một đứa con tinh thần của riêng bạn.

Kiên quyết vận hành nó theo quan điểm marketing của bạn và chứng minh rằng mọi người không tin tưởng bạn là sai (hoặc đúng). “Đứa con tinh thần” ở đây có thể dao động từ những thứ không cần đến một đồng vốn như một cái blog, một kênh thông tin, một website cá nhân. Cho đến những shop bán sản phẩm hoặc dịch vụ online. Và mình khuyến khích bạn theo lựa chọn này.

Hãy cứ giữ công việc ban ngày để có miếng cơm bỏ miệng và tấm áo trên lưng. Nhưng các buổi tối và cuối tuần hãy dùng chính quan điểm marketing của mình để market cho đứa con tinh thần ấy. Đây là cách tốt nhất để bạn nhanh chóng học hỏi, mày mò, trải nghiệm, làm sai, và rồi (hy vọng là) làm đúng. Để rồi kể cả nếu đứa con tinh thần đó không trở thành công việc toàn thời gian của bạn.

Lúc đó thì bạn cũng có thể dùng nó làm bằng chứng cho quan điểm marketing đúng đắn của mình ở công ty tiếp theo. Thời đại số cho bạn cơ hội để sản xuất và quảng bá nội dung với chi phí gần như bằng 0. Bởi vậy thay vì trách công ty, trách đồng nghiệp. Hãy suy nghĩ xem mình có thể làm gì để chứng minh rằng mình đúng.

Bạn không cần phải nghe ai cả

Cái này chắc chắn người ta sẽ không nói với bạn ở trường, nhưng thực tế là như vậy. Bạn cần học những khái niệm căn bản. Cần học cách quan sát và tư duy từ khía cạnh của một người làm marketing. Bạn không cần phải là một người dùng, cần học cách vận hành của một công ty tiêu chuẩn. Cần học từ các dẫn chứng của marketing thành công cũng như thất bại trong quá khứ.

Trường học sẽ dạy cho bạn những cái đó, nhưng sẽ không ai có thể dạy bạn marketing như thế nào là đúng khi bạn đi làm. Khái niệm “Đúng” trong ngành marketing chính là kết quả mang lại. Và đôi khi kết quả này lại không đến ngay sau một mùa quảng bá. Có những quyết định marketing đơn thuần nhằm tăng doanh số mùa. nNhưng cũng có những quyết định lùi một bước nhằm tiến nhiều bước về lâu dài.

Bạn cần hết sức thận trọng khi cứ lao vào nghe “kinh nghiệm thành công” của những người được coi là “bậc thầy ngành marketing”. Vì mục đích và hướng đi của mỗi doanh nghiệp/thương hiệu/cá nhân là khác nhau. Cái khó của ngành marketing là sự cân bằng mong manh giữa việc học hỏi từ những người đi trước và kiên quyết giữ ý kiến của mình. Đòi hỏi bạn phải có một độ “lì”. Đôi mắt liên tục quan sát và bộ não không ngừng phân tích tất cả những xu hướng xung quanh.

Đó cũng là lý do mình không chia sẻ quan điểm marketing của mình. Trừ khi được hỏi trực tiếp bởi bạn bè đã quen thân. Vì mình không cần bạn tin những gì mình nói. Và mình không cần ai gật gù công nhận mình nói đúng. Mình không có hứng thú ngồi cãi nhau tay đôi với một marketer nào trên đời xem ai đúng ai sai. TALK IS CHEAP. Tất cả đều sẽ là TRIED-AND-TRUE. Tức là đã nói được phải làm được và chứng minh bằng kết quả thực tế.

Bạn nghĩ bạn là Marketer? Thực ra bạn chỉ là người tiêu thụ mà thôi

Ở Việt Nam, ngành marketing còn rất rất, rất mới. Mà cái gì mới quá thì dễ khiến người ta hoang mang. Mình ngán ngẩm thực sự khi thấy nhiều bạn cứ ngơ ngác đi đóng tiền mua vé để nghe mấy “bậc thầy ngành marketing” chém gió. Rồi các bạn đó về nghĩ rằng những cái đó sẽ giúp bạn kiếm tiền nhanh. Mà khổ. Đọc ba cái mẩu quảng cáo pop-up. Ghi những câu như kiểu “Tôi sẽ dạy bạn bí quyết thành lập cỗ máy bán hàng tự động doanh thu 50,000 đô mỗi tháng mà bạn không cần làm gì cả”. Thế mà nhiều bạn cũng lao đầu mua vé đi nghe. Lại còn nghĩ mình đang học để trở thành marketer giỏi, thì thua các bạn luôn.

Nó đang làm marketing, đúng! Nhưng không phải market để xây dựng thương hiệu gì sất ngoài market chính mấy câu từ đó để lấy tiền vé của bạn thôi. Bạn nghĩ bạn là marketer nhưng bạn lại chẳng nhìn nổi ra chiêu marketing thô thiển của nó.

Kinh nghiệm marketing thực ra gần gũi hơn bạn nghĩ rất nhiều. Đang lái xe tự nhiên thấy tấm biển “Bưởi da xanh” mà không thấy ai. Bạn chậm lại nhìn, đi thêm 20m lại thấy tấm biển “Bưởi da xanh” nữa vẫn chả có ai. Mà cách đó 20m nữa mới là ông nông dân đứng cạnh cái xe bán bưởi. Bạn tấp vào để xem ổng bán bưởi cho bạn như thế nào. Cái đó chính là marketing chứ không gì xa xôi hết.

Hãy luôn luôn quan sát xem tại sao trong menu nhà hàng thường có hình ảnh món ăn rất đẹp đi kèm. Tại sao rạp phim chỉ thu thêm 1,000đ cho phần bắp rang lớn gấp đôi? Tại sao đồ chơi trẻ con hay được bày dưới những ngăn thấp ở quầy tính tiền siêu thị? Tại sao cái bài hát điện máy xanh kinh khủng lại cứ ám ảnh mãi không quên? Tại sao nước hoa nam mà poster quảng cáo lại thấy toàn nữ? tại sao? tại sao? tại sao?

Vì chỉ khi không ngừng quan sát và trả lời những câu hỏi tại sao, bạn mới có thể tìm thấy cơ hội trong marketing hiện đại.

Bạn nghĩ sao về những quan điểm trên? Cùng thảo luận với TOPCV nhé!