Tín chỉ là gì? Phương thức đào tạo theo tín chỉ tại trường đại học

tín chỉ là gì
Tín chỉ là gì? Phương thức đào tạo theo tín chỉ tại trường đại học

Khi tìm hiểu về chương trình đào tạo và học phí tại nhiều trường đại học, nhiều bạn thường bắt gặp từ “tín chỉ” mà chưa hiểu thuật ngữ này là gì. Trong bài viết sau, TopCV sẽ giới thiệu đến bạn đọc về tín chỉ là gì và những điều các bạn sinh viên cần biết khi học tín chỉ.

Tín chỉ là gì? Thế nào là học theo tín chỉ?

Tín chỉ là gì?

Tín chỉ là đơn vị dùng để đo lường khối lượng kiến thức, kĩ năng của một môn học mà người học cần phải tích lũy trong một khoảng thời gian nhất định và điều kiện học tập tiêu chuẩn gồm:

(1) Học tập trên lớp;

(2) Học tập trong phòng thí nghiệm, thực tập hoặc làm các phần việc khác có sự hướng dẫn của giáo viên;

(3) Tự học ngoài lớp như đọc sách, nghiên cứu, giải quyết vấn đề hoặc chuẩn bị bài.

Tín chỉ còn được hiểu là đại lượng đo lường khối lượng học phần mà sinh viên cần hoàn thành để nhận bằng tại các trường đại học.

Tín chỉ là gì? Học theo tín chỉ là gì?
Tín chỉ là gì? Học theo tín chỉ là gì?

Học theo tín chỉ là gì?

Cơ sở lý thuyết của hệ thống tín chỉ nằm ở việc chia chương trình học thành các đơn vị nhỏ gọi là “học phần,” mỗi học phần có số tín chỉ tương ứng. Sinh viên có thể lựa chọn học phần theo ý muốn, với điều kiện phải đạt đủ số tín chỉ được yêu cầu cho chương trình học của mình.

Một cách cụ thể hơn, theo Quy chế đào tạo trình độ đại học của Bộ giáo dục (2021) quy định về đào tạo theo tín chỉ là:

  • Là phương thức cho phép sinh viên tích lũy tín chỉ theo từng lớp học phần; tự xây dựng kế hoạch học tập của cá nhân có sự phù hợp với kế hoạch giảng dạy của cơ sở đào tạo.
  • Trường hợp sinh viên không đạt một học phần bắt buộc sẽ phải học lại học phần đó hoặc chọn một học phần tương đương có trong chương trình đào tạo. Nếu học phần đó không còn được giảng dạy thì chọn học một học phần khác thay thế.
  • Trường hợp sinh viên không đạt một học phần tự chọn sẽ phải học lại học phần đó hoặc học một học phần tự chọn khác theo quy định trong chương trình đào tạo.

Học theo tín chỉ là một hình thức học linh hoạt của chương trình giáo dục đại học, cho phép sinh viên tự chọn môn học và xác định tốc độ học tập của mình theo nhu cầu và sở thích cá nhân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc học tập và phát triển cá nhân.

Lịch sử hình thành tín chỉ

Lịch sử hình thành tín chỉ
Lịch sử hình thành tín chỉ

Hệ thống tín chỉ có nguồn gốc từ hệ thống giáo dục đại học ở Hoa Kỳ. Vào cuối thế kỉ 19, khi số lượng học sinh trung học ghi danh vào các trường đại học ngày càng gia tăng, tạo áp lực lớn lên quá trình xét tuyển của nhiều trường đại học.

Hệ thống tín chỉ ra đời giúp đánh giá và làm căn cứ đáng tin cậy để có thể ghi nhận và giải thích một cách rõ ràng về năng lực học tập của học sinh. Từ đó đơn vị tuyển sinh có thể chọn ra những sinh viên đạt chuẩn theo yêu cầu mà trường đại học đề ra.

Năm 1906, Đại học Harvard đã giới thiệu hệ thống tín chỉ và lần đầu tiên cho phép sinh viên chọn các môn học theo sở thích cá nhân.

Đến năm 1960, đào tạo tín chỉ bắt đầu được áp dụng tại các nước Tây Âu. Ở Châu Á, hệ thống tín chỉ cũng bắt đầu được sử dụng tại các nước: Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Trung Quốc. Phương thức đào tạo theo tín chỉ cũng được áp dụng ở các nước như Australia, New Zealand…

Ứng dụng hệ thống đào tạo tín chỉ trong đào tạo đại học cho thấy quan điểm lấy người học làm trung tâm và sinh viên được quyền tự chủ hơn trong các môn học, hướng tới đáp ứng những nhu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động ngoài xã hội.

Những điều sinh viên cần biết khi học theo tín chỉ

Khi học theo tín chỉ, sinh viên cần nắm rõ một số điều quan trọng dưới đây:

Một tín chỉ bao nhiêu tiết?

1 tín chỉ bao nhiêu tiết?
1 tín chỉ bao nhiêu tiết?

Theo quy định của Bộ giáo dục về khối lượng học tập của sinh viên được tính theo hệ thống tín chỉ như sau:

Một tín chỉ tương đương

  • 15 tiết học lý thuyết;
  • 30-45 tiết học thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận. Để tiếp thu được một tín chỉ, sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ tự học, tự nghiên cứu ở nhà;
  • 45-90 giờ thực tập;
  • 45-60 giờ làm bài tập tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khóa luận tốt nghiệp.

Số tiết và số giờ cho từng học phần có thể thay đổi tuỳ theo chính sách của từng trường đại học và cụ thể cho từng môn học. Một tiết học được tính bằng 50 phút.

Một năm có bao nhiêu tín chỉ?

Một năm có bao nhiêu tín chỉ?
Một năm có bao nhiêu tín chỉ?

Số tín chỉ mỗi năm căn cứ vào quy định của từng trường và từng chương trình đào tạo cụ thể. Tuy nhiên, thông thường sinh viên có thể đăng ký từ 24-30 tín chỉ trong một năm học. Một năm học chuẩn thường gồm 2-3 học kỳ, mỗi học kỳ có thể kéo dài từ 14-18 tuần.

Một sinh viên được cấp bằng cử nhân khi tích lũy được 120 – 150 tín chỉ. Chương trình đào tạo của một ngành không tính theo năm mà tính theo mức độ tích lũy của sinh viên, cụ thể dưới đây:

  • Sinh viên năm nhất: Khối lượng kiến thức tích lũy dưới 30 tín chỉ;
  • Sinh viên năm hai: Khối lượng kiến thức tích lũy từ 30 – 60 tín chỉ;
  • Sinh viên năm ba: Khối lượng kiến thức tích lũy từ 60 –  90 tín chỉ;
  • Sinh viên năm tư: Khối lượng kiến thức tích lũy từ 90 – 120 tín chỉ;
  • Sinh viên năm năm: Khối lượng kiến thức tích lũy từ 120 – 150 tín chỉ;

Cách tính điểm theo hình thức tín chỉ

Cách tính điểm theo hình thức tín chỉ cũng có sự khác nhau tùy theo chính sách của từng trường, ví dụ như có trường sử dụng hệ thống điểm số 10.0 hoặc 4.0 hoặc theo hệ thống điểm số riêng.

Tính điểm trung bình bằng thang điểm 10

Sử dụng thang điểm 10 để đánh giá năng lực học tập của sinh viên cho từng học phần.
Sử dụng thang điểm 10 để đánh giá năng lực học tập của sinh viên cho từng học phần.

Thang điểm 10 là thang điểm dùng để đánh giá điểm học phần.

Điểm số của từng môn học được hiểu là điểm số thể hiện hiệu suất học tập của sinh viên, được giảng viên chấm theo điểm quá trình trên lớp và điểm thi cuối kỳ. Theo đó, hình thức thi và trọng số của từng điểm được quy định cụ thể trong đề cương chi tiết của môn học.

Tất cả điểm được chấm theo thang điểm 10 (0-10), làm tròn đến 1 chữ số thập phân và sau đó được thành thang điểm chữ từ A-F như sau:

  • Điểm A: 8,5-10 (loại Giỏi)
  • Điểm B: 7,0-8,4 (loại Khá)
  • Điểm C: 5,5-6,9 (loại Trung bình)
  • Điểm D: 4,0-5,4 (loại Trung bình yếu)
  • Điểm P: từ 5,0 trở lên (áp dụng cho các học phần chỉ yêu cầu đạt và không tính vào điểm trung bình học tập)
  • Loại không đạt: F (dưới 4,0) Kém

Một số trường đại học còn có thêm điểm hệ số như B+, C+, D+. Một số phân loại điểm đặc biệt khác:

  • Điểm I là điểm chưa hoàn thiện do được phép hoãn thi/kiểm tra.
  • Điểm X là điểm chưa hoàn thiện do chưa đủ dữ liệu.
  • Điểm R là điểm học phần được miễn học và công nhận chứng chỉ.

Tính điểm bằng thang điểm 4

Thang điểm 4 thường dùng cho việc đánh giá kết quả học tập theo học kỳ, năm học, điểm trung bình tích lũy.

  • Điểm trung bình học kỳ: Điểm trung bình của những học phần mà sinh viên đã học trong một học kỳ
  • Điểm trung bình năm học: Điểm trung bình của những học phần mà sinh viên đã học trong một năm học
  • Điểm trung bình tích lũy: Điểm trung bình của những học phần mà sinh viên đã học tính từ đầu khóa học. Điểm trung bình tích lũy bằng: Tổng điểm của tất cả học phần nhân với số tín chỉ tương ứng của học phần đó. Sau đó, chia cho tổng số tín chỉ đã tích lũy.
Điểm trung bình tích lũy = (điểm môn học A x số tín chỉ tương ứng + điểm môn học B x số tín chỉ tương ứng +…)/Tổng số tín chỉ đã tích lũy.

Cách quy đổi từ điểm chữ sang điểm số tương ứng theo thang điểm 4 như sau:

  • A quy đổi thành 4;
  • B quy đổi thành 3;
  • C quy đổi thành 2;
  • D quy đổi thành 1;
  • F quy đổi thành 0.

Xếp loại học lực sinh viên theo tín chỉ

Xếp hạng năng lực học tập sinh viên theo tín chỉ
Xếp hạng năng lực học tập sinh viên theo tín chỉ

Sinh viên được xếp loại học lực theo điểm trung bình học kỳ, điểm trung bình năm học hoặc điểm trung bình tích lũy như sau:

  • Theo thang điểm 10

Từ 9,0 đến 10,0: Xuất sắc;

Từ 8,0 đến cận 9,0: Giỏi;

Từ 7,0 đến cận 8,0: Khá;

Từ 5.0 đến cận 7,0: Trung bình;

Từ 4.0 đến cận 5,0: Yếu;

Dưới 4,0: Kém.

  • Theo thang điểm 4

Từ 3,6 đến 4,0: Xuất sắc;

Từ 3,2 đến cận 3,6: Giỏi;

Từ 2,5 đến cận 3,2: Khá;

Từ 2,0 đến cận 2,5: Trung bình;

Từ 1,0 đến cận 2,0: Yếu;

Dưới 1,0: Kém.

Một tín chỉ hiện nay bao nhiêu tiền?

Một tín chỉ bao nhiêu tiền?
Một tín chỉ bao nhiêu tiền?

Học phí tính theo tín chỉ có sự khác nhau giữa các trường và các ngành trong trường. Theo đó, mức học phí cho một tín chỉ được tính cho năm học 2023-2024 công bố bởi các trường như sau:

  • Miền Bắc:

Trường Đại học Luật Hà Nội: 685.000 đồng/tín chỉ

Trường Đại học Kinh tế – Đại học quốc gia Hà Nội: 770.000 đồng/tín chỉ

Trường Đại học Mỏ – Địa chất: Khối kinh tế 282.000 đồng/tín chỉ; Khối kỹ thuật 338.000 đồng/tín chỉ

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: dao động từ 350.000 – 1.950.000 đồng/tín chỉ, tùy theo từng ngành.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền: 506.000 đồng/tín chỉ hệ đại trà; 1.470.010 đồng/tín chỉ cho hệ chất lượng cao

Trường Đại học Hà Nội: Chương trình đại trà 650.000 đ/tín chỉ.

Trường Đại học Giao thông Vận tải: khối kỹ thuật là 415.800 đồng/ tín chỉ; khối kinh tế là 353.300 đồng/tín chỉ. ­­

Học viện phụ nữ Việt Nam: 318.000 – 400.000 đồng/tín chỉ; ngành Quản trị Kinh doanh hệ chất lượng cao và hệ liên kết Quốc tế dự kiến 700.000 đồng/tín chỉ.

Học viện chính sách và phát triển: 310.000 đồng/Tín chỉ

Trường ĐH Thương mại: dao động từ 535.000 đến 959.000 đồng/tín chỉ.

  • Miền Trung:

Đại học kiến trúc Đà Nẵng: Dao động từ 740.000 đồng – 930.000 đồng/tín chỉ.

Đại học kinh tế – Đại học Đà Nẵng: Dao động từ 356.000-563.000 đồng/tín chỉ

Đại học Kinh tế – Huế: 385.000 VNĐ/tín chỉ.

Đại học ngoại ngữ – Đại học Huế: Học phí chính quy (hệ đào tạo 4 năm): 280.000đ/tín chỉ; Học phí Ngoại ngữ không chuyên: 320.000đ/tín chỉ.

  • Miền Nam:

Trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học TPHCM (HUFLIT): mức thu là 1.230.000 đồng/tín chỉ lý thuyết, đối với môn thực hành mức học phí nhân hệ số 1.5/tín chỉ

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: chương trình đào tạo chuẩn 354.000 đồng/tín chỉ, chương trình chất lượng cao 770.000 đồng/tín chỉ. 

Đại học kinh tế TP. HCM: 940.000 đồng/tín chỉ

Đại học bách khoa TP.HCM: 805.000 đồng/tín chỉ

Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn TPHCM: Dao động từ 430.000 đồng – 860.000 đồng/tín chỉ tuỳ theo từng ngành học.

Trường ĐH Sư phạm TPHCM: Lý thuyết: 357.000 VNĐ/tín chỉ; thực hành: 378.000 VNĐ/tín chỉ.

Học phí theo tín chỉ của các trường có sự điều chỉnh hằng năm với mức tăng tối đa không quá 15% so với năm trước.

03 Lợi ích của đào tạo theo tín chỉ

Lợi ích của đào tạo tín chỉ đối với giáo dục đại học.
Lợi ích của đào tạo tín chỉ đối với giáo dục đại học.

(1) Đào tạo theo tín chỉ giúp sinh viên phát huy được tính chủ động và sáng tạo bằng cách tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi và phát triển tri thức.

(2) Chương trình giáo dục đại học gồm một hệ thống kiến thức đại cương, mới đến kiến thức chuyên ngành và những môn học thuộc kiến thức cận chuyên ngành. Số lượng môn học mà trường đại học cung cấp thường nhiều hơn so với số lượng học phần sinh viên cần học. Do đó, sinh viên có thể chọn môn học phù hợp với mình để hoàn thành văn bằng và phục vụ nghề nghiệp tương lai sau khi ra trường.

(3) Sinh viên được cấp bằng khi đã tích lũy đủ số tín chỉ do trường quy định. Do đó, sinh viên có thể chủ động rút ngắn thời gian học hoặc kéo dài thời gian hơn một ít để có thể tự trải nghiệm cuộc sống.

Tín chỉ không chỉ là thước đo tiến trình học tập của sinh viên mà phương pháp đào tạo này còn chú trọng mở ra cơ hội cho sinh viên được thực hiện các hoạt động ngoại khóa: thực tập, hay việc làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, phát triển kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn.

Việc sử dụng các nền tảng tìm việc trực tuyến như TopCV giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm việc làm thêm phù hợp với nhu cầu và mục tiêu cá nhân. Đồng thời, chúng tôi cũng cung cấp các công cụ hiệu quả hỗ trợ bạn trong quá trình xin việc như thiết kế CV mẫu, Câu hỏi phỏng vấn thường gặpHướng dẫn viết CV chi tiết theo ngành nghề

>> Tìm kiếm: các việc làm part-time dành cho sinh viên tại TopCV ngay với quy trình nộp CV đơn giản, thông tin rõ ràng, cập nhật hàng giờ với hàng trăm cơ hội việc làm phù hợp.

Trên đây BlogTopCV đã giới thiệu đến bạn đọc về tín chỉ là gì, học theo hình thức tín chỉ tại trường đại học như thế nào. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn trên con đường mới mẻ phía trước.