
Đứng trước cơ hội việc làm không phải lúc nào ứng viên cũng có thể gật đầu đồng ý. Đôi khi vì một vài nguyên nhân nào đó mà ứng viên quyết định từ chối lời mời nhận việc từ phía doanh nghiệp. Điều này không có gì xấu hay đáng trách.
Tuy nhiên, dù bất kỳ lý do nào, ứng viên cũng nên viết thư từ chối nhận việc rõ ràng, chỉn chu và lịch sự, đồng thời gửi lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng. Vậy cách viết thư từ chối nhận việc như thế nào khéo léo, tránh mất lòng nhà tuyển dụng nhất? Tham khảo bài viết dưới đây của BlogTopCV.vn để tìm câu trả lời.
Vì sao phải viết thư từ chối nhận việc?
Có rất nhiều lý do khiến một ứng viên không muốn đi làm khi đã trúng tuyển vào một vị trí công việc nào đó. Chẳng hạn như đã đồng ý đi làm ở công ty khác với mức offer cao hơn hoặc lương không thỏa đáng hoặc có thể do văn hóa doanh nghiệp không phù hợp. Có không ít người đã lựa chọn im lặng để ngầm từ chối đơn vị tuyển dụng nhưng cách làm này không được đánh giá cao.
Việc không thông báo bạn từ chối làm việc khiến công ty mất thời gian chờ đợi bạn mà bỏ qua những ứng viên tiềm năng khác. Vì vậy, vừa để tránh mất thời gian của cả 2 bên vừa thể hiện cách làm việc chuyên nghiệp, ứng viên nên phản hồi lại email thông báo trúng tuyển từ nhà tuyển dụng.

Trong trường hợp vẫn thích công ty đó, hãy nói khéo trong thư từ chối nhận việc rằng bạn rất ấn tượng với quy mô, văn hóa doanh nghiệp nhưng vì vài lý do cá nhân mà quyết định từ chối cơ hội này. Cách trả lời này gián tiếp giúp ứng viên tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và mở ra mối quan hệ tốt trong tương lai. Đừng để đơn vị tuyển dụng mất thiện cảm vì tương lai biết đâu bạn quay lại ứng tuyển vị trí khác của doanh nghiệp.
>>> Xem thêm: Cách viết email từ chối nhận việc tránh làm mất lòng nhà tuyển dụng nhất
Cách viết email từ chối nhận việc
Dàn ý thư từ chối nhận việc
Một chiếc email từ chối nhận việc chuyên nghiệp, lịch sự cần có đầy đủ những phần sau:
Tiêu để email
Nhiều khi vì mải tập trung vào nội dung mà ứng viên quên đi phần tiêu đề thư. Đây là phần khá quan trọng, quyết định đến việc nhà tuyển dụng có ấn đọc email hay không. Với email từ chối nhận việc, các bạn chỉ cần nêu tên và vị trí ứng tuyển là đủ, không nên viết rõ ràng “Thư từ chối nhận việc” hoặc “Thư không nhận việc”, cách viết này không thể hiện được sự tinh tế.
Nội dung cần có
- Lời giới thiệu bản thân: Phần này nên trình bày ngắn gọn để nhà tuyển dụng biết người gửi là ai, tránh nhầm lẫn với những ứng viên khác.
- Lời cảm ơn: Đừng quên cảm ơn nhà tuyển dụng vì đã tạo cơ hội việc làm dành cho bạn dù vị trí đó chưa thực sự phù hợp.
- Lời từ chối nhận việc: Thật khéo léo để nêu ra lý do từ chối công việc, không nên dài dòng lan man, cũng không nhất thiết phải nói rằng đã nhận việc ở nơi khác. Đồng thời, bày tỏ sự tiếc nuối vì chưa có cơ hội trở thành nhân sự của công ty.
- Lời kết: Gửi lời cảm ơn nhà tuyển dụng một lần nữa, bày tỏ hy vọng hợp tác trong tương lai và để lại thông tin liên lạc.
Những lưu ý khi viết thư từ chối nhận việc
Khi quyết định gửi thư từ chối nhận việc cần lưu ý một số vấn đề sau để thể hiện bản thân lịch sự, chuyên nghiệp và tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Thời gian gửi thư
Đôi lúc việc tìm việc làm không suôn sẻ khiến nhiều người nảy ra ý định “nhận bừa” một công việc nào đó để làm. Nhưng hãy nhớ rằng, các bạn đang gắn bó với công việc đó 8 tiếng/ngày, hơn nửa khoảng thời gian khi tỉnh dành cho công việc nên hãy lựa chọn việc làm bản thân thực sự hứng thú và yêu thích, đừng vì khó mà tạm bợ. Nếu vẫn băn khoăn nên làm công việc không thích không hay có những lựa chọn tốt hơn thì có thể suy nghĩ đến việc từ chối nhận việc.
Thời điểm tốt nhất để gửi email từ chối nhận việc chính là trước khi ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp. Hãy chắc chắn rằng quyết định được đưa ra khi đã suy nghĩ kỹ càng, không phải cảm xúc nhất thời.
Bên cạnh đó cũng có trường hợp muốn từ chối công việc sau khi đã đồng ý lời mời làm việc, thậm chí đã ký hợp đồng. Lúc này, người lao động cần kiểm tra lại thư mời nhận việc hoặc hợp đồng để chắc chắn không phạm luật theo bất kỳ điều khoản nào đã được thông báo. Nếu có thì phải tìm luật sư hoặc chuyên gia tuyển dụng hoặc quản lý nhân sự của công ty đó để được tư vấn, hiểu đúng về hợp đồng. Đây là tình huống người lao động cần lưu ý và không nên để mình rơi vào.

Tối giản lý do nghỉ việc
Ứng viên có thể viết thư từ chối nhận việc mà không gồm một lý do cụ thể. Trong trường hợp muốn trình bày hãy cố gắng viết ngắn gọn, đơn giản nhất và lý do nên mang tính chủ quan. Dù lương không thỏa đáng, môi trường làm việc không phù hợp, ứng viên cũng không được đổ lỗi cho phía đơn vị tuyển dụng. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của 2 bên trong tương lai mà còn ngầm tố cáo sự kém chuyên nghiệp của ứng viên.
Thái độ gửi thư
Dù là người chủ động từ chối công việc, ứng viên cũng nên giữ thái độ tôn trọng nhà tuyển dụng vì họ đã mất nhiều thời gian để chọn lọc, phỏng vấn, tạo cơ hội việc làm và đặt kỳ vọng rất nhiều vào các bạn. Vì vậy, dù không thể trở thành một phần của doanh nghiệp, ứng viên nên bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người phụ trách tuyển dụng và cả công ty.
Hãy để nhà tuyển dụng biết rằng các bạn cũng vui mừng khi nhận được thông báo trúng tuyển nhưng bản thân tiếc nuối vì một lý do nào đó không thể tiếp nhận công việc này. Khéo léo xử lý giúp các ứng viên duy trì và giữ mối quan hệ tốt với nhà tuyển dụng, biết đâu trong tương lai có cơ hội hợp tác.
Giới thiệu ứng viên tiềm năng
Việc giới thiệu người phù hợp với vị trí vừa từ chối như một lời xin lỗi chân thành ứng viên gửi đến nhà tuyển dụng, vừa giúp rút ngắn thời gian tái tuyển chọn của phía công ty vừa thể hiện ứng viên là người chuyên nghiệp, có trách nhiệm. Không những thế, việc làm này cũng giúp ứng viên để lại ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, từ đó tạo dựng được mối quan hệ tốt trong tương lai.
Nội dung thư ngắn gọn, súc tích
Khi viết email từ chối công việc không nên dành nhiều lời khen ngợi quá lố về công ty hoặc những người đang tương tác cùng. Nội dung thư cần ngắn gọn, súc tích, lịch sự và đi thẳng vào vấn đề. Việc lan man với những lời lẽ có cánh vừa làm mất thời gian vừa khiến nhà tuyển dụng khó chịu, cho rằng ứng viên thiếu chuyên nghiệp, thích nịnh nọt. Bên cạnh đó, cần tránh những từ ngữ khiếm nhã, nhận xét tiêu cực về doanh nghiệp, vị trí ứng tuyển hay bất cứ điều gì không hài lòng về công việc được đề xuất.
Để ngỏ những cơ hội
Sau khi đã từ chối nhận việc đừng vội vàng đóng sầm cánh cửa kết nối với nhà tuyển dụng. Nếu cảm thấy có mối liên hệ tích cực với nhà tuyển dụng nhưng công việc không phù hợp vì những nguyên nhân khác thì hãy xem xét đề nghị giữ liên lạc và cung cấp thêm thông tin liên hệ. Đây có thể là cơ hội để ứng viên mở rộng mối quan hệ, làm “của để dành” cho nhưng cơ hội việc làm trong tương lai. Vì thế đừng chỉ nghĩ cho hiện tại mà bỏ lỡ những cơ hội hợp tác sau này.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn cách từ chối thư mời phỏng vấn chuyên nghiệp
Một vài mẫu email từ chối nhận việc
Dưới đây là một vài mẫu thư từ chối nhận việc gửi đến nhà tuyển dụng bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh bạn đọc có thể tham khảo.
Thư từ chối nhận việc bằng tiếng Anh
Subject Line: Job Offer – Your Name
Dear Mr./ Ms. … (Last name),
Thank you very much for offering me the opportunity to work at … Company. I appreciate the offer and your interest in hiring me. It was a difficult decision, but I will not be accepting the position. The reason is, after a long while of consideration, I have accepted a position with another company that is a good match for my current professional goals.
I would, again, like to express my gratitude for the offer and also my regrets that I am not able to join the company at this time. You have my best wishes in finding another suitable candidate for the position soon. Thank you again for such a pleasant interviewing experience.
Best regards,
Your Name
Phone Number
Tạm dịch:
Tiêu đề email: Tên vị trí ứng tuyển – Tên ứng viên
Kính gửi anh/chị … (Họ) (có thể thay thành tên công ty nếu không nắm rõ tên nhà tuyển dụng)
Cảm ơn rất nhiều vì anh/chị đã tạo cho tôi cơ hội được làm việc tại Công ty … Tôi đánh giá cao lời đề nghị và sự quan tâm của anh/chị trong việc tuyển dụng tôi. Sẽ là một quyết định khó khăn và thật tiếc khi phải nói tôi không thể làm việc tại vị trí này. Lý do là, sau một thời gian dài cân nhắc, tôi đã nhận một vị trí với một công ty khác phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp hiện tại của tôi hơn.
Một lần nữa, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với lời đề nghị và cũng rất tiếc vì không thể trở thành một phần của quý công ty tại thời điểm này. Hi vọng anh/chị sớm tìm được một ứng viên khác phù hợp cho vị trí này. Cảm ơn anh/chị một lần nữa vì một buổi phỏng vấn tuyệt vời như vậy.
Trân trọng,
[Tên bạn]
[Số điện thoại]
[Email]
Thư từ chối nhận việc bằng tiếng Việt
Tiêu đề: Nguyễn Ngọc A _ Vị trí (tên vị trí)
Kính gửi anh/chị (Tên nhà tuyển dụng/ Tên công ty),
Tôi là Nguyễn Ngọc A., tôi đã nhận được thông báo trúng tuyển của quý công ty cho vị trí Content Marketing Lời đầu tiên, tôi xin chân thành cảm ơn quý công ty đã tạo cơ hội cho tôi được làm việc tại vị trí Content Marketing.
Tuy vậy, xét thấy bản thân chưa thực sự phù hợp với công việc tại quý công ty. Dù rất tiếc nhưng tôi phải viết email này xin thông báo tôi chưa thể tiếp nhận công việc Content Marketing tại công ty.
Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn và xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng tới việc tuyển dụng của quý công ty. Qua tìm hiểu và trao đổi về công việc, tôi xin tiến cử anh/chị… (tên người giới thiệu). Anh/Chị… có những yếu tố phù hợp với yêu cầu của công việc. anh/chị có thể xem xét liên hệ thông qua số điện thoại….. hoặc email…. (thông tin liên hệ)
Hi vọng trong tương lai, chúng ta sẽ có cơ hội hợp tác.
Trân trọng
Ký tên
Thư từ chối nhận việc khi có offer khác
Tiêu đề: Nguyễn Ngọc A _ Vị trí (tên vị trí)
Kính gửi anh/chị (Tên nhà tuyển dụng/ Tên công ty),
Em tên là Nguyễn Ngọc A…. Đầu tiên, cho phép em được gửi lời cảm ơn chân thành cảm ơn anh/chị/Quý công ty đã tạo cơ hội cho em được tiếp quản vị trí Content Marketing.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, em rất tiếc khi phải từ chối lời mời nhận việc này vì lý do đã đồng ý thỏa thuận với một công ty khác. Rất mong anh/chị/Quý công ty thông cảm.
Em vô cùng biết ơn anh/chị/Quý công ty đã quan tâm đến hồ sơ ứng tuyển của em, dành thời gian phỏng vấn và tạo cơ hội cho em được làm việc tại vị trí này. Hy vọng chúng ta sẽ có cơ hội hợp tác trong tương lai.
Mong anh/chị/Quý công ty sớm tìm được ứng viên phù hợp cho vị trí này. Chúc anh/chị nhiều sức khỏe, thành công trong sự nghiệp và công ty ngày càng phát triển lớn mạnh.
Trân trọng,
Ký tên

Thư từ chối nhận việc vì lương thấp
Tiêu đề: Nguyễn Ngọc A _ Vị trí (tên vị trí)
Kính gửi anh/chị (Tên nhà tuyển dụng/ Tên công ty),
Em tên là Nguyễn Ngọc A… Trước hết, cho phép em được gửi lời cảm ơn chân thành cảm ơn anh/chị/Quý công ty đã tạo cơ hội cho em được tiếp quản vị trí Content Marketing. Em rất cảm ơn anh/chị/Quý công ty đã dành thời gian phỏng vấn, trao đổi và cân nhắc mức lương kỳ vọng của em. Tuy nhiên, với mức lương hiện tại mà công ty đưa ra cho vị trí này vẫn chưa thực sự là con số như em mong đợi. Vì vậy, em rất tiếc khi phải từ chối lời mời nhận việc này. Rất mong Anh/Chị/Quý công ty thông cảm.
Em thật lòng biết ơn anh/chị/Quý công ty đã quan tâm đến hồ sơ ứng tuyển của em, dành thời gian phỏng vấn và tạo cơ hội cho em được làm việc tại vị trí này. Hy vọng chúng ta sẽ có cơ hội hợp tác trong tương lai.
Mong anh/chị/Quý công ty sẽ nhanh chóng tìm được ứng viên phù hợp cho vị trí này. Chúc Quý công ty ngày càng thành công và phát triển hơn nữa.
Trân trọng,
Ký tên
Thư từ chối nhận việc khi công việc không hợp
Tiêu đề: Nguyễn Ngọc A _ Vị trí (tên vị trí)
Kính gửi anh/chị (Tên nhà tuyển dụng/ Tên công ty),
Em tên là Nguyễn Ngọc A… Trước hết, cho phép em được gửi lời cảm ơn chân thành cảm ơn anh/chị/Quý công ty đã tạo cơ hội cho em được tiếp quản vị trí Content Marketing.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, em nhận thấy vị trí này không thực sự phù hợp với năng lực và mục tiêu cá nhân đặt ra. Chính vì vậy, em thực sự rất tiếc khi phải từ chối lời mời tiếp nhận công việc này. Rất mong anh/chị/Quý công ty thông cảm.
Em thật lòng biết ơn anh/chị/Quý công ty đã dành thời gian xem xét hồ sơ, phỏng vấn và tạo cơ hội việc làm cho em. Hi vọng trong tương lai chúng ta sẽ có cơ hội hợp tác với nhau.
Một lần nữa em xin gửi lời cảm ơn anh/chị/Quý công ty, chúc anh/chị/Quý công ty sớm tìm được ứng viên phù hợp cho vị trí trên. Chúc Quý công ty ngày càng phát triển vững mạnh hơn nữa!
Trân trọng,
Ký tên
Thư từ chối nhận việc khi văn hóa công ty không hợp
Tiêu đề: Nguyễn Ngọc A _ Vị trí (tên vị trí)
Kính gửi anh/chị (Tên nhà tuyển dụng/ Tên công ty),
Em tên là Nguyễn Ngọc A… Trước hết, cho phép em được gửi lời cảm ơn chân thành cảm ơn anh/chị/Quý công ty đã tạo cơ hội cho em được tiếp quản vị trí Content Marketing.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, em cảm thấy môi trường làm việc tại công ty không thực sự phù hợp với bản thân của mình. Do đó, em rất tiếc khi phải từ chối lời mời nhận việc của anh/chị/Quý công ty.
Em thật lòng biết ơn anh/chị/Quý công ty đã dành thời gian xem xét hồ sơ, phỏng vấn và tạo cơ hội việc làm cho em. Hi vọng trong tương lai chúng ta sẽ có cơ hội hợp tác với nhau.
Một lần nữa em xin gửi lời cảm ơn anh/chị/Quý công ty, chúc anh/chị/Quý công ty sớm tìm được ứng viên phù hợp cho vị trí trên. Chúc Quý công ty ngày càng phát triển vững mạnh hơn nữa!
Trân trọng,
Ký tên
>>> Có thể bạn quan tâm: Chia sẻ 3 mẫu trả lời thư mời nhận việc khéo léo nhất
Tạm kết
Từ chối nhận việc là một tình huống khá nhạy cảm, nếu không biết cách xử lý khéo léo, ứng viên sẽ để lại ấn tượng xấu trong mắt nhà tuyển dụng. Hãy nhớ rằng, khi gửi email từ chối cơ hội, đồng nghĩa cơ hội nhận được công việc đó lần nữa gần như bằng không. Vì vậy trước khi đưa ra quyết định nên suy nghĩ thật kỹ. Cuối cùng, đừng ngại viết thư từ chối nhận việc nếu công việc hoặc công ty không phù hợp.
Trên đây, BlogTopCV.vn đã cung cấp cho bạn đọc cách từ chối thư mời nhận việc và những lưu ý khi viết email, hi vọng sẽ giúp các bạn tránh được những lỗi sai cơ bản để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Nếu chưa tìm được công việc như ý muốn, ứng viên có thể tìm đến các website tuyển dụng uy tín như TopCV.vn. Chỉ bằng vài thao tác đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận hàng nghìn tin tuyển dụng được cập nhật mỗi ngày. Ngoài ra, ứng viên còn có thể tự tạo CV bằng bộ công cụ miễn phí của TopCV và bật tìm kiếm việc làm, TopCV sẽ giới thiệu cho các bạn những công việc phù hợp nhất.