“Zombie công sở” là khái niệm gọi tên những người đi làm nhưng không có động lực trong công việc. Càng tới những ngày cuối năm, những “zombie công sở” này càng phân vân và luẩn quẩn trong vòng câu hỏi rằng mình có nên nhảy việc luôn không hay chờ tới đầu năm, qua Tết?

Trong thời gian đi làm, có thời điểm nào bạn cảm thấy mình không gắn kết với nơi làm việc, không có động lực để thể hiện hết sức mình? Tuy nhiên thay vì đi tìm một công việc mới, bạn lại lựa chọn phương án làm việc cầm chừng chỉ để tồn tại. Nếu cảm nhận này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, rất có thể bạn đang rơi vào tình trạng “zombie công sở”, theo cách ví von của các chuyên gia tuyển dụng.

Vật vờ, cầm chừng, không mục tiêu, chán chường trong môi trường làm việc… thực trạng này đang xuất hiện phổ biến ở các bạn trẻ khi làm việc trong môi trường công sở hiện nay. Hầu hết những người này đều có chung biểu hiện.

“Đối với mình mỗi ngày mình thức dậy đều có suy nghĩ là hôm nay liệu mình có tiếp tục đi làm không, có nên tiếp tục làm công việc này hay không hay là thôi mình lại tìm công việc khác nhỉ?”, T. chia sẻ.

“Nhiều khi cũng làm đối phó để cho xong việc và cảm thấy rất mệt mỏi, stress, với gần như em bỏ ăn uống”, M. bày tỏ.

Không còn đam mê nhưng cũng không muốn nghỉ việc, họ cứ làm việc 8 tiếng hoặc hơn trong một trạng thái dai dẳng, bứt rứt và luẩn quẩn. Phần lớn trong số họ là những người chưa có định hướng rõ ràng cho tương lai, chưa chủ động, chưa quyết đoán và không muốn đánh đổi vì còn nhiều “e ngại” như: tuổi tác, tiền bạc, thời gian hay công sức.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, tình trạng “zombie công sở” đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là trong mùa dịch. Bởi không ít bạn trẻ đang lo ngại trước sự bất ổn mà đại dịch COVID-19 gây ra. Một số ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những người lao động trong ngành này vẫn tiếp tục bị giảm lương. Dù chán nản, nhưng nhiều người, thay vì nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội mới phù hợp hơn, lại vẫn bám trụ để có sự ổn định. Nhiều bạn trẻ lựa chọn một xu hướng khác để thoát khỏi hiện tượng đó, đó là thay đổi công việc, bất chấp giữa tình hình dịch bệnh vẫn chưa dứt điểm.

Ví dụ, ở vị trí công việc hiện tại, thu nhập mỗi tháng của bạn là 10 triệu.

Trường hợp thứ nhất, bạn chọn ở lại công ty và nhận được một khoản thưởng Tết trung bình bằng 1 hoặc 2 tháng lương của bạn. Như vậy, thu nhập trung bình cả năm 2020 của bạn rơi vào khoảng 130-140 triệu đồng.

Trường hợp thứ hai, nếu bạn tìm được một cơ hội việc làm khác vào tháng 11 với mức lương tầm 15 triệu đồng. Bạn sẽ làm việc chính thức từ tháng 12. Điều này đồng nghĩa với việc bạn mất đi khoản thưởng Tết. Tổng thu nhập năm 2020 trong trường hợp này rơi vào khoảng 125 triệu đồng.

Dù chỉ chênh lệch khoảng 15 triệu, nhưng nếu so với năm 2021, chênh lệch trong thu nhập của bạn có thể lên tới 60-70 triệu đồng. Có thể thấy, mặc dù nghe có vẻ nghịch lý lúc đầu nhưng nếu tính lâu dài thì việc chuyển công việc cuối năm lại là kiểu nghịch lý sinh lời.

Chia sẻ về vấn đề chuyển việc cuối năm trong một bài đăng thuộc Group khá có tiếng về Review các công ty và chia sẻ kinh nghiệm làm việc, có khá nhiều luồng ý kiến xoay quanh. Rất nhiều ý kiến thiên về lựa chọn không nên nhảy việc vào thời điểm cuối năm vì sẽ mất đi một khoảng thưởng Tết khá lớn. Trong khi đó, nhiều luồng ý kiến ủng hộ việc lựa chọn cơ hội mới tốt hơn ngay khi được offer.

Bạn L.C cho biết: “Năm nay thì không nhé. Ai ở đâu ở yên đó”.

Bạn N.Đ chia sẻ: “Nếu cảm thấy không phù hợp nữa thì tại sao phải cố gắng (quan điểm cá nhân). Vừa nghỉ việc 1 tuần, chưa có việc mới và cũng không biết có thể tìm được việc vào thời điểm này hay không. Nhưng với mình, sống phải vui, đi làm phải hạnh phúc nên mình chấp nhận.” Bình luận này của bạn Đ nhận được rất nhiều sự đồng tình của các thành viên trong group.

Cùng tham gia thảo luận, bạn P.P cũng có quan điểm: “Họa hoằn lắm chịu không nổi thì hẵng out. Và hãy cố gắng chắc chắn có offer tìm được việc khác rồi mới nghỉ.”

Mọi vấn đề đều có hai mặt để xem xét, nếu vẫn đang phân vân có nên chuyển việc vào cuối năm hay không, hãy cùng tìm hiểu những cơ hội và rủi ro của vấn đề này.

Nếu bạn có ý định chuyển việc cuối năm, bạn cần sẵn sàng đối mặt với những rủi ro mà đa số ứng viên gặp phải.

Khó mà tìm được việc ưng ý chỉ trong tháng đầu

Mỗi người chắc chắn đều có riêng cho mình một tiêu chuẩn về công việc. Có thể chưa phải là “mơ ước” nhưng chắc chắn phải đảm bảo một số tiêu chí nhất định – điều mà ở công việc trước chưa đảm bảo được cho bạn. Ví dụ như mức lương nhất định từ bao nhiêu, quyền lợi cơ bản như BHXH, BHYT, sản phẩm phù hợp và vị trí đi theo định hướng nghề nghiệp của bạn,… Do đó, hãy đảm bảo rằng mình đã chuẩn bị đủ tài chính, tinh thần để sẵn sàng tìm việc, ứng tuyển, phỏng vấn ít nhất trong 1 tháng, tránh trường hợp căng thẳng, bế tắc và lo âu khi chưa tìm được việc ngay.

Tài chính cá nhân bị ảnh hưởng

Chắc chắn tài chính cá nhân của bạn bị ảnh hưởng khi quyết định thay đổi công việc vào cuối năm. Bạn sẽ không nhận được khoản lương thưởng tháng 13, thậm chí 14, 15 và 16 trong khi bạn đã nỗ lực cả năm làm việc để nhận được khoản “đền đáp” này. Bên cạnh đó, thời gian tìm kiếm việc mới, ứng tuyển có thể kéo dài trong khoảng 1 đến 3 tháng, do tình hình dịch bệnh và ảnh hưởng kinh tế của năm nay. Chưa kể, khi chuyển đến nơi làm mới, bạn cần ít nhất 2 tháng thử việc mà không thể biết trước được nó đủ êm đềm và thuận lợi hay không.

Các mối quan hệ bị rạn nứt

Thông thường càng về cuối năm, các doanh nghiệp càng nhiều việc phải xử lý. Khi đưa ra quyết định nghỉ việc, bạn không chỉ phải đương đầu với những rủi ro về tài chính hay thị trường, bạn còn phải đối mặt với câu chuyện liên quan tới đồng nghiệp. Bởi họ chính là người phải đảm nhiệm thêm phần công việc của bạn khi bạn nghỉ việc. Điều này không hoàn toàn thoải mái, có thể làm sứt mẻ mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp.

Giảm tỷ lệ cạnh tranh giữa các ứng viên

Một trong những điểm tích cực của việc lựa chọn chuyển việc cuối năm chính là giảm tỷ lệ cạnh tranh giữa các ứng viên trên thị trường lao động. Theo báo cáo của một đơn vị tuyển dụng uy tín tại Việt Nam, để có việc làm, tỷ lệ chọi đặc biệt trong thời điểm sau Tết nguyên đán giữa các ứng viên là 1:48. Cụ thể, những ngành có tỷ lệ cạnh tranh cao bao gồm hành chính/thư ký, kế toán, sản xuất, cấp quản lý điều hành. Vì vậy, thời điểm cuối năm giúp ứng viên tham gia ứng tuyển thuận lợi hơn nhờ tỷ lệ cạnh tranh giảm, đặc biệt là những vị trí cấp quản lý.

Có nhiều cơ hội việc làm hơn để đàm phán với nhà tuyển dụng

Nếu chuyển việc cuối năm, bạn sẽ có cơ hội cao hơn để tìm được một công việc như bạn mong đợi. Bởi cuối năm, các công ty thường tuyển dụng nhiều để bổ sung nhân lực hoàn thiện chỉ tiêu số, bên cạnh đó các vị trí cao cấp luôn được săn đón phục vụ cho nhu cầu quản lý đào tạo đội nhóm mới nhanh chóng bắt nhịp công việc. Nhờ đó mà bạn sẽ có nhiều lựa chọn và không khó khăn để tìm được một công việc mới ưng ý, có nhiều cơ hội học hỏi, nâng cao kỹ năng và phát triển bản thân.

Đa số ứng viên khi đi tìm việc vào cuối năm thường có tâm lý khá dễ dàng chấp nhận các điều khoản mà nhà tuyển dụng đưa ra để sớm vượt qua phỏng vấn và có việc kịp thời. Tuy nhiên, thời điểm này chính là lúc bạn có nhiều cơ hội để đàm phán với nhà tuyển dụng. Hãy tận dụng để đề xuất các yêu cầu chính đáng của bạn về lương, thưởng, công việc, hợp đồng,…

Thể hiện bản thân

Thay đổi công việc vào cuối năm cho thấy bạn là một ứng viên năng động, có ý chí, không ngại đối mặt với những thử thách mới. Điều này sẽ giúp bạn được đánh giá cao bởi nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn trọng bởi bạn sẽ rất dễ bị xem là người không hoàn thành nhiệm vụ và không đảm bảo trách nhiệm công việc tại công ty cũ.

Theo các chuyên gia tuyển dụng và người đi làm có kinh nghiệm, bạn nên xem xét các cơ hội việc làm mới nếu có. Mỗi năm cũng nên cập nhật CV, thậm chí đi phỏng vấn từ 1-2 lần để tự “định giá” bản thân, đánh giá xem với kinh nghiệm, kỹ năng của mình hiện tại, bạn ở đâu trên thị trường lao động. Từ đó, bạn có thể nhận ra thế mạnh của bản thân, đồng thời, nắm được những điểm hạn chế và thiếu sót trong kỹ năng chuyên môn để cập nhật và phát triển nhiều hơn. Bạn cũng có cơ hội tìm hiểu về thang lương, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ… tại các công ty khác.

Và hãy chắc chắn rằng bạn trở thành “zombie công sở” khi và chỉ khi lý do là từ môi trường. Nếu lý do là từ chính bản thân mình, hãy dành ra một khoảng thời gian để nhìn lại và định hướng bản thân, định hướng sự nghiệp của chính mình.

Về chuyển việc cuối năm, khi quyết định thay đổi quá vội vàng sẽ khiến khả năng người tìm việc lựa chọn những công việc không phù hợp với thế mạnh và kỳ vọng của bản thân tăng lên. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp thời điểm cuối năm có khối lượng công việc tăng lên đột biến, thiếu hụt nhân lực dẫn đến tình trạng tuyển dụng nhân sự có tính tạm thời, không có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Đây cũng chính là lý do bạn nên cân nhắc trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi công việc hiện tại – nơi bạn có thể có một khoản lương thưởng khá lớn trước mắt.

Để chắc chắn, bạn có thể lựa chọn Bật trạng thái tìm việc trên TopCV. Bạn bật tìm việc, nhà tuyển dụng (đã được xác thực) trên TopCV sẽ chủ động tìm đến bạn nếu bạn phù hợp với vị trí mà họ đang tìm kiếm. Với tính năng này, bạn không cần mất nhiều thời gian, chưa cần xin nghỉ ngay mà vẫn có thể nhận được những lời mời từ công ty khác.

Nếu môi trường làm việc của bạn không còn phù hợp, bạn không thể tiếp tục cố gắng công tác tại đây được nữa và chắc chắn phải rời đi, hãy truy cập ngay trang việc làm từ TopCV: https://www.topcv.vn/viec-lam để tìm kiếm những cơ hội phù hợp từ các công ty uy tín. Tính đến thời điểm hiện tại, TopCV đã cán mốc 4.600.000+ ứng viên, kết nối thành công tới 110.000+ doanh nghiệp, đứng đầu bảng xếp hạng về số lượt truy cập của nền tảng tuyển dụng online tại Việt Nam theo thống kê của Alexa, lọt Top 2 Website lĩnh vực Jobs And Employment theo xếp hạng của SimilarWeb. Bắt đầu hành trình chinh phục công việc mơ ước ngay hôm nay!

Bài viết: Phượng Lê | Thiết kế: Hiền Nguyễn