Vào những ngày gần đây, chủ đề teambuilding đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. Mùa hè đến, các công ty nhộn nhịp lên kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi gắn kết sau 2 năm dịch bệnh. Dù vậy, dưới góc độ nhân viên, câu chuyện teambuilding không phải lúc nào cũng là “gắn kết”. Câu chuyện bắt đầu từ chiếc đơn yêu cầu nhân viên bắt buộc phải tham gia teambuilding của một công ty X nọ ở Hà Nội. Rồi từ đó những vấn đề xoay quanh câu chuyện team building như chỉ chờ có vậy được hàng nghìn người trên mạng trải lòng, khiến nhiều người tự hỏi: Liệu teambuilding có thực sự là cơ hội gắn kết mọi người hay là cơn ác mộng chốn công sở?

Teambuilding: cơ hội gắn kết hay cơn ác mộng chốn công sở?

Có nhiều cách nghĩ khi nhắc đến teambuilding, một số cho rằng đây là kỳ nghỉ, kỳ du lịch hè của tập thể, trong khi một số khác xem hoạt động này như một dịp để tập thể gắn kết lại với nhau hơn. 

Theo TeamBonding.com, teambuilding là hoạt động đưa mọi người lại với nhau, là nguồn động lực khi làm việc tập thể (teamwork) và hợp tác trong công việc. Mục đích của các hoạt động team building chính là để tạo ra một đội ngũ vững mạnh, thông qua việc xây dựng gắn kết và kết nối giữa các thành viên. 

Tại Việt Nam, có thể coi teambuilding là một chuỗi các hoạt động, trong đó bao gồm nghỉ dưỡng, du lịch, các trò chơi tập thể, gala dinner tổng kết… của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp. Mỗi năm, các tổ chức thông thường sẽ tổ chức 1 đến 2 đợt teambuilding để thay mới không khí, tạo động lực làm việc cho mọi thành viên.

Địa điểm tổ chức teambuilding sẽ phụ thuộc vào thời gian, kinh phí mà doanh nghiệp, công ty đề ra ban đầu, nhưng đa phần đều là các địa điểm du lịch mới, nổi tiếng.

Hiện nay có 2 loại hình teambuilding phổ biến là:

  • Teambuilding trong nhà (Teambuilding indoor)

Không cần phải di chuyển xa hay tìm đến các địa điểm như biển, đồi, bãi cỏ rộng lớn, với một gian phòng rộng như sân thi đấu trong nhà, các công ty/tổ chức có thể thực hiện hoạt động team building tại đây.

  • Team building ngoài trời (Team building Outdoor)

Thông thường, teambuilding ngoài trời sẽ được kết hợp với hoạt động tham quan, dã ngoại, du lịch hằng năm của công ty, tổ chức. Teambuilding ngoài trời đa phần được tổ chức ở bãi biển lớn, resort, công viên, khu nghỉ dưỡng, đồi cỏ, bãi cỏ lớn…

Trên mạng xã hội đang bàn tán sôi nổi về một quyết định nghỉ việc được áp dụng cho các nhân viên từ chối đi du lịch cùng công ty vào ngày 18/06 vừa qua. Và chi tiết trong tờ quyết định đuổi việc này cũng chỉ rõ nguyên do, việc từ chối tham gia hoạt động này của công ty là không có tinh thần tập thể, tinh thần gắn kết đồng đội nên không phù hợp với công ty.

Tiếp nối còn xuất hiện một mẩu giấy từ công ty khác, ghi rõ các quy định, mức phạt cho những ai đi team building nhưng không tham gia hoạt động tập thể thì “thu nóng” 1 triệu/người.

Khi hình ảnh được lan truyền, bất chấp sự thật phía sau câu chuyện này là đúng hay do ai đó cố tình “câu view”, nhưng vô tình đã trở thành chủ đề “nóng” khiến bộ phận lớn nhân viên văn phòng như “được dịp để trút bầu tâm sự”.

Từ đó, mới phát hiện có hai luồng ý kiến xuất hiện khi một bên thì cho rằng “đã là thành viên của công ty thì nên hòa nhập và chấp nhận văn hóa nội bộ”, không muốn giao lưu sẽ khó gắn bó được lâu dài. Tuy nhiên số khác lại cho rằng “không phủ nhận vai trò của team building, nhưng đi hay không còn do nhiều yếu tố khác. Không có bất cứ ai được quyền ép!”.

Vừa trải qua chuyến đi cùng công ty, anh Huy Minh – Designer chia sẻ: “Đối với những người hướng nội như mình thì quả thật teambuilding là một cực hình. Khi tụ tập đông người, mình không biết phải nói gì hay làm gì để hòa nhập với mọi người, cứ miễn cưỡng cười dù không thật sự vui. Hơn nữa lại phải tham gia các trò chơi đội nhóm, trong khi cá nhân mình thích những gì độc lập, một mình hơn. Giờ nghĩ tới chẳng muốn trở lại không khí đó một chút nào.”

“Mình nghĩ chuyện muốn tham gia teambuilding hay không còn tùy vào văn hóa công ty nữa. Nếu mình hợp với mọi người trước đó rồi mình sẽ hào hứng tham gia, còn nếu mình vào công ty chỉ để làm việc – “bán” sức lao động, thì mình không quan tâm đến chuyến du lịch của công ty là mấy. Cá nhân mình là người thích vận động, nhưng chỉ vui khi chơi các hoạt động mình thích, còn các trò chơi mà ban tổ chức tự chuẩn bị quyết định mà không tham khảo nhân viên, thì người được thư giãn không phải là nhân viên bọn mình nữa rồi.” – chị Mai Liên, nhân viên Sales chia sẻ.

Bên cạnh đó rất nhiều người tán thành về chuyện ái ngại các hoạt động cường độ cao như: kéo co, đua thuyền trên cát, bóng chuyền… còn bắt reo hò để tăng thêm tinh thần nhưng trái lại ai cũng xem đây là trận “hành xác”.

Teambuilding: cơ hội gắn kết hay cơn ác mộng chốn công sở?
Nguồn ảnh: Bà Dì Nulo

Đặc biệt, một lý do khá thực tế khác là dân văn phòng sợ team building vì ngại “đụng chạm”. Những tưởng các trò chơi tiếp sức, gần gũi giữa nam và nữ sẽ tạo thêm niềm vui và thu hẹp khoảng cách ngại ngùng giữa đồng nghiệp nam và đồng nghiệp nữ, nhưng có vẻ người tổ chức chưa thật hiểu tâm lý nên vô tình đem lại ác cảm cho người tham gia. Năm 2022 rồi, xin các công ty hay những đơn vị tổ chức teambuilding đừng đưa trò chơi buộc quả dưa chuột ngang hông, ép bóng bằng ngực, chuyền sữa chua ngậm thìa trong miệng… vào danh sách những hoạt động tăng tính gắn kết giữa các nhân viên.

Trước xu hướng chọn lựa và tham gia các hoạt động ngoại khóa, teambuilding của công ty, thì chị Nguyệt Quang – CEO, một người đã có kinh nghiệm tổ chức rất nhiều team building lớn nhỏ lý giải: “Các hoạt động như teambuilding, du lịch công ty… thực chất là một dịp để nhân viên xả hơi sau những ngày căng thẳng với công việc, với đồng nghiệp, với cấp trên. Xuất phát điểm là một sự cảm ơn của sếp dành cho nhân viên. Hồi trước người lao động không có điều kiện kinh tế nhiều và khó cân bằng chuyện đi làm và xin nghỉ, nên công ty tổ chức ra để mọi người có cơ hội đi du lịch, nghỉ ngơi, sẵn tiện kết hợp một số hoạt động thể thao để hướng đến xây dựng tình đồng đội đoàn kết. Hiện nay thì dân văn phòng có thể tự chủ cho việc nghỉ ngơi, chuyến du lịch của mình được nên họ tự khắc chọn lựa hơn, ưu tiên hưởng thụ cá nhân hơn.”

Đứng trên cương vị của một nhà lãnh đạo và người tổ chức, chị cho rằng: “Nếu người tổ chức nhận được những xin phép không tham gia teambuilding vì lý do không chính đáng thì phải xem lại người quản lý có thực sự làm tốt và hiệu quả các hoạt động nội bộ để nhân viên cảm thấy gắn bó hay không. Nếu nhân viên đã không muốn đi, thì tất cả các biện pháp phạt về kinh tế, buộc đến công ty làm việc, đuổi việc… đều không giải quyết được vấn đề gắn bó của nhân viên, chỉ làm mất đi thêm nhân sự.”

Vấn đề văn hoá teambuilding tại các công ty ở Việt Nam không phải chỉ xuất hiện mới đây. Rất nhiều người chia sẻ về mặt tiêu cực của teambuilding đáng để mình trốn tránh. Nhưng cũng có nhiều người quản lý bất lực nói rằng: “Công ty tổ chức team building thì các bạn phàn nàn điều này, chê điều kia để từ chối tham gia. Còn nếu công ty không tổ chức thì lại nghe than thở và có khi trách cứ chế độ phúc lợi keo kiệt. Thật không biết làm sao cho vừa”

Teambuilding chỉ tệ vì những người tổ chức không biết cách làm thế nào để gắn kết toàn bộ nhân viên trong công ty, chứ không tệ vì ý nghĩa và mục đích mà nó hướng tới. Nếu người tổ chức bỏ ra một vài phút làm những cuộc khảo sát hỏi ý kiến của nhân viên trong công ty, lắng nghe những mong muốn thật sự của nhân viên. Mặc dù chúng ta hiểu rõ rằng, 9 người 10 ý, khó lòng mà đáp ứng được tất cả những nguyện vọng của mọi người, nhưng việc lắng nghe nhân viên giúp họ hiểu được công ty đang làm điều này dành cho nhân viên chứ không vì mục đích cứng nhắc nào khác.

Đích đến cuối cùng của những cuộc đi chơi chung không phải là trò chơi một lần nhớ mãi đến già mà chính là sự kết nối thấu hiểu giữa các nhân viên, xích gần hơn khoảng cách giữa nhân viên và quản lý, đôi khi cũng để hàn gắn những hiểu nhầm và căng thẳng trong các nhóm. Có rất nhiều trò chơi teambuilding rất mới mẻ, có khả năng kết nối rất tốt, hoàn toàn có thể diễn ra trong không gian trong nhà với cường độ vận động nhẹ nhàng, ý nghĩa và sâu sắc.

Bạn có thể góp ý với ban tổ chức hoạt động teambuilding, chắc chắn rằng không có ai lại từ chối một idea hay và được tất cả mọi người ủng hộ. Thử đặt mong muốn của bản thân kết hợp hài hòa với mong muốn của tổ chức, có như vậy, chúng ta mới trả teambuilding về đúng vị trí và ý nghĩa ban đầu của nó.

Bài viết: Phượng Lê | Thiết kế: Huy Minh