“Bạn đến công ty tôi, bạn thấy rằng công ty lãi lớn thế, vậy sao trả lương cho bạn ít vậy. Thế sao bạn không thử tự lập một công ty và bắt đầu xây dựng như chúng tôi đã đã từng?” Lời sếp gửi nhân viên cũ đang khiến nhiều người phải suy ngẫm về thái độ làm việc, sự tự tin cũng như cách người ta đón nhận thử thách.
Câu chuyện đầu tiên
Kết thúc thời gian thử việc kéo dài 3 tháng tại một công ty phần mềm, Tú và Ngọc cùng tới gặp trưởng phòng để nghe nhận xét, đánh giá.
Trước khi đi tới quyết định cuối cùng, vị trưởng phòng hỏi nguyện vọng mức lương khởi điểm nếu được nhận vào làm việc chính thức của mỗi người là bao nhiêu. Tự tin về những gì thể hiện trong suốt 2 tháng qua; Tú đề xuất lương khởi điểm là 8 triệu; còn Ngọc chỉ đề xuất 3,5 triệu đồng. Được hỏi lý do, Tú nói, cậu tin vào những gì mình có thể đóng góp cho công ty. Với sự thông minh, nhạy bén của bản thân, cậu tin mình có thể đảm trách mọi công việc. Ngọc dè dặt hơn, cô nhận về mình phần thiếu sót bởi kinh nghiệm làm việc chưa có nhiều. Cô hi vọng được các bậc tiền bối hướng dẫn, giúp đỡ nhiều hơn.
Sau hồi cân nhắc, trưởng phòng giữ lại Ngọc.
Quyết định này làm Tú cảm thấy thiếu thuyết phục. Cậu quay lại cật vấn trưởng phòng tại sao lại giữ lại nhân viên làm việc kém hiệu quả hơn?
Vị trưởng phòng ôn tồn trả lời: “Thời gian qua tôi đã âm thầm theo dõi cách làm việc của hai bạn. Cậu thử hình dung nhé. Cùng được nhận vào thử việc, cùng sắp xếp làm cùng một việc; nhưng cách ứng xử với công việc của hai bạn rất khác nhau.
Vì là người mới, nên các cậu bị các bậc tiền bối chỉ định làm nhiều việc không tên; đôi khi nằm ngoài chuyên môn. Trong khi cậu làm chống đối, đại khái bởi không muốn bị coi là tên ngốc “chỉ đâu đánh dấy”; thì Ngọc, vốn tính hiền lành, thật thà, nhận tất cả công việc. Cô ấy chẳng nề hà gì, lặng lẽ làm phần việc được giao và sẵn lòng giúp đỡ người khác.
Cậu nhớ anh Tuấn, nhóm trưởng của các cậu chứ? Khi anh ấy cần photo tập tài liệu; lần một, cậu đi photo và trả lại anh ấy nguyên si đúng theo yêu cầu. Lần 2, Ngọc đi photo; cô ấy đã phân loại giấy tờ thành các lĩnh vực khác nhau và bàn giao cho từng bộ phận riêng rẽ. Điều đáng nói, Ngọc luôn vui vẻ làm việc và hoàn thành chúng một cách tốt nhất; còn cậu làm những việc được cho là “không tên” với thái độ không tích cực. Cậu không hiểu những việc nhỏ ấy có thể rèn cho cậu những kỹ năng lớn“.
Vị trưởng phòng nói thêm: “Tôi chưa bao giờ cổ súy nhân viên của mình tăng ca. Tôi khuyến khích họ hoàn thành công việc đúng giờ và về sớm bên gia đình. Nhưng, cậu hiểu đặc thù công việc của chúng ta đấy, có khi đối tác nước ngoài giục giã, buộc chúng ta phải tăng ca. Tôi thấy, mỗi khi nhận thông báo đó, cậu tỏ ra rất khó chịu. Cậu tiếc chầu điện tử trót hẹn trước đó với bạn. Còn Ngọc, cô ấy nhẫn nại ở lại và khi mọi người về. Cô ấy còn tranh thủ dọn dẹp lại giấy tờ trên bàn… Nếu cậu là tôi, cậu sẽ giữ lại ai?”
Nghe những lời của vị trưởng phòng, Tú nóng bừng cả mặt. Cậu xấu hổ xin phép ra về.
Trước khi đi, vị trưởng phòng nhắn với Tú một câu: “Tự tin là tốt, nhưng tự tin quá liều tạo nên sự ảo tưởng; đó là một căn bệnh. Hãy cẩn thận với nó!”, đồng thời gửi cho Tú một lá thư. Trên đường về, cậu mở ra đọc và chết điếng:
– Bạn đến công ty tôi với mong muốn mức lương 7-8 triệu, nhưng bạn chưa có kiến thức cũng như kinh nghiệm về ngành chúng tôi đang làm.
– Bạn đến công ty tôi và mong muốn ngày làm 8 tiếng, đúng giờ đi về nhưng công việc của bạn luôn hoàn thành dang dở để người khác phải làm lại cho bạn.
– Bạn đến công ty tôi ganh tị với tôi vì tôi đi muộn hơn bạn. Bạn có làm việc 24/7 như tôi không?
– Bạn đến công ty tôi và bạn luôn nghĩ rằng bạn đã cố gắng hết sức nhưng không được ghi nhận. Bạn có bao giờ thấy rằng những người khác cố gắng một cách thông minh và chăm chỉ hơn bạn?
– Bạn đến công ty tôi, bạn thấy rằng công ty lãi lớn thế; vậy sao trả lương cho bạn ít vậy (dù chỉ là lương thử việc). Vậy sao bạn không thử tự lập một công ty và bắt đầu xây dựng như chúng tôi đã bắt đầu?
Hãy nhớ, bớt tham đi, bạn sẽ nhận được rất nhiều”.
Câu chuyện thứ hai
Thời gian trôi đi, Tú tìm được công việc ở một công ty mới, cũng thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Rút kinh nghiệm từ lần thử việc thất bại đầu tiên, Tú cố gắng học hỏi, hoàn thiện kỹ năng. Cậu không ngại khổ, ngại khó, học thêm các lĩnh vực mới.
2 năm sau, công ty có chiến lược phát triển mới. Lãnh đạo công ty có quyết định thành lập một công ty chi nhánh.
Người quản lý được bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh mới. Và điều mà nhiều nhân viên của anh ta không ngờ được là; anh ta đã chủ động đề xuất với cấp trên thăng chức cho Tú làm trưởng bộ phận ở chi nhánh mới này. Việc một cậu nhân viên mới chỉ có 2 năm kinh nghiệm được phân bổ vị trí quan trọng như vậy ngay lập tức tạo thành một cơn bão bàn ra tán vào xôn xao khắp tổng công ty.
Các nhân viên cũ không cam tâm; họ thì thầm to nhỏ và cuối cùng tìm gặp vị giám đốc mới; hỏi thẳng, rằng tại sao những nhân viên cũ làm ở đây bao nhiêu năm lại không được bổ nhiệm vị trí quản lý mà lại để cho một nhân viên non nớt giữ chức vụ đó.
Người quản lý cũng không e ngại mà trả lời rằng, vì Tú xứng đáng:
– Cậu ta chăm chỉ làm việc ngày đêm để rèn luyện năng lực bản thân; nhận mức lương chỉ 4 triệu đồng thôi để học hỏi và tìm kiếm cơ hội bứt phá.
– Cậu ta không nghĩ đến mình sẽ nhận bao nhiêu mà tập trung vào mình cống hiến và kết quả công việc của mình thế nào.
– Cậu ta luôn đúng giờ đi làm; không ngại tăng ca và chưa bao giờ ganh tị, ít nhất là với tôi.
– Luôn thấy rằng mình chưa làm hết sức, mình còn có thể tiến bộ hơn nữa.
Tôi thấy rằng, được làm việc với một cộng sự như vậy thật tuyệt vời. Một leader tốt, giàu năng lượng như vậy sẽ có khả năng truyền cảm hứng, lòng nhiệt huyết với nghề cho những người cấp dưới của cậu ấy. “
Nghe trả lời của vị giám đốc, tất cả nhân viên đều câm nín.
Còn với Tú, cậu đã học được bài học nhớ đời: Năm xưa, vì thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng nhưng lại thừa tự tin, thừa lười biếng; cậu đã bị đào thải không thương tiếc. 2 năm sau, bằng nỗ lực, cố gắng, không ngừng mở rộng kiến thức, cậu đã bước đầu đạt được quả ngọt, được công nhận, được trọng dụng. Tú hiểu, trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp; muốn trở thành một nhân viên chuyên nghiệp, thì việc học hỏi là cần thiết và bắt buộc. Cậu tự nhủ sẽ tiếp tục học, học nữa và hành trình ấy không được phép dừng lại.