Dưới đây là tâm sự của một bạn sinh viên vừa tốt nghiệp và đang không biết nên chọn làm nhà nước hay tư nhân.
“Chào TopCV, Em là Linh, sinh viên trường ĐHKT Quốc Dân. Em vừa tốt nghiệp mấy tháng trước nhưng đến nay vẫn mông lung không biết nên đi làm trong nhà nước hay gửi hồ sơ ở công ty tư nhân.
Theo em tìm hiểu thì công ty tư nhân môi trường làm việc thoải mái hơn, năng động hơn, lương cũng cao hơn. Bố mẹ em thì lại muốn em thi công chức, vào nhà nước làm cho ổn định. Trước khi em ra trường bố mẹ cũng liên hệ người để “giúp đỡ”; chỉ cần em gửi hồ sơ là chắc chắn có việc. Em đang hoang mang không biết chọn nơi nào, TopCV có thể giúp em phân tích ưu, nhược điểm của 2 môi trường này được không? Em cảm ơn!”
Linh – Hà Nội
TopCV trả lời:
Chào Linh, trước tiên TopCV cảm ơn Linh đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho trang. Cảm giác hiện tai của em cũng giống hàng nghìn bạn sinh viên vừa ra trường, đứng giữa ngã rẽ: Làm Nhà nước – Tư nhân.
Trong bài viết này, TopCV sẽ giúp em cũng như các bạn sinh viên mới ra trường khác phân định rõ những ưu nhược điểm giữa hai hình thức làm việc Nhà nước và tư nhân. Hi vọng sau khi đọc xong bài này; Linh dễ dàng quyết định được nơi sự nghiệp bắt đầu của mình.
Doanh nghiệp Nhà nước – Điểm đến an toàn cho những người thích sự an toàn
Ưu điểm
– Thời gian làm việc: Thường cố định từ 7h sáng đến 5h chiều; số ít công ty mới phải tăng ca hay làm thêm giờ. Bạn sẽ có nhiều thời gian để chăm sóc cho gia đình hoặc dành thời gian riêng cho bản thân. Điều này là điểm cộng cho những bạn nữ vì sau này ngoài việc cơ quan bạn còn phải lo công việc nhà.
– Tính chất Công việc: Thường rõ ràng, có lộ trình có quy tắc mang chuyên môn hóa cao. Vậy nên, nếu bạn được người trong nghề hướng dẫn cụ thể; bạn chỉ cần mất từ 1 – 2 tháng đã có thể thạo việc và hoàn thành công việc một cách dễ dàng.
– Về môi trường làm việc: khá yên tĩnh, không có tính cạnh tranh cao; không nhiều áp lực, có thể nói là “êm đềm”.
– Đánh giá năng lực: Ở các cơ quan Nhà nước thường xét năng lực qua bằng cấp và thâm niên làm việc. Chỉ cần làm từ 3 – 5 năm bạn sẽ được xem xét lên chức và tăng lương 2 – 3 năm một lần.
– Lương hưu: Đây là lý do mà các ông bố bà mẹ muốn con vào cơ quan nhà nước làm việc. Khi qua tuổi lao động; những cán bộ, công chức, viên chức đều có thể dựa vào lương hưu để sống mà không cần lo về vấn đề không có tích lũy cuối đời.
Nhược điểm
– Cạnh tranh đầu vào: Nếu bạn có tìm hiểu thì tỷ lệ “chọi” khi thi vào công chức khá cao; số ít cơ quan Nhà nước đăng tuyển. Chưa kể ở một số khu vực, để có được vị trí làm việc tại cơ quan Nhà nước cần phải có sự quen biết và điều kiện nhất định. Vậy nên để vào được cơ quan Nhà nước đòi hỏi bạn phải có tính kiên nhẫn chờ đợi cơ hội việc làm. Ở trường hợp của Linh thì may mắn có bố mẹ hỗ trợ rồi.
– Lương cơ bản đối với công chức Nhà nước khá thấp vào khoảng 1.210.000 ngàn đồng nhân với hệ số lương (Bậc 1: Đại học 2,34; Cao đẳng 2,1; Trung cấp 1,86. Hệ số tăng mỗi bậc: Đại học: 0,33; Cao đẳng: 0,31; Trung cấp: 0,2 )
– Do tính chất công việc không đòi hỏi sự sáng tạo nên mang tính lặp lại nhiều; năm này qua năm khác dễ gây cảm giác nhàm chán và không có động lực.
– Quan hệ với đồng nghiệp: Nếu làm trong cơ quan Nhà nước mà không khôn khéo với đồng nghiệp; thậm chí là sếp thì rất khó để tồn tại. Đặc biệt, các mối quan hệ cá nhân bên ngoài.
Những ai phù hợp với môi trường làm việc trong Nhà nước:
– Là người không thích cạnh tranh; không thích áp lực; không tham vọng nhiều.
– Người muốn dành thời gian nhiều cho bản thân, gia đình, con cái sau này.
– Biết tiết kiệm chi tiêu; quản lý tài chính.
Doanh nghiệp tư nhân: Môi trường lý tưởng cho người thích sáng tạo, nhiệt huyết và thích cạnh tranh
Ưu điểm
– Về lương: Thường các công ty sẽ trả theo năng lực, KPIs đặt ra. Chỉ cần chứng tỏ được năng lực của bản thân thì mức thu nhập có thể cao gấp 10, 20 lần làm nhà nước.
– Tính chất công việc: Đa dạng, nhiều thách thức, áp lực cao và có thể luân chuyển dựa vào khả năng. Làm việc cho tư nhân thì xu hướng các bạn sẽ ra kinh doanh nhiều.
– Đánh giá năng lực: Không qua bằng cấp, không chú trọng nhiều đến thâm niên; chỉ cần bạn có năng lực và chứng minh được điều đó thì bạn hoàn toàn có thể thăng chức, vượt cấp nâng lương bất kỳ lúc nào.
– Chú trọng mạng lưới quan hệ: Khi làm việc ở các công ty tư nhân; bạn đặc biệt xây dựng mạng lưới mối quan hệ càng chất càng tốt; bởi “nhất quan hệ” mà.
– Tách riêng được Công việc và đời sống cá nhân: Sau khi kết thúc thời gian làm việc; thời gian còn lại là thời gian riêng tư của bạn. Rất ít người sẽ quan tâm hay soi mói vào các quan hệ cá nhân của bạn. Bạn sẽ cảm thấy tự do và thoải mái hơn, không cần kiêng dè hay lo sợ bị người khác để ý.
Nhược điểm
– Trả lương theo năng lực: Điều này sẽ là áp lực không nhỏ tới những bạn không có khả năng. Bạn sẽ dễ dàng bị “hết hạn hợp đồng”; hoặc không có cơ hội tăng lương hay thăng chức dù đã làm một thời gian dài.
– Tăng ca là chuyện bình thường: Làm ở công ty tư nhân; bạn sẽ phải tăng ca đột xuất, ở lại làm thêm giờ hay những chuyến công tác bất chợt. Nếu bạn không có kỹ năng quản lý thời gian sẽ rất dễ bị đào thải trong môi trường này.
– Tính cạnh tranh trong công việc khi làm tư nhân rất cao; đào thải nhanh và thay thế liên tục. Chính vì vậy, bạn cần liên tục nâng cao kiến thức và năng lực của bản thân để có thể giữ vững vị trí của mình.
– Không có lương hưu: Vì thế hãy dự phòng cho mình một khoản lúc về già.
Những ai phù hợp với môi trường làm việc tư nhân:
– Những bạn trẻ năng động, không ngại thử thách; thích mạo hiểm, có năng lực và muốn chứng tỏ bản thân.
– Những ai đang ấp ủ dự định khởi nghiệp nên vào công ty tư nhân để được mài giũa.
Lời kết
Trên đây là ưu, nhược điểm của môi trường làm việc tư nhân hay Nhà nước. Linh không cần quá lo lắng hay quá phụ thuộc vào gia đình. Bạn đang còn trẻ, lại mới ra trường hãy chọn làm ở nơi bạn thích, công việc đam mê. Hãy dựa vào thế mạnh và điểm yếu của mình để lựa chọn nơi bắt đầu sự nghiệp chính xác. Người hiểu bạn nhất không ai khác chính là bạn.
++ Nên đọc: “3 năm làm Nhà nước, mình đã từ bỏ để ra làm ngoài…”
Chúc bạn có thể tìm kiếm được một con đường đúng cho mình! Hãy chia sẻ những khó khăn của bạn trong quá trình Tìm việc làm; viết CV hay những vấn đề cuộc sống khác bằng cách comment dưới đây nhé!