Phụ cấp là gì? Có phải đóng thuế không? Phân biệt phụ cấp và trợ cấp

phụ cấp là gì Blog TopCV
Tìm hiểu phụ cấp là gì Blog TopCV

Bên cạnh lương, khi ký kết hợp đồng làm việc với doanh nghiệp, người lao động cũng cần quan tâm đến cả phụ cấp. Phụ cấp có thể chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong cơ cấu lương thưởng của người lao động. Vậy phụ cấp là gì? Cách tính phụ cấp như thế nào? Tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!

Phụ cấp là gì? Tổng quan về phụ cấp lương

Phụ cấp (hay phụ cấp lương) là một khoản tiền mà người lao động được hưởng nhằm bù đắp những yếu tố không được tính đến hoặc chưa được liệt kê đầy đủ trong cơ cấu lương, bao gồm: Điều kiện lao động, mức độ phức tạp của công việc và điều kiện làm việc.

Quyền lợi của người lao động
Phụ cấp là quyền lợi chính đáng người lao động được hưởng

Phụ cấp được tính riêng biệt so với lương cơ bản. Đây là các khoản thu nhập bổ sung có ý nghĩa quan trọng và thường được xem như là bắt buộc trong bảng lương hàng tháng của người lao động. 

Tùy thuộc vào tính chất công việc và điều kiện lao động mà người lao động được hưởng những khoản phụ cấp khác nhau. Một số chế độ phụ cấp lương phổ biến bao gồm:

  • Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
  • Phụ cấp trách nhiệm.
  • Phụ cấp thu hút.
  • Phụ cấp khu vực.
  • Phụ cấp lưu động.
  • Phụ cấp chức vụ.

Ngoài ra, còn có các chế độ phụ cấp khác như phụ cấp khuyến khích người lao động làm việc và các phụ cấp khác tùy thuộc vào thương lượng giữa người lao động và doanh nghiệp.

Đặc điểm của đối tượng ký hợp đồng lao động và tính chất công việc sẽ quyết định những loại phụ cấp được áp dụng. Phụ cấp thường áp dụng đối với người lao động làm việc tại công ty và được chi trả cùng với tiền lương.

Mức độ hưởng phụ cấp được quyết định bởi doanh nghiệp và đảm bảo phù hợp với đặc điểm, tính chất công việc cũng như điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

Các mức phụ cấp lương có thể được quy định dưới dạng tỷ lệ phần trăm hoặc mức tiền cụ thể, sao cho phù hợp với đặc điểm, tính chất công việc và điều kiện thực tế của doanh nghiệp.

>>> Tham khảo bài viết: Hệ số lương là gì? Điều gì ảnh hưởng đến mức lương của nhân viên?

Mức hưởng phụ cấp
Mức độ hưởng phụ cấp được quyết định dựa trên thỏa thuận giữa các bên

Theo quy định của Nhà nước, các khoản phụ cấp nêu trên sẽ được tính vào việc đóng bảo hiểm xã hội, ngoại trừ 14 khoản chế độ và phúc lợi không tính vào đó.

Các khoản phụ cấp không tính vào đóng bảo hiểm xã hội bao gồm:

  • Tiền thưởng sản phẩm.
  • Tiền ăn giữa ca.
  • Các khoản hỗ trợ xăng xe, đi lại, điện thoại, hỗ trợ tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, tiền nuôi con nhỏ.
  • Hỗ trợ cho người lao động có thân nhân bị chết, có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động.
  • Trợ cấp cho người lao động gặp khó khăn trong trường hợp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các hỗ trợ, trợ cấp khác được xác định riêng trong hợp đồng lao động.

Người lao động làm việc dưới 4 giờ trong ngày thì sẽ được tính phụ cấp của 1/2 ngày. Trường hợp làm việc từ 4 giờ trở lên thì được tính phụ cấp của 1 ngày.

Phụ cấp tính đóng BHXH
Phụ cấp lương được tính đóng bảo hiểm xã hội

>>> Tham khảo bài viết: Hướng dẫn xây dựng quy chế lương thưởng, phụ cấp đối với mỗi doanh nghiệp

Có những loại phụ cấp nào?

Như vậy, phụ cấp là quyền lợi chính đáng của người lao động. Mức phụ cấp và loại phụ cấp được quyết định dựa trên đặc thù công việc, môi trường làm việc và chính sách chung của doanh nghiệp. Vậy người lao động có thể được hưởng những loại phụ cấp nào?

Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Thông tin chi tiết về chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được quy định rõ ràng trong Khoản 2, Điều 11 của Thông tư 36/2012/TT-BLĐTBXH.

Theo đó, người lao động làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc hoặc độc hại, làm việc trong ngành nghề nguy hiểm hoặc các ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, hoặc là phải tiếp xúc với nguồn gây bệnh truyền nhiễm.

Doanh nghiệp (hay người sử dụng lao động) có trách nhiệm phải rà soát tính chất công việc và điều kiện lao động để từ đó đưa ra mức phụ cấp tương xứng.

Theo quy định của Nhà nước:

  • Mức phụ cấp đối với ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm được quy định là 5 – 10%.
  • Mức phụ cấp đối với ngành nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm được quy định là 7 – 15%.
Phụ cấp nặng nhọc độc hại nguy hiểm
Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm tối đa bằng 15% lương công việc

Phụ cấp lưu động

Phụ cấp lưu động dành cho những người thường xuyên phải thay đổi địa điểm sinh sống và làm việc để phục vụ cho công việc. Doanh nghiệp cần tiến hành rà soát và xác nhận tính chất “lưu động” của công việc.

Nếu kết quả rà soát đáp ứng các tiêu chí được hưởng phụ cấp thì doanh nghiệp cần đưa ra mức phụ cấp phù hợp dành cho người lao động. Cụ thể, người lao động sẽ được hưởng phụ cấp lưu động không vượt quá 10% lương chức danh.

Phụ cấp lưu động được tính dựa trên cả lương chức danh và số ngày làm việc và sẽ được chi trả cùng với lương vào ngày nhận lương của nhân viên.

Phụ cấp khu vực

Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT đã có quy định cụ thể liên quan đến phụ cấp khu vực dành cho người lao động. Theo đó, phụ cấp khu vực được áp dụng đối với người lao động làm việc tại khu vực nằm trong Danh mục địa bàn được hưởng phụ cấp trong thông tư kể trên.

Không có mức cố định cho phụ cấp khu vực. Mức phụ cấp dựa trên thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động, và sẽ được chi trả cùng với ngày trả lương hàng tháng.

Ngoài ra, nếu người lao động không làm việc từ 1 tháng trở lên thì sẽ được còn thuộc diện được hưởng phụ cấp khu vực.

Quy định hưởng phụ cấp
Người lao động không làm việc từ 1 tháng trở lên sẽ không được hưởng phụ cấp

Phụ cấp thu hút

Bên cạnh phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thì người lao động làm việc tại vùng có điều kiện sinh hoạt khó khăn hoặc vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế và điều kiện sinh hoạt sẽ được hưởng thêm phụ cấp thu hút.

Mức phụ cấp thu hút sẽ không vượt quá 35% mức lương của người lao động và được chi trả cùng với ngày trả lương hàng tháng.

Phụ cấp chức vụ, chức danh

Người lao động đảm nhiệm những chức vụ, chức danh quan trọng và có tính trách nhiệm cao (như giám đốc, trưởng phòng, trưởng bộ phận, v.vv..) được hưởng phụ cấp chức vụ, chức danh.

Phụ cấp chức vụ, chức danh được chi trả theo kỳ trả lương hàng tháng và không vượt quá 15% lương chuyên môn cao nhất trong bảng lương của người lao động.

Trong trường hợp người lao động không làm việc từ tối thiểu 1 tháng thì sẽ không được hưởng phụ cấp chức vụ, chức danh.

Phụ cấp trách nhiệm

Người lao động nắm giữ vai trò quản lý (như trưởng ca, tổ trưởng, trưởng phòng, v.vv..) hoặc đảm nhiệm công việc phải chịu trách nhiệm cao (như kiểm ngân, thủ quỹ, v.vv..) sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm.

Phụ cấp trách nhiệm
Người lao động nắm giữ vai trò quản lý sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm

Mức phụ cấp trách nhiệm tối đa bằng 10% lương chức danh hoặc mức lương của công việc trong bảng lương. Phụ cấp trách nhiệm được chi trả cùng lương tháng và không áp dụng đối với người lao động không làm việc từ 1 tháng trở lên.

Có phải đóng thuế TNCN và BHXH trên số tiền phụ cấp không?

Khoản phụ cấp nào được miễn thuế TNCN?

Trong Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định rõ ràng về các khoản phụ cấp được miễn thuế TNCN. Theo đó, các khoản phụ cấp được miễn thuế TNCN bao gồm:

  • Phụ cấp một lần và phụ cấp hàng tháng áp dụng với đối tượng là người có công theo quy định của pháp luật.
  • Phụ cấp quốc phòng, an ninh.
  • Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
  • Phụ cấp khu vực.
  • Phụ cấp thu hút.
  • Phụ cấp đặc thù ngành nghề.
  • Phụ cấp phục vụ áp dụng với lãnh đạo cao cấp.
  • Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.

Ngoài ra, các thành phần kinh tế không thuộc Nhà nước và các cơ sở kinh doanh có thể căn cứ trên quy định trong danh mục và mức trợ cấp, phụ cấp áp dụng cho khu vực Nhà nước để tính trừ các khoản phụ cấp tương ứng.

Trong trường hợp người lao động nhận được khoản phụ cấp cao hơn mức phụ cấp theo quy định chung, thì phần vượt sẽ được xem như là thu nhập chịu thuế.

Tính thuế dựa trên phụ cấp
Phần phụ cấp vượt mức quy định sẽ được xem như thu nhập chịu thuế

Phụ cấp nào phải tính đóng BHXH?

Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH đã có quy định chi tiết về các khoản thu nhập tính đóng BHXH. Cụ thể, các khoản thu nhập tính đóng BHXH bao gồm:

  • Tiền lương (lương chức danh hoặc lương theo công việc).
  • Phụ cấp lương.
  • Các khoản thu nhập bổ sung khác theo thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, các khoản phụ cấp và phúc lợi không tính đóng BHXH bao gồm:

  • Tiền ăn giữa ca.
  • Tiền thưởng cho sáng kiến.
  • Các khoản tiền thưởng được quy định tại Điều 104 Bộ Luật Lao động.
  • Các khoản phụ cấp và hỗ trợ bao gồm: Đi lại, nhà ở, điện thoại, xăng xe, giữ trẻ, nuôi con nhỏ.
  • Các khoản hỗ trợ khi người lao động có sinh nhật, có người thân kết hôn hoặc có người thân bị chết.
  • Trợ cấp dành cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn khi mắc bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn lao động.
  • Các khoản trợ cấp khác được quy định trong Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH.

>>> Tham khảo bài viết: Mã số bảo hiểm xã hội là gì? Cách tra cứu mã số bảo hiểm xã hội

Phân biệt phụ cấp và trợ cấp

Như vậy bạn đã tìm hiểu phụ cấp là gì, các loại phụ cấp và một số quy định liên quan đến phụ cấp. Khái niệm “phụ cấp” rất dễ bị nhầm lẫn với “trợ cấp” nếu bạn không hiểu rõ về chúng.

Vậy phụ cấp và trợ cấp có gì khác nhau? Phân biệt phụ cấp và trợ cấp như thế nào?

Về mặt khái niệm, trợ cấp là khoản tiền người lao động nhận được khi không có việc làm hoặc tạm thời không làm việc. Trong trường hợp này, người lao động sẽ không được nhận phụ cấp.

Chi trả trợ cấp
Trợ cấp cho người lao động được chi trả bởi doanh nghiệp và cơ quan BHXH

Trợ cấp được tính dựa trên số tiền mà người lao động đã thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm trong thời gian làm việc.

Các loại trợ cấp bao gồm:

  • Trợ cấp thôi việc.
  • Trợ cấp mất việc làm.
  • Trợ cấp ốm đau.
  • Trợ cấp thai sản.
  • Trợ cấp hưu trí.
  • Trợ cấp tử tuất.
  • Trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, khi người lao động đủ điều kiện được hưởng trợ cấp, người sử dụng lao động hoặc cơ quan BHXH bắt buộc phải chi trả trợ cấp cho người lao động. Ngược lại, phụ cấp không phải là khoản chi trả bắt buộc mà phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên.

Một điều khác biệt nữa giữa trợ cấp và phụ cấp đó là, tất cả các khoản trợ cấp đều sẽ không tính vào tiền lương tháng đóng BHXH và cũng không tính vào thuế TNCN nếu được chi trả đúng theo quy định.

Trên đây, bạn đã cùng BlogTopCV tìm hiểu khái niệm phụ cấp là gì, quy định chung về cách tính phụ cấp và quy định về việc đóng thuế TNCN dựa trên phụ cấp lương. Phụ cấp là quyền lợi chính đáng mà người lao động được hưởng. Mức phụ cấp cụ thể sẽ được quyết định thông qua thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, tuy nhiên phải tuân theo những quy định chung của Nhà nước.