
Được đóng BHXH và bảo hiểm thất nghiệp là quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, thực tế có nhiều người lao động nghỉ việc mà không lấy sổ bảo hiểm xã hội. Người lao động nghỉ việc không lấy sổ bảo hiểm có sao không? Tìm hiểu ngay sau đây!
Những bất lợi khi người lao động nghỉ việc không lấy sổ bảo hiểm
Không được hưởng trợ cấp thất nghiệp
Trợ cấp thất nghiệp là 1 trong số 4 chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp ngay sau khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động cần phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Thứ nhất, người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong trường hợp của người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng thì sẽ không được hưởng trợ cấp.
Ngoài ra, người đang hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp mất sức lao động không thuộc diện được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Thứ hai, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng.
- Thứ ba, đã nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm trong khoảng thời gian 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng.
Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm: Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo mẫu); bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu của một trong số các giấy tờ xác nhận việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; bản chính sổ BHXH.
- Thứ tư, sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa tìm được việc. Ngoại trừ các trường hợp thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, chết… sẽ không được áp dụng quy định này.
Từ những quy định trên có thể thấy sổ BHXH là một trong những giấy tờ không thể thiếu trong hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu người lao động không có sổ BHXH, cho dù họ đáp ứng đủ các điều kiện khác, hồ sơ của họ vẫn sẽ không được coi là hợp lệ và họ cũng sẽ không được nhận trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, trong trường hợp người lao động chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp ngay sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, thì số tiền trợ cấp này sẽ không bị mất đi. Tương tự, thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ được bảo lưu, và sẽ cộng dồn để sử dụng cho lần hưởng tiếp theo khi người lao động làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Không được hỗ trợ học nghề sau khi nghỉ việc
Sau khi nghỉ việc, người lao động có quyền được lợi được hỗ trợ học nghề trong trường hợp đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp liên tục 9 tháng trong vòng 24 tháng trước đó.
Trích trong Điều 24 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP, các giấy tờ cần thiết trong hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề bao gồm:
- Trường hợp 1: Người lao động đang chờ giải quyết trợ cấp thất nghiệp hoặc đang được hưởng trợ cấp thất nghiệp và có nhu cầu học nghề tại nơi hưởng, hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề.
- Trường hợp 2: Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và có nhu cầu học nghề tại địa phương khác, hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị hỗ trợ học nghề, bản chính hoặc bản sao công chứng hoặc bản sao kèm bản chính của Quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Trường hợp 3: Người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp nhưng có đủ điều kiện để được hỗ trợ học nghề, hồ sơ bao gồm: Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, đơn đề nghị hỗ trợ học nghề (có mẫu), sổ BHXH và một trong số các giấy tờ sau đây: Hợp đồng lao động đã hết hạn, quyết định cho thôi việc hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng,… (Có thể nộp bản chính hoặc bản sao đã chứng thực).

Có thể thấy, trong cả 3 trường hợp, để được giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề, người lao động đều cần nộp sổ BHXH. Hoặc nếu trong trường hợp đang chờ để được giải quyết cho hưởng trợ cấp thất nghiệp thì trước đó người lao động cũng cần phải có sổ BHXH để trình lên cơ quan chức năng.
Từ đó, có thể kết luận rằng nếu như nghỉ việc mà không lấy sổ BHXH thì người lao động cũng sẽ không có đủ giấy tờ để được hưởng hỗ trợ học nghề.
Không được hưởng BHXH 1 lần
Theo quy định của Luật BHXH 2014 và Nghị quyết 95/2013/QH13, sau 1 năm kể từ khi chính thức nghỉ việc, người lao động có quyền được lấy BHXH 1 lần. Để lấy BHXH 1 lần, người lao động cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm: sổ BHXH (bản chính) và đơn đề nghị hưởng BHXH 1 lần (theo mẫu số 14-HSB).

Như vậy, số BHXH vẫn là giấy tờ bắt buộc nếu bạn muốn được hưởng BHXH 1 lần. Hay nói cách khác, nghỉ việc mà không lấy sổ BHXH thì bạn sẽ không đủ điều kiện để được hưởng BHXH 1 lần.
Tự ý nghỉ việc có được trả bảo hiểm không?
Tại Khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
“Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.”
Tại Khoản 3 Điều 48 Bộ Luật lao động 2019 cũng có quy định về nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:
“Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:
a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.”

Theo quy định trên, khi người lao động chấm dứt hợp đồng, dù là đúng luật hay trái luật, thì người sử dụng lao động đều có nghĩa vụ hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, đồng thời phải trả lại sổ BHXH cho người lao động.
Nghỉ việc bao lâu thì chốt sổ bảo hiểm?
Theo quy định của pháp luật, khi người lao động nghỉ việc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chốt sổ BHXH và trả sổ cho người lao động. Thời hạn để chốt sổ BHXH và trả sổ cho người lao động kéo dài tối đa là 30 ngày bắt đầu tính từ ngày hợp đồng lao động được chấm dứt.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không chốt và trả sổ BHXH cho người lao động thì người sử dụng lao động sẽ phải nhận hình phạt hành chính như đã đề cập đến trong phần trước.

Người lao động nghỉ ngang có thể tự đi chốt sổ BHXH không?
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm chốt sổ BHXH và trả cho người lao động sau khi hợp đồng lao động chấm dứt. Quy định này áp dụng đối với cả trường hợp song phương chấm dứt hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Theo quy định này, người lao động nghỉ ngang không thể tự đi chốt sổ BHXH mà phải do công ty cũ tiến hành.
Ngoài ra, Bộ Luật lao động 2019 cũng quy định, nếu người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng thì cần phải bồi thường cho người sử dụng lao động bằng 1/2 tiền lương một tháng và bồi thường cho những ngày nghỉ không báo trước.
Bên cạnh đó, nếu trước đó đã được tiếp nhận đào tạo thì người lao động cần phải hoàn lại toàn bộ chi phí đào tạo. Thời gian thanh toán bồi thường là 14 ngày, kéo dài tối đa lên đến 30 ngày.
Từ đó có thể thấy rằng, nếu như tự ý nghỉ ngang thì người lao động không chỉ phải bồi thường hợp đồng mà còn không nhận được trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp.

Người sử dụng lao động không chốt và trả sổ BHXH bị xử lý như thế nào?
Trong trường hợp người sử dụng lao động không trả lại sổ BHXH cho người lao động thì có thể sẽ bị xử phạt từ 2 đến 4 triệu đồng/ người lao động, tối đa số tiền phạt không vượt quá 75 triệu đồng.
Nếu người sử dụng lao động không trả sổ BHXH khi người lao động nghỉ việc, thì người lao động có thể khiếu nại, tố cáo vi phạm hoặc khởi kiện lên tòa án.
- Trường hợp 1: Người lao động có thể khiếu nại đến người sử dụng lao động. Khi đó người sử dụng lao động có trách nhiệm phải chốt sổ BHXH và trả sổ cho người lao động.
Nếu người lao động đã khiếu lại nhưng vẫn không nhận được sổ BHXH thì người lao động có thể tiếp tục khiếu nại đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Trường hợp 2: Người lao động có thể tố cáo vi phạm đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương.
- Trường hợp 3: Nếu không được giải quyết sau khi đã khiếu nại, người lao động có quyền khởi kiện lên Tòa án nhân dân cấp huyện để buộc người sử dụng lao động phải hoàn thành thủ tục chốt và trả sổ BHXH.

Chưa chốt sổ BHXH ở công ty cũ có được đóng BHXH ở công ty mới không?
Trong trường hợp có nhu cầu tham gia BHXH, người lao động chỉ cần điền đầy đủ Tờ khai tham gia BHXH và Tờ khai điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT và nộp cho người sử dụng lao động là có thể tham gia bảo hiểm.
Do đó, nếu như chưa chốt sổ BHXH ở công ty cũ thì người lao động vẫn có thể được đóng BHXH ở công ty mới. Ngoại trừ trường hợp người lao động đã nghỉ việc ở công ty cũ nhưng công ty cũ chưa báo giảm lao động thì sẽ không thể tham gia BHXH ở công ty mới.
>>> Xem thêm:
- Biên bản bàn giao tài sản khi nghỉ việc là gì?
- Nên làm gì sau khi nghỉ việc nếu chưa có công việc khác?
- Cách nói chuyện với sếp khi nghỉ việc tránh làm mất lòng sếp
- Nghỉ việc một cách thông minh!
Nguyên nhân là bởi vì trong trường hợp này người lao động được coi là đang ký kết hợp đồng lao động với nhiều hơn một đơn vị, do đó BHXH và bảo hiểm thất nghiệp sẽ được đóng theo công ty đầu tiên (hay trong trường hợp này là công ty cũ).
Tóm lại, người lao động hoàn toàn có thể tham gia BHXH ở công ty cũ kể cả khi chưa chốt sổ ở công ty cũ. Trừ trường hợp duy nhất, nếu công ty cũ chưa báo giảm lao động thì người lao động không thể tham gia BHXH ở công ty cũ.
Qua bài viết, TopCV tin rằng bạn đã hiểu rõ hơn về những bất lợi khi người lao động nghỉ việc không lấy sổ bảo hiểm cùng một số thắc mắc khá về quyền lợi của người lao động liên quan đến BHXH. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ hữu ích đối với bạn đọc. Tham khảo những bài viết khác về chủ đề bảo hiểm xã hội tại Blog TopCV nhé!