Chắc hẳn ngày nay, “phóng viên ảnh” không còn là khái niệm quá xa lạ với nhiều người, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về thứ nghề lắm vinh quang, mà cũng đầy thử thách này. Phóng viên ảnh khác gì với nghề nhiếp ảnh? Nghề phóng viên ảnh làm gì? Cơ hội có rộng mở cho người phóng viên tại Việt Nam? Hãy cùng BlogTopCV giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến nghề phóng viên bạn nhé!
Cơ hội việc làm cho nghề phóng viên ảnh tại Việt Nam
Hiện cả nước có gần 900 cơ quan báo in, xấp xỉ 120 tạp chí điện tử, những con số này đã cho thấy được tương lai rộng mở cho người phóng viên ảnh. Đặc biệt khi mà con người ngày một lơ là với con chữ, thì một bức ảnh hơn cả vạn từ, sẽ là thứ thuốc thần kéo người đọc ở lại với trang báo, do vậy vai trò của người phóng viên càng trở nên quan trọng.
Hơn thế nữa, có một thực tế rằng, chất lượng ảnh báo, đặc biệt là báo in của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, trong khi đó, thẩm mỹ của cả xã hội đang ngày một nâng cao. Vậy nên, những người phóng viên với năng lực chuyên môn vững chắc cùng góc nhìn đa chiều chắc chắn là thứ kho báu quý giá mà bất kì tòa soạn nào cũng mong muốn có được.
>>> Xem thêm: Các ngành nghề khối C gồm những gì? Top 5 nghề thu nhập ổn định nhất
Nghề phóng viên ảnh làm gì?
Nơi làm việc
Đúng như tên gọi, người phóng viên hình ảnh có nhiệm vụ là phụ trách mảng ảnh minh hoạ trong các cơ quan báo chí với nhiệm vụ chụp được những bức hình đẹp, chân thật và giàu thông tin báo chí. Đây là công việc phù hợp với những người ưa thích sự dịch chuyển, nắm bắt mọi xu thế và nhanh nhạy với đủ loại thông tin trong cuộc sống.
Phóng viên mảng hình ảnh thường làm việc ở các Đài phát thanh, Đài truyền hình, các Hãng thông tấn hay các tờ báo in, báo điện tử. Cũng có không ít phóng viên tác nghiệp tự do và không gò bó với bất kì một đài nào.
Mức lương: Thường được trả theo số ảnh đạt chất lượng. Trung bình 150.000 – 200.000 VNĐ/ tấm ảnh.
Công việc đặc thù
- Tìm kiếm và chọn lọc những thông tin, sự kiện quan trọng, nổi bật.
- Tiến hành điều tra, quan sát để tìm kiếm và kiểm chứng nguồn tin.
- Có mặt ở hiện trường để chụp lại những bức ảnh chân thật và giàu thông tin báo chí
- Làm việc cùng biên tập viên để phát triển tin bài.
- Có thể hoạt động tại địa phương hoặc ở nước ngoài với tư cách là phóng viên thường trú.
Khác biệt giữa phóng viên ảnh và nhiếp ảnh gia
Khác biệt lớn nhất chính nằm ở sự chân thực. Cùng là dùng chiếc máy ảnh ghi lại khoảnh khắc, tuy nhiên đối với một nhiếp ảnh gia, tác phẩm của của họ có thể phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều chỉnh sửa, photoshop mới đến được tay độc giả, điều này khiến một bức ảnh trở nên tròn vẹn và hoàn hảo, dễ dàng ghi được ấn tượng mạnh mẽ.
Còn về phần người phóng viên ảnh thì “Sự khách quan, trung thực là điều kiện tiên quyết, là tiêu chí cao nhất của thông tin nói chung và thông tin trong ảnh báo chí nói riêng. Ảnh có những chi tiết thừa, thiếu mới đúng là ảnh báo chí.” – theo ông Vũ Quốc Khánh – chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Học về tư duy báo chí và hình ảnh ở đâu?
- Đại học Khoa học xã hội và nhân văn
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền
- Đại học Sân khấu điện ảnh.
- Bạn có thể bước vào nghề bất kể bạn học ngành Đào tạo nào, tuy nhiên các ngành có sự liên hệ với báo chí như: Ngôn ngữ học, Luật, Sử học, Văn học, Xã hội học… sau đó tự mày mò, tìm hiểu về nhiếp ảnh trên Internet và học hỏi từ những người đi trước, thì đây sẽ là một trong những con đường ngắn nhất đưa bạn đến với nghề
Tìm kiếm việc làm phóng viên ảnh ở đâu?
Khi đã trả lời được câu hỏi nghề phóng viên ảnh làm gì, thì bạn hoàn toàn có thể sở hữu một việc làm phóng viên mơ ước với mức lương hấp dẫn thông qua:
- Mạng xã hội Facebook: Page Tuyển Phóng viên – Biên tập viên, Việc làm báo chí, Cộng tác viên báo chí,…
- Cổng thông tin tuyển dụng uy tín: Topcv.vn, indeed, vietnamplus,…
Không chỉ về mảng hình ảnh, nếu đam mê với nghề báo nói chung, hãy tham khảo ngay những việc làm Báo chí với mức lương cực hấp dẫn và cách viết CV ứng tuyển ngành báo chí thành công.