Ngày đầu tiên đi làm luôn là một dấu mốc quan trong. Dẫu bạn có là một nhân sự dày dặn kinh nghiệm hay sinh viên vừa ra trường, một môi trường mới cũng dễ khiến chúng ta hồi hộp và dễ mắc sai lầm. Cùng TopCV check qua list 13 câu nói cấm kị trong ngày đầu đi làm nhé
- Cách để bảo vệ đời tư chốn công sở
- Thị phi chốn công sở – làm sao đối phó?
- Những tình huống không nên nói thật khi đi làm
Dưới đây là 13 điều các “tân binh” không nên nói trong ngày đầu tiên đi làm, theo Business Insider.
1. “Ở công ty cũ của tôi…/Công việc tôi làm lúc trước…”
Thay vì ngồi nhắc lại quá khứ, bạn nên hăng hái bắt tay vào công việc và cố gắng khiêm tốn trong ngày đầu tiên này.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bạn phải tỏ ra nhút nhát hay thể hiện mình là một cô nàng/anh chàng “biết tuốt” trước mặt đồng nghiệp.
2. “Khi nào thì tăng lương?”
Nếu muốn bàn về chủ đề này, bạn nên “nhịn” ít nhất là đến sau khi kết thúc thời gian thử việc.
3. “Nhân tiện, thứ Sáu tôi thường phải về sớm”
Nếu chưa từng nhắc đến điều này với ban tuyển dụng thì việc đột ngột thông báo như vậy vào ngày làm việc đầu tiên sẽ khiến mọi người nghĩ bạn là người dễ mắc sai sót trong giao tiếp và thiếu tôn trọng người khác.
4. “Nên chơi thân/tránh những ai?”
Về cơ bản, câu hỏi này giống như một cách để buôn chuyện, nhưng nó cũng có thể hủy hoại sự nghiệp của bạn.
Hãy tận dụng giai đoạn này để gặp gỡ nhiều người, tham gia vào những buổi sinh hoạt chung trong cơ quan, và nhớ cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói.
5. “Đây không phải cách mà tôi đã học”
Mọi người thường không thích nghe những thứ mà bạn không thể làm. Thay vào đó, họ muốn nhìn thấy sự cầu tiến của nhân viên mới với tinh thần ham học hỏi và thái độ sẵn sàng tiếp nhận lời khuyên của người khác.
Tất nhiên, ai cũng muốn có cơ hội được thể hiện kỹ năng chuyên môn cũng như chính kiến của bản thân, nhưng nếu bạn diễn đạt chúng không đúng cách thì mọi việc có thể diễn ra theo hướng tiêu cực, mang hàm ý rằng bạn đang phê phán cách làm của công ty.
6. “Dịp lễ, tết công ty có thưởng gì không?”
Nên nhớ rằng bạn đang là một nhân viên “mới toanh” trong mắt mọi người. Hãy đợi và quan sát xem mọi việc diễn ra như thế nào.
7. “Làm sao để đổi đồ mới trong văn phòng?”
Nếu hầu hết các thiết bị của công ty không thuộc loại “xịn” thì rất có thể các đồng nghiệp khác cũng sử dụng những vật dụng giống như bạn. Việc đề nghị sếp cung cấp đồ dùng hiện đại hơn chắc chắn sẽ khiến một vài người đặt câu hỏi rằng bạn nghĩ mình là ai mà xứng đáng dùng hàng tốt hơn họ.
Do đó, hãy tập làm quen với những thứ mà bạn nhận được. Nếu công ty thiếu các thiết bị cần thiết, hay dùng bàn ghế cũ kỹ… thì bạn nên khéo léo trình bày vấn đề này với sếp vào một dịp khác.
8. “Làm thế này là không đúng”
Bạn có thể không hiểu hoặc không đồng ý với cách làm trong công ty, nhưng việc giữ khư khư những quan điểm bất đồng sẽ khiến cho không khí buổi họp trở nên nặng nề hoặc tệ hơn là sẽ biến bạn trông thật thà một cách ngu ngốc.
Chính vì vậy, hãy kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của những người khác trước khi bạn đưa ra nhận định cá nhân.
Đồng thời, thay vì cho rằng cách làm này không phù hợp với bạn thì hãy tìm hiểu lý do tại sao công ty lại áp dụng nó, lắng nghe câu chuyện đằng sau và cố gẳng suy nghĩ dựa trên quan điểm của tổ chức.
9. “Sếp cũ của tôi là người thiếu năng lực”
Có thể sếp cũ của bạn là một gã ngốc, nhưng việc than phiền và so sánh một cách tiêu cực như thế rất hiếm khi được chào đón ở chỗ làm mới. Chưa kể những phát ngôn như trên có thể ảnh hưởng xấu đến cách đánh giá của mọi người về bạn.
Một khi người khác nghĩ không tốt về nhân viên mới thì sẽ rất khó thay đổi định kiến đó sau này. Bạn nên tạo cho mình một hình ảnh tốt trong ngày đầu tiên đi làm và cố gắng duy trì chúng.
10. “Nhân viên trong công ty có được hưởng chính sách ưu đãi nào không?”
Thời gian này, bạn nên hạn chế hỏi những câu liên quan đến các chính sách đãi ngộ và quyền lợi của cá nhân trong công ty. Vì khi hỏi hay yêu cầu các đặc quyền như thế sẽ khiến người khác nghĩ bạn chỉ biết quan tâm đến bản thân.
11. “Chủ Nhật này mọi người cùng đi chùa nhé”
Trừ khi có chuyện liên quan đến công việc thì bạn nhớ đừng bao giờ mang vấn đề chính trị hay tôn giáo lên bàn ăn, cũng như trên bàn làm việc.
Thông thường, những vấn đề này sẽ không nhận được phản hồi tích cực trong môi trường làm việc nghiêm túc, chưa kể có một số đồng nghiệp sẽ tỏ ra ngại ngần với bạn nếu họ không tham gia được.
12. “Theo ý tôi thì nên…”
Vào ngày đầu tiên, tốt nhất bạn nên áp dụng triệt để câu nói “Hãy hỏi, đừng trả lời” trong công việc cũng như trong giao tiếp.
Chỉ khi nào bạn được mọi người hỏi đến, còn không thì tốt hơn hết bạn nên giữ lại ý kiến cá nhân trong lúc quan sát xem các đồng nghiệp khác nói gì về chủ đề đó.
13. “Mọi người thật thoải mái”
Bạn nhìn thấy mọi người trong phòng trêu đùa vui vẻ bởi họ hiểu nhau tới mức có thể bỏ qua những lễ nghi thông thường, còn bạn thì chưa “chạm” tới mức đó nên đừng vội vàng “nhập cuộc”.
Vào ngày đầu tiên, cho dù mọi người có thể tạo bầu không khí thoải mái cho bạn bớt căng thẳng thì bạn cũng vẫn phải tỏ ra lịch sự và chứng minh cho mọi người thấy bạn ở đó để làm việc một cách nghiêm túc.