Ai cũng hiểu và đã từng đọc rất nhiều rằng “Thái độ quan trọng hơn trình độ”. Thế nhưng, có những ứng viên dù ba, bốn năm kinh nghiệm vẫn “cố tình” không hiểu điều này. Ai cũng nghĩ chỉ ứng viên mới ra trường mới mắc phải lỗi thái độ. Sự thật đáng buồn là điều này lại phổ biển nhiều hơn đối với ứng viên nhiều kinh nghiệm…
Kỹ năng xin việc là rất cần thiết và quan trọng. Nhưng kiếm việc làm không chỉ xoay quanh những chuyện như viết CV, quần áo là lượt; nói năng nhanh nhảu hay tỏ ra mình khôn ngoan. Thái độ và năng lực cốt lõi mới là hai yếu tố nhà tuyển dụng cân nhắc hàng đầu khi tuyển nhân viên.
Chỉ có thái độ tốt với “sếp”
Nhiều ứng viên nghĩ rằng, họ chỉ cần tỏ thái độ tốt với người trực tiếp quản lý mình. Do vậy, họ tỏ thái độ thờ ơ, nói năng trống không với nhân viên thuộc bộ phận khác; hoặc ngay cả với những người cùng cấp hoặc cấp bậc thấp hơn cùng bộ phận. Chẳng hạn, khi vừa mới đến, họ tỏ thái độ không tốt ngay với nhân viên lễ tân đón tiếp. Khuôn mặt lạnh tanh, trả lời trống không, không chào hỏi vì nhân viên lễ tân không phải người tuyển mình. Thậm chí có ứng viên còn nhờ bộ phận HR in hộ CV khi đến phỏng vấn với lý do “Em không tìm thấy hàng photo nào gần công ty”.
Khi bạn xác định mình muốn và sẽ làm việc tại một doanh nghiệp. Dù ít dù nhiều, bạn chắc chắn sẽ phải tiếp xúc với tất cả thành viên trong công ty. Tất nhiên, bạn không cần phải luôn tỏ ra niềm nở và thân thiết với tất cả mọi người. Bạn cũng không cần phải đến từng nơi, cúi gập 45 độ để chào hỏi từng người. Nhưng chào hỏi khi gặp mặt, nói chuyện có chừng mực là phép lịch sự tối thiểu. Đến phỏng vấn mặt “hằm hằm”, không chào hỏi ai, ăn nói cụt lủn không đầu cuối. Đến lúc bị đánh trượt thì lại gửi mail thắc mắc đòi “công đạo”. Hoặc chẳng may có đỗ, thì lại than thở “bị đồng nghiệp ghét”.
++ Tham khảo bài viết: Bàn về thái độ làm việc
Như vậy không ngầu, hay không thể hiện bạn khác biệt. Ngoài kia có rất nhiều người cá tính hơn bạn, không chỉ vậy, họ còn có thái độ tốt. Khi đi làm, bạn là một cá thể trong xã hội thu nhỏ, đôi lúc bạn cần bớt đi cái tôi cá nhân để hòa mình vào tập thể. Nếu không, bạn có thể chọn làm những công việc dạng freelancer.
CV nhiều kinh nghiệm là được
Các ứng viên có kình nghiệm thường rất tự tin bởi họ đã trải qua nhiều cuộc phỏng vấn, từng làm việc ở nhiều nơi. Nhưng có lẽ vì đã quá tự tin họ lại mắc rất nhiều lỗi viết CV cơ bản. Cụ thể, có những viên có kinh nghiệm làm việc 10 năm, CV chỉ gói gọn trong hai trang; nhưng vẫn thể hiện rõ năng lực và quá trình thăng tiến, thành tích đạt được. Ngược lại, có ứng viên kinh nghiệm làm việc chỉ ba đến bốn năm, nhưng CV tận 4 trang. Không chỉ vậy, kinh nghiệm trong CV của ứng viên này không thực sự có gì đặc biệt. Vai trò của họ gần như là không thay đổi, chỉ có tên công ty là khác nhau. CV mang tính chất liệt kê nhiều hơn là thể hiện năng lực.
Dù nhiều hay ít kinh nghiệm, trước khi ứng tuyển bất kỳ công việc nào; bạn cũng nên ngồi và chỉnh lại CV cho thật hợp lý. CV có thể trình bày đẹp nhưng khi gặp mặt, hỏi đến kiến thức lơ mơ, kỹ năng lờ mờ, trải nghiệm vật vờ… thì vẫn bị loại từ “vòng gửi xe”. Chẳng ai đủ kiên nhẫn để đọc hết một CV 4 trang mà nội dung nào cũng như nhau. Kinh nghiệm càng nhiều thì CV của bạn cũng càng phải chuyên nghiệp hơn đúng không?
++ Mẫu CV chuyên nghiệp miễn phí
++ Tham khảo việc làm chất lượng từ doanh nghiệp uy tín
Làm bài test năng lực qua loa
Khi ứng tuyển những vị trí có chuyên môn cao, bạn sẽ được nhà tuyển dụng yêu cầu làm các bài test năng lực. Độ khó cũng như nội dung của bài test sẽ dựa vào chuyên môn cũng như lĩnh vực. Tuy nhiên, một số ứng viên lại tỏ ra không mấy mặn mà với các bài test; hoặc chỉ làm qua loa cho có. Có người chỉ sử dụng chưa đến 1/3 thời gian để làm bài test vì cho rằng nội dung của bài test thấp hơn chuyên môn của mình.
Thực chất, chẳng có gì là sai với nội dung bài kiểm tra năng lực cả. Cách ứng viên làm bài dù dễ hay khó cũng sẽ nói nên phong cách làm việc, cũng như thái độ trong công việc của mỗi người. “Tôi đưa ra bài test với thời gian 30 phút cho vị trí trưởng nhóm, ứng viên đó hoàn thành chỉ trong 15 phút. Chất lượng bài test khá sơ sài và tôi đã không thể tuyển dụng ứng viên đó”; anh T, bộ phận HR của một công ty Bất động sản cho biết. Việc này giống như bạn làm bài kiểm tra và về trước giờ khi chuông reo vậy. Nhà tuyển dụng sẽ thấy thật khó hiểu khi sau đó ứng viên lại email hỏi lý do tại sao bản thân không trúng tuyển.
Khi bạn tiếp xúc với nhà tuyển dụng, cách bạn giao tiếp, cách bạn viết CV hay làm bài kiểm tra năng lực chính là tấm gương phản chiếu không chỉ thái độ mà còn là năng lực và phong cách làm việc của bạn. Bí quyết để được đánh giá cao không phải là thái độ hơn người, CV dài “dằng dặc” mà là sự chân thành!
Chình vì thế, bạn thường thấy những người có vai vế trong một doanh nghiệp, thường là người có thái độ trong công việc tốt và cư xử khéo léo với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới. Năng lực không xuất sắc, thái độ không tốt. Bạn định “dậm chân tại chỗ” đến bao giờ?