Nhắc tới Marketing người ta thường nghĩ tới quảng cáo triệu đô gắn với hình ảnh người nổi tiếng hay những trận chiến truyền thông khốc liệt giữa những nhãn hàng. Tuy nhiên, Marketing không chỉ là câu chuyện của chiêu trò, những Marketer muốn thực sự thành công thì bên ngoài những màu mè bề nổi phải luôn hiểu thấu bề sâu.
Trước hết, bạn phải hiểu về ngành Marketing là gì, bản chất và vai trò của nó trong doanh nghiệp. Hãy chắc chắn bạn đã đọc qua Wikipedia nghề nghiệp 01 – Marketing trước khi đọc thêm bài viết này (Hoặc là quay lại đọc sau cũng được).
Ông cha ta từng quan niệm “tiếng lành đồn xa” “hữa xạ tự nhiên hương”. Nôm na là bạn chỉ cần có nội lực tốt thì nghiễm nhiên sẽ được mọi người biết tới. Lý thuyết ấy giờ đây thực ra vẫn áp dụng.
Ngặt một nỗi đứa tốt 10 mà chỉ đứng im thì may lắm một trăm người biết. Nhưng đứa biết 7 biết 8 nhưng dám chạy lăng xăng thì một ngàn một vạn người hay. Vậy nên mới cần sự có mặt của Marketer – những người sẽ “chạy lăng xăng lăng” giúp bạn. Dẫn bạn, sản phẩm của bạn đi đúng đường để được công chúng biết tới.
Để có thể trở thành một marketer bạn cần rất nhiều tố chất: Tư duy sáng tạo, khả năng giao tiếp, kiến thức về thị trường, … nhưng tất cả các yếu tố trên sẽ trở nên vô dụng nếu bạn không có thật sự hiểu sản phẩm của mình!
Một sản phẩm chỉ thành công nếu được thị trường đón nhận. Để làm được điều đó nó phải là giải pháp cho một nhu cầu con người. Tuy nhiên thực tế cho thấy bạn có thể xây dựng một giải pháp hoàn hảo (một điều tương đối khó), hoặc đơn giản hơn bạn khiến người khác tin rằng đó là một giải pháp hoàn hảo. Đây chính là câu chuyện của các marketer.
Trước khi lấy được niềm tin của người khác, tất nhiên bạn phải hểu rõ mình đang có gì. Hiểu sản phẩm tức là bạn phải nằm rõ mình đang muốn quảng bá cái gì, sử dụng như thế nào, những ưu điểm vượt trội, những mặt còn hạn chế, giá trị thực của sản phẩm đem đến cho người dùng, nhu cầu cuộc sống nào sản phẩm đó có thể đáp ứng… Từ những dữ liệu này, Marketer mới có thể xác định được những yếu tố khác.
Phải hiểu sản phẩm để xác định thị trường.
Giống với việc mỗi chúng ta đều có một lĩnh vực lợi thế để thoả sức thể hiện năng lực và sáng tạo, mỗi một sản phẩm cũng cần có một thị trường phù hợp để phát triển hiệu quả. Và tất nhiên người làm Marketing phải hiểu rõ sản phầm của mình mới xác định được đâu là thị trường phù hợp để nhắm đến.
Vì sao sản phẩm sneaker bar hay các gói ngũ cốc, thức ăn đóng hộp của PepsiCo vô cùng được ưa chuộng tại Mỹ nhưng lại không phổ biến ở thị trường Châu Á. Tất nhiên câu trả lời không phải là Pepsi không có nguồn lực để quảng bá sản phẩm mà là vì các chuyên gia Marketing của Pepsi hiểu rằng những sản phẩm thức ăn đóng gói này chỉ có ưu điểm về sự nhanh chóng, tiện lợi và đem lại năng lượng cho dân thể thao. Đặc tính này chỉ phù hợp với người dùng trong một xã hội bận rộn, không thực sự coi trọng văn hoá ẩm thưc, và tuyệt nhiên không phải là thị trường Châu Á
Hiểu sản phẩm để khoanh vùng khách hàng
Một chiến dịch quảng bá không xác định được nhóm khách hàng mục tiêu sẽ giống như việc bạn lao ra khỏi mà không biết đích đến: tốn thời gian, tốn chi phí và chỉ đem lại nguy hiểm. Ngược lại càng xác định được nhóm khách hàng cụ thể rõ ràng thì chiến dịch Marketing lại càng hiệu quả.
Mỗi một nhóm khách hàng lại có một nhu cầu khác nhau về giá thành, công dụng… Vậy nên người làm Marketing cần hiểu rõ sản phẩm của mình mới xác định được đâu là đối tượng quảng bá để đem lại hiệu quả chuyển đổi cao nhất. Bạn có một chiếc túi nữ, bạn hiểu rằng ưu điểm vượt trội của chiếc túi này chính là kích cỡ và độ bền. Hẳn nhiên bạn xác định được rằng đối tượng để quảng bá ở đây chính là các bà mẹ bỉm sữa bận rộn người luôn mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc.
Hiểu sản phẩm để xác định đối thủ cạnh tranh
Trong bất cứ ngành nghề nào cũng có đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt đối với Marketing thì đối thủ cạnh tranh thậm chí còn được xác định là môt kênh quảng bá hiệu quả. Sức mạnh của đối thủ cũng thể hiện tầm vóc của bạn. Điều này rất đúng khi nhắc đến Coca là nghĩ tới Pepsi, nhắc tới điện thoại là nghĩ tới Samsung, Apple.
Cho dù bạn muốn chiến tranh thương hiệu thì cũng cần chọn đối thủ xứng tầm. Samsung từng đi nước cờ sai khi đưa ra quảng cáo đá đểu Oppo. Đường đường là một ông lớn trong giới smartphone, nổi tiếng với những sản phầm chất lượng chiếm lĩnh phân khúc trung cấp mà lại ra mặt so đo với một cái tên mới. Những người xây dựng chiến dịch này chưa thực sự thấu hiểu giá trị sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng. Không đơn giản là điện thoại, nó còn là thương hiệu của đẳng cấp.
Đọc thêm: Có gì sau một chiến dịch Marketing đanh đá?
Phải hiểu sản phẩm để hoàn thiện sản phẩm
Một Marketer đích thực không chỉ là người quảng bá cho sản phẩm, họ còn là người góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện và nâng cấp nó. Nói cách khác Marketer chính là một mắt xích quan trọng của sản xuất. Đôi khi một Marketer xuất sắc còn đi trước và định hướng cho sản phẩm.
Marketer làm được điều này bởi lẽ họ là người trực tiếp làm việc với khách hàng và có kiến thức về nhu cầu thị trường. Tuy nhiên để đóng góp vào quá trình hoàn này bạn phải thực sự hiểu sản phẩm của mình mới biết được đâu là khuyết điểm để loại bỏ, ưu điểm để phát huy, đâu là thứ thị trường tìm kiếm để mở rộng quảng bá.
Vậy làm thế nào để một marketer có thể thực sự thấu hiểu sản phẩm của mình
Hãy trải nghiệm đó. Tốt nhất hãy sử dụng sản phẩm bạn muốn quảng bá, nếu không hãy biết cách lắng nghe. Đó là lý do chúng ta có hẳng một đội ngũ tester để dùng thử sản phầm.
Tham gia vào mọi công đoạn. Một marketer giỏi phải là người nắm rõ hết các bước để tạo ra sản phẩm. Từ ý tưởng, sản xuất cho tới cả khâu kiểm nghiệm đóng gói ra mắt thị trường thậm chí theo dõi cả phản hồi khách hàng. Sản phẩm cũng có một vòng đời sinh tồn như con người, muốn hiểu rõ nó bạn phải nắm hết mọi công đoạn
Suy nghĩ như môt người tiêu dùng. Bạn sẽ không thể xây dựng được một chiến lược marketing hiệu quả nếu bạn suy nghĩ như một người làm ra sản phẩm. Tất nhiên đứa con của mình luôn luôn hoàn hảo. Hãy suy nghĩ như một người tiêu dùng để thực sự hình thấy hết mọi góc cạnh của vấn đề. Thậm chí đôi khi phải biết dìm sản phẩm xuống, xăm soi khuyết điểm thì mới có đà để phát triển và hoàn thiện.
Marketing luôn là một thị trường cực kỳ tiềm năng, nhiều đất diễn, thu nhập của các marketer tăng nhanh hơn giá xăng. Nếu bạn thấy hứng thú, muốn thử sức trong ngành này, đừng bỏ qua những Cơ hội việc làm Marketing nhé!
Đọc thêm: Những điều cần biết khi xin việc ngành Marketing
Tú Anh