Mắc những lỗi sau khi đi thang máy, vô tình trở thành người “vô văn hóa” chốn công sở

Văn hóa đi thang máy tưởng chừng đơn giản nhưng lại thể hiện phép lịch sự của bản thân mỗi người. Ngày càng nhiều các tòa nhà cao tầng cần đến thang máy do ngày càng nhiều công ty, văn phòng “mọc lên”. Đi thang máy cứ nghĩ xếp hàng là được; nhưng nếu xếp hàng mà vẫn mắc những lỗi này thì bạn sẽ trở thành người “vô văn hóa” chốn công sở.

Vô văn hóa khi cố chen lấn khi thang máy đông người

Đối với nhiều nhân viên, muộn 1 – 2 phút là “đi toi” cả đống tiền, thế nên họ cố chen thang máy để bản thân không bị muộn. Thế nhưng, việc bạn chen lấn nhồi nhét khi thang máy đã đông người là việc hết sức vô văn hóa, ảnh hưởng rất nhiều đến người khác. Có khi thang máy đã báo đầy, họ vẫn cố gắng bước vào, giơ chân, giơ tay đủ kiểu để “lừa” thang máy. Để rồi cứ mỗi tầng thang lại báo đầy, họ lại bước ra bước vào; thang máy vừa quá tải, vừa mất rất nhiều thời gian của người khác.

Giữ cửa thang máy không đúng cách

Thế nào là giữ thang máy đúng cách? Nếu bạn là người bước vào đầu tiên hãy giữ nút giữ cửa để những người khác có thể vào cùng. Tuy nhiên, nếu thang máy đang có quá nhiều người thì bạn không nên giữ cửa vì như thế sẽ khiến tất cả mọi người phải chờ đợi, thậm chí khiến thang máy quá tải. Nhiều người dù thang máy đang có khá nhiều người rồi; nhưng vấn cố kiết giữ thang để chờ một vài người bạn của mình. Hãy nhớ, thang máy của cả tòa nhà chứ không phải của riêng công ty bạn.

Nếu bạn ở trong thang máy một mình hoặc trong thang máy có ít người. Hãy giữ cửa cho những người đang tiến tới gần thang máy. Tuy nhiên không nên giữ thang máy lâu quá 15 – 20 giây.

Mang đồ cồng kềnh khi đi thang máy

Nếu trong trường hợp phải mang theo đồ vật cồng kềnh, tốt nhất tránh vào thang máy khi đang đông người. Nếu mang chúng vào thang máy hãy luôn giữ đồ vật sao cho tốn ít diện tích nhất có thể. Bên cạnh đó hãy xin lỗi mọi người nếu đồ vật bạn mang theo có va phải họ. Chẳng hạn bạn mang ba lô, thì khi đi thang máy bạn nên bỏ tạm ba lô xuống xách dưới tay để cho người khác có diện tích đứng.

Nói chuyện riêng khi trong thang máy là vô văn hóa

Trong thang máy, đôi khi bạn sẽ gặp người quen; nhưng hãy hạn chế trò chuyện, cười đùa ồn ào nhất là khi có người lạ trong thang máy. Không ai có nhu cầu nghe những cuộc nói chuyện riêng tư của bạn. Đừng bao giờ cười to, nói lớn ở những nơi công cộng như thang máy; nếu không muốn bị bẽ mặt khi có người không chịu nổi và lên tiếng nhắc nhở.

Gây mùi khó chịu khi đi thang máy

Nếu có mùi cơ thể hãy hoặc khi mang theo các đồ ăn, thực phẩm có mùi nặng như hành, tỏi… ; cũng nên hạn chế đi thang máy hoặc không nên đi vào giờ cao điểm. Vì khi đó những mùi khó chịu này sẽ khiến những người đi cùng trong tha máy cảm thấy khó chịu. Đi trong lúc thang máy đông người thì mọi chuyện sẽ càng trở nên tệ hơn. Hãy tưởng tượng thang máy chật ních, nóng nực mùa hè. Đã vậy còn đủ thứ mùi khác nhau hòa trộn.

Xông vào thang máy khi có người muốn ra ngoài

Trong khi chờ thang máy, bạn không nên đứng trước cửa và xông vào khi cửa thang vừa mở. Bởi ở bên trong thang may rất có thể đang có người muốn ra ngoài. Vậy nên hãy đứng sang một bên để họ ra trước. Để những người bên trong có thể đi ra một cách thuận tiện nhất bạn nên đứng ở khoảng giữa của các thang máy để những người bên trong bước ra dễ dàng hơn.

văn hóa thang máy

Đứng sát, nhìn chằm chằm người khác trong thang máy

Dù thang máy là không gian kín, có diện tích khá nhỏ; nếu không có quá nhiều người cùng đi, mọi người nên biết ý, đứng tạo khoảng cách với những người đi cùng để khiến họ cảm thấy thoải mái. Tất nhiên đừng nhìn chằm chằm vào người ta; vì trông bất lịch sự, có thể khiến người ta nghĩ bạn là “biến thái”. Hoặc đừng cố nghe lỏm và cười câu chuyện người khác nói trong thang máy.

Văn hóa bấm nút khi đi thang máy

Trong trường hợp những người đi cùng thang máy đang bận cầm đồ lỉnh kỉnh, không tiện bấm nút, bạn có thể giúp họ bấm chọn tầng như một phép lịch sự. Hoặc bình tĩnh bấm nút rồi chờ thang đến chỗ bạn; chứ đừng vội vàng bấm liên hồi để “giục thang”. Đã có trường hợp người tầng dưới chưa kịp bước vào hết; thang máy đã đóng lại vì người tầng trên bấm “giục thang” gây ra tình huống rất nguy hiểm.