Xây dựng được một lộ trình thăng tiến của nhân viên kinh doanh sẽ giúp bạn nhanh chóng đạt được thành công trên con đường sự nghiệp của mình. Hãy cùng Blog TopCV tìm hiểu rõ các mốc phát triển sự nghiệp của nhân viên kinh doanh nhé!
Lộ trình thăng tiến của nhân viên kinh doanh
Bộ phận kinh doanh trong một doanh nghiệp là bộ phận chủ chốt, mang về nguồn doanh thu để doanh nghiệp có thể duy trì và phát triển lâu dài. Vì thế, những nhân viên kinh doanh và vị trí làm trong bộ phận kinh doanh luôn là người hết sức quan trọng.
Theo trình tự cấp bậc, người làm kinh doanh trong doanh nghiệp sẽ từng bước làm dưới các chức vụ như sau:
- Nhân viên kinh doanh: Là nhân sự nòng cốt trực tiếp làm việc với khách hàng, đối tác, mang về doanh thu cho doanh nghiệp.
- Chuyên viên kinh doanh: Là người đã có kinh nghiệm làm nhân viên kinh doanh, giữ nhiệm vụ điều phối các nhân viên kinh doanh.
- Trưởng bộ phận kinh doanh: Ở nhiều công ty, chuyên viên kinh doanh và trưởng bộ phận kinh doanh là một, cũng làm nhiệm vụ quản lý nhân sự kinh doanh.
- Trưởng phòng kinh doanh: Là người quản lý cả một phòng ban về kinh doanh, chịu trách nhiệm về doanh thu của toàn công ty.
- Giám đốc kinh doanh: Là người cấp cao hơn cả trưởng phòng, sẽ điều phối và chịu trách nhiệm về doanh số kinh doanh của tất cả các phòng và bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp.
Lưu ý rằng, không phải bạn sẽ trải qua tất cả các chức vụ này trong cùng một doanh nghiệp. Vì còn tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp mà ban lãnh đạo sẽ phân chia bộ phận và cấp bậc riêng.
Có doanh nghiệp chỉ có một nhân viên kinh doanh phụ trách tất cả. Có nơi lại gồm một trưởng bộ phận và một vài nhân viên kinh doanh. Có nơi lại gồm cả một phòng kinh doanh riêng với số lượng nhân viên kinh doanh lớn, nên cần có một trưởng phòng quán xuyến.
Như vậy, để từng bước theo sát lộ trình thăng tiến của nhân viên kinh doanh, bạn cần có thời gian tích lũy kinh nghiệm ở nhiều doanh nghiệp và nhiều lĩnh vực khác nhau đấy!
Tìm hiểu thêm: Phòng kinh doanh gồm những vị trí nào? Tìm việc uy tín ở đâu?
Xây dựng lộ trình thăng tiến của nhân viên kinh doanh
Để giúp bạn hiểu rõ công việc và trọng trách của từng cấp bậc trong phòng kinh doanh của một doanh nghiệp, TopCV sẽ chia sẻ với bạn một lộ trình thăng tiến tổng quát như sau!
Nhân viên kinh doanh
Nhân viên kinh doanh là bước khởi đầu của bất cứ ai quyết định dấn thân vào nghề nghiệp này. Đây cũng là đội ngũ được săn đón nhiều nhất bởi các doanh nghiệp, vì nơi đâu cũng có nhu cầu nâng cao doanh số hết.
Kinh nghiệm làm việc
Nhà tuyển dụng chấp nhận những ứng viên nhân viên kinh doanh chưa có kinh nghiệm, hoặc có kinh nghiệm nhưng ở lĩnh vực khác. Yêu cầu cao nhất cũng chỉ 1 năm kinh nghiệm ở vị trí tương đương mà thôi.
Lưu ý rằng, doanh nghiệp nào càng dễ trúng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh thì mức lương cơ bản sẽ càng thấp. Vì yêu cầu của họ đơn giản mà! Nhưng khi vào việc, bạn sẽ được áp doanh số và thu nhập của bạn có cao hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào bạn.
Công việc cần làm
Ở cấp bậc này, bạn sẽ phải thực hiện các công việc như sau:
- Dành thời gian để học về sản phẩm/dịch vụ của công ty.
- Khai thác nguồn khách hàng tiềm năng do công ty giao phó.
- Tạo dựng mối quan hệ để mở rộng tệp khách hàng của riêng mình.
- Tăng cường học các kỹ năng mới, trong đó có ngoại ngữ và kỹ năng giao tiếp trong kinh doanh để tăng doanh số cho mình.
Lưu ý
Vị trí nào dễ đến thì cũng dễ đi. Nhân viên kinh doanh là cấp bậc dễ bị đào thải nhất do áp lực doanh số và sự cạnh tranh không hồi kết. Phải là người đam mê lắm, kiên trì lắm và có nhiều kỹ năng lắm mới có thể theo đuổi được ngành nghề này.
Tìm hiểu thêm: TOP 9 kỹ năng cần có của nhân viên kinh doanh bạn nên biết
Chuyên viên kinh doanh
Sau khoảng 2 năm làm nhân viên kinh doanh, bạn có thể được cân nhắc lên vị trí chuyên viên hoặc trưởng bộ phận kinh doanh.
Kinh nghiệm làm việc
Không phải dựa trên thâm niên mà phải dựa vào thành tích mới biết bạn có khả năng được đề bạt làm chuyên viên hay không. Trong lộ trình thăng tiến của nhân viên kinh doanh, cấp bậc này còn khắc nghiệt và gian nan hơn.
Để nhanh chóng đạt được vị trí này, bạn cần phải mang về những đơn hàng lớn cho doanh nghiệp. Nói chung là bạn cần dẫn đầu nhóm nhân viên kinh doanh về doanh thu, làm việc có chiến lược và có kế hoạch rõ ràng.
Tìm hiểu thêm: Chiến lược là gì? 4 bước lập chiến lược kinh doanh thành công
Công việc cần làm
Người giữ chức vụ chuyên viên hoặc trưởng bộ phận kinh doanh cần thực hiện các đầu việc:
- Nâng cao kỹ năng quản lý đội nhóm.
- Xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh cho toàn nhóm nhân viên.
- Phân công nhiệm vụ và đặt ra KPI cho nhân viên kinh doanh.
- Trực tiếp phỏng vấn các nhân viên kinh doanh để có kinh nghiệm tuyển chọn người.
Lưu ý
Để có được lợi thế thăng tiến lên các vị trí cao hơn, khi đang làm chuyên viên kinh doanh, bạn hãy tranh thủ học thạc sĩ quản trị kinh doanh, marketing hoặc các ngành nghề khác liên quan mật thiết với kinh doanh.
Trưởng phòng kinh doanh
Để nâng cấp lên vị trí trưởng phòng kinh doanh, bạn cần có thâm niên ít nhất 5-7 năm ở vị trí chuyên viên kinh doanh. Hoặc nếu ngay lập tức đi xin việc vị trí trưởng phòng ở công ty khác thì bạn cần có thâm niên ít nhất 3 năm ở cùng vị trí rồi.
Kinh nghiệm làm việc
Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm chuyên sâu trong ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động. Họ sẽ không mạo hiểm tuyển một người “mới toanh” chưa va chạm nhiều trong lĩnh vực đó để quản lý cả một phòng ban.
Công việc cần làm
Nhiệm vụ của trưởng phòng kinh doanh thậm chí còn nặng nề hơn nhiều:
- Làm việc sâu sát với các trưởng phòng liên quan như sản xuất, nghiên cứu, tài vụ, marketing,…
- Theo sát tình hình kinh doanh của các đối thủ, từ đó vẽ ra chiến lược nâng tầm doanh thu cho doanh nghiệp.
- Thông thạo các công cụ đánh giá, phân tích dữ liệu, đánh giá năng lực của các bộ phận chứ không chỉ là cá nhân.
- Xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các bộ phận với chỉ tiêu phù hợp.
Tìm hiểu thêm: Mô tả công việc trưởng phòng kinh doanh chất lượng nhất
Lưu ý
Không phải doanh nghiệp nào cũng cân nhắc, đề bạt chuyên viên hay trưởng bộ phận lên làm trưởng phòng. Vì nếu có thì đây sẽ là một cuộc cạnh tranh cực kỳ khốc liệt giữa các bộ phận. Vì thế, nếu bạn muốn thử sức với vị trí này, hãy ứng tuyển ở những môi trường mới.
Giám đốc kinh doanh
Thông thường, chỉ ở những doanh nghiệp, tập đoàn lớn thì mới có chức vụ giám đốc kinh doanh. Đây là vị trí có phúc lợi rất cao, nhưng trách nhiệm đi kèm thì không thể nào nhỏ! Yêu cầu tuyển dụng nhân viên kinh doanh theo đó cũng khắt khe hơn rất nhiều.
Kinh nghiệm làm việc
Bạn cần có thâm niên ít nhất 5 năm ở vị trí giám đốc cùng ngành nghề thì mới dễ trúng tuyển vào công ty mới. Hoặc bạn cần có ít nhất 10 năm làm trưởng phòng kinh doanh ở cùng ngành nghề thì mới có khả năng được xem xét.
Công việc cần làm
Đây là vị trí yêu cầu cực cao về nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng quan lý. Một giám đốc kinh doanh cần thực hiện các công việc là:
- Thực hiện các chính sách kinh doanh.
- Quản trị mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tuyển dụng và đào tạo nhân sự lĩnh vực kinh doanh.
- Phân tích và đánh giá thị trường, từ đó vẽ ra kế hoạch nâng cao doanh thu.
- Phê duyệt các đề án kinh doanh.
- Đảm nhận công tác ngoại giao với các đối tác kinh doanh.
- Kết hợp các phòng ban khác để duy trì bộ máy kinh doanh.
- Xử lý khiếu nại.
Tìm hiểu thêm: Mô tả công việc giám đốc kinh doanh. 7 kỹ năng giám đốc kinh doanh cần có
Lưu ý
Đây là vị trí cấp cao nhất trong lộ trình thăng tiến của người làm nhân viên kinh doanh. Áp lực dồn đến cả trong khi ứng tuyển và sau khi trúng tuyển. Vì thế, để thăng tiến đến cấp bậc này, bạn phải nghiêm túc trau dồi bản thân và rèn giũa được khả năng chịu đựng áp lực cực lớn.
Kinh nghiệm thăng tiến nhanh cho nhân viên kinh doanh
Để làm một nhân viên kinh doanh xuất sắc, có khả năng thăng tiến nhanh chóng, bạn cần phải mài giũa những kỹ năng sau:
- Nhạy bén: Bạn cần có sự tinh tế để khéo léo trở thành người cố vấn tin cậy, người đưa ra giải pháp hữu hiệu cho khách hàng.
- Vượt qua nỗi sợ: Làm nhân viên kinh doanh sẽ thường xuyên phải nghe những lời từ chối, phản hồi tiêu cực từ khách hàng. Dù vậy, hãy luôn giữ tâm trạng tích cực.
- Mở rộng mối quan hệ: Tất cả mọi người trong vòng quan hệ của bạn đều có thể trở thành khách hàng của bạn.
- Biết lắng nghe và đồng cảm: Thấu hiểu cảm xúc và nỗi đau của khách hàng rồi bạn mới có thể giúp họ giải quyết vấn đề được.
- Đàm phán khéo léo: Muốn chốt được giao dịch hấp dẫn thì bạn phải biết dẫn dắt cuộc trò chuyện với khách hàng phải không nào!
Tìm hiểu thêm: Bỏ túi ngay những kinh nghiệm làm nhân viên kinh doanh
Tìm việc nhân viên kinh doanh ở đâu?
Để khởi đầu hành trình làm nhân viên kinh doanh và rút ngắn lộ trình thăng tiến, bạn hãy tham khảo những việc làm hấp dẫn nhất tại website tuyển dụng TopCV.vn. Tại đây, bạn sẽ có được cơ hội trở thành nhân viên kinh doanh tiềm năng cho mọi loại doanh nghiệp lớn nhỏ.
Thông tin doanh nghiệp chi tiết đều được chia sẻ trên trang tuyển dụng và bạn có thể dành thời gian tìm hiểu, chọn lọc đơn vị phù hợp với sở thích và khả năng của mình. Khám phá ngay: Cơ hội việc làm nhân viên kinh doanh mới nhất
Và đừng quên tạo một chiếc CV thật chuyên nghiệp để dễ dàng thu hút nhà tuyển dụng nhé! Những mẫu cv xin việc nhân viên kinh doanh chuyên nghiệp nhất tại TopCV sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều, tăng khả năng trúng tuyển vào các công ty tiềm năng đấy!
Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn cách viết CV nhân viên kinh doanh chưa có kinh nghiệm
Bài viết trên đây đã chia sẻ chi tiết lộ trình thăng tiến của nhân viên kinh doanh. Hy vọng rằng những kiến thức này sẽ trở thành nền tảng tốt giúp bạn khởi đầu sự nghiệp của mình một cách tự tin hơn. Và đừng quên ghé thăm Blog TopCV mỗi ngày để thu thập thêm những kinh nghiệm làm việc trong ngành nghề của mình nhé!