Các doanh nhiệp vừa và nhỏ (Viết tắt: SMEs) khách quan mà nói đó là “lò” đào tạo tốt cho các bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên không phải ai cũng thích hợp để tham gia. Nếu bạn chọn sai nơi bắt đầu sự nghiệp, sai sếp, sai đồng nghiệp, bạn sẽ đánh mất sức trẻ một thời, đánh mất luôn nhiệt huyết tuổi thanh xuân, thậm chí suy sụp tinh thần. Vậy nên trước khi quyết định làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ hay Startup, hãy đọc hết bài này để không hối tiếc.
Việc đầu tiên bạn phải làm là…
1. Xác định mình có phù hợp với các SMEs không?
Nếu bạn là người có khả năng thích ứng tốt.
Nếu bạn thích áp dụng vào thực tiễn hơn thích học.
Nếu bạn có khả năng nhìn ra vấn đề.
Nếu bạn thích sự đa dạng.
Nếu bạn có là người luôn chủ động.
Nếu bạn có kỳ vọng một mức lương không thua các vị trí tại các công ty tốt.
Xin chúc mừng bạn là người mà doanh nghiệp vừa và nhỏ hay Startup đang tìm kiếm. Lời khuyên tiếp theo dành cho bạn là hãy chọn công ty thay vì đi kiếm công việc phù hợp, bởi lúc đó…
2. Bạn sẽ phải kiêm nhiệm nhiều vị trí
Có một sự thật ít người tiết lộ là khi vào làm việc ở SMEs, bạn sẽ biến thành một Mr.Kiêm, một “con sen”, một người “đa-zi-năng”. Bởi trong quá trình làm việc, bạn sẽ được đảm nhiệm rất nhiều vị trí khác nhau và nó khác xa với bản mô tả công việc lúc phỏng vấn. Đừng ngạc nhiên nếu mình đang làm ở vị trí marketing nhưng chiều nay phải ngồi đóng gói sản phẩm giao cho shipper, hay phải chạy xuống cửa hàng để bán hàng. Thậm chí bạn đang làm nhân sự nhưng kiêm luôn thủ kho, ghi phiếu nhập phiếu xuất cả ngày.
Việc phải làm nhiều công việc khác nhau như thế này dễ làm một số bạn nản lòng. Hãy tưởng tượng, mục tiêu của bạn là muốn trở thành chuyên gia marketing nhưng hàng ngày phải làm thêm cả công việc kế toán, đóng gói, thậm chí dọn dẹp văn phòng hay đóng tiền điện nước…, ai mà chịu?!
Thêm nữa, phần lớn SMEs đều là những đơn vị nhỏ, ngân sách cũng như chế độ phúc lợi không nhiều thậm chí còn không có. Vậy nên khoan so sánh lương, thưởng, đãi ngộ cho vị trí của mình với các tập đoàn khác mà hãy “ghi lòng tạc dạ” rằng tiền công ty cũng chính là tiền của mình, hãy tính toán chi tiêu từng đồng thật kỹ.
Không muốn làm giảm sự hào hứng của bạn đâu nhưng môi trường làm việc ở SMEs là vậy. Nếu ai đủ lửa và giữ được nhiệt huyết lâu dài thì dám chắc một điều là một SME tốt sẽ giúp bạn làm được mọi điều trên đời, trở thành bất kỳ ai bạn muốn. Chính môi trường “hỗn hợp” tại các SMES/Startup sẽ là nơi cho bạn nhiều trải nghiệm nhất thì đó cũng chính là quãng thời gian bạn được trui rèn, thách thức đôi khi lên tới mức tận cùng.
3. Tính cách lãnh đạo sẽ ảnh hưởng đến văn hoá công ty
Nghiên cứu chỉ ra rằng 80% các trường hợp xin nghỉ tại SMEs, không phải do công việc quá nhiều, mà là từ chính những xích mích, mâu thuẫn, hoặc không tương thích giữa cá tính bản thân, cũng như văn hóa nội bộ công ty.
Mà văn hoá nội bộ công ty SMEs lại có nét tương đồng với tính cách với vị lãnh đạo của họ. Bởi lúc này, cấu trúc doanh nghiệp còn đơn giản, thậm chí không có, các phòng ban còn đang ít người và sẽ làm việc trực tiếp với CEO hoặc giám đốc. Từng cử chỉ, phong thái đến quan điểm về cuộc sống, tầm nhìn … của người lãnh đạo sẽ vô hình chung tác động đến cách cư xử, làm việc của mọi người với nhau.
Rất may là các chủ doanh nghiệp SMEs đa phần đều rất đa tài, giàu nhiệt huyết và đầy tham vọng. Họ chắc chắn là những thầy dạy (mentor) có ảnh hưởng lâu dài đến sự nghiệp về sau, cũng như các kỹ năng làm việc của bạn. Thế nhưng họ cũng là con người và sẽ có cá tính riêng, cách sống riêng, sẽ có người phù hợp và không, hãy cố gắng tìm hiểu văn hoá công ty đó trước khi quyết định vào làm.
4. Khi không thể tiếp tục, đừng ngần ngại ra đi
Nếu như sau một thời gian làm việc ở SMEs, bạn nhận thấy mình không phù hợp với tầm nhìn của doanh nghiệp, văn hoá công ty hay môi trường làm việc, cứ vui vẻ ra đi. Tuy nhiên, trước khi nghỉ ngang một công việc, hãy:
- Nghĩ thật kỹ lý do bạn khiến bạn “dứt áo ra đi” là gì? Cũng như cách bạn đã cân nhắc khi nhận việc. Cả công ty lẫn bản thân bạn đã cho nhau niềm tin và cơ hội để cùng hợp tác, đừng vì một chút bất đồng mà từ bỏ.
- Nếu còn đang thử việc, hãy kiên nhẫn bởi 2 tháng chưa đủ để nói lên sự phù hợp nói gì đến vài ngày. Chỉ khi hai bên thực sự hiểu nhau mới tìm được câu trả lời.
- Áp lực là bản chất của việc làm. Có áp lực có cạnh tranh mới giúp bạn nhanh phát triển. Làm ở đâu bạn cũng sẽ đối mặt với vấn đề này thôi.
- Khi không còn muốn bên nhau, hãy chia tay lịch sự, ôn hòa, có trách nhiệm. Bởi cách bạn bước vào một công ty cho thấy năng lực của bạn và cách các bạn bước ra khỏi một công ty cho thấy một phần nhân cách của bạn.
Trên đây là một số của chia sẻ gửi đến những bạn đang phân vân giữa những ngã rẽ của sự nghiệp. Hi vọng đọc xong bài này bạn sẽ có được những lựa chọn thông minh hơn khi quyết tâm theo đuổi sự nghiệp tại một SME. Chúc bạn sớm thành công!