Kinh nghiệm phỏng vấn vị trí giao dịch viên ngân hàng: Thành công đến từ những điều nhỏ nhất

kinh-nghiem-phong-van-giao-dich-vien-ngan-hang

Giao dịch viên ngân hàng là một công việc hấp dẫn khá nhiều bạn trẻ đặc biệt là những người theo học khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng. Cũng vì thế mà tỉ lệ cạnh tranh để có được vị trí này cũng rất cao. Vậy kinh nghiệm phỏng vấn giao dịch viên ngân hàng để đảm bảo trúng tuyển là gì?

1. Chuẩn bị về mặt tác phong

Về mặt trang phục: 

Hãy ăn vận lịch sự, nhã nhặn phù hợp với thời tiết. Dưới đây là gợi ý về trang phục “ghi điểm” trong mắt nhà tuyển dụng

  • Nữ: quần âu hoặc chân váy (ngang đầu gối hoặc trên hoặc dưới đầu gối không quá 5 phân) sẫm màu, kèm áo sơ mi màu sắc nhã nhặn, không bắt buộc phải là màu trắng đi cùng giày cao gót khoảng 5-7cm. Các nữ ứng viên có thể đeo trang sức nhưng cũng nên chọn kiểu dáng nhẹ nhàng, tránh trang sức quá nổi bật, cá tính như khuyên tai hoặc vòng to bản
  • Nam: quần âu, áo sơ mi màu sắc trung tính đi kèm giày da tại shop thời trang, tóc nên được tạo kiểu gọn gàng.
kinh-nghiem-phong-van-giao-dich-vien-ngan-hang-chuan-bi-trang-phuc
Hãy chuẩn bị kĩ về trang phục trước buổi phỏng vấn

Về tác phong

  • Đến sớm 5-10 phút: Hãy nhớ nguyên tắc đến đúng giờ là đến muộn. Bạn thường không được phỏng vấn ngay khi có mặt nhưng việc đến sớm giúp giảm thiểu các nguy cơ như sự cố trên đường, sự cố trang phục… Bên cạnh đó, một số nhà tuyển dụng khó tính cũng đánh giá sự chu đáo và thái độ cầu thị của ứng viên thông qua việc họ xuất hiện sớm một chút so với thời gian được hẹn phỏng vấn.
  • Cầm túi trên tay: Đây là một điều đơn giản trong tác phong thường bị ứng viên bỏ quên, tránh đeo balo hoặc túi trên vai và khi bước vào phòng phỏng vấn bạn phải loay hoay quay đi quay lại để tháo túi/balo. Thay vào đó, hãy cầm trên tay và đặt nhẹ nhàng vào ghế trước khi ngồi xuống. Điều này sẽ tăng điểm thanh lịch cho ứng viên.
  • Nở nụ cười thân thiện: Một lưu ý không mới nhưng không bao giờ là thừa, việc nở một nụ cười thân thiện với các nhà tuyển dụng trước khi vào phỏng vấn sẽ tạo bầu không khí thoải mái, giảm bớt căng thẳng.

Những lưu ý trên rất dễ thực hiện và là một trong những kinh nghiệm phỏng vấn giao dịch viên ngân hàng rất hữu ích, giúp bạn “ghi điểm” với nhà tuyển dụng từ những điều nhỏ nhất.

kinh-nghiem-phong-van-giao-dich-vien-ngan-hang-chinh-chu-trong-tac-phong
Hãy chỉn chu trong tác phong khi đi phỏng vấn

2. Chuẩn bị về kĩ năng

Là một giao dịch viên, hằng ngày bạn cần tiếp xúc với rất nhiều khách hàng, mỗi người một tính nết, phong cách khác nhau, vì thế, có một số kĩ năng mà người ứng tuyển cần chú ý trau dồi để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng như sau:

  • Kỹ năng giao tiếp: giao tiếp qua điện thoại và giao tiếp trực tiếp. Vị trí giao dịch viên yêu cầu khá cao về kỹ năng giao tiếp, bạn sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều khách hàng. Nếu không tự tin, thành thạo thì bạn rất khó thỏa mãn khách hàng và không thể hoàn thành công việc
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề: Ngồi vào vị trí giao dịch viên giống như ngồi trên “ghế nóng” và rất nhiều vấn đề sẽ phát sinh trong quá trình làm việc, bạn cần thành thạo kỹ năng giải quyết vấn đề để thực hiện tốt nghiệp vụ
  • Gây dựng hình ảnh chỉn chu, tác phong chuyên nghiệp: Giao dịch viên là bộ mặt của ngân hàng trong mắt khách hàng, họ cần phải thể hiện sự chuyên nghiệp trong hình ảnh, trang phục, đầu tóc và thực hiện nhanh chóng các nghiệp vụ làm hài lòng khách hàng
kinh-nghiem-phong-van-giao-dich-vien-ngan-hang-chuan-bi-cac-ki-nang-lien-quan
Chuẩn bị các kỹ năng liên quan đến vị trị giao dịch viên ngân hàng

Hãy rèn luyện những kỹ năng trên thật thường xuyên không chỉ để giúp bạn thông qua vòng phỏng vấn mà còn là những kỹ năng cần thiết trong công việc của bạn sau này. Khéo léo thể hiện những kỹ năng này trong buổi phỏng vấn là cách trả lời phỏng vấn ngân hàng thông minh, giúp bạn nổi bật so với các ứng viên khác.

3. Chuẩn bị bộ câu hỏi phỏng vấn vị trí giao dịch viên ngân hàng

Rất nhiều người thắc mắc thi giao dịch viên ngân hàng cần ôn những gì. Thực tế, không có bộ câu hỏi nào cố định cho toàn bộ ngành ngân hàng nhưng nhìn chung, khi ứng tuyển vào vị trí giao dịch viên, bạn sẽ được hỏi những dạng câu hỏi như sau:

a. Nhóm câu hỏi về hiểu biết chung về vị trí tuyển dụng: 

Câu hỏi: Theo bạn, vị trí giao dịch viên sẽ làm những công việc gì?

Trả lời: Về cơ bản bạn cần làm rõ 2 ý:

  •  Giao dịch viên là đại diện của ngân hàng tiếp xúc và làm việc trực tiếp với khách hàng
  • Công việc cụ thể bao gồm: Thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến hỗ trợ khách hàng, giới thiệu sản phẩm của ngân hàng tới khách, thực hiện các tác vụ khác khi được yêu cầu.

Câu hỏi: Kĩ năng nào là quan trọng nhất đối với giao dịch viên

Trả lời: Dựa vào hiểu biết của bạn và thế mạnh của bản thân để đưa ra câu trả lời vì không có một đáp án cố định cho câu hỏi này, quan trọng nhất là bạn cần trả lời dứt khoát và lí giải thuyết phục lựa chọn của mình. Bạn có thể tham khảo các kỹ năng đã được nêu trên để trả lời câu hỏi này.

kinh-nghiem-phong-van-giao-dich-vien-ngan-hang-san-sang-cho-cac-cau-hoi-kho
Sẵn sàng cho những câu hỏi “khó nhằn”

Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn một số câu hỏi như:

  • Vì sao bạn lựa chọn ngân hàng chúng tôi?
  • Bạn biết gì về ngân hàng chúng tôi?
  • Đối với giao dịch viên thì đức tính nào là cần thiết nhất?

b. Nhóm câu hỏi tình huống thực tế

Đây là những câu hỏi phỏng vấn ngân hàng rất quan trọng, là cơ sở để nhà tuyển dụng đánh giá khả năng ứng xử của các ứng viên khi bước vào làm việc thực tế. Để trả lời những câu hỏi, bạn cần vững vàng kiến thức cả về chuyên môn lẫn kĩ năng giao tiếp. Bộ câu hỏi tình huống rất đa dạng, phong phú, bạn có thể tham khảo một số câu hỏi dưới đây:

Câu hỏi: Có một khách hàng quan trọng bất ngờ muốn rút tiền để chuyển sang ngân hàng có lãi suất ưu đãi hơn. Làm thế nào để giữ chân vị khách này?

Trả lời: Em sẽ mời khách vào phòng riêng để tiện trao đổi. Em sẽ phân tích cho khách nhận thấy những khó khăn sẽ gặp phải nếu khách chuyển sang ngân hàng khác. Đó là thủ tục mất thời gian mà khoảng chênh lệch không quá đáng kể, rủi ro khi gửi ở một ngân hàng mới còn non trẻ (trong trường hợp ngân hàng đối thủ có quy mô nhỏ hơn ngân hàng chúng ta). Khi sang ngân hàng mới, khách có thể sẽ không còn là khách hàng quan trọng, đãi ngộ và chăm sóc sẽ không bằng ngân hàng hiện tại.

kinh-nghiem-phong-van-giao-dich-vien-ngan-hang-dung-lo-lang-truoc-cau-hoi-tinh-huong
Đừng lo lắng trước những câu hỏi tình huống

Câu hỏi: Có một khách hàng cần rút một số tiền lớn nhưng ngân hàng lại không đủ tiền mệnh giá lớn mà chỉ có tiền mệnh giá nhỏ, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Trả lời: Theo hiểu biết của em, khách hàng muốn giao dịch những khoản lớn thì cần liên hệ trước với bên ngân hàng để có biện pháp chuẩn bị kịp thời. Em sẽ trao đổi với khách, nếu khách đồng ý rút tiền mệnh giá nhỏ thì sẽ chuẩn bị để thực hiện giao dịch cho khách còn nếu khách không đồng ý thì xin lỗi khách, mong khách thông cảm và gợi ý ngày giao dịch gần nhất cho khách đồng thời gợi ý khách hãy báo sớm với ngân hàng khi có ý định rút một khoản tiền lớn để ngân hàng có đủ thời gian chuẩn bị, nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho khách.

Những câu trả lời trên đây chỉ mang tính chất gợi ý, gợi mở, phần trả lời phụ thuộc rất nhiều vào chuyên môn, nghiệp vụ của bạn. Vì vậy lời khuyên là ứng viên hãy không ngừng trau dồi, nâng cao nghiệp vụ để xử lý tốt các câu hỏi tình huống.

Bài viết đưa ra một số kinh nghiệm phỏng vấn giao dịch viên ngân hàng, tuy nhiên đây không phải mẫu số chung cho tất cả mọi người. Đừng vội lo nếu bạn vẫn còn chênh vênh trên con thuyền sự nghiệp của mình vì list việc làm ngành tài chính ngân hàng được update liên tục tại TopCV sẽ đồng hành cùng bạn . Tham khảo ngay và chọn cho mình một bến đỗ thật phù hợp bạn nhé!

Xem thêm: Các lưu ý “nhỏ nhặt” khi đi phỏng vấn nhưng lại được các nhà tuyển dụng cực kì để ý