Khai mạc Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN

Sáng nay 12-9, phiên khai mạc toàn thể Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018, diễn ra tại Hà Nội, với chủ đề “Các ưu tiên của Đông Nam Á trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

 

Lãnh đạo 7 quốc gia ASEAN, trong đó có Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, cố vấn nhà nước Myanmar Daw Aung San Suu Kyi, Phó thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong cùng Chủ tịch WEF Klaus Schwab và Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cùng tham gia phiên khai mạc.

Về nước chủ nhà Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai mạc

Cách mạng 4.0 sẽ “định nghĩa” lại thành công

Phát biểu mở đầu, Chủ tịch sáng lập WEF – Klaus Schwab nhấn mạnh thế giới đang vào cuộc đua làm chủ cách mạng công nghiệp 4.0. Sự cạnh tranh này càng tăng cùng sự phát triển của cuộc cách mạng này.

Chủ tịch WEF đề cập tới 2 thách thức thế giới đang đối diện.

Một là, thế giới đang dịch chuyển từ hệ thống đơn cực sang đa cực, từ thế giới đơn phương sang đa phương. Dù nhiều quan điểm khác biệt song với mối quan tâm chung, Chủ tịch WEF tin tưởng sự đồng thuận cao trong nội khối ASEAN sẽ giúp khu vực vượt qua được thách thức này.

Hai là, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ thay đổi kinh doanh, nền kinh tế, năng lực cạnh tranh toàn cầu. “20 năm tới sẽ hoàn toàn khác biệt so với hiện nay. Các quốc gia thành công từ cuộc cách mạng 4.0 sẽ được “định nghĩa” lại bởi hệ thống doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp”- ông nói.

Để thành công trong cuộc cách mạng này, đòi hỏi các chính phủ ASEAn tạo ra các điều kiện phù hợp cho các công ty khởi nghiệp. Cuộc cách mạng này sẽ xoá bỏ một số công việc nhưng cũng tạo ra cơ hội để các chính phủ làm việc với nhau, tạo mối tương tác nhiều hơn giữa Chính phủ và doanh nghiệp. “Tôi tin tưởng rằng các quốc gia ASEAN với dân số trẻ tuổi, tinh thần kinh doanh cao sẽ là những người đi đầu, chứ không phải đi sau trong cuộc cách mạng này”- ông nói.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 thu hút sự quan tâm của giới trẻ. 
Ảnh: Các đại biểu tại phiên toàn thể diễn đàn mở - Ảnh: Ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 cung cấp

Với chủ đề ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hội nghị WEF ASEAN năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ 11 đến 13-9.

Trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên 4.0, Hội nghị WEF ASEAN 2018 có quy mô lớn nhất trong các hội nghị trước đây tại Đông Nam Á, thu hút sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo nhiều nước trong và ngoài khu vực, nhiều tổ chức quốc tế lớn và đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Đáng chú ý, đây sẽ là nơi hội tụ của 80 start-up hàng đầu khu vực ASEAN. Trong đó, phần lớn là các start-up accelerator (tăng tốc khởi nghiệp), các quỹ đầu tư mạo hiểm, các chuyên gia công nghệ và các nhà lãnh đạo truyền thông.Các đại biểu sẽ tham gia 53 phiên họp chính thức và 35 phiên thảo luận cộng đồng về các vấn đề trong khu vực, tập trung 5 nội dung chính: Xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; tìm kiếm các động lực và mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại công nghiệp 4.0; doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực; phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN 2018 cũng sẽ diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam. Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende sẽ phát biểu khai mạc và đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp.

Một số hình ảnh:

Chào đón Chủ tịch sáng lập WEF ASEAN Klaus Schwab tại Hội nghị WEF ASEAN 2018 - 
Ảnh: Ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 cung cấp

Chủ tịch WEF Borge Brende phát biểu khai mạc

Chủ tịch sáng lập WEF ASEAN Klaus Schwab phát biểu - Ảnh: Ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 cung cấp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chào mừng

 

Theo Người Lao Động