Thời gian gần đây, trên các nhóm review công ty, các trang tâm sự dành cho người đi làm đã xuất hiện hàng loạt những lời than thở như: “Mình vừa mất tiền khi nhận việc làm online này, nếu các bạn gặp trường hợp này thì tuyệt đối né ra nhé…” hay “Mọi người ơi có ai nhận làm việc tải app này hay biết công ty này không ạ, đã ai làm rồi cho em xin review với…” Tình trạng này càng nghiêm trọng khi càng có nhiều người mắc phải và giá trị thiệt hại cũng ngày càng lớn. Vậy làm thế nào để nhận biết được những chiêu trò lừa đảo này và tìm việc an toàn trong bối cảnh ngày nay? Cùng tìm hiểu chi tiết với TopCV Việt Nam nhé!

Hướng dẫn tìm việc an toàn trong kỷ nguyên số - Ảnh 1
Hướng dẫn tìm việc an toàn trong kỷ nguyên số - Ảnh 2

Mạng Internet là một không gian khổng lồ chứa các dữ liệu, không bị quản lý hay kiểm soát. Đồng thời, lợi dụng nhu cầu tìm việc tăng cao sau hậu COVID-19,  hàng loạt hành vi lừa đảo giả danh tuyển dụng đã xuất hiện với nhiều thủ đoạn tinh vi. Những kẻ lừa đảo còn tập trung nhắm đến các bà mẹ bỉm sữa, nữ công nhân nhẹ dạ, sinh viên muốn làm thêm, nhân viên văn phòng có thu nhập thấp…, nên liên tục gửi tin nhắn về điện thoại, gửi email tuyển dụng, chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội với những nội dung: “Shopee, Lazada, Tiki, Sendo tuyển cộng tác viên bán hàng ảo để tăng lượng đơn hàng”, “nhận đánh giá tốt trên các sàn thương mại điện tử cho các shop kinh doanh online”… 

Từng là nạn nhân, chia sẻ với Báo, chị H.A. trú tại Hà Nội cho biết, thông qua mạng xã hội, chị được biết có một nhóm bán hàng đăng tin tuyển CTV làm công việc đăng bài viết về sản phẩm của nhóm trên trang cá nhân rồi sẽ trả lương cho cá nhân đăng bài. Khi chị H.A tham gia được ít ngày, có một địa chỉ – rất có thể do các đối tượng lừa đảo trong nhóm bán hàng nêu trên tạo ra, đặt hàng 70 thỏi son. Sau đó, chị H.A. đặt cọc 1,5 triệu đồng từ nhóm trên để nhận hàng rồi giao hàng cho địa chỉ đặt hàng.

Tuy vậy, địa chỉ đặt hàng lại không có thật, trong khi liên hệ lại địa chỉ nhóm trên để trả lại hàng thì đó là địa chỉ ảo. Chia sẻ về vấn đề này, chị H.A. muốn cảnh báo rằng, số tiền 1,5 triệu đồng tuy không lớn, nhưng cũng là bài học để qua đó mọi người cảnh giác khi làm CTV với những trang bán hàng trên mạng xã hội.

Hướng dẫn tìm việc an toàn trong kỷ nguyên số - Ảnh 3

Hoạt động tuyển cộng tác viên bán hàng trực tuyến đang sao chép cách thức hoạt động của mô hình đa cấp để lừa đảo người khác. Các giao dịch đều không được cam kết hay bảo đảm bằng quy định pháp luật vì hoạt động hoàn toàn trên không gian mạng, cho nên mang tính rủi ro cao. Hành vi nêu trên của các đối tượng được coi là dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác” – Luật sư Nguyễn Hùng, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cũng đưa ra nhận định.

Khoanh vùng những công việc có thể là chiêu trò lừa đảo

Những công việc dưới đây rất có thể là chiếc bẫy lừa đảo mà bạn nên cảnh giác:

  • Cộng tác viên (CTV) bán hàng online, 
  • CTV chốt đơn online, 
  • Dịch thuật online, 
  • CTV tải app, 
  • CTV nhập liệu, 
  • CTV like kênh TikTok / like video TikTok, 
  • CTV viết review sản phẩm, 
  • CTV đầu tư chứng khoán ảo trên app,
  • Các việc làm CTV khác được mô tả là chỉ dành riêng cho mẹ bỉm sữa, các bạn sinh viên… 

Tất cả những công việc này đều có yêu cầu rất đơn giản: chỉ cần có smartphone hay máy tính cá nhân và tài khoản ngân hàng,…

Hướng dẫn tìm việc an toàn trong kỷ nguyên số - Ảnh 4

Khoanh vùng những doanh nghiệp dễ bị mạo danh

Lợi dụng thương hiệu của những sàn thương mại điện tử lớn, những công ty xổ số, ứng dụng đầu tư…những kẻ lừa đảo đã thiết kế giao diện của các ứng dụng giả giống y như thật. Để tăng thêm tin tưởng, người tham gia tuyển dụng còn được gửi kèm nhiều thông tin khác như thẻ nhân viên hay giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Theo các đơn vị, đây hoàn toàn là những thông tin giả mạo.

Các đơn vị lớn thường có website, điện thoại, địa chỉ rõ ràng để mọi người dễ dàng kiểm chứng. Chưa kể, nếu tinh ý, người dùng có thể phát hiện, các app giả mạo thường sẽ có thêm những chữ cái hay con số khác lạ kèm theo tên của những doanh nghiệp chính danh.

Thực tế, các thủ đoạn lừa đảo kiểu này không mới. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo người dân nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Chiêu trò nuôi dưỡng đối tượng của những kẻ lừa đảo 

Theo dữ liệu của cơ quan điều tra, nạn nhân của các vụ lừa đảo kiểu này rất đa dạng. Không chỉ lừa được những bạn trẻ, những người lớn tuổi, đang có công ăn việc làm ổn định cũng rơi vào bẫy này. Ít cũng phải vài triệu, nhiều đến cả vài trăm triệu đồng. Cả quá trình lừa đảo rất trơn tru và chuyên nghiệp. Thay vì gọi những người tham gia là cộng tác viên, những kẻ lừa đảo lại gọi họ là những khách hàng.

Hướng dẫn tìm việc an toàn trong kỷ nguyên số - Ảnh 5

Trong cuộc điều tra của VTV, rất nhiều bài học tâm lý được đường dây lừa đảo vạch ra cụ thể như: “Phải thăm dò để biết khách có tiềm năng hay không. Không được vội vàng, phải phá vỡ được rào cản của 2 người xa lạ. Khi chưa tạo được niềm tin đừng mong lấy được tiền từ trong túi của họ. Phải để khách hàng có suy nghĩ rằng, làm càng nhiều sẽ càng lãi nhiều. Và sau khi khách hàng hoàn thành đến đơn thứ 3, chúng ta thực hiện đơn giết”.

“Đơn giết” hiểu một cách đơn giản là sau khi bạn chuyển khoản số tiền đối tượng mong muốn, bạn sẽ không còn nhận được bất kỳ khoản thù lao nào, cả gốc lẫn lãi. Chừng ấy mánh khóe để chiếm lòng tin của người tham gia, nghe cũng đủ thấy phức tạp nhưng thực ra, đó mới chỉ là những bài học vỡ lòng. Để thực hiện hành vi lừa đảo quy mô lớn, những người tham gia vào đường dây này còn được soạn sẵn những câu trả lời bài bản, trơn tru, rất thuyết phục để đánh lừa khách hàng.

Với những chiêu thức đánh vào tâm lý người đối diện cùng những luận điệu bài bản, người tham gia sẽ khó lòng tỉnh táo. Chưa kể, những kẻ lừa đảo còn mạo danh hàng loạt doanh nghiệp lớn để đánh lừa các nạn nhân.

Hướng dẫn tìm việc an toàn trong kỷ nguyên số - Ảnh 6

Với bối cảnh tình trạng lừa đảo núp bóng sau hoạt động ngày càng gia tăng và nhiều chiêu trò đa dạng, hãy tự xây dựng những “tấm khiên” kiến thức và sự tỉnh táo để tự bảo vệ bản thân mình. Với vai trò là nền tảng công nghệ tuyển dụng, TopCV luôn đồng hành cùng bạn trong hành trình xây dựng và phát triển sự nghiệp. Để tránh gặp phải những chiêu trò lừa đảo, bạn nên tham khảo những điều sau:

Tránh xa những tin tuyển dụng có những dấu hiệu sau

Mức lương, phúc lợi “trên trời”

Mức lương là điểm thu hút người tìm việc đến công việc. Lợi dụng điều này, các đơn vị lừa đảo “mồi chài” ứng viên bằng mức lương “trên trời”. Không khó để bắt gặp các tin tuyển dụng kiểu này tràn lan trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook. Và những công việc này đều có phúc lợi cực kỳ hấp dẫn. Điều này khiến người tìm việc nhanh chóng bị thu hút bởi những tin tuyển dụng lừa đảo. Những con số về mức lương cao ngất ngưởng, những chế độ làm việc lý tưởng… nhưng công việc lại cực kỳ đơn giản, đúng tiêu chí “việc nhẹ, lương cao”. Hãy đặc biệt cảnh giác với các mẩu tin này.

Yêu cầu đóng phí

Không ít các trường hợp ứng viên được hẹn đến phỏng vấn và bị yêu cầu đóng phí. Hãy nhớ, các công ty tuyển dụng chân chính không bao giờ thu tiền của ứng viên. Vì thế, khi bị yêu cầu đóng bất kì một khoản phí nào, hãy khéo léo từ chối và rời khỏi khu phỏng vấn. Bởi rất có thể bạn đã gặp phải tuyển dụng lừa đảo.

Yêu cầu ký kết hay phải nộp giấy tờ gốc

Ngoài những hình thức oái oăm như nộp tiền phí thì những nơi khác lại áp dụng cách ký các giấy tờ không rõ ràng. Vì quá cần việc và kiếm tiền mà nhiều bạn không xem kỹ những thông tin, điều khoản ghi trong đó nên dễ sa vào bẫy. Đến lúc nhận ra và muốn nghỉ việc thì lại bị gây khó dễ, thậm chí mất lương. Ngoài ra bạn hãy bỏ qua ngay lập tức những công ty yêu cầu giữ lại giấy tờ tùy thân gốc như chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp để trói buộc người tìm việc.

Thông tin công ty mập mờ

Sau khi đọc tin đăng tuyển, bạn liền tìm kiếm tên công ty này trên google, nhưng không nhận được mấy kết quả phù hợp, có chăng chỉ là một website hầu như không có nội dung gì. Nếu công ty này cũng có những dấu hiệu trên, nhiều khả năng đây chính là công ty lừa đảo. Bên cạnh đó, như đã đề cập, còn có chiêu trò lừa đảo bằng cách giả mạo những doanh nghiệp lớn, thương hiệu nổi tiếng để dễ dàng lừa lọc những “con mồi” ngây thơ. Những công ty lớn đều có những trang thông tin minh bạch, chính thống, uy tín và đã được công ty xác nhận. Vì vậy, nếu có bất kỳ thông tin nào mập mờ, khả năng rất lớn đây chính là chiêu trò lừa đảo.

Hướng dẫn tìm việc an toàn trong kỷ nguyên số - Ảnh 7

Những dấu hiệu cần cẩn trọng trong cuộc phỏng vấn

Phỏng vấn tại địa điểm đáng ngờ

Hãy cảnh giác khi có nhà tuyển dụng hẹn bạn phỏng vấn tại một địa điểm không phải văn phòng công ty. Phỏng vấn là một thời khắc vô cùng quan trọng. Nó quyết định sự phù hợp giữa ứng viên và nhà tuyển dụng thông qua việc gặp mặt, trao đổi trực tiếp về tất cả các vấn đề xung quanh vị trí công việc. Đã có những câu chuyện sinh viên tìm đến điểm hẹn để phỏng vấn, nộp hồ sơ mà lại ngơ ngác vì đó là quán cà phê, nhà riêng… hoặc là nơi lạ hoắc, chẳng liên quan gì đến công việc. Do đó, hãy từ chối phỏng vấn nếu bạn đang nhận thấy sự thiếu minh bạch, lập lờ. Khả năng cao, bạn đang vướng phải một nhà tuyển dụng lừa đảo đấy.

Cuộc phỏng vấn diễn ra vô cùng nhanh, dễ dàng và có kết quả ngay

Thông thường, một cuộc phỏng vấn tuyển dụng rất nghiêm túc, chuyên nghiệp và có phần hơi căng thẳng vì đây chính là cơ hội để bạn và nhà tuyển dụng tìm hiểu nhau, để nhà tuyển dụng đánh giá năng lực của bạn, là cơ sở để so sánh bạn với các ứng viên khác. Vì vậy, rất đáng ngờ khi bạn được nhận ngay khi chỉ mới trả lời một vài câu hỏi từ người phỏng vấn. Hãy cẩn thận suy xét vì “Không có bữa ăn nào là miễn phí cả”.

Những câu hỏi của bạn không được giải đáp

Trong quá trình phỏng vấn, nếu bạn không nhận được câu trả lời cho những thắc mắc mà bạn đặt ra như công việc cụ thể, lương thưởng & các chế độ theo quy định của pháp luật khác, thì đừng vội vàng đồng ý nhận việc ngay. Nếu người phỏng vấn trả lời quanh co, lẩn tránh những vấn đề vô cùng “hiển nhiên” mà một người lao động cần biết, thì dù đây không phải là công ty lừa đảo, thì đây cũng là công ty tốt và bạn cần tránh xa.

Thậm chí không có cuộc phỏng vấn nào

Đến mức, chỉ sau vài câu hỏi về thông tin việc làm, bạn đã được nhận ngay mà không cần phỏng vấn. Họ không quan tâm bạn học trường gì, không quan tâm bạn có những kinh nghiệm trong lĩnh vực gì,… chỉ cần bạn có đủ thông tin như điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội,… là bạn đã được nhận. Không có điều tốt nào lại có thể đạt được một cách dễ dàng như thế. Đừng chỉ vì chữ “dễ dàng” mà đẩy mình vào những ma trận bẫy lừa đảo.

Một số lưu ý khác để tìm việc an toàn trong kỷ nguyên số

Bên cạnh xem xét những dấu hiệu của các chiêu trò này, để có thể tìm việc an toàn trong thời đại số, bạn nên lưu ý những điều sau:

Không trả lời hay click vào đường link tin tuyển dụng đáng ngờ

Hãy tỉnh táo trước các đường link lừa đảo thường có cú pháp “Tên sai của sàn thương mại điện tử + Ký hiệu lạ”. Rất có thể bạn sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân khi click vào những đường link này.

Tìm việc tại những kênh việc làm uy tín

Bạn nên tìm việc tại các trang việc làm uy tín và chính thống như: website tuyển dụng có độ uy tín cao, các kênh tuyển dụng (Facebook, LinkedIn) của chính doanh nghiệp,… Đối với những kênh việc làm, bạn có thể dựa trên số lượng và sự đa dạng việc làm mà kênh này có, dựa trên số lượng và quy mô doanh nghiệp mà kênh này hợp tác, các giải thưởng thành tích,… để đánh giá về độ uy tín nếu tìm việc tại đây.

Hướng dẫn tìm việc an toàn trong kỷ nguyên số - Ảnh 8

Luôn luôn tìm hiểu kỹ về thông tin việc làm, thông tin công ty

Dù tìm việc ở bất kỳ kênh nào, ứng viên cũng nên tìm hiểu kỹ càng về việc làm và công ty trước khi ứng tuyển. Trước tiên là kiểm tra độ uy tín của công ty, của tin tuyển dụng; sau đó là cân nhắc về độ phù hợp giữa bạn và công việc này. Bạn có thể tìm hiểu thông tin về công ty thông qua website, facebook của công ty này; qua các trang review công ty; qua các hội nhóm chia sẻ việc làm,… Chỉ với những bước rất đơn giản, bạn đã có thể đưa ra những nhận định nhất định về quyết định có nên ứng tuyển hay không.

Mở rộng phạm vi tìm việc thông qua network cá nhân

Networking tức là mạng lưới mối quan hệ, kỹ năng networking là kỹ năng thiết lập và xây dựng mạng lưới mối quan hệ. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một cơ chế của các mối quan hệ ràng buộc với nhau, bạn quen biết ai, ai quen biết bạn, người quen của người quen… Trong cả công việc lẫn cuộc sống, sẽ có những lúc bạn gặp khó khăn, sự cố đột xuất hoặc cần sự hỗ trợ từ ai đó, bạn cần thiết phải có kỹ năng Networking.

Một mạng lưới càng rộng thì bạn càng dễ tiếp cận với những cơ hội việc làm mới. Nếu bạn đi làm càng lâu, tại càng nhiều công ty, trong nhiều lĩnh vực, biết cách xây dựng networking và năng lực chuyên môn tốt thì sẽ có rất nhiều cơ hội tự động tới với bạn.

Chủ động bảo mật thông tin cá nhân trên internet

Không có bí quyết hoàn toàn hiệu quả nếu bạn không biết cách bảo mật thông tin cá nhân của chính mình một cách chủ động nhất. Đó có thể là:

  • Không nhấp vào các đường link lạ
  • Sử dụng mật khẩu khó đoán
  • Cân nhắc thay đổi mật khẩu định kỳ
  • Không tin tưởng người quen biết qua mạng
  • Không chia sẻ thông tin cá nhân bừa bãi, đặc biệt là CMND, CCCD, bằng tốt nghiệp,…
  • Sử dụng các công cụ, phần mềm diệt virus uy tín
Hướng dẫn tìm việc an toàn trong kỷ nguyên số - Ảnh 9

Nếu không may bị sập bẫy lừa đảo của những công việc này, bạn cần thực hiện theo các bước dưới đây:

Bước 1: Thu thập chứng cứ liên quan đến hành vi lừa đảo

Các chứng cứ mà nạn nhân thu thập được sẽ là căn cứ quan trọng để giải quyết vụ lừa đảo. Chứng cứ có thể là lời khai, dữ liệu điện tử (file ghi âm, ghi hình,…), ảnh chụp,… Tất cả những thông tin trao đổi, giao dịch chuyển tiền liên quan đến hành vi lừa đảo đều có thể làm chứng cứ.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ 

Nạn nhân làm Đơn tố giác tội phạm lừa đảo để gửi tới cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết kèm theo các giấy tờ, tài liệu sau:

  • Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của người làm đơn;
  • Các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được có liên quan đến hành vi lừa đảo.
Hướng dẫn tìm việc an toàn trong kỷ nguyên số - Ảnh 10

Bước 3: Tố giác đến cơ quan chức năng

Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an… nơi nạn nhân cư trú sẽ có thẩm quyền tiếp nhận tố giác, tin báo tội phạm.

Sau khi có được tài liệu, chứng cứ, vật chứng có liên quan đến vụ việc lừa đảo, cơ quan điều tra sẽ có biên bản kết luận điều tra, sau đó chuyển hồ sơ và kết luận điều tra sang Viện kiểm sát nhân dân để truy tố bị can.

Sau khi nhận được kết quả điều tra và kết luận điều tra thì Viện kiểm sát sẽ truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử. Thời gian từ khi nộp đơn tố cáo cho đến thi hành án có thể mất ít hoặc nhiều thời gian tùy thuộc vào từng tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể truy cập trang thông tin, trang mạng xã hội của các cơ quan chức năng để gửi thông tin về tội phạm lừa đảo:

  • Trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội: https://www.facebook.com/ConganThuDo.
  • Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam tại địa chỉ: https://canhbao.ncsc.gov.vn.
  • Gọi điện đến đường dây nóng do Cơ quan công an cung cấp:
  • Số điện thoại đường dây nóng 113.
  • Số điện thoại đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053.
  • Tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân gọi đến số điện 08.3864.0508 để tin báo về tội phạm lừa đảo qua mạng.
Hướng dẫn tìm việc an toàn trong kỷ nguyên số - Ảnh 11

Tạm kết

Tìm việc online sẽ giúp bạn có thể tiếp cận tới nhiều cơ hội việc làm, tiết kiệm thời gian, công sức. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi bạn tìm được một công việc minh bạch, uy tín mà thôi. Tỉnh táo trước những “miếng mồi ngon” là cách duy nhất để không bị rơi vào bẫy. Nếu còn băn khoăn trước một lời mời gọi mùi mẫn nào đó để phải đặt câu hỏi, chắc chắn bạn đã tự có câu trả lời. Chúc bạn tìm kiếm được những công việc uy tín, phù hợp và phát triển!