Học phần là gì? So sánh học phần và tín chỉ?

học phần là gì
Học phần là gì

Học phần là gì? Học phần và tín chỉ khác gì nhau? Đây chắc hẳn là câu hỏi thường trực đối với các bạn sinh viên khi mới bước chân vào kỳ học đầu tiên tại trường Đại học. Dưới đây là những thông tin chi tiết về học phần mà TopCV chia sẻ đến bạn.

Học phần là gì?

Học phần là một đơn vị cơ bản trong hệ thống giáo dục Đại học, đại diện cho một phần nhỏ trong chương trình đào tạo của từng ngành học. Học phần cung cấp một khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, được tổ chức và giảng dạy nhằm hoàn thiện cấu trúc chương trình đào tạo của sinh viên.

Mỗi học phần thường tập trung khai thác vào một chủ đề, một lĩnh vực hoặc một khía cạnh cụ thể của ngành học. Trong chương trình đào tạo Đại học, kiến thức trong mỗi học phần thường được tổ chức kiểu mô đun theo từng môn học.

Những môn học này có thể được thiết kế bao gồm các bài giảng, bài tập, hoặc dự án, xây dựng từ cơ bản đến nâng cao độ khó tương ứng với năm học của sinh viên. Từ đó, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức chuyên ngành một cách chặt chẽ và có hệ thống.

Ngoài ra, có những học phần được cấu thành từ việc kết hợp từ nhiều môn học khác nhau để tạo thành một môn học mới. Khi học phần được xây dựng theo cách này, sinh viên có cơ hội tiếp cận kiến thức đa dạng và toàn diện hơn, từ nhiều góc độ khác nhau.

Tổ hợp các học phần khác nhau tạo nên chương trình học hoàn chỉnh của một ngành, sinh viên sau khi tích lũy hết các học phần trong chương trình đào tạo sẽ thu thập được kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết cho ngành nghề đang theo đuổi.

Học phần là một đơn vị cơ bản trong hệ thống giáo dục Đại học
Học phần là một đơn vị cơ bản trong hệ thống giáo dục Đại học

Có mấy loại học phần?

Học phần thường được chia làm 2 loại đó là học phần bắt buộc và học phần tự chọn:

  • Học phần bắt buộc: là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức căn bản và cốt lõi nhất của chương trình học, yêu cầu sinh viên nhất định phải hoàn thành. Đây cũng là các học phần tiên quyết, chứa đựng nội dung kiến thức chính yếu không thể thiếu của ngành học mà sinh viên bắt buộc phải tích lũy để làm cơ sở học những học phần chuyên sâu hơn.
  • Học phần tự chọn: Là những môn học chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết nhằm mở rộng chuyên môn hoặc tích luỹ kiến thức, kỹ năng phụ trợ theo những hướng yêu thích của sinh viên dưới sự hướng dẫn từ nhà trường. Học phần tự chọn xuất hiện trong mỗi học kỳ có thể được phân bố trong một nhóm hoặc nhiều nhóm. Sinh viên được chọn học phần theo ý mình, từ đó, tiếp cận với những kiến thức chuyên môn mới, phong phú hơn. Đây cũng là cơ hội để sinh viên định hình và tự phát triển hướng đi riêng trong quá trình học tập của mình.
Các loại học phần
Các loại học phần

Giải thích một số thuật ngữ liên quan

  • Học phần tiên quyết: Đây là học phần bắt buộc phải hoàn tất với kết quả đạt trước khi được phép đăng ký học một học phần khác. Đây thường là các học phần cung cấp kiến thức cơ bản, nền tảng cho các học phần tiếp theo trong ngành học. Ví dụ, học phần A là học phần tiên quyết của học phần B. Do đó, để đăng ký được học phần B, bạn cần phải đăng ký học và hoàn tất học phần A với kết quả đạt.
  • Học phần điều kiện: Đây là những học phần sinh viên cần phải hoàn thành, ảnh hưởng đến việc xét tốt nghiệp nhưng kết quả tổng kết điểm học phần không dùng để tính trong điểm trung bình tích lũy của sinh viên. Những học phần điều kiện thường bao gồm: Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất.
  • Học phần học trước: Cũng tương tự như học phần tiên quyết, bạn cần phải học một học phần trước khi được phép đăng ký một học phần khác được cho là nâng cao hơn so với học phần trước đó. Tuy nhiên, học phần học trước chỉ yêu cầu sinh viên học hết học phần và tham gia kỳ đánh giá cuối cùng. Ví dụ: Học phần A là học phần học trước của học phần B. Sinh viên được phép học học phần B khi đã đăng ký học và thi học phần A (kết quả chưa đạt cũng được chấp nhận)
  • Học phần song hành: là những học phần được thiết kế để được học cùng nhau trong một kỳ học, vì các học phần này thường có liên quan và bổ trợ kiến thức cho nhau. Ví dụ: Học phần A là học phần song hành với học phần B. Bạn được phép học học phần A đồng thời hoặc có thể sau học phần B.
  • Học phần thay thế: là học phần mà sinh viên được phép sử dụng thay thế cho một học phần khác cùng trong chương trình đào tạo nhưng không còn tổ chức giảng dạy nữa. Hoặc là một học phần tự chọn khác thay cho học phần tự chọn trước đó sinh viên học nhưng không đạt
Giải thích thuật ngữ về học phần
Giải thích thuật ngữ về học phần

Tín chỉ là gì? So sánh học phần và tín chỉ

Khi học Đại học, bạn thường được nghe các anh chị nhắc đến thông tin chẳng hạn như “học phần môn kinh tế vi mô có 3 tín chỉ” mà không hiểu giữa học phần và tín chỉ khác nhau như thế nào. Dưới đây TopCV sẽ làm rõ 2 khái niệm này nhé:

Tín chỉ là gì?

Tín chỉ là đơn vị dùng để đo lường khối lượng kiến thức trong chương trình đào tạo. Đây còn là đơn vị dùng để đánh giá khối lượng học tập của sinh viên dựa trên số lượng tín chỉ đã tích lũy được.

Một tín chỉ được quy định bằng:

  • 15 tiết học lý thuyết
  • 30 tiết học thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận thực hiện tại các phòng thực hành – thí nghiệm hoặc phòng chuyên đề
  • 45 tiết làm chuyên đề, đồ án, khóa luận tốt nghiệp
  • 60 giờ thực tập tại cơ sở.
Tín chỉ là đơn vị dùng để đo lường khối lượng kiến thức
Tín chỉ là đơn vị dùng để đo lường khối lượng kiến thức

So sánh học phần và tín chỉ

Học phần đại diện cho một phần nhỏ trong cấu trúc chương trình học, thiết kế theo kiểu từng môn học hoặc dưới dạng tổng hợp từ nhiều môn học thành một môn học mới. Mỗi học phần có thể được triển khai theo nhiều hình thức như lý thuyết, dự án và thực hành hoặc thực tập.

Mặt khác, tín chỉ là đơn vị đo lường khối lượng học tập, thời gian và công sức mà sinh viên phải dành để hoàn thành một học phần. Thông thường, mỗi học phần tương ứng với một số lượng tín chỉ nhất định, có thể gồm từ 2 – 4 tín chỉ.

Dưới đây là một bảng so sánh chi tiết giữa học phần và tín chỉ trong hệ thống giáo dục Đại học như sau:

Đặc điểmHọc phầnTín chỉ
Định nghĩaLà một phần nhỏ trong chương trình học tập, thể hiện khối lượng kiến thức tương đối toàn vẹn về một lĩnh vực, chủ đề cụ thể.Là một đơn vị dùng để đo lường khối lượng học tập của sinh viên.
Mục đíchCung cấp kiến thức, kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao giúp người học nắm chắc được nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên môn mình đang theo đuổi.Đo lường thời gian và công sức cần thiết sinh viên phải bỏ ra để hoàn thành một học phần.
Đánh giáHọc phần thường được đánh giá bằng điểm số cụ thể.Đánh giá thông qua số lượng tín chỉ đã tích lũy của sinh viên, phản ánh tiến trình học và số lượng học phần đã hoàn thành.
So sánh học phần và tín chỉ
So sánh học phần và tín chỉ

Đánh giá và tính điểm học phần

Căn cứ trên quy định tại Điều 9 Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT về đánh giá và tính điểm học phần như sau:

Thông tin chung

  • Hình thức đánh giá của mỗi học phần thường bao gồm ít nhất 2 điểm thành phần. Các điểm thành phần được đánh giá theo thang điểm 10. Cách thức tính điểm và trọng số của từng điểm thành phần sẽ được quy định rõ trong đề cương chi tiết của từng môn học.
  • Trường hợp học phần ít hơn 2 tín chỉ thì chủ có 1 điểm để đánh giá.
  • Vắng mặt trong buổi thi: Trường hợp sinh viên vắng mặt trong buổi thi mà không có lý do chính đáng sẽ phải nhận điểm 0; Nếu sinh viên có lý do chính đáng thì được dự thi, đánh giá ở một đợt khác và tính điểm lần đầu.

Cách tính điểm học phần

Điểm học phần thường được tính dựa trên tổng các điểm thành phần nhân với trọng số tương ứng. Kết quả sau khi tính toán sẽ được làm tròn đến một chữ số thập phân. Khi đã có điểm số cụ thể sẽ được xếp loại điểm chữ, thường là A, B, C, D, F tương ứng:

  • A: từ 8,5 đến 10,0;
  • B: từ 7,0 đến 8,4;
  • C: từ 5,5 đến 6,9;
  • D: từ 4,0 đến 5,4
  • P: từ 5,0 trở lên (Áp dụng cho các học phần chỉ yêu cầu đạt, không tính vào điểm trung bình học tập)
  • F: dưới 4,0.

Một số trường hợp đặc biệt sử dụng các điểm chữ xếp loại, không được tính vào điểm trung bình học tập gồm:

  • I: Điểm chưa hoàn thiện do được phép hoãn thi, kiểm tra;
  • X: Điểm chưa hoàn thiện do chưa đủ dữ liệu;
  • R: Điểm học phần được miễn học và công nhận tín chỉ.

Tuy nhiên, cách tính điểm và xếp loại có thể thay đổi theo quy định cụ thể của từng trường Đại học. Chẳng hạn, một số trường Đại học sẽ áp dụng thêm các mức điểm A+, B+, C+, D+.

Tính điểm học phần
Tính điểm học phần

Học lại, thi và học cải thiện điểm

Với những sinh viên có điểm học phần không đạt (điểm F) thì cần đăng ký học lại theo quy định. Trừ trường hợp được cho phép thi lại. Với những trường hợp này, điểm cuối cùng sau khi thi lại sẽ là điểm chính thức của học phần đó.

Ngoài ra, sinh viên dù đã thi được điểm đạt của học phần vẫn sẽ có quyền đăng ký học lại để cải thiện điểm theo quy định của cơ sở đào tạo. Điều này cho phép sinh viên nâng cao điểm số, cải thiện kiến thức và kỹ năng cho môn học quan trọng. Điểm cuối cùng sau quá trình học lại sẽ được xem là điểm chính thức của học phần đó.

Lưu ý: Để không giảm một bậc khi xét tốt nghiệp (ví dụ từ hạng xuất sắc xuống hạng giỏi) thì tổng số tín chỉ (trong mỗi học phần tương ứng) cần cải thiện hoặc học lại không được vượt quá 5% số tín chỉ của cả chương trình đào tạo.

Quy định học lại, thi và học cải thiện
Quy định học lại, thi và học cải thiện

Như vậy, học phần là một phần quan trọng của chương trình đào tạo ở nhiều trường Đại học, giúp sinh viên tiếp thu kiến thức chuyên ngành một cách có hệ thống. Mỗi ngành học sẽ gồm các học phần khác nhau, được thiết kế để đảm bảo sinh viên đạt được kiến thức và kỹ năng cần thiết khi tốt nghiệp. Từ đó, giúp sinh viên chuẩn bị tốt cho sự nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

>> Tìm kiếm cơ hội việc làm hấp dẫn tại TopCV cập nhật liên tục hàng giờ với những công việc uy tín, lương cao tại hơn 200.000+ doanh nghiệp hàng đầu như Samsung, Viettel, Vingroup, FPT, Techcombank, v.vv…