Bạn có biết rằng Forever 21 – chuỗi bán lẻ thời trang nổi tiếng thế giới, lọt top 122 công ty tư nhân lớn nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes, trụ sở ở Los Angeles, California với hơn 790 cửa hàng trên toàn thế giới và đạt doanh thu tới 4,4 tỉ USD năm 2015 lại là thương hiệu do một người Châu Á nhập cư sáng lập.
Năm 1981 Do Won Chang – khi đó chỉ là một thanh niên 22 tuổi – di cư sang Mỹ cùng vợ do không chịu nổi thời kỳ khó khăn ở quê nhà Hàn Quốc. Họ tới Los Angeles vào một ngày thứ 7 và ngay lập tức tìm kiếm mọi cơ hội việc làm.
Con đường từ 3 đô-la tới 3 tỉ đô-la
“Họ trả cho tôi đúng bằng mức lương tối thiểu, khoảng 3 USD mỗi giờ. Chừng đó không đủ sống”, Won Do nhớ lại công việc đầu tiên của ông là rửa bát và chuẩn bị đồ ăn trong bếp cho một quán café gần nhà.. Mới kết hôn, Won Do còn phải lo cho cả gia đình. Vì thế, ông làm thêm 8 giờ nữa ở một trạm xăng và sau đó dọn dẹp tại một văn phòng nhỏ cho đến tận nửa đêm. Vợ ông, Jin Sook, tiếp tục công việc cắt tóc như khi ở Hàn Quốc. Khi làm công việc bán xăng, Do Won nhận ra rằng những người đàn ông trong ngành công nghiệp thời trang luôn lái xe hạng sang. “Tôi hỏi người lái xe của họ xem họ làm gì để kiếm sống”, Do Won chia sẻ. “Và họ nói đó là thời trang”.
Được truyền cảm hứng với công việc trong lĩnh vực thời trang, ông bắt đầu chuyển qua làm thuê tại cửa hàng quần áo với quyết tâm có thể nắm bắt được thị hiếu của khách hàng. Won Do đã làm việc chăm chỉ như thể đó chính là cửa hàng của mình. Công việc này dạy ông rất nhiều điều: “Tôi coi cửa hàng như công việc của chính mình vậy. Ông chủ rất quý tôi”.
Sau 3 năm sống tại Mỹ, vợ chồng Won Do tiết kiệm được 11.000 USD. Năm 1984, họ quyết định đầu tư một cửa hàng quần áo nhỏ với tên Fashion 21 tại Los Angeles. Năm đầu tiên hoạt động, Fashion 21 đã thu được 700.000 USD nhờ tận dụng hàng xả kho, mua hàng trực tiếp từ các hãng sản xuất với số lượng lớn, giá thành rẻ. Doanh thu của cửa hàng cao gấp nhiều lần so với người chủ hàng quần áo cũ (khoảng 30.000 USD mỗi năm).
Việc kinh doanh thuận lợi đến nỗi, cứ 6 tháng vợ chồng Won Do lại mở thêm cửa hàng mới. Sau đó, họ đổi tên chuỗi cửa hàng thành Forever 21. Trong suốt thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008, nhờ nguồn tiền mặt dồi dào, Won Do tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng và tạo ra hơn 7.000 việc làm chỉ trong một năm.
Ngày nay, Forever 21 bán cả quần áo nam, nữ và phụ kiện thời trang. Các cửa hàng của họ có mặt tại Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Còn trụ sở vẫn nằm tại Los Angeles (California).
“Forever 21 cung cấp những sản phẩm bắt kịp xu hướng với giá vừa phải. Khách hàng thích mua sắm tại đây hơn là Wal-Mart, Target hay Kohl’s, vì họ có trải nghiệm tốt. Các cửa hàng được thắp đèn khắp nơi, bày đầy sản phẩm và cách bày trí khiến người mua có cảm giác rất trẻ trung, hiện đại”, Michael Stone – CEO hãng tư vấn và nhượng quyền thương hiệu Beanstalk nhận xét.
Giờ đây Do Won Chang và vợ đã vươn lên vị trí số 222 trong số 400 người giàu nhất nước Mỹ trên tạp chí danh tiếng The Forbes với tổng giá trị tài sản lên tới 3 tỷ USD.
Giấc mơ Châu Á trên đất Mỹ
Việc nhân lực từ những đất nước thuộc “thế giới thứ 3” bỏ xứ đi tìm cơ hội ở các nền kinh tế lớn hơn không phải là câu chuyện hiếm, nhất là trong giai đoạn những năm 80 của thế kỷ trước. Còn nhớ vào thời gian này ở Việt Nam cũng rộ nên phong trào xuất khẩu lao động, người ta đổ xô đi Nga, Đức, Anh,… Gia đình nào có người thân ở nước ngoài cũng đều khá giả. Tuy nhiên chúng ta chưa bao giờ nghe tới khái niệm giấc mơ Anh, Đức, Pháp… tuyệt nhiên chỉ có “American dream” – Giấc mơ Mỹ.
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là miền đất hứa trong suy nghĩ của nhiều người và chắc chắn là của Do Won Chang.
“Tôi đã mơ được tới nước Mỹ kể từ khi tôi mới học lớp 6”, Do Won cho biết. “Cha mẹ tôi từng đến thăm tôi và tôi luôn hỏi họ rằng khi nào cả nhà mình sẽ đi Mỹ, tháng sau, tháng sau phải không?”. Ông chủ của Forever 21 chia sẻ.
Nhưng sự thành công của một trong những thương hiệu bán lẻ thời trang hiện nay không chỉ là một “giấc mơ Mỹ” đơn thuần. Ấy là một giấc mơ “Châu Á trên đất Mỹ”
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, gần như không biết tương lai sẽ đi về đâu hay điều gì sẽ xảy ra, Do Won Chang cùng vợ chỉ có một ước mơ đến nước Mỹ và tìm kiếm cơ hội. Họ đặt chân đến đó với đôi bàn tay trắng, chỉ có một tấm bằng trung học từ quốc gia mà thời đó cũng không được đánh giá cao về giáo dục.
Thật vậy, Do Won Chang là một trường hợp thành công hiếm hoi khi bản thân hoàn toàn là mật sản phẩm “ngoại lai”. Sinh ra ở Hàn Quốc, tiếp nhân giáo dục Hàn Quốc, ông không phải là người chỉ mang bề ngoài và cái tên Châu Á (như rất nhiều trường hợp thành công khác). Ông thành công với suy nghĩ của một người Châu Á thực sự chứ không phải chỉ là gốc Á.
Forever 21 mang sự thật này vào chính thương hiệu của mình với quan điểm “làm ra những sản phẩm chất lượng với giá thành rẻ nhất” cũng như tốc độ bắt trend chóng mặt.
Khi những thương hiệu phương Tây tập trung vào phân khúc cao cấp với những sản phẩm với giá thành ngất ngưởng thì F21 nổi lên là một nhãn hàng “mỳ ăn liền” với mẫu mã hợp mốt và giá thành chỉ bằng 1/10. Điều này khiến Forever 21 trở thành cái gai trong mắt nhiều thương hiệu bản xứ.
Forever 21 đã gặp phải nhiều vấn đề liên quan tới bản quyền và các vụ khởi kiện liên quan đến đạo nhái sản phẩm. Trong giai đoạn suy thoái, với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều công ty bán lẻ, đặc biệt là các công ty trực tuyến, ông Do Won Chang đã buộc phải đóng cửa hoặc giảm quy mô nhiều cửa hàng lớn. Doanh thu trong năm 2015 gần như không tăng trưởng so với năm trước đó.
Hồi đầu năm 2016, Forever 21 cũng bị nhiều công ty “tố” chậm thanh toán. Một công ty vận chuyển quần áo cho Forever 21 đã tung ra một bản hợp đồng cho thấy, doanh thu bán hàng của hãng này đã giảm đi 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thành công chưa bao giờ dễ dàng
“Bạn không nên lao vào công việc kinh doanh với suy nghĩ rằng, thành công sẽ đến chỉ trong ngày một ngày hai” – đó chính là những gì ông Do Won Chang ông chủ F21 luôn tâm niệm.
Trên thực tế, để thành công trong nghề bán lẻ là cực kỳ khó nếu bạn là người nhập cư. Với những yếu tố cản trở như ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, việc bạn tiếp cận được với đại đa số người dân là rất khó. Trong trường hợp của Do Won, ông đã bứt ra khỏi nhóm khách hàng châu Á quen thuộc mà được lòng cả người dân gốc Mỹ.
Ngoài sự kiên nhẫn, cha đẻ của Forever 21 cho biết ông đã phải học rất nhiều về cách ngành công nghiệp vận hành, cơ sở pháp lý, điều kiện kinh tế… Không có gì là dễ dàng cả. 3 năm vất vả để có thể gây dựng cơ nghiệp là hãng thời trang đình đám không chỉ tại nước Mỹ mà trên toàn thế giới, quả cũng xứng đáng.
Tuy nhiên, với ông Do Won Chang và vợ khó khăn chỉ mang tính tạm thời. Sự kiên định chính là chìa khóa dẫn đến thành công. Nếu bạn giữ vững niềm tin vào điều gì đó, kể cả trong lúc khó khăn nhất, những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bạn.
Giấc mơ chỉ trọn vẹn nếu có gia đình!
“Với tôi, gia đình là điều quan trọng nhất. Khi mọi người nói về giấc mơ Mỹ, họ thường nhấn mạnh về cuộc sống vật chất sung túc. Tuy nhiên, nếu công việc của bạn tốt nhưng gia đình tan vỡ, giấc mơ Mỹ chẳng còn nghĩa lý gì hết”.
Kể cả có trong tay cả một cơ nghiệp, Do Won vẫn tin rằng gia đình quan trọng hơn bất cứ điều gì trong cuộc sống và đó mới chính là thước đo sự thành công của mỗi người. Khi được hỏi về giấc mơ Mỹ thực sự của ông là gì, ông đã chia sẻ như vậy
Ông Do Won Chang cùng vợ luôn muốn giữ Forever 21 cho chính các thành viên trong gia đình; không chỉ để thừa kế sự nghiệp mà để con cái họ hiểu được những vất vả và khó nhọc để gây dựng nên cơ nghiệp như ngày hôm nay. Hai cô con gái của ông, Linda Chang và Esther Chang, đều đã tốt nghiệp các trường trong khối Ivy League và hiện đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong công ty của cha mẹ mình.
“Điều quan trọng nhất là việc các con gái tôi có thể học và hiểu được những vất vả mà tôi cùng vợ – những người nhập cư gốc Á, đã dồn tâm huyết và công sức vào công ty Forever 21 này”.
Tổng Hợp