“Em phải học thế nào để lương khởi điểm 2.000 USD/ tháng?”

Chiều ngày 29/11, tọa đàm “Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin” do Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đã diễn ra tại Học viện Kỹ thuật mật mã.

Tại đây, các sinh viên chuyên ngành An toàn thông tin tới từ các trường Học viện Kỹ thuật mật mã; ĐH Bách khoa Hà Nội; Học viện An ninh nhân dân; ĐH Công nghệ… đã đưa ra những câu hỏi về cơ hội việc làm; kinh nghiệm nộp hồ sơ xin việc cho các khách mời là đại diện các doanh nghiệp; đại diện sinh viên ưu tú của ngành An toàn thông tin.

photo-1-1480478892780
Tọa đàm ““Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin” diễn ra tại Học viện Kỹ thuật mật mã chiều ngày 29/11

Chia sẻ trong phần khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Huy Dũng – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin – đã khẳng định tầm quan trọng của an toàn thông tin trong xã hội hiện đại.

“Nếu như trong quá khứ, sức mạnh của một quốc gia được đo bằng sức ngựa; bằng số lượng chiến mã; bằng khả năng chinh phục đại dương; sau này là bằng khả năng chiếm lĩnh không gian; thì cho đến thời điểm hiện tại, kể từ khi máy vi tính lần đầu tiên xuất hiện; kể từ khi mạng Internet trở nên phổ biến thì sức mạnh của một quốc gia hiện nay được đo bằng khả năng chiếm lĩnh không gian mạng”.

“Mục tiêu của buổi tọa đàm ngày hôm nay là khơi dậy niềm đam mê, hoài bão. Hi vọng ngày hôm nay chúng tôi có thể giúp đánh thức tiềm năng, đánh thức “người khổng lồ còn đang say ngủ” trong một vài bạn nào đó đang ngồi ở hội trường này để trong vòng 3 năm nữa; 5 năm nữa hay 10 năm nữa; các bạn sẽ có những đóng góp lớn lao cho xã hội; cho nước nhà thì chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc” – ông Dũng nói.

Trả lời câu hỏi phổ biến của các sinh viên dành cho doanh nghiệp: doanh nghiệp tìm kiếm điều gì ở các ứng viên?, ông Khổng Huy Hùng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS) cho biết; mong muốn chung của VNCS cũng giống như tất cả các ngành nghề khác là các bạn phải có kiến thức nền tảng. “Tuy nhiên, kỹ năng mềm là kỹ năng cần phải trau dồi và là kỹ năng mà chúng tôi mong muốn nhiều nhất”.

Ông Hùng cho rằng, nhiều ứng viên vẫn còn thiếu sự chuyên nghiệp. Ông đưa ra một số dẫn chứng đã từng xảy ra ở doanh nghiệp của mình: ứng viên không trả lời email; gọi phỏng vấn không đến; hoặc đã xác nhận là đến nhưng đến giờ không thấy đâu.

“Không phải ai cũng là người giỏi nhất. Nếu các bạn không phải là người giỏi nhất; thì các bạn hãy trau dồi những kỹ năng mềm khác; sự chuyên nghiệp; cần cù, chăm chỉ để là người phù hợp nhất. Chúng tôi tuyển những người phù hợp nhất, chứ không phải những người giỏi nhất; thậm chí không phải là người giỏi; mà là một sinh viên bình thường thôi” – ông Hùng chia sẻ quan điểm của mình.

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Minh Hưng – Giám đốc Trung tâm Không gian mạng, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel cho rằng: “Mỗi cá nhân cần có một con đường khác nhau để đi đến thành công trong ngành An toàn thông tin nói riêng và các ngành nghề khác nói chung; tuy nhiên theo tôi có một điểm chung là “bạn cần có một số giờ bay nhất định, đâu đó khoảng 10 nghìn giờ bay”. Thành công không đến sau một đêm; sau một cơn mơ, mà là những ngày tháng khổ luyện”.

Chia sẻ thêm về quy tắc “10 nghìn giờ bay”, ông Dũng nói: “Không có một giấc mơ nào trở thành hiện thực nếu bạn không thức dậy để làm việc. Để thành công trong một lĩnh vực nào đó; theo thống kê khoa học; người ta có một quy tắc 10 nghìn giờ. Để trở thành một phi công thành thục thì bạn phải trải qua 10 nghìn giờ bay. Để trở thành một nhạc công thành thục; bạn phải có 10 nghìn giờ luyện tập trên phím đàn. Để trở thành một lập trình viên thành thục và ra được một kết quả gì đó thì bạn phải có 10 nghìn giờ miệt mài trên máy tính của mình”.

20161130082659-anhdaidien-1480479025054-crop-1480479116835
Sinh viên Phạm Thị Thanh đặt câu hỏi: “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/ tháng?”

Nhiều sinh viên ngành An toàn thông tin không ngần ngại chia sẻ rằng họ chọn ngành này vì mức thu nhập hứa hẹn trong tương lai. Vì thế, câu hỏi của em Phạm Thị Thanh; sinh viên năm 3 ngành An toàn thông tin, Học viện Kỹ thuật mật mã đã làm “nóng” hội trường. “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/tháng?” – Thanh mạnh dạn đặt câu hỏi cho các nhà tuyển dụng.

“Tôi cũng đã từng có suy nghĩ như bạn hồi sinh viên. Mức lương 1.000-2.000 đô nhiều người đã làm được. Đó không phải là việc quá khó. Nhưng bạn không thể ép một thần đồng giải một bài toán tích phân. Muốn giải tích phân phải đợi đến lớp 10. Nếu bạn muốn mức lương 2.000, bạn nên bình tĩnh một chút. Đó không phải là một mức lương quá khó với các bạn ở đây. Tôi tin rằng sau 10-15 năm nữa, ít nhất một nửa các bạn ngồi đây có mức lương như vậy. Nếu bạn giỏi hơn những người khác thì có thể bạn chỉ cần 5 năm thôi. Bạn nên kiên nhẫn một chút” – ông Lê Minh Hưng trả lời.

Chia sẻ về câu chuyện thu nhập, ông Khổng Huy Hùng đặt câu hỏi ngược lại với nữ sinh này: “Nếu anh trả cho em 2.000 thì em làm lại được cho anh bao nhiêu tiền?”

“Việc em đưa ra con số 2.000 không quan trọng; mà quan trọng là em làm lại được cho anh bao nhiêu. Mà với một bạn sinh viên mới ra trường thì thông thường anh không nghĩ rằng bạn ấy sẽ mang lại được cho anh 10-15 ngàn/tháng để anh có thể trả lại lương cho bạn ấy 2 ngàn.

Anh chưa có câu trả lời cho em nhưng anh đang băn khoăn là em sẽ làm gì cho anh để tạo ra 10-15 ngàn/tháng để anh trả lương cho em. Nên anh nghĩ câu trả lời của anh là một câu hỏi mở ngược lại cho em”.

Ông Hùng khẳng định: “Bản thân em phải biết mình có thể mang lại được giá trị gì cho công ty. Thông thường mình phải trả lời câu hỏi đó trước cho doanh nghiệp. Tôi mang lại cho anh từng này và tôi muốn nhận được từ anh chừng này. Thông thường thì logic đấy sẽ dễ chấp nhận hơn. Liệu rằng cách nghĩ đấy có phải là một cách nghĩ tốt hơn là mình đặt ra một câu hỏi ngược lại cho doanh nghiệp hay không?”

Sau câu hỏi làm “nóng” hội trường của nữ sinh năm 3; lời đề nghị nghiêm túc nhưng không kém phần hài hước của ông Nguyễn Huy Dũng: “Các bạn đang nói về mức lương 2.000 đô để làm những việc quan trọng. Không biết là trong những bạn sinh viên ở đây có bạn nào sẵn sàng nhận mức lương 200 đô để làm những việc quan trọng không kém không ạ?

Tất cả các bạn có thể liên hệ với tôi để đề nghị một cuộc phỏng vấn. Cục An toàn thông tin hiện đang tuyển dụng viên chức cho Cục; và các bạn có thể liên hệ với tôi hoặc qua gian hàng thông tin ở ngoài kia”.

photo-3-1480478892778
Một nữ sinh tới từ Học viện An ninh nhân dân đặt câu hỏi cho các khách mời

Một nữ sinh viên khác đang theo học ngành An toàn thông tin; Học viện Kỹ thuật mật mã đưa ra câu hỏi về cơ hội việc làm phù hợp với sinh viên nữ học ngành này. Trả lời câu hỏi này; ông Khổng Huy Hùng gợi ý các bạn nên trau dồi kiến thức về mặt giải pháp.

“Để làm được điều đó, các bạn phải đọc nhiều, dùng nhiều; nghiên cứu trending thế giới nhiều. Ngoài kiến thức nền tảng, tiếng Anh cũng là một yếu tố quan trọng. Tiếng Anh phải tốt thì các bạn mới đọc được; tư vấn được; mới xây dựng được giải pháp để tư vấn cho khách hàng. Tôi nghĩ đó là những lựa chọn cho các bạn nữ mà không quá nặng về “technical””.

Nêu quan điểm về vấn đề nữ sinh viên học ngành An toàn thông tin; ông Lê Minh Hùng cho rằng “các bạn không nên tự đặt ra những giới hạn cho bản thân”.

“Tôi nghĩ thời đại này cũng không nên phân biệt nam hay nữ nhiều quá; tất nhiên là ở Việt Nam vẫn còn có những ảnh hưởng. Tuy nhiên, càng ngày tôi càng thấy nhiều bạn nữ; ngay cả ở trong cơ quan tôi, vẫn làm pentest, security, code như ai. Nếu nhìn rộng hơn, khi tôi đi giao lưu bên ngoài, tôi thấy nhiều bạn nữ thực sự ấn tượng. Họ rất tự tin và thông minh. Tôi nghĩ không có giới hạn nào cho các bạn”.

photo-4-1480478966889

Tham gia tọa đàm còn có em Dương Quốc Tín – sinh viên năm cuối ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia TP.HCM. Tín là một trong những sinh viên 3 năm liên tiếp giành giải Nhất trong các cuộc thi về an toàn thông tin; quán quân cuộc thi Cyber Sea Games tại Indonesia năm 2015. Cách đây 2 tuần, Tín vừa có chuyến sang Silicon Valley để phỏng vấn với Google.

Một sinh viên đề nghị Dương Quốc Tín chia sẻ kinh nghiệm với những bạn muốn làm trong lĩnh vực an toàn thông tin ở các công ty nước ngoài. “Họ đòi hỏi kinh nghiệm, kiến thức như thế nào để được gọi phỏng vấn?”

Chàng trai rất có duyên với giải thưởng này khẳng định; “cần phải đặt mục tiêu sớm và con đường đi sẽ rất khó khăn”.

Tín chia sẻ, bản thân em bước chân vào ngành An toàn thông tin cũng với ước muốn một tháng làm được lương 3.000 đô. Và em cho rằng đó là một lý do chính đáng.

“Ngay từ năm nhất, các bạn phải đặt mục tiêu sẽ đi làm ở nước ngoài. Lúc đó, các bạn phải đặt ra những vấn đề cần giải quyết. Yếu tố đầu tiên là ngoại ngữ. Lúc đi phỏng vấn cho Google; mình gặp rất nhiều trở ngại về ngoại ngữ. 5 vòng phỏng vấn từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều, mỗi vòng 45 phút. Những câu hỏi hoàn toàn đi sâu về kỹ thuật. Nếu các bạn chỉ học kiến thức nền tảng trên trường thì các bạn sẽ không thể nào vượt qua được.

Nếu các bạn muốn được phỏng vấn ở những công ty như vậy; các bạn phải là một trong số những người giỏi nhất. Đó là một quá trình khó khăn” – Tín chia sẻ.

>> Sở hữu CV chuyên nghiệp chỉ trong 5 phút

Theo Nguyễn Thảo

Vietnamnet