Đam mê luôn là yếu tố được xem xét đầu tiên khi định hướng nghề nghiệp, nhưng thực trạng là có không ít bạn trẻ chưa xác định được mình thích gì. Vậy đam mê có phải là tất cả khi chọn nghề nghiệp trong tương lai? Nếu không có đam mê, bạn cần làm gì để có lựa chọn đúng đắn, phù hợp nhất?
1. Nghề nghiệp là gì?
Trước khi bắt đầu định hướng nghề nghiệp để tìm việc trong tương lai, bạn cần hiểu nghề nghiệp là gì. Nghề nghiệp là một việc làm lặp đi lặp lại, có tính chất ổn định. Nghề nghiệp tạo ra các sản phẩm có giá trị cho xã hội và đem tới thu nhập cho người tạo ra sản phẩm.
2. Định hướng nghề nghiệp là gì?
Định hướng nghề nghiệp là xác định và chỉ ra phương hướng cho ai đó để lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Hiểu một cách hình tượng, định hướng nghề nghiệp là chỉ đường dẫn lối cho một người trên con đường sự nghiệp. Vai trò của định hướng công việc tương lai giống như vai trò của chiếc la bàn, giúp người ta xác định được hướng đi, tìm ra lối đi để đi tới cái đích cuối cùng là tìm được nghề nghiệp phù hợp, có thể gắn bó dài lâu.
Định hướng nghề nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Lựa chọn đúng nghề nghiệp giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian, công sức để đi tới thành công. Nghề nghiệp là điều sẽ gắn bó với chúng ta trong một thời gian dài, một ngày 8 tiếng bạn sẽ làm một công việc, nếu như lựa chọn nhầm nghề, chúng ta sẽ dễ bị chán nản, mệt mỏi và dẫn tới các cảm xúc tiêu cực khác.
3. Định hướng nghề nghiệp: Phải làm sao nếu không có đam mê?
Định hướng nghề nghiệp rất quan trọng và bạn thường nhận được lời khuyên lắng nghe hoài bão, đam mê để có lựa chọn công việc phù hợp. Tuy nhiên, tình trạng mất phương hướng, không biết mình thích gì cũng không có đam mê, sở thích nào đặc biệt xuất hiện khá phổ biến ở các bạn học sinh khi đứng trước ngưỡng cửa nghề nghiệp. Vậy lựa chọn nghề nghiệp thế nào nếu như bạn chưa tìm thấy đam mê của mình?
Bạn học tốt những môn học nào?
Nếu bạn chưa biết mình thích gì, bạn nên xem xét lựa chọn điều bạn giỏi. Việc bạn học tốt các môn học chưa đảm bảo việc bạn sẽ làm tốt khi bước chân vào môi trường công việc nhưng đó là một tiêu chí có giá trị tham khảo. Hãy tìm hiểu các ngành học phù hợp với các môn học bạn có khả năng. Đó là một việc bạn cần làm để định hướng cho bản thân công việc phù hợp nhất. Tuy vậy, sau khi tìm ra khối ngành có môn học bạn giỏi, bạn vẫn chưa thể vội vàng chọn ngay nghề nghiệp.
Tính cách của bạn ra sao?
Một yếu tố khác bạn cần suy xét khi lựa chọn là tính cách của bản thân. Ngay cả khi bạn giỏi một lĩnh vực nhưng nếu tính cách của bạn không phù hợp với lĩnh vực đó thì chính bạn sẽ là người phải chịu đựng trải nghiệm làm việc không mấy vui vẻ. Ví dụ: Bạn có khả năng ca hát nhưng lại không thích đứng trước đám đông, tính cách hướng nội thì nghề ca sĩ có lẽ không phải lựa chọn phù hợp. Dưới đây là một số nhóm tính cách và nghề nghiệp phù hợp bạn có thể tham khảo:
Xem thêm: Cách tìm công việc phù hợp với tính cách
- Nhóm người thích sáng tạo: làm nghệ thuật, truyền thông
- Nhóm người thích suy nghĩ logic: làm công nghệ, nghiên cứu, phân tích, kế kiểm toán
- Nhóm người thích tổ chức: quản trị, quản lý
- Nhóm người thích hành động: làm các công việc cần nhiều sức khỏe như phi công, thợ thi công…
- Nhóm người thích đàm phán: marketing, sales, cố vấn, quan hệ công chúng
- Nhóm người thích giúp đỡ: y tá, bác sĩ, điều dưỡng, giáo viên, cứu hộ
Nhu cầu của thị trường
Để định hướng tương lai, bên cạnh việc lắng nghe bản thân, bạn cần phải lắng nghe thị trường. Lựa chọn nghề nghiệp thị trường đã bão hòa hoặc có rất ít nhu cầu sẽ khiến cơ hội tìm được việc làm sau này của bạn bị hạn chế hơn. Định hướng nghề nghiệp thông minh là mẫu số chung của nhu cầu bản thân với nhu cầu của thị trường.
Làm các bài trắc nghiệm
Nếu bạn vẫn cảm thấy mung lung và chưa thể đưa ra quyết định, bạn có thể tìm đến các bài trắc nghiệm nghề nghiệp. Tuy nhiên đừng lạm dụng vì các bài trắc nghiệm chỉ có tính chất tham khảo chung chung đối với tất cả những người có cùng một số đặc điểm với bạn. Suy nghĩ, sở thích và tính cách của mỗi người là những tổ hợp rất khác nhau tạo nên bạn là cá thể riêng biệt. Vì thế, cách chọn nghề cho tương lai hiệu quả nhất là xem xét nhiều yếu tố, tham khảo nhiều tiêu chí và kết hợp lại để có đáp án cho riêng mình.
Bạn có thể làm các bài trắc nghiệm như MBTI, Sokanu Career Assessment, Princeton Review Career Quiz.
Những điều cần tránh khi định hướng nghề nghiệp
- Để người khác quyết định hoàn toàn nghề nghiệp cho mình như bố mẹ, thầy cô
- Chạy theo xu hướng các ngành”hot” mà không phù hợp với mình
- Chọn ngành chọn trường đại học chỉ vì ngành đó lấy điểm chuẩn cao
- Chọn theo sở thích bất chấp khả năng của mình
- Dùng các phương pháp tâm linh để chọn nghề như xem bói, xúc xắc…
Định hướng nghề nghiệp luôn là một bài toán khó đối với các sĩ tử đặc biệt là với những ai chưa có đam mê rõ ràng. Hy vọng rằng những gợi ý trên sẽ giúp bạn có lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn và tìm được công việc phù hợp trong tương lai.