Dân công sở Việt Nam hay đùa: “Đi làm chán quá, đi du học thôi!” và coi du học như một giải pháp giúp bản thân có việc làm tốt hơn, thu nhập tốt hơn, vậy quan điểm này có đúng? Mới đây, trong chương trình “Cơ Hội Cho Ai? – Whose Chance?” mùa 4 tập 11, hai nữ ứng viên trẻ được tiếp xúc với hai môi trường học tập khác nhau tranh tài, với chủ đề tranh biện: “Có quan điểm cho rằng nhiều du học sinh về nước khó xin việc do ảo tưởng lương cao. Bạn nghĩ sao về quan điểm này?”. Trước khi đến với câu trả lời của 2 bạn ứng viên hay TopCV, hãy dừng chút thời gian để đưa ra nhận xét của riêng bạn về nhận định này nhé!

Đi du học về sẽ có mức lương cao hơn, dễ có việc làm hơn? - Ảnh 1

Thí sinh chương trình Phạm Hồng Nhung, 22 tuổi đến từ Tiền Giang có niềm đam mê với hóa học với bằng cử nhân loại giỏi chuyên ngành Hóa hữu cơ (ĐH Bách khoa TPHCM). Hồng Nhung đồng ý quan điểm nêu trên dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng. Cô cho rằng bên cạnh kiến thức học được như nhau, thì du học sinh có một số lợi thế so với các ứng viên học tập trong nước, ví dụ như khả năng ngoại ngữ, kỹ năng độc lập trong công việc và cuộc sống.

Nhung cho rằng khi đã tiêu tốn nhiều cho việc du học, thì về nước tìm việc, du học sinh mong muốn có thể nhận lại mức lương tương xứng. Mức thu nhập đó có thể là bình thường đối với đất nước mà các bạn đang theo học, nhưng có thể hơi cao so với thị trường lao động trong nước.

Đi du học về sẽ có mức lương cao hơn, dễ có việc làm hơn? - Ảnh 2

Đối thủ của Nhung là Lê Minh Thùy (24 tuổi) có 7 năm sinh sống và làm việc ở Australia đang theo học ngành Kỹ sư cầu đường và là một trong những sinh viên xuất sắc ngành Kỹ sư cầu đường tại Đại học New South Wales, Australia.

Từng du học tại Úc, Thùy bày tỏ không đồng ý với nhận định trên với 3 lý do. Đầu tiên, du học sinh có nhiều trải nghiệm sinh sống, học tập, làm việc với nhiều người với những ngôn ngữ khác nhau, đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Doanh nghiệp Việt đang vươn mình ra biển lớn. Và việc một công ty sở hữu nhân viên có sự am hiểu về nhiều nền văn hóa như vậy, sẽ là một cầu nối vô cùng quan trọng.

Thứ hai, du học sinh quen với cuộc sống tự lập, tự học ở môi trường quốc tế. Ở một số quốc gia, các trường ĐH yêu cầu tự học. Thói quen này sẽ giúp các bạn dễ dàng thích nghi, học hỏi nhanh khi gia nhập tổ chức doanh nghiệp.

Cuối cùng, sứ mệnh của một du học sinh khi học tập ở nước ngoài, chính là một đại diện của quốc gia. Thùy cho biết bản thân mình cũng có trải nghiệm như vậy, cho rằng mọi người nước ngoài sẽ nhìn vào mình để đánh giá người Việt, nên không ngừng học tập chăm chỉ và phát triển các kỹ năng mềm, để từ đó hoàn thiện bản thân hơn.

Trước màn đối đáp của hai ứng viên, sếp Lưu Nga – Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang Elise tiếp lời: “Bằng cấp cũng chỉ là một tờ giấy mà thôi. Về cơ bản, các em học tập và tốt nghiệp ở nước ngoài và Việt Nam mới ra trường là như nhau. Có thể ngoại ngữ của các bạn du học sinh sẽ tốt hơn, nhưng không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng cần nhân viên sử dụng ngoại ngữ nhiều. Và nếu không cần sử dụng đến ngoại ngữ, thì 2 em làm thế nào để chứng minh sự khác nhau về năng lực giữa một du học sinh và bạn học tập trong nước để đạt được mức lương kỳ vọng của mình?”

Đi du học về sẽ có mức lương cao hơn, dễ có việc làm hơn? - Ảnh 3

Hồng Nhung chia sẻ bản thân luôn đi lên từ kiến thức đã được học trên ghế nhà trường và luôn nỗ lực trong quá trình làm việc, nhằm tạo ra giá trị riêng, cống hiến cho doanh nghiệp, thông qua đó nhận lại mức thù lao xứng đáng, đôi bên cùng có lợi.

Mặt khác, Minh Thùy cho rằng khả năng ngôn ngữ chỉ là một phần. Theo cô, lợi thế nhất của du học sinh là trải nghiệm làm việc với đa quốc gia, đa văn hóa, dẫn đến các bạn có được sự thích nghi nhanh trong nhiều tình huống.

Không cho ý kiến của Minh Thùy là đúng, Sếp Nga cho lời khuyên: “Chị cho rằng trong một cuộc phỏng vấn, thì khả năng ứng biến tình huống đối với người phỏng vấn là quan trọng nhất. Thứ hai, các bạn từ nước ngoài về không nên đặt nặng vấn đề làm việc đa quốc gia, đa ngôn ngữ, mà hãy xem mình như một sinh viên tại Việt Nam, thì các bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn”.

Kết thúc vòng Đối mặt, Hồng Nhung giành chiến thắng thuyết phục trước đối thủ là cựu du học sinh với điểm số 4/5 để bước tiếp vào vòng trong.

Đi du học về sẽ có mức lương cao hơn, dễ có việc làm hơn? - Ảnh 4

Thông qua tình huống này, bạn rút ra được những điều gì cho riêng mình?

Tâm lý deal lương thông thường: Bỏ ra một khoản tiền khổng lồ sau nhiều năm du học, vậy nên khi trở về nước, du học sinh nào cũng mong muốn nhận được mức lương xứng đáng, thậm chí được các nhà tuyển dụng trải thảm đỏ mời đến làm. Và trên thực tế, mong muốn đó hoàn toàn thỏa đáng và thị trường lao động cũng sẵn sàng trả lương cao hơn cho du học sinh, nhưng đó là câu chuyện xảy ra vào…khoảng 10 – 20 năm trước – khi mà các trường đại học, khóa đào tạo,… vẫn còn hạn chế và nhân lực chất lượng cao vẫn còn khan hiếm. 

Đi du học về sẽ có mức lương cao hơn, dễ có việc làm hơn? - Ảnh 5

Liệu đi du học về có tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động đầy khốc liệt và biến động không ngừng tại Việt Nam?

Câu trả lời là vừa có vừa không. Vậy có khi nào và không khi nào?

Đầu tiên phải khẳng định, bằng cấp vẫn đóng vai trò quan trọng trong hồ sơ ứng tuyển của các bạn. Nhưng những bằng cấp nào thì sẽ tạo nên sự khác biệt cho việc ứng tuyển?

Tại sao du học sinh không tạo ra lợi thế khi ứng tuyển?

Lý do thứ nhất, tiếng Anh và sự năng động – những thứ được đánh giá là đặc điểm của du học sinh – đã không còn là điều hiếm có khó tìm với sinh viên trong nước.

Với sự phát triển của kinh tế, đầu tư cho giáo dục ngày một mạnh mẽ thì giờ đây thế hệ sinh viên Gen Z đã thực sự rất xuất sắc trong tiếng Anh và cả sự năng động của mình – một điều mà nhóm sinh viên Gen Y hồi xưa rất ít người có vì sự hạn chế về lựa chọn giáo dục cũng như các cơ hội ngoại khóa.

Chính vì sự đại trà của nhóm kỹ năng toàn cầu là ngôn ngữ và năng động đã không còn là điểm hiếm có khó tìm nên nhóm du học sinh không còn được ưu ái như cách đây 10 – 20 năm trước, vì vậy sự khác biệt về mặt mức lương sẽ không phải quá lớn.

Lý do thứ hai, nhà tuyển dụng đang ngày càng coi trọng kinh nghiệm hơn là bằng cấp và những thứ này thì các sinh viên trong nước lại có lợi thế hơn là du học sinh vì cơ hội sinh làm thực tập sinh hay part time thì dễ hơn ở nước ngoài rất nhiều. Đồng thời, sự thể hiện và thuyết phục trong buổi phỏng vấn cũng rất quan trọng. Rõ ràng là trong trường hợp trên, Minh Thùy – du học sinh đã không thuyết phục các giám đốc tốt bằng Hồng Nhung – người tốt nghiệp một trường trong nước.

Câu chuyện nhiều bạn đi du học trời Tây về vẫn thất nghiệp không hiếm. Bà Nguyễn Thị Vân Anh – cựu Giám đốc điều hành Navigos Search – từng nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, một trong số đó là các bạn du học sinh kỳ vọng quá cao.

Đi du học về sẽ có mức lương cao hơn, dễ có việc làm hơn? - Ảnh 6

Không có chuyện nhà tuyển dụng phải trả mức lương cao hơn cho các bạn so với người đi học trong nước. Tốt nghiệp nước ngoài hay trong nước đều phải trải qua các vòng phỏng vấn hay làm bài test giống hệt nhau”.

“Nếu như các bạn vào được công ty và nỗ lực chứng minh được giá trị mình tạo ra thì các bạn sẽ vượt lên, và sẽ khác biệt với những người khác. Đến lúc đó, đãi ngộ, chức vụ, rồi tiền… mới đến với các bạn. Chứ ngay từ đầu nói ‘Tôi bỏ 5 tỷ đi du học về mà lương không được 1.000 USD hoặc 15-20 triệu thì không làm’, thì các bạn còn thất nghiệp dài dài”, bà Vân Anh thẳng thắn.

Theo bà Vân Anh, ngay cả với các bạn tốt nghiệp nước ngoài và có kinh nghiệm làm việc, thu nhập vẫn phải căn cứ vào job (công việc), grade (bậc), và phụ thuộc vào giá trị các bạn mang lại cho tổ chức.

Sở hữu nhiều năm kinh nghiệm chiêu mộ nhân tài, bà Ngô Thị Ngọc Lan cũng chia sẻ: Đối với du học sinh mới về nước hoặc mới ra trường, đây có lẽ là nhóm người lao động không còn được quá đề cao như trước đây, vì một số lý do như:

  • Hiện nay, cơ chế đào tạo trong nước đã có những sự thay đổi tiến bộ cả về kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ. Do đó, các ứng viên trong nước hoàn toàn có đủ điều kiện để tiếp thu nền giáo dục hiện đại, phát triển.
  • Với chương trình đào tạo vừa học vừa làm, các bạn sinh viên tại Việt Nam có sự am hiểu về quy trình làm việc, va vấp thực tế, sẽ có khả năng đáp ứng công việc nhanh hơn du học sinh mới về nước.
  • Bên cạnh đó, các du học sinh mới về nước thường có xu hướng đánh giá bản thân quá cao, thường có những yêu cầu cao hơn đối với các doanh nghiệp về tiền lương, chế độ phúc lợi…

Mặc dù các ứng viên là du học sinh có những lợi thế nhất định, song, so với họ, ứng viên trong nước cũng hoàn toàn không thua kém”, bà Lan cho hay.

Những lợi thế của du học sinh khi ứng tuyển việc làm

Như đã nói, bằng cấp vẫn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là bằng cấp đến từ nước ngoài – nhưng bằng cấp đó sẽ chỉ thực sự tạo ra khác biệt khi:

  • Bằng cấp của bạn đến từ các trường Đại học lớn, top của quốc gia hay top của khu vực (VD: Tại Anh có Oxford, Cambridge,… ở Châu á có National University of Singapore, Tokyo University, Peking University,….)
  • Bằng cấp của bạn là bằng hệ sau đại học (thạc sĩ, MBA) và là bằng đến từ các trường đại học nổi tiếng – vì việc đi học hệ sau đại học bây giờ cũng là một điều phổ biến và nhà tuyển dụng thì vẫn coi trọng kinh nghiệm hơn, nên trừ khi các bạn có một bằng thạc sĩ hay MBA đến từ những trường đại học hàng đầu, còn không thì sự khác biệt cũng không quá nhiều
  • Bằng cấp + kinh nghiệm làm việc nước ngoài: Với trường hợp này thì bằng cấp của chúng ta không cần phải đến từ trường top vì như đã nói nhà tuyển dụng coi trọng kinh nghiệm làm việc và điều đó đã được thể hiện trong việc bạn đã từng làm việc tại nước ngoài. Điều cần lưu ý là kinh nghiệm này phải là kinh nghiệm văn phòng (VD: thực tập sinh tại một công ty agency marketing, một công ty tài chính, bán lẻ,…) chứ không phải kinh nghiệm tay chân (phục vụ bàn, customer service,…)
Đi du học về sẽ có mức lương cao hơn, dễ có việc làm hơn? - Ảnh 7

Kết hợp với những yếu tố khác như thái độ, quan điểm, có kết quả cao trong bài kiểm tra năng lực tốt (bài test), phù hợp với văn hóa công ty… thì chắc chắn rằng, du học sinh này là một ứng viên khá tuyệt vời và nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ không để tuột ứng viên đó.

Mặt khác, khi nói về hướng đi của các bạn du học sinh sau khi tốt nghiệp, một vị sếp khác, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT FPT Telecom đã lên tiếng khi Minh Thùy bị loại, ông đã khuyên nhủ: “Các bạn đi du học thì đừng nên về nước làm việc ngay”. Lý do ông Tiến đưa ra là khi các du học sinh về nước ngay khi tốt nghiệp thì những kiến thức học được, ngoại ngữ, những mối kết nối mới có sẽ bị mất đi, không được sử dụng. “Trong khi đó, 5 – 10 năm nữa khi em trở về đây, với hành trang là kiến thức, quan hệ, tiền bạc, thậm chí là gia đình nữa, thì sẽ tốt hơn cho em rất nhiều. Tin tôi chuyện đó đi!”, Chủ tịch FPT Telecom nói.

Đi du học về sẽ có mức lương cao hơn, dễ có việc làm hơn? - Ảnh 8

Với những phân tích trên chúng ta không bác bỏ hoàn toàn lợi thế của việc du học, tuy nhiên cũng không nên trông chờ quá mức. Du học chỉ mở thêm một cánh cửa, việc nó có dẫn tới tương lai tươi sáng không sẽ còn phụ thuộc vào năng lực, khả năng phát triển bản thân của các bạn nữa.

Vì vậy, đừng quên trau dồi mỗi ngày để gia tăng năng lực chuyên môn, kỹ năng của mình vì đó sẽ là lợi thế lớn nhất khi ứng tuyển! Với mong muốn giúp ứng viên phát triển sự nghiệp một cách toàn diện, TopCV phối hợp cùng TestCenter – Nền tảng đánh giá năng lực nhân sự hàng đầu Việt Nam phát triển công cụ TopCV Skills giúp ứng viên rèn luyện và tự đánh giá kỹ năng nghề nghiệp.

Đi du học về sẽ có mức lương cao hơn, dễ có việc làm hơn? - Ảnh 9