Con đường trở thành nhà lãnh đạo: Chỉ cần kinh nghiệm & kỹ năng là đủ?

Con đường trở thành nhà lãnh đạo: Chỉ cần kinh nghiệm & kỹ năng là đủ?

Nhân viên thâm niên (senior) là những người có kỹ năng, kinh nghiệm và trải nghiệm dày dặn trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định. Nhưng liệu nhân viên thâm niên nào cũng có thể trở thành một nhà lãnh đạo? Cùng TopCV tìm hiểu xem điều gì tạo nên một nhà lãnh đạo tài ba nhé!

Có tầm nhìn sâu rộng

Trở thành một nhà lãnh đạo, đồng nghĩa trở thành một người có cái nhìn bao quát hướng về tương lai, một “tầm nhìn chiến lược” – những điều mà một người nhân viên không thể thấy. Người lãnh đạo hoạch định mục tiêu, kế hoạch, các chiến lược phải thực hiện, hướng tới giải quyết bài toán dài hạn của tổ chức. 

Nhà lãnh đạo phải là người hiểu rõ tổ chức nhất, về sản phẩm và văn hoá của tổ chức, để từ đó đưa ra được những bài toán chiến lược phù hợp.

Có khả năng hoạch định chiến lược

Đi kèm với việc đưa ra kế hoạch chiến lược, nhà lãnh đạo cần cung cấp giải pháp phù hợp, như: chiến thuật để giải quyết từng bài toán cụ thể, hay kế hoạch “dụng binh” – phân bổ nguồn lực, đặt người tài vào vị trí thích hợp: đúng người, đúng thời, đúng hướng. 

Truyền cảm hứng 

Một nhà lãnh đạo được ví như vị tướng quân, họ sẽ không thể “chinh chiến” nếu thiếu đi đội ngũ tinh nhuệ phía sau. Để đạt được kết quả thì giữ được tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng “xông pha” là yếu tố góp phần không hề nhỏ. Vậy nên, nhà lãnh đạo cần chú trọng nuôi dưỡng đội quân của mình, không ngừng truyền động lực và cảm hứng cho họ, để đội ngũ cùng đồng lòng, tối ưu hóa năng suất làm việc, thành công chạm tới mục tiêu chung. 

Chiêu mộ và xây dựng đội ngũ tinh nhuệ

Một tầm nhìn chiến lược dài hạn bao gồm cả tầm nhìn về nhân sự – những người thực sự phù hợp để cùng đồng hành trên chặng đường chinh phục những đích đến mới. Những người lãnh đạo thường là người có khả năng chiêu mộ và xây dựng đội ngũ cực tốt. Họ “đánh hơi” được những người có tố chất và tiềm năng, phù hợp trở thành nhân sự kề vai sát cánh, sau đó sẽ tập trung huấn luyện và đào tạo, gia tăng kỹ năng và độ gắn kết giữa các thành viên, tạo tầm nhìn chung cho đội ngũ.  

Nhạy cảm

Lãnh đạo là người truyền cảm hứng. Để một người có khả năng truyền cảm hứng tốt đòi hỏi người ấy phải có chỉ số EQ (Emotional Quotient – Trí tuệ cảm xúc) cực cao. Nhà lãnh đạo phải là người vô cùng nhạy cảm với những cảm xúc, tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhân viên, đến mức như có khả năng “đọc suy nghĩ” của người khác. Chính khả năng này sẽ giúp nhà lãnh đạo hiểu hơn về những vấn đề mà đội ngũ của mình đang gặp phải, từ đó xây dựng chiến lược nhân sự phù hợp.

Tố chất thông minh

Bên cạnh việc có EQ cao, trí thông minh của nhà lãnh đạo là một yếu tố vô cùng quan trọng. Không chỉ thông minh trong lối suy nghĩ, người lãnh đạo thông minh trong tầm nhìn, trong việc hoạch định chiến lược và trong việc dụng binh. Lãnh đạo không bắt buộc phải là người có chỉ số IQ (Intelligence Quotient – Chỉ số thông minh) cao nhất, nhưng cần là người có trí thông minh toàn diện nhất để có khả năng nhìn nhận bao quát mọi vấn đề đã, đang và sẽ xảy ra với doanh nghiệp.

Chính trực

Lãnh đạo là người có quyền quyết định đối với mọi công việc của đội nhóm, tổ chức. Sự chính trực từ người lãnh đạo chính là điều kiện tiên quyết để phát triển một môi trường làm việc rõ ràng, minh bạch, nơi mọi ý kiến đều được ghi nhận và phán xét công tâm, không thiên vị. Nhờ vậy, đội ngũ nhân sự sẽ dành sự tôn trọng cho người lãnh đạo và chủ động gắn kết với doanh nghiệp, từ đó sẵn sàng cống hiến hơn.

Tự tin

Không chỉ tự tin từ bên trong, nhà lãnh đạo còn cần cho mọi người xung quanh cảm nhận được sự tự tin của mình một cách rõ ràng nhất. Cảm xúc và năng lượng của người lãnh đạo có khả năng chi phối toàn bộ không khí của đội ngũ. Người lãnh đạo tự tin với những quyết định của họ, không chùn bước trước những khó khăn đang đến sẽ tạo cho đội ngũ của mình một cảm giác an tâm, rằng những gì họ đang nỗ lực thực hiện là vì một mục tiêu chung đúng đắn. Luôn tỏ ra tự tin và bình tĩnh trong mọi tình huống cũng là một cách hữu hiệu để người lãnh đạo động viên đội nhóm. 

Nghị lực

Tố chất cuối cùng tạo nên một người lãnh đạo toàn diện. Để dẫn dắt đội nhóm đương đầu với những khó khăn, thử thách, “đầu tàu” cần là người có ý chí kiên cường nhất. Với niềm tin sắt đá, họ có thể đưa cả con thuyền của mình vượt qua mọi gian nan. Lãnh đạo là người đại diện cho tinh thần của đội nhóm, vì vậy họ không được phép gục ngã, lay động trước mọi tình huống.

Xây dựng chiến lược

Như đã đề cập, lãnh đạo là người có tầm nhìn về câu chuyện tương lai của tổ chức. Bởi vậy, bằng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo hoàn toàn có khả năng dự đoán trước các tình huống có khả năng xảy đến trong tương lai, từ đó xây dựng những chiến lược phát triển phù hợp.

Tạo ra môi trường làm việc tràn đầy năng lượng cho đội ngũ

Một nhà lãnh đạo luôn có tầm nhìn riêng cho bản thân và tổ chức, nhưng để đội ngũ nhân viên có thể hiểu và cùng hướng đến mục tiêu chung đó, họ cần được liên tục truyền cảm hứng, truyền động lực để “giữ lửa” nhiệt huyết. Động lực có thể được tạo ra qua vô vàn phương pháp khác nhau, kể đến như cởi mở giao tiếp, chú trọng đào tạo đội ngũ, tôn vinh sự minh bạch…

Quản lý bộ máy toàn diện

Một tổ chức có thể phát triển rất nhanh và rất mạnh, vươn lên những đỉnh cao mới trong thời gian vô cùng ngắn. Công việc của người lãnh đạo cần sự bao quát đến tình hình chung, luôn chú tâm đến mọi vấn đề đang diễn ra xung quanh để tránh gặp những sai phạm nhỏ nhưng có khả năng trở thành vấn đề lớn trong tương lai. 

Hẹn gặp lại các bạn ở các bài viết tiếp theo trên TopCV!