16 nghìn người/năm là nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc ngành kỹ thuật điện tử viễn thông trong giai đoạn từ 2020 – 2025. Điều này chứng minh, nhân lực ngành này đang tuyển dụng nhiều và có xu hướng tăng qua các năm. Vậy ngành kỹ thuật điện tử viễn thông là gì? Học ngành này ở đâu? Thi những môn nào? Cơ hội việc làm và mức thu nhập ra sao sau khi ra trường? Tất cả sẽ được TopCV cung cấp chi tiết trong bài viết sau đây để bạn cùng tìm hiểu, từ đó dễ dàng đưa ra sự lựa chọn.
Ngành kỹ thuật điện tử viễn thông là gì?
Ngành kỹ thuật điện tử viễn thông là ngành học đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn và kỹ năng về việc thiết kế, phát triển và vận hành các hệ thống và công nghệ liên quan đến viễn thông và truyền thông điện tử.
Đây là ngành tập trung vào các công nghệ và ứng dụng sử dụng trong việc truyền tải, xử lý và quản lý thông tin qua các mạng điện tử và không dây. Trong đó có kể đến các thiết bị truyền thông và thiết bị điện tử như: điện thoại di động, tivi, máy tính, hệ thống nhúng, các mạch điều khiển, router, anten, thiết bị phát sóng,v.vv..
Cơ hội việc làm ngành điện tử viễn thông
Theo đánh giá của các chuyên gia phân tích nhu cầu nhân lực, ngành điện tử viễn thông là một trong những nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao trong thời đại 4.0 hiện nay. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này được nhận định là có cơ hội làm việc với nhiều vị trí khác nhau tại các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước như: FPT, Viettel, VNPT, MobiFone, VinSmart, v.vv.. hay doanh nghiệp nước ngoài như: SamSung, LG, Nokia, Apple, Inter, v.vv..
Một thống kê từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho thấy, giai đoạn từ 2020 – 2025 nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc ngành điện tử viễn thông là khoảng 16 nghìn người/năm. Con số này đang có xu hướng tăng lên qua các năm sau đó.
Trong khi đó, đại diện Tổng công ty công nghệ cao Viettel cũng từng chia sẻ, hơn 50% nhân lực kỹ sư của doanh nghiệp này là chuyên ngành điện tử viễn thông. Mỗi năm doanh nghiệp tuyển khoảng 100 kỹ sư mới ra trường.
Những con số “biết nói” trên cho thấy, tiềm năng và cơ hội việc làm cho những người được đào tạo ngành kỹ thuật điện tử viễn thông là rất lớn. Tốt nghiệp ngành này sinh viên có thể làm việc tại các vị trí như: chuyên viên tư vấn, thiết kế và vận hành kỹ thuật tại các đài phát thanh, truyền hình, công ty dịch vụ kỹ thuật điện tử viễn thông; Kỹ sư thiết kế vận hành hệ thống thông tin đa phương tiện tại các công ty truyền thông đa phương tiện; Kỹ sư viết phần mềm máy tính, v.vv..
Chưa kể, trong xu hướng chuyển đổi số như hiện nay, nhu cầu nhân lực cho ngành điện tử viễn thông là rất lớn và vẫn còn thiếu. Các công ty viễn thông, công ty sản xuất thiết bị điện tử, nhà mạng sẽ trở thành “miền đất hứa” cho các tân kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành này.
TopCV có thể giới thiệu hàng trăm vị trí công việc ngành kỹ thuật điện tử viễn thông đang tuyển dụng để bạn tham khảo và nắm bắt cơ hội việc làm của ngành này sau khi ra trường.
Một số câu hỏi về ngành kỹ thuật điện tử viễn thông
Để giúp các bạn hiểu sâu hơn về ngành này, sau đây TopCV sẽ giải đáp một số câu hỏi liên quan đến ngành kỹ thuật điện tử viễn thông.
Ngành kỹ thuật điện tử viễn thông thi khối nào?
Mã ngành kỹ thuật điện tử viễn thông thường là 7520207. Tuy nhiên, mã ngành này cũng có sự thay đổi tùy theo trường đào tạo, ví dụ tại Đại học Điện lực ngành này có mã là 7510302, Đại học Bách khoa Hà Nội mã ngành là ET-E4y, Đại học Công nghệ – ĐHQG Hà Nội mã ngành là CN9 v.vv.. Bạn nên căn cứ vào trường học mình lựa chọn để tra cứu chính xác mã ngành.
Hàng năm ngành kỹ thuật điện tử viễn thông được tuyển sinh với số lượng lớn và thường thi vào với 2 khối:
- Khối A (Toán – Lý – Hóa)
- Khối A1 (Toán – Lý – Anh)
Ngoài ra, một số trường còn xét tuyển các tổ hợp gồm:
- C00 (Văn – Sử – Địa)
- C01 (Ngữ văn – Toán – Lý)
- D90 (Toán – Tiếng Anh – Khoa học tự nhiên)
- D01 (Toán – Văn – Anh)
- D07 (Toán – Hóa – Anh)
Nếu bạn học tốt và nắm vững kiến thức các môn học này cộng thêm niềm đam mê với các thiết bị điện tử, viễn thông thì ngành kỹ thuật điện tử viễn thông là ngành bạn có thể cân nhắc lựa chọn để đăng ký thi tuyển sau khi tốt nghiệp THPT.
Điểm chuẩn ngành kỹ thuật điện tử viễn thông
Đối với ngành kỹ thuật điện tử viễn thông, mỗi năm tuyển sinh điểm chuẩn sẽ có sự thay đổi, khác nhau giữa các trường đại học/học viện/cao đẳng có đào tạo ngành này. Bảng sau đây TopCV tổng hợp điểm chuẩn ngành kỹ thuật điện tử viễn thông mới nhất tại một số trường đại học/học viện, bạn có thể tham khảo:
Khu vực | Tên trường | Điểm chuẩn |
Miền Bắc | Đại học Điện lực | 23,5 |
Đại học Bách khoa Hà Nội | 24,5 | |
Học viện Bưu chính Viễn thông | 25,6 | |
Học viện Kỹ thuật mật mã | 25,1 | |
ĐH Công nghiệp Hà Nội | 23,5 | |
Đại học Công nghệ – ĐHQG Hà Nội | 23 | |
Đại học Công Nghệ Thông Tin và Truyền Thông – Đại Học Thái Nguyên | 16 | |
Đại học Giao thông vận tải | 24,1 | |
Đại học Mở Hà Nội | 22,5 | |
Miền Trung | Đại học Khoa học – Đại học Huế | 15 |
Đại học Bách khoa Đà Nẵng | 23,5 | |
Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh | 16 | |
Đại học Sư phạm kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng | 20,8 | |
Đại học Quy Nhơn | 15 | |
Miền Nam | Học viện Bưu chính Viễn thông (phía Nam) | 21 |
Đại học Bách khoa – ĐHQG TP HCM | 60 | |
Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP HCM | 24,25 | |
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM | 22,25 – 23,75 | |
Đại học Cần Thơ | 23,4 | |
Đại học Tôn Đức Thắng | 29,5 | |
Đại học Công nghệ TP HCM – HUTECH | 17 | |
Học viện Hàng không Việt Nam | 17 | |
Đại học Văn Hiến | 21,35 |
Ghi chú:
- Điểm của trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP HCM được tính theo phương thức kết hợp. Điểm xét tuyển = [Điểm thi ĐGNL quy đổi] x 70% + [Điểm TN THPT quy đổi] x 20% [Điểm học tập THPT] x 10% (công thức chưa tính điểm cộng thêm, ưu tiên)
- Điểm của trường Sư phạm kỹ thuật TP HCM sẽ thay đổi tùy thuộc vào hệ đào tạo theo tiếng Anh, đại trà, tiếng Việt
Ngành kỹ thuật điện tử viễn thông học gì?
Hiện nay các trường đại học, học viện đào tạo ngành kỹ thuật điện tử – viễn thông theo khung chương trình kéo dài từ 4 – 5 năm. Sau khi ra trường sinh viên sẽ được cấp bằng cử nhân hoặc kỹ sư. Số lượng tín chỉ (môn học/học phần) sẽ có sự khác nhau tùy theo chuyên ngành cụ thể mà bạn theo học sau khi thi đậu ngành kỹ thuật điện tử viễn thông.
Khi theo học ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức chuyên môn về lĩnh vực điện tử, viễn thông, bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Ngoài các môn cơ sở ngành, chương trình đào tạo còn chú trọng vào việc cung cấp kiến thức và kỹ năng để sinh viên có thể thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành, sử dụng, bảo trì các thiết bị điện tử, viễn thông.
Tùy theo chuyên ngành lựa chọn, người học sẽ được học những kiến thức chuyên sâu hơn. Dưới đây là một số môn bạn sẽ được học khi lựa chọn ngành kỹ thuật điện tử viễn thông:
- Điện tử cơ bản: Giúp sinh viên học và hiểu về nguyên lý cơ bản của điện tử, bao gồm linh kiện điện tử, mạch điện, tín hiệu và hệ thống điện tử.
- Viễn thông số: Môn học này tập trung vào các khái niệm và kỹ thuật liên quan đến truyền thông số và xử lý tín hiệu số. Nó bao gồm việc tìm hiểu về mã hóa, giải mã, nén, đồng bộ và xử lý tín hiệu số.
- Mạng viễn thông: Môn học về mạng viễn thông giúp sinh viên hiểu các kiến thức cơ bản về mạng viễn thông, bao gồm các giao thức mạng, cấu trúc mạng, quản lý mạng và an ninh mạng.
- Truyền thông vô tuyến: Môn học này tập trung vào các công nghệ truyền thông không dây như: GSM, CDMA, LTE, Wi-Fi, Bluetooth và các kỹ thuật anten.
- Thiết kế mạch viễn thông: Môn học giúp sinh viên hiểu về các phương pháp và công cụ để thiết kế mạch viễn thông, bao gồm việc sử dụng phần mềm thiết kế mạch, mô phỏng mạch và kiểm tra mạch.
- Mạng di động: Môn học tập trung vào các khái niệm và kỹ thuật liên quan đến mạng di động, bao gồm các tiêu chuẩn mạng di động, kiến trúc mạng, quản lý tài nguyên và công nghệ di động mới như 5G.
- Kỹ thuật lập trình: Môn học này giúp sinh viên hiểu về các ngôn ngữ lập trình phổ biến trong ngành điện tử viễn thông như: C/C++, MATLAB, Python và VHDL
Ngoài ra sinh viên còn được học các môn học khác như: Điện tử công suất, thiết kế tổng hợp hệ thống số, Kiến trúc máy tính, Lập trình nâng cao, kỹ thuật siêu cao tần, trí tuệ nhân tạo và ứng dụng, Quy hoạch và quản lý mạng viễn thông, thông tin vệ tinh, thông tin quang sợi,v.vv..
Thông thường số lượng học phần hoặc nội dung học phần sẽ có sự khác nhau giữa bậc đào tạo cử nhân và kỹ sư.
Kỹ thuật điện tử viễn thông học trường nào tốt?
Là một ngành có yêu cầu đầu vào cao và chất lượng đầu ra tốt, kỹ thuật điện tử viễn thông hiện được nhiều trường đưa vào hệ thống đào tạo.
Các trường đào tạo ngành kỹ thuật điện tử viễn thông
Nếu bạn đang phân vân trong việc lựa chọn học ngành kỹ thuật điện tử viễn thông tại trường nào thì hãy cùng TopCV điểm qua danh sách các trường đại học có đào tạo ngành kỹ thuật điện tử – viễn thông sau đây:
Miền Bắc
- Đại học Điện lực
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Đại học Công nghiệp Hà Nội
- Đại học Công nghệ – ĐHQG Hà Nội
- Đại học Công Nghệ Thông Tin và Truyền Thông – Đại Học Thái Nguyên
- Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp
- Đại học Giao thông vận tải
- Đại học Mở Hà Nội
- Đại học Hàng Hải
- Đại học Công nghệ Giao thông vận tải
- Học viện Kỹ thuật mật mã
- Học viện Bưu chính Viễn thông
Miền Trung:
- Đại học Khoa học – Đại học Huế
- Đại học Bách khoa Đà Nẵng
- Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh
- Đại học Sư phạm kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng
- Đại học Quy Nhơn
Miền Nam:
- Học viện Bưu chính Viễn thông (phía Nam)
- Học Viện Hàng không Việt Nam
- Đại học Bách khoa – ĐHQG TP HCM
- Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG TP HCM
- Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM
- Đại học Tôn Đức Thắng
- Đại học Công nghệ TP HCM – HUTECH
- Đại học Công nghiệp TP HCM
- Đại học Công nghệ Sài Gòn
- Đại học Văn Hiến
- Đại học Cần Thơ
Học kỹ thuật điện tử viễn thông trường nào tốt?
Việc lựa chọn trường nào tốt để theo đuổi đam mê kỹ thuật điện tử- viễn thông của mỗi người có thể xuất phát từ nhiều tiêu chí khác nhau. Sau đây TopCV đưa ra gợi ý một số trường đại học uy tín và nổi tiếng trong đào tạo ngành kỹ thuật điện tử viễn thông để bạn có thể tham khảo và đưa ra sự lựa chọn phù hợp cho mình:
- Học viện Bưu chính Viễn thông
- Học viện Kỹ thuật Mật mã
- Đại học Bách khoa Hà Nội
- Đại Học Công nghệ – ĐHQG Hà Nội
- Đại học Giao thông vận tải
- Đại học Điện lực
- Đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM)
- Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM)
- Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
- Đại học Tôn Đức Thắng
- Đại học Công nghệ TP HCM – HUTECH
- Đại học Khoa học – ĐH Huế
- Đại học Bách khoa Đà Nẵng
Các trường quốc tế nổi tiếng đào tạo kỹ thuật điện tử viễn thông
Hiện nay trên thế giới có nhiều trường đào tạo chuyên ngành kỹ thuật điện tử viễn thông. Nếu có điều kiện về kinh tế, bạn có thể học ngành này tại các trường đại học và viện công nghệ nổi tiếng đào tạo kỹ thuật điện tử viễn thông như:
- Massachusetts Institute of Technology (MIT) – Hoa Kỳ
- Stanford University – Hoa Kỳ
- California Institute of Technology (Caltech) – Hoa Kỳ
- University of California, Berkeley – Hoa Kỳ
- University of California, Los Angeles (UCLA) – Hoa Kỳ
- ETH Zurich – Thụy Sĩ
- University of Cambridge – Anh
- Imperial College London – Anh
- Technical University of Munich – Đức
- National University of Singapore (NUS) – Singapore
Trên đây chỉ là các gợi ý giúp bạn có thể dễ dàng đưa ra quyết định hơn khi quan tâm đến ngành kỹ thuật điện tử viễn thông. Quan trọng nhất là lựa chọn một trường có chương trình đào tạo và cơ sở vật chất phù hợp với mục tiêu học tập và sự quan tâm cá nhân của bạn. Ngoài ra, nên xem xét các thông tin về danh sách giảng viên, dự án nghiên cứu và cơ hội thực tập, liên kết doanh nghiệp để đánh giá chất lượng giáo dục và khả năng phát triển nghề nghiệp trong ngành kỹ thuật điện tử viễn thông sau khi tốt nghiệp.
Ngành kỹ thuật điện tử viễn thông lương bao nhiêu?
Mức lương trong ngành kỹ thuật điện tử viễn thông khá đa dạng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: vị trí làm việc, kinh nghiệm làm việc, tính chất công việc, quốc gia,v.vv.. Tuy nhiên, nhìn chung ngành kỹ thuật điện tử viễn thông thường có mức lương khá hấp dẫn. Đối với các chuyên gia và kỹ sư điện tử viễn thông có kinh nghiệm và trình độ cao, mức lương có thể rất cao và vượt qua mức trung bình của nhiều ngành khác.
Dưới đây là mức lương của một số vị trí công việc trong ngành kỹ thuật điện tử viễn thông do TopCV tổng hợp mà bạn có thể tham khảo:
- Nhân viên kỹ thuật điện tử: Từ 8 – 10 triệu đồng/tháng
- Nhân viên kỹ thuật điện – Tự động hóa: Từ 10 – 18 triệu đồng/tháng
- Nhân viên kỹ thuật và Tư vấn giải pháp viễn thông: Từ 17 – 25 triệu đồng/tháng
- Chuyên viên kỹ thuật điện tử: Từ 10 – 20 triệu đồng/tháng
- Chuyên viên vận hàng hệ thống: Từ 19 – 35 triệu đồng/tháng
- Kỹ sư điện tử, tự động hóa: Tới 15 triệu đồng/tháng
- Kỹ sư viễn thông: Tới 25 triệu đồng/tháng
- Kỹ sư nghiên cứu ứng dụng hạ tầng công nghệ thông tin: Từ 35 – 50 triệu đồng/tháng
- Kỹ sư an toàn thông tin hệ thống ứng dụng: Từ 19 – 70 triệu đồng/tháng
- Kỹ sư phát triển phần mềm: Từ 15 – 50 triệu đồng/tháng
Lưu ý, các chuyên gia và kỹ sư điện tử viễn thông có kỹ năng đặc biệt, nắm vững các công nghệ mới và có kinh nghiệm làm việc trong nhiều dự án quan trọng thường có cơ hội nhận được mức lương cao hơn và các phúc lợi hấp dẫn từ các công ty và tổ chức. Bạn có thể cập nhật nhanh việc làm ngành điện tử viễn thông để tham khảo mức thu nhập tại các vị trí công việc trong nhóm ngành này hiện nay.
Học kỹ thuật điện tử viễn thông ra làm gì?
Vấn đề việc làm sau khi ra trường luôn là nỗi băn khoăn và trăn trở của các bạn sinh viên. Đối với ngành kỹ thuật điện tử viễn thông, sau khi tốt nghiệp ra trường, với những kiến thức chuyên môn, kỹ năng đã học và được đào tạo, bạn có cơ hội làm việc tại nhiều vị trí khác nhau tại đa dạng các công ty, doanh nghiệp. TopCV sẽ tổng hợp một số vị trí công việc dành cho các sinh viên học ngành kỹ thuật điện tử viễn thông ngay sau đây để bạn tham khảo về thị trường tuyển dụng của nhóm ngành này hiện nay.
Nhân viên kỹ thuật điện tử – viễn thông
Nhân viên kỹ thuật điện tử – viễn thông là người có chuyên môn và kỹ năng trong lĩnh vực điện tử – viễn thông. Với những sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật điện tử viễn thông, có thể ứng tuyển vào vị trí nhân viên kỹ thuật điện tử – viễn thông tại hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp.
Mô tả công việc:
Công việc của nhân viên kỹ thuật điện tử – viễn thông sẽ liên quan đến các nhiệm vụ gồm:
- Thiết kế và phát triển các hệ thống điện tử – viễn thông trong các doanh nghiệp như: mạng di động, hệ thống truyền thông âm thanh, hình ảnh, hệ thống truyền hình, hệ thống định vị, và các thiết bị viễn thông khác.
- Lắp đặt và cấu hình hệ thống, trong đó bao gồm nhiệm vụ lắp đặt các thành phần điện tử và viễn thông như: anten, bộ định tuyến, bộ phát sóng, và thiết bị kỹ thuật số khác. Họ cũng thực hiện cấu hình các thiết bị để đảm bảo hoạt động ổn định và tối ưu.
- Bảo trì và sửa chữa định kỳ để đảm bảo hệ thống hoạt động một cách hiệu quả. Khi xảy ra sự cố, nhân viên kỹ thuật sẽ tiến hành phân tích và xác định nguyên nhân, sau đó tiến hành sửa chữa và khắc phục sự cố.
- Hỗ trợ kỹ thuật cho người dùng cuối và các khách hàng. Trong đó có thể bao gồm giải đáp câu hỏi, hướng dẫn sử dụng hệ thống và giúp đỡ trong việc khắc phục sự cố.
Có thể thấy vị trí công việc này gần như bao quát toàn bộ hệ thống điện tử – viễn thông trong đơn vị làm việc. Nếu đáp ứng yêu cầu công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, người làm vị trí này có thể thăng tiến lên chức vụ chuyên viên, kỹ sư hoặc cấp bậc cao hơn.
Apply nhân viên kỹ thuật điện tử – viễn thông ngay trên TopCV để có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp.
Kỹ sư viễn thông
Kỹ sư viễn thông là những chuyên gia có trình độ kỹ thuật và kiến thức chuyên sâu về các hệ thống viễn thông. Vị trí này thường được các công ty viễn thông tuyển dụng. Nếu bạn tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện tử – viễn thông hệ đào tạo kỹ sư thì đây là một trong những vị trí công việc có thể apply sau khi ra trường để có cơ hội “đầu quân” cho những công ty viễn thông lớn trong nước như: VNPT, Viettel, MobiFone, Vinaphone,v.vv..
Mô tả công việc:
- Thiết kế hệ thống viễn thông, bắt đầu từ việc lựa chọn công nghệ, thiết bị và phần mềm phù hợp cho mạng viễn thông. Từ đó đảm bảo tính ổn định, hiệu suất và an toàn của hệ thống.
- Triển khai và cấu hình hệ thống, bao gồm cả việc lắp đặt và cấu hình các thiết bị viễn thông như: máy chủ, bộ định tuyến, thiết bị phát sóng và thu sóng, hệ thống cáp quang và các thành phần khác.
- Vận hành và bảo trì hàng ngày hệ thống viễn thông, bao gồm giám sát, chẩn đoán sự cố, khắc phục lỗi và thực hiện bảo trì định kỳ. Kỹ sư viễn thông phải kiểm tra và đảm bảo tính sẵn sàng và độ tin cậy của hệ thống.
- Xây dựng các phương án tối ưu hóa mạng băng rộng
- Xây dựng các phương án đảm bảo an toàn thông tin, an toàn mạng lưới và chất lượng mạng nội vi.
Kỹ sư thiết kế và viết phần mềm
Sinh viên ngành kỹ thuật điện tử viễn thông có thể làm việc trong các công ty công nghệ hoặc công ty sản xuất thiết bị viễn thông với vị trí kỹ sư thiết kế và viết phần mềm cho máy tính, điện thoại thông minh, xe ô tô, robot,v.vv..
Đây là vị trí công việc yêu cầu có trình độ kỹ thuật và kiến thức chuyên sâu về phát triển phần mềm điện tử viễn thông. Công việc của người làm ở vị trí này liên quan đến việc thiết kế, phân tích, lập trình và triển khai các ứng dụng và hệ thống phần mềm.
Mô tả công việc:
- Tham gia vào việc thiết kế kiến trúc và cấu trúc phần mềm. Kỹ sư thiết kế và viết phần mềm phải xác định được yêu cầu chức năng và phi chức năng của hệ thống, tạo ra các mô hình thiết kế và đảm bảo rằng phần mềm được thiết kế một cách hợp lý và dễ bảo trì.
- Kỹ sư phần mềm phải tương tác với khách hàng hoặc người dùng cuối để hiểu và phân tích yêu cầu của họ. Từ đó xác định các chức năng, tính năng và ràng buộc của phần mềm để đáp ứng đúng nhu cầu và mong muốn của người dùng.
- Thực hiện việc lập trình và viết mã để triển khai các chức năng và tính năng của phần mềm. Họ sử dụng các ngôn ngữ lập trình như: Java, C++, Python và Ruby để tạo ra mã nguồn, thực hiện các thử nghiệm và gỡ lỗi để đảm bảo tính đúng đắn và hiệu quả của mã.
- Thực hiện kiểm thử phần mềm để phát hiện lỗi và đảm bảo tính ổn định, đúng đắn của phần mềm.
- Thực hiện quá trình triển khai và cài đặt phần mềm vào môi trường thực tế.
Kỹ sư vô tuyến
Kỹ sư vô tuyến còn được gọi là kỹ sư viễn thông vô tuyến hoặc kỹ sư RF – Radio Frequency. Đây là vị trí quan trọng yêu cầu người làm có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về viễn thông vô tuyến, tương tác với sóng radio và các hệ thống truyền thông không dây.
Vị trí công việc này liên quan đến thiết kế, triển khai và duy trì các hệ thống và thiết bị vô tuyến.
Mô tả công việc:
- Thiết kế và phân tích hệ thống vô tuyến, trong đó có bao gồm thiết kế kiến trúc và cấu trúc hệ thống vô tuyến. Nhiệm vụ này cần kỹ sư vô tuyến phải xác định yêu cầu kỹ thuật, lựa chọn các phương pháp và công nghệ vô tuyến phù hợp và tạo ra các mô hình và giải pháp thiết kế cho hệ thống vô tuyến.
- Thiết kế và tối ưu hóa anten để đảm bảo hiệu suất tối đa của hệ thống truyền thông vô tuyến.
- Lập trình và triển khai hệ thống vô tuyến. Thông qua các ngôn ngữ lập trình như C, C++, Python, MATLAB và phần mềm mô phỏng kỹ sư vô tuyến sẽ phát triển, kiểm tra và triển khai các giải pháp vô tuyến.
- Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và gỡ lỗi hệ thống vô tuyến để đảm bảo hoạt động ổn định và hiệu quả. Kỹ sư vô tuyến có thể sử dụng các công cụ đo lường và phân tích tín hiệu để kiểm tra và đánh giá hiệu suất, độ tin cậy và chất lượng của hệ thống vô tuyến.
- Thực hiện các hoạt động bảo trì định kỳ và hỗ trợ kỹ thuật cho hệ thống vô tuyến để đảm bảo các hoạt động diễn ra trơn tru và hiệu quả.
Chuyên viên vận hành, giám sát hạ tầng viễn thông
Chuyên viên vận hành và giám sát hạ tầng viễn thông được đánh giá là một vị trí công việc quan trọng trong ngành viễn thông và mạng. Công việc này liên quan đến quản lý và duy trì các hệ thống hạ tầng viễn thông, đảm bảo sự hoạt động liên tục và ổn định của mạng tại các công ty, doanh nghiệp hoặc đài phát thanh, đài truyền hình,v.vv..
Mô tả công việc:
- Giám sát và theo dõi hoạt động của hệ thống mạng, bao gồm việc kiểm tra kết nối, thông lượng mạng và tình trạng hoạt động của các thiết bị viễn thông, truyền thông.
- Xử lý các sự cố và vấn đề kỹ thuật xảy ra trên mạng. Phản hồi nhanh chóng để khắc phục các sự cố và đảm bảo mạng truyền thông luôn hoạt động hiệu quả.
- Thực hiện các hoạt động bảo trì định kỳ và nâng cấp hệ thống viễn thông, truyền thông.
- Theo dõi và quản lý tài nguyên mạng như băng thông, IP address, và các nguồn tài nguyên khác. Điều chỉnh và phân phối tài nguyên mạng sao cho phù hợp với yêu cầu sử dụng và mục tiêu hoạt động của mạng.
- Cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho người dùng và khách hàng liên quan đến vấn đề mạng, cài đặt, cấu hình và sử dụng các dịch vụ truyền thông tại doanh nghiệp hoặc đơn vị làm việc.
Trưởng bộ phận kỹ thuật
Với những người có kinh nghiệm làm việc lâu năm trong nghề và năng lực chuyên môn tốt, hoàn toàn có thể làm việc ở vị trí trưởng bộ phận kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp.
Vị trí này là người đứng đầu và có trách nhiệm quản lý và điều hành các hoạt động kỹ thuật trong một bộ phận hoặc một đơn vị tổ chức.
Mô tả công việc:
- Quản lý đội ngũ nhân viên kỹ thuật trong bộ phận, bao gồm cả việc tuyển dụng, đào tạo, phân công công việc, đánh giá hiệu suất và đảm bảo sự phát triển của nhân viên.
- Lập kế hoạch và quản lý các dự án kỹ thuật. Trưởng bộ phận kỹ thuật phải xác định yêu cầu dự án, phân bổ tài nguyên, xác định lịch làm việc, theo dõi tiến độ và đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiêu chuẩn và yêu cầu.
- Định hướng chiến lược kỹ thuật cho tổ chức thông qua việc theo dõi và đánh giá xu hướng công nghệ mới. Từ đó đưa ra các quyết định về việc áp dụng công nghệ và phương pháp mới, đảm bảo bộ phận kỹ thuật đi đúng hướng, phù hợp với mục tiêu và chiến lược của công ty cũng như phòng ban.
- Đảm bảo chất lượng và tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật. Trưởng bộ phận kỹ thuật phải kiểm tra và đảm bảo chất lượng của sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật, giám sát việc tuân thủ quy trình và quy định, thúc đẩy sự cải tiến liên tục trong quá trình làm việc.
Với vị trí này, lộ trình thăng tiến có thể giúp bạn phát triển để trở thành quản lý dự án viễn thông hoặc giám đốc kỹ thuật. Tuy nhiên, để có thể làm việc ở những vị trí cao hơn đòi hỏi bạn phải có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực điện tử viễn thông, từng làm việc tại nhiều dự án với vị trí tương đường và có kỹ năng lãnh đạo.
>>> Khám phá ngay các vị trí tuyển dụng trưởng bộ phận kỹ thuật với mức thu nhập hấp dẫn và chế độ đãi ngộ tốt trên TopCV để có cơ hội kết nối với các nhà tuyển dụng chất lượng.
Chuyên gia phân tích và tư vấn kỹ thuật điện tử viễn thông
Với kiến thức chuyên sâu về kỹ thuật điện tử viễn thông, bạn hoàn toàn có thể làm việc tại vị trí chuyên gia phân tích, tư vấn trong lĩnh vực điện tử – viễn thông. Ở vị trí này, người làm việc cần có kỹ năng phân tích, tư vấn, đánh giá và chuyên môn vững để thực hiện các nhiệm vụ phân tích, tư vấn và cung cấp các giải pháp, khuyến nghị để cải thiện hiệu suất và khả năng cạnh tranh của các hệ thống viễn thông.
Mô tả công việc:
- Phân tích và đánh giá hiệu suất, tính năng của các hệ thống viễn thông. Họ có thể sử dụng các công cụ và phương pháp phân tích để đo lường, đánh giá và cải thiện hiệu suất, độ tin cậy và chất lượng của các hệ thống viễn thông.
- Tư vấn và thiết kế giải pháp kỹ thuật cho các vấn đề trong lĩnh vực điện tử và viễn thông. Bao gồm việc phân tích yêu cầu của khách hàng, đề xuất và thiết kế các giải pháp kỹ thuật phù hợp, qua đó hướng dẫn về việc triển khai và vận hành các giải pháp đó.
- Nghiên cứu và phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực điện tử và viễn thông. Để thực hiện nhiệm vụ này, đòi hỏi người làm phải theo dõi và nắm bắt xu hướng công nghệ mới, thử nghiệm và đánh giá các công nghệ tiên tiến và đưa ra các đề xuất, giải pháp cải tiến phù hợp.
Ngoài ra, nếu đam mê nghiên cứu và phát triển, sau khi tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện tử viễn thông bạn hoàn toàn có thể tham gia vào hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ mới trong ngành kỹ thuật điện tử viễn thông. Để thực hiện điều này, nhiều người lựa chọn trở thành cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trong các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng về kỹ thuật điện tử viễn thông.
Trên đây chỉ là một số gợi ý công việc mà bạn có thể làm sau khi tốt nghiệp và được đào tạo về ngành kỹ thuật điện tử viễn thông. Có thể nói, học ngành này mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp khác nhau cho các bạn sinh viên. Các công ty viễn thông, công ty sản xuất thiết bị điện tử, công ty công nghệ, đài phát thanh, đài truyền hình,v.vv.. và tổ chức nghiên cứu đều có nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Sau khi xác định được vị trí công việc muốn ứng tuyển, việc tiếp theo bạn cần làm là chuẩn bị một bản CV chỉn chu, đẹp mắt và chuyên nghiệp gửi đến nhà tuyển dụng. Hãy tham khảo cách viết CV tìm việc kỹ thuật điện tử mà TopCV đã chia sẻ để cấu trúc một bản CV ưng ý bạn nhé.
Tìm việc làm ngành kỹ thuật điện tử viễn thông ở đâu?
Nhu cầu việc làm ngành kỹ thuật điện tử viễn thông rất lớn và đa dạng vị trí tuyển dụng. Tuy nhiên việc tìm được một bến đỗ công việc với vị trí phù hợp là điều không dễ dàng, nhất là với các bạn sinh viên mới ra trường. Nếu bạn đang lo lắng tìm kiếm những cơ hội việc làm trong ngành kỹ thuật điện tử viễn thông hoặc mong muốn có thêm nhiều thông tin tuyển dụng trong ngành này thì TopCV là lựa chọn đáng cân nhắc.
Là nền tảng tuyển dụng và việc làm tiên phong tại Việt Nam, TopCV giúp bạn tiếp cận với hàng triệu thông tin tuyển dụng ở nhiều vị trí công việc khác nhau. Bằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, TopCV dễ dàng kết nối ứng viên với mạng lưới nhà tuyển dụng tại nhiều tỉnh thành khác nhau. Đặc biệt, TopCV giúp bạn có cơ hội được kết nối và tiếp cận các vị trí công việc hấp dẫn từ các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế có uy tín trong lĩnh vực điện tử viễn thông như: FPT, Viettel, MobiFone, VNPT, SamSung,v.vv.. Từ đó thuận lợi tìm ra “miền đất hứa” cho mình.
Không chỉ kết nối nhanh chóng, TopCV còn hỗ trợ bạn tạo CV chuyên nghiệp, viết sơ yếu lý lịch đúng chuẩn và cung cấp thêm nhiều kiến thức về kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng để tăng tỷ lệ thành công khi tìm việc.
Trên đây là những thông tin chi tiết về ngành kỹ thuật điện tử viễn thông mà TopCV vừa cập nhật và gửi đến bạn. Hy vọng với những thông tin này, bạn đã hiểu rõ về ngành kỹ thuật điện tử viễn thông như: môn thi, cơ hội nghề nghiệp, mức thu nhập,v.vv.. từ đó đưa ra sự lựa chọn công việc phù hợp sau khi ra trường, đồng thời tự tin lựa chọn ngành học nếu bạn đang lúng túng trong việc chọn ngành, chọn trường học sau khi tốt nghiệp THPT. Chúc các bạn thành công và đừng quên TopCV vẫn đồng hành trong suốt hành trình tìm việc thông qua việc cập nhật nhanh chóng và liên tục các công việc mới nhất bạn nhé!.