Thay đổi công việc tại bất kỳ thời điểm nào cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là giai đoạn cuối năm. Trong trường hợp mọi thứ đối với bạn đang ổn, chẳng hạn như sếp tâm lý, đồng nghiệp quý mến nhau; tác vụ công việc đã quá quen thuộc; chỗ ăn trưa, đường đi làm,… cũng gần gũi; chưa kể vào cuối năm, lương tháng 13 và thưởng Tết đang đến gần, liệu bạn có đủ can đảm từ bỏ công việc hiện tại để tìm đến một môi trường mới? Chuyển việc cuối năm là cơ hội hay rủi ro? Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2020, hãy cùng TopCV bàn về câu chuyện chuyển việc cuối năm ngay trong bài viết dưới đây!

1. Bài toán đánh đổi giữa tiền thưởng và thu nhập tương lai

Vào cuối năm, việc cân nhắc giữa đợi lương tháng 13, thưởng Tết hay nắm bắt cơ hội việc làm mới hứa hẹn hơn là bài toán gây băn khoăn với rất nhiều người lao động. Hãy cùng TopCV phân tích một chút về bài toán đánh đổi giữa tiền thưởng và thu nhập tương lai dưới đây trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.

Chuyển việc cuối năm: Cơ hội hay rủi ro?

Ví dụ, ở vị trí công việc hiện tại, thu nhập mỗi tháng của bạn là 10 triệu.

Trường hợp thứ nhất, bạn chọn ở lại công ty và nhận được một khoản thưởng Tết trung bình bằng 1 hoặc 2 tháng lương của bạn. Như vậy, thu nhập trung bình cả năm 2020 của bạn rơi vào khoảng 130-140 triệu đồng.

Trường hợp thứ hai, nếu bạn tìm được một cơ hội việc làm khác vào tháng 11 với mức lương tầm 15 triệu đồng. Bạn sẽ làm việc chính thức từ tháng 12. Điều này đồng nghĩa với việc bạn mất đi khoản thưởng Tết. Tổng thu nhập năm 2020 trong trường hợp này rơi vào khoảng 125 triệu đồng.

Dù chỉ chênh lệch khoảng 15 triệu, nhưng nếu so với năm 2021, chênh lệch trong thu nhập của bạn có thể lên tới 60-70 triệu đồng. Có thể thấy, mặc dù nghe có vẻ nghịch lý lúc đầu nhưng nếu tính lâu dài thì việc chuyển công việc cuối năm lại là kiểu nghịch lý sinh lời.

Chia sẻ về vấn đề chuyển việc cuối năm trong một bài đăng thuộc Group khá có tiếng về Review các công ty và chia sẻ kinh nghiệm làm việc, có khá nhiều luồng ý kiến xoay quanh. Rất nhiều ý kiến thiên về lựa chọn không nên nhảy việc vào thời điểm cuối năm vì sẽ mất đi một khoảng thưởng Tết khá lớn. Trong khi đó, nhiều luồng ý kiến ủng hộ việc lựa chọn cơ hội mới tốt hơn ngay khi được offer.

Chuyển việc cuối năm: Cơ hội hay rủi ro?

Bạn L.C cho biết: “Năm nay thì ko nhé . Ai ở đâu ở yên đó”.

Bạn N.Đ chia sẻ: “Nếu cảm thấy không phù hợp nữa thì tại sao phải cố gắng (quan điểm cá nhân). Vừa nghỉ việc 1 tuần, chưa có việc mới và cũng không biết có thể tìm được việc vào thời điểm này hay không. Nhưng với mình, sống phải vui, đi làm phải hạnh phúc nên mình chấp nhận.” Bình luận này của bạn Đ nhận được rất nhiều sự đồng tình của các thành viên trong group.

Cùng tham gia thảo luận, bạn P.P lại có quan điểm trái ngược: “Họa hoằn lắm chịu không nổi thì hẵng out. Mất thưởng và ảnh hưởng này kia rất nhiều. Như mình năm ngoái out ngay đầu tháng 12 và làm việc freelance từ đó tới giờ. Trong thời gian đó tới nay đều có offer công việc nhưng trục trặc nên không đi làm được. Thu nhập freelance không thấp, cao hơn hồi mình đi làm hành chính ít nhất là x2, nhưng tham làm nên thật sự lúc nào cũng stress.”

Mọi vấn đề đều có hai mặt để xem xét, nếu vẫn đang phân vân có nên chuyển việc vào cuối năm hay không, hãy cùng tìm hiểu những cơ hội và rủi ro của vấn đề này.

2. Rủi ro khi chuyển việc cuối năm

Nếu bạn có ý định chuyển việc cuối năm, bạn cần sẵn sàng đối mặt với những rủi ro mà đa số ứng viên gặp phải.

Có thể bị ép giá bởi thị trường cuối năm

Các công ty vào thời điểm cuối năm thường không có quá nhiều biến động về tình hình nhân sự, chính vì vậy mà cơ hội nghề nghiệp dành cho ứng viên không nhiều. Tất nhiên cũng có một số công ty tuyển dụng nhưng thông thường công việc mang tính thời vụ, không lâu dài. Thêm vào đó, thời gian thị trường lao động và hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khiến nhiều công ty hạn chế chi ngân sách cho hoạt động tuyển dụng. Điều này khiến các doanh nghiệp cũng ưu tiên lựa chọn những ứng viên phù hợp với tiêu chí nhưng mức lương thấp hơn.

Tài chính cá nhân bị ảnh hưởng

Chắc chắn tài chính cá nhân của bạn bị ảnh hưởng khi quyết định thay đổi công việc vào cuối năm. Bạn sẽ không nhận được khoản lương thưởng tháng 13, thậm chí 14, 15 và 16 trong khi bạn đã nỗ lực cả năm làm việc để nhận được khoản “đền đáp” này. Bên cạnh đó, thời gian tìm kiếm việc mới, ứng tuyển có thể kéo dài trong khoảng 1 đến 3 tháng, thậm chí lâu hơn do tình hình dịch bệnh và ảnh hưởng kinh tế của năm nay. Chưa kể, khi chuyển đến nơi làm mới, bạn cần ít nhất 2 tháng thử việc mà không thể biết trước được nó đủ êm đềm và thuận lợi hay không.

Các mối quan hệ bị rạn nứt

Thông thường càng về cuối năm, các doanh nghiệp càng nhiều việc phải xử lý. Khi đưa ra quyết định nghỉ việc, bạn không chỉ phải đương đầu với những rủi ro về tài chính hay thị trường, bạn còn phải đối mặt với câu chuyện liên quan tới đồng nghiệp. Bởi họ chính là người phải đảm nhiệm thêm phần công việc của bạn khi bạn nghỉ việc. Điều này không hoàn toàn thoải mái, có thể làm sứt mẻ mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp.

3. Cơ hội khi chuyển việc cuối năm

Giảm tỷ lệ cạnh tranh giữa các ứng viên

Một trong những điểm tích cực của việc lựa chọn chuyển việc cuối năm chính là giảm tỷ lệ cạnh tranh giữa các ứng viên trên thị trường lao động. Theo báo cáo của một đơn vị tuyển dụng uy tín tại Việt Nam, để có việc làm, tỷ lệ chọi đặc biệt trong thời điểm sau Tết nguyên đán giữa các ứng viên là 1:48. Cụ thể, những ngành có tỷ lệ cạnh tranh cao bao gồm hành chính/thư ký, kế toán, sản xuất, cấp quản lý điều hành. Vì vậy, thời điểm cuối năm giúp ứng viên tham gia ứng tuyển thuận lợi hơn nhờ tỷ lệ cạnh tranh giảm, đặc biệt là những vị trí cấp quản lý.

Có nhiều cơ hội việc làm hơn để đàm phán với nhà tuyển dụng

Nếu chuyển việc cuối năm, bạn sẽ có cơ hội cao hơn để tìm được một công việc như bạn mong đợi. Bởi cuối năm, các công ty thường tuyển dụng nhiều để bổ sung nhân lực hoàn thiện chỉ tiêu số, bên cạnh đó các vị trí cao cấp luôn được săn đón phục vụ cho nhu cầu quản lý đào tạo đội nhóm mới nhanh chóng bắt nhịp công việc. Nhờ đó mà bạn sẽ có nhiều lựa chọn và không khó khăn để tìm được một công việc mới ưng ý, có nhiều cơ hội học hỏi, nâng cao kỹ năng và phát triển bản thân.

Đa số ứng viên khi đi tìm việc vào cuối năm thường có tâm lý khá dễ dàng chấp nhận các điều khoản mà nhà tuyển dụng đưa ra để sớm vượt qua phỏng vấn và có việc kịp thời. Tuy nhiên, thời điểm này chính là lúc bạn có nhiều cơ hội để đàm phán với nhà tuyển dụng. Hãy tận dụng để đề xuất các yêu cầu chính đáng của bạn về lương, thưởng, công việc, hợp đồng,…

Chuyển việc cuối năm: Cơ hội hay rủi ro?

Theo số liệu thống kê của tài liệu TopCV Insight 2020, nhu cầu tuyển dụng của toàn thị trường trên nền tảng TopCV trong cả năm 2020 dự báo sẽ tăng 45% (gấp 1,45 lần) so với năm 2019. Từ năm 2017 đến năm 2020, nhu cầu tuyển dụng dự báo đạt mức tăng trưởng 563% (tăng gấp 6,6 lần). Từ đó cho thấy, các doanh nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng cực lớn, các ứng viên sẽ có rất nhiều lựa chọn. Vì vậy, nếu chuyển việc vào cuối năm, bạn nên dành thời gian cân nhắc và đưa ra những thoả thuận mong muốn cho nhà tuyển dụng. Tránh vội vàng chọn phải công việc không phù hợp, vừa tốn thời gian mà vẫn không giúp bạn có những bước tiến vững chắc trong sự nghiệp.

Hightlight: Giám đốc điều hành cấp cao của Execu|Search – Paul Herman chia sẻ: “Lương thưởng cuối năm thật sự có sức hấp dẫn khó chối từ với nhiều người để họ quyết tâm thay đổi công việc nhưng nếu các ứng viên lựa chọn tìm kiếm việc làm mới vào lúc này, họ sẽ nhận được nhiều lợi thế về cạnh tranh hơn”.

Thể hiện bản thân

Thay đổi công việc vào cuối năm cho thấy bạn là một ứng viên năng động, có ý chí, không ngại đối mặt với những thử thách mới. Điều này sẽ giúp bạn được đánh giá cao bởi nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn trọng bởi bạn sẽ rất dễ bị xem là người không hoàn thành nhiệm vụ và không đảm bảo trách nhiệm công việc tại công ty cũ.

4. Đánh giá chung 

Theo các chuyên gia tuyển dụng và người đi làm có kinh nghiệm, bạn nên xem xét các cơ hội việc làm mới nếu có. Mỗi năm cũng nên cập nhật CV, thậm chí đi phỏng vấn từ 1-2 lần để tự “định giá” bản thân, đánh giá xem với kinh nghiệm, kỹ năng của mình hiện tại, bạn ở đâu trên thị trường lao động. Từ đó, bạn có thể nhận ra thế mạnh của bản thân, đồng thời, nắm được những điểm hạn chế và thiếu sót trong kỹ năng chuyên môn để cập nhật và phát triển nhiều hơn. Bạn cũng có cơ hội tìm hiểu về thang lương, môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ… tại các công ty khác.

Tuy nhiên, khi quyết định thay đổi quá vội vàng sẽ khiến khả năng người tìm việc lựa chọn những công việc không phù hợp với thế mạnh và kỳ vọng của bản thân tăng lên. Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp thời điểm cuối năm có khối lượng công việc tăng lên đột biến, thiếu hụt nhân lực dẫn đến tình trạng tuyển dụng nhân sự có tính tạm thời, không có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Đây cũng chính là lý do bạn nên cân nhắc trước khi đưa ra quyết định chuyển đổi công việc hiện tại – nơi bạn có thể có một khoản lương thưởng khá lớn trước mắt.

Nhìn chung, nếu môi trường làm việc hiện tại của bạn không có xung đột, bạn có thể ở lại vài tháng mà không bị ảnh hưởng gì thì bạn nên lựa chọn tiếp tục hoàn thành tốt công việc tại đây. Trong thời gian này, bạn có thể tìm kiếm, cân nhắc một số cơ hội việc làm mới sau Tết để tránh bài toán đánh đổi cơ hội có phần “hên xui” ở trên.

Nếu môi trường làm việc của bạn không còn phù hợp, bạn không thể tiếp tục cố gắng công tác tại đây được nữa và chắc chắn phải rời đi, hãy truy cập ngay: https://www.topcv.vn/viec-lam để tìm kiếm những cơ hội phù hợp tới từ các công ty uy tín:

  • 20.000+ việc làm được cập nhật mỗi ngày
  • Có việc siêu tốc chỉ trong 24h
  • Tìm việc gần nhà lương cao, uy tín
  • Tự động gợi ý việc làm phù hợp với CV

Còn các bạn, các bạn nghĩ sao về câu chuyện chuyển việc cuối năm? Hãy để lại bình luận dưới bài viết này nhé!