Nếu bạn tò mò về ngành Tâm Lý Học và mong muốn khám phá công việc cũng như lộ trình phát triển của lĩnh vực này, cùng đến với những chia sẻ của Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành trong cuốn sách “Người Trong Muôn Nghề: Ngành Xã Hội & Nhân Văn có gì?” để khám phá những điều đặc biệt trong công việc của một Nhà tâm lý học tại Việt Nam nhé!
Công việc chính của Chuyên gia tâm lý là gì?
Công việc chính của những Chuyên gia tâm lý là tiếp xúc với các thân chủ nhằm tư vấn những vấn đề về tâm lý. Các vấn đề tâm lý không quá phức tạp và không phải là những tổn thương đã tàng ẩn lâu dài sẽ có liệu trình tư vấn khoảng 4 – 6 buổi. Còn những vấn đề phức tạp hơn như: lo lắng, đau khổ và dằn vặt từ thuở ấu thơ do bố mẹ ly tán, sống thiếu thốn tình cảm, bị lạm dụng, bị bạo hành,… Với những vấn đề đó, các Chuyên gia tâm lý cần một liệu trình dài hơn, có thể lên đến 6 tháng hay thậm chí hàng năm để bóc tách, tư vấn.
Cần gì để trở thành một Chuyên gia tâm lý?
Người làm công việc Tâm lý không cần phải giỏi xuất sắc, kiệt xuất, nhưng luôn cần phải đề cao các kỹ năng:
– Kỹ năng lắng nghe
– Sự bình tĩnh
– Tính khách quan và tinh thần lạc quan
– Niềm hy vọng và tinh thần học hỏi suốt đời.
Nói như vậy không có nghĩa lạc quan là yếu tố bắt buộc. Thậm chí, việc quá lạc quan cũng có lúc chưa hẳn là điều tốt, bởi trong vai trò một nhà tư vấn, nếu áp sự lạc quan của bạn lên người khác, bạn sẽ đánh mất tính khách quan trong câu chuyện. Các chuyên gia tâm lý cần phải ghi nhớ đến yếu tố đặc biệt nhất là sự khách quan. Khi bạn không khách quan với vấn đề hay một thân chủ nào đó, bạn nên đề xuất họ chuyển sang làm việc với một nhà tâm lý khác. Khách quan nhìn nhận vấn đề là yếu tố quan trọng nhất đối với một nhà trị liệu tâm lý.
Lộ trình phát triển trong ngành Tâm Lý Học
Đi theo ngành Tâm Lý Học, các bạn có cơ hội làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau:
– Thứ nhất, bạn có thể làm việc trong lĩnh vực giáo dục, trở thành nhà tâm lý học đường, nhà tâm lý thể thao và giáo dục, giảng viên kỹ năng mềm,… Các môn học kỹ năng mềm có thể kể đến như giao tiếp trong công việc, kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình hay chương trình phát triển kỹ năng giúp mọi người hiểu các năng lực vượt trội, những điểm tối ưu và cả những hạn chế của bản thân hơn.
– Thứ hai, bạn có thể trở thành nhà tâm lý học, nhà tư vấn tuyển dụng, nhân viên bộ phận nhân sự hay chuyên gia nghiên cứu thị trường: làm về tâm lý hành vi tổ chức, tâm lý học lao động, tâm lý ngành công nghiệp, dịch vụ, quản trị kinh doanh,…
+ Những tập đoàn, công ty lớn rất quan tâm đến tâm lý hành vi tổ chức và tâm lý học lao động. Họ sẽ có bộ phận nghiên cứu, các chuyên gia tâm lý tìm hiểu và đề xuất để tạo ra được môi trường làm việc hiệu quả nhất.
+ Các chuyên gia tâm lý xã hội sẽ giữ vai trò rất quan trọng về khía cạnh hành vi tổ chức, các vấn đề trong doanh nghiệp hoặc đời sống công nghiệp.
Mức thu nhập khi làm việc trong ngành Tâm Lý Học là bao nhiêu?
Mức lương trong ngành Tâm Lý Học sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tổ chức bạn đang làm việc:
– Nếu làm Chuyên gia tư vấn tâm lý cho một trường học công lập, bạn sẽ nhận mức lương tương tự như nhân viên y tế, nhân viên công tác xã hội trong trường học theo quy định Nhà nước.
– Nếu làm Chuyên gia tâm lý trong các tổ chức quốc tế, bạn sẽ được trả mức lương chuyên gia. Theo quy định của Liên Hợp Quốc, mức lương chuyên gia khoảng 300 đô la/ngày.
– Nếu làm việc cho các tập đoàn lớn, một Chuyên gia tâm lý có thể nhận được mức lương khoảng 15 – 25 triệu/tháng.
– Với những Chuyên gia tư vấn tâm lý độc lập, mức thu nhập sẽ khác biệt so với các vị trí công việc trên. Một phiên trị liệu trong 1 – 1,5 tiếng khoảng giá có thể là 1.000.000đ – 2.000.000đ. Tuy vậy, cũng có nhiều bạn trẻ làm miễn phí trong giai đoạn đầu để trau dồi kinh nghiệm.
Trên đây là những chia sẻ về công việc Chuyên gia tâm lý cũng như lộ trình phát triển khi theo đuổi ngành Tâm Lý Học tại Việt Nam. Nếu muốn tìm hiểu kỹ càng hơn về ngành Tâm Lý Học cũng như các công việc khác trong khối ngành Xã Hội Nhân Văn, các bạn có thể khám phá cuốn sách Người Trong Muôn Nghề: Ngành Xã Hội & Nhân Văn có gì? TẠI ĐÂY.