Một số bạn phát hiện ra mình chọn nhầm nghề, nhầm ngành khi còn đang ngồi trên giảng đường, một số khác lại là khi đã ra trường và đi làm. Trước khi bỏ đi hết, làm lại từ đầu thì cũng thử làm theo mấy lời khuyên nhé!
-
Chọn nhầm nghề thì phải làm sao?
Câu hỏi đấy không mới, không lạ, và cũng không dễ trả lời đối với rất đông người trẻ, nhất là những bạn sinh viên….và cũng không ít lần mình được các bạn tin tưởng mà hỏi riêng câu hỏi ấy.
Câu trả lời mỗi lần mỗi khác, vì nó được may đo riêng cho từng câu chuyện, từng hoàn cảnh. Lại một mùa thi nữa đang đến gần, mùa thất nghiệp lại còn càng gần hơn, có lẽ là lúc phù hợp để mình chia sẻ những gì chung nhất với những ai cần đọc – những người Việt trẻ đang loay hoay đi tìm chính mình, trên con đường sự nghiệp.
2. Chọn nhầm nghề là chuyện rất bình thường, đừng hoảng loạn
Hãy tưởng tượng lúc bạn phát hiện ra mình bị nhầm nghề cũng giống như một người đang lái xe trên cao tốc và phát hiện mình đi nhầm đường. Bạn sẽ làm gì? Quay đầu (make-an U-turn) ngay lập tức à? Không phải lúc nào cũng có thể làm thế, bạn sẽ tan xác trước khi bạn kịp tìm ra được con đường đúng.
Còn đang học năm thứ 3- 4 gần tốt nghiệp rồi mà phát hiện ra mình bị nhầm nghề, bỏ học lập tức, để “thà là bỏ đi hết, ta làm lại từ đầu”, chọn lại được đúng nghề hay không, chưa biết, nhưng chắc chắn bạn đã đốt thời gian đã qua của bản thân trong chớp mắt vào đúng lúc mà bạn cần phải bình tĩnh để suy nghĩ nhất. Mọi sự hoảng loạn đều dẫn đến thảm họa, và tình huống này cũng vậy.
Đừng ngạc nhiên vì với truyền thống áp đặt trong giáo dục giữa cha mẹ với con cái, và một hệ thống tư vấn định hướng nghề nghiệp của chưa hiệu quả như ở Việt Nam, chuyện chọn nhầm nghề là điều rất phổ biến, và không chỉ một mình bạn gặp phải, thế nên hãy cứ bình tĩnh. Bạn phát hiện ra mình chọn nhầm nghề, đó đã là điều khởi đầu đáng mừng. Ai cũng có thể nhầm nghề một lúc nào đó trong đời. Thật đấy!
3. Tự hỏi “thế nào là nhầm nghề” (Job-Mismatching)?
Một ngày đẹp trời, bạn thức dậy cảm thấy mình chẳng muốn đến giảng đường hay chẳng muốn để chỗ làm, một cảm giác trống rỗng và muốn buôi xuôi tất cả……Đó có phải triệu chứng của chuyện chọn nhầm nghề?
Chưa chắc.
Công việc nào dù là cô lao công hay CEO ngân hàng thì một lúc nào đó cũng đều trải qua những giây phút khó khăn như kể trên. Facebook sinh ra cái trạng thái Feeling Empty chính là để mô tả những lúc ấy J. Tuy nhiên, các bạn Tây viết rất hay và rất nhiều về việc chọn nhầm nghề “Job-Mismatching” như thế này: Chọn nhầm nghề là không phải là sự nhàm chán trong chốc lát mà là tình trạng thiếu hụt động lực lâu dài đối với công việc, khiến cho sự gắn bó và cơ hội phát triển của bạn trở thành rất thấp.
Vậy nên, đừng vì sếp mắng mấy câu, đồng nghiệp hơi lạnh lùng hay vì lương đang không tương xứng…..mà vội vã kết luận rằng: Thôi chết, tôi chọn nhầm nghề rồi.
Tất cả chỉ là thử thách, và thế gian rất ít chỗ cho sự hoàn hảo. Thế nên nếu bạn tìm được một công việc mà bạn vừa xuất chúng trong lĩnh vực đó, vừa thu nhập cao chót vót, bạn lại vừa say mê, thích thú hết mình, lại còn được đào tạo bài bản để làm việc đó……Ooops, chúc mừng, bạn thuộc phần trăm may mắn hiếm có so với phần còn lại của thế giới rồi. Vậy nên, đừng vội vã kết luận!
4. Đừng quá đề cao đam mê, hãy đề cao tính sẵn sàng thích ứng
Câu Tiếng Anh hay nhất mà mình học được trong những năm tháng đi học nước ngoài không phải là trích dẫn của ông A bà B gì đó nổi tiếng, mà lại là một câu rất đơn giản mà người ta hay nói thường ngày “We do what we have to do” (Ta phải làm những việc nên làm).
Vượt qua chuyện “nhầm nghề” là một bài test chiến thắng nghịch cảnh mà bạn rất nên có trong đời nếu như muốn trở nên khác biệt với số đông.
Thật vậy, ở Việt Nam, người ta hay gieo rắc cho thanh niên, cho giới trẻ một thông điệp sống nghe có vẻ rất hay “Hãy theo đuổi đam mê.” Tuy nhiên không phải cái gì nghe hay thì cũng luôn đúng.
Mình thì ngược lại, mình chọn một thái độ sống lấy sự sẵn sàng thích ứng và đón nhận cơ hội làm trọng. Và mình tự rút ra rằng “Đừng theo đuổi đam mê BẰNG MỌI GIÁ”. Cơ hội luôn hiếm và khó tìm, và nó có thể ập đến bất cứ lúc nào, nhưng lại chỉ chìa bàn tay ra cho những người sẵn sàng chớp lấy nó.
Bạn cứ chịu khó xem Vietnam Got Talent hay những cuộc thi tài năng, bạn sẽ thấy điều đó rất rõ. Không phải ai mê hát cũng hát hay, và không phải ai hát hay, thì cũng thành ca sĩ, và không phải ai là ca sĩ thì cũng đều nổi tiếng và giàu có, và không phải ai nổi tiếng và giàu có, thì cũng đều hạnh phúc.
Thế nên, khi lựa chọn một công việc, một sự nghiệp cho đời mình, hãy đừng quá tham vọng phải theo đuổi bằng được 1 công việc lý tưởng mà hồi xưa bé ta vẫn thường mơ tới.
Công việc tốt nhất là công việc hài hòa giữa năng lực của bản thân – giá trị kinh tế và cống hiến xã hội của nghề nghiệp và đam mê. Đam mê là một bông hoa đẹp tuyệt vời, nhưng nó vẫn cần nước để sống. Bạn theo đuổi được công việc đam mê của mình, nhưng bạn lại không giỏi thứ đó, và nó không nuôi sống được bạn, làm vợ bạn thiếu- con bạn khóc, bạn có còn hạnh phúc trọn vẹn mà theo đuổi thứ đam mê ấy không?
Làm tốt một công việc ngay cả ta không thích nó là một thứ bản lĩnh của người đi làm buộc phải rèn luyện, miễn là không trái pháp luật và đạo đức, và đó là một biểu hiện đáng giá của sự chuyện nghiệp.
Nếu chúng ta không thể là người may mắn để có lựa chọn tốt nhất, hãy tự chọn cho mình lựa chọn ít xấu nhất. Và như thế, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn và nhận ra rằng, cuộc đời chúng ta sẽ là những chuỗi ngày học sai để đúng không ngừng nghỉ, nên có “nhầm nghề” vài lần…thì cũng bình tĩnh mà đón nhận thôi.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả/FB Hoàng Huy