Chia bè kết phái chốn công sở: Đi làm hay “nội chiến thâm cung”?

Chia bè kết phái chốn công sở không còn là điều quá xa lạ. Bạn có tin vào một tập thể, nơi những con người xa lạ đoàn kết, xem nhau là một gia đình. Một tập thể cống hiến hết sức cho công việc, òa khóc khi thành công, động viên khi thất bại? Đây là điều mọi tổ chức hướng tới nhưng để biến điều này thành hiện thực thì hiến doanh nghiệp nào thực hiện được!

++ Tổng hợp việc làm công sở hấp dẫn

Yêu đương đã là việc khó bởi rất khó khi hai cá thể hoàn toàn khác nhau lại trở nên hòa hợp, yêu thương, chịu đựng được nhau. Thì việc hàng chục con người môi trường công sở trở nên đoàn kết, gắn bó keo sơn lại là một điều gần như không thể. Mỗi người một hoàn cảnh xuất thân, một cá tính, nếu có sếp có thể tạm yên. Nhưng vắng sếp thì không khác gì một xã hội thu nhỏ với hàng tỷ câu chuyện trên trời dưới biển. Trăm mưu ngàn kế, những tưởng là để chung cho mục đích khiến công ty tốt hơn. Nhưng không. Chỉ đơn giản là để lôi kéo lẫn nhau, chia bè kéo phái cho mục đích cá nhân.

Rốt cuộc chúng ta đi làm kiếm tiền nuôi thân hay để bất đắc dĩ tham gia vào thâm cung nội chiến?

“Một thể thống nhất” – Khái niệm xa vời chốn công sở

Có rất rất nhiều lí do khiến người ta chia bè phái khi đi làm. Nhưng đa phần vì xung đột lợi ích cá nhân, vì tư duy khác biệt hay đơn giản vì “ngứa mắt” người này người kia. Ban đầu chúng ta nghĩ rằng, chia bè phái sẽ khiến cuộc sống dễ thở hơn, “nước sông không phạm nước giếng”.

Nhưng khi mọi chuyện đi quá xa, “chia bè kết phái” lại khiến cho việc mưu sinh nơi công sở trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết.

Dù lý do là gì thì nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ lòng đồ kị. Một là nhóm ma cũ bắt nạt ma mới, hai là lòng đố kỵ. Đố kỵ tại sao bạn lại hoàn thành hết công việc nhanh và chỉn chu, định làm trưởng nhóm hay sao? Đố kỵ tại sao bạn lại đi làm 10 ngày 10 bộ quần áo mới, định làm người mẫu à? Đố kỵ tại sao bạn hay được đi tiếp khách với sếp, có ý đồ gì hay sao? Lý do ấy dù có vô thưởng vô phạt đến đâu, hay thậm chí những điều không có thật; thấy “ngứa mắt” là đố kị rồi.

Rõ ràng là, việc một nhân viên được trọng dụng hay không, cũng không ảnh hưởng tới việc những nhân viên khác tiến hay lui. Nhưng, họ vẫn thích lập hội lập hè, thành một nhóm châm chọc người kia để thỏa mãn cái sự tức tối trong lòng. Họ bắt đầu bằng đôi ba người, sau đó nhân rộng thành năm sáu người, bảy tám người. Cứ thế cứ thế, tra tấn tinh thần người khác bằng cách này qua cách khác. 

Bạn đi làm chứ chẳng phải đi đánh trận. Bạn đã đủ mệt mỏi với deadline công việc rồi không có thời gian để suy nghĩ thêm mưu kế nọ kia. Bạn đủ đau đầu với những đòi hỏi của khách hàng rồi chẳn nghĩ ra được mưu kế gì cả? Xin chúc mừng, ngay cả khi bạn cố “vô cảm” với mọi thứ, bạn vẫn sẽ bị lôi vào cuộc chiến không hồi kết ấy. Thậm chí còn bị nói xấu tệ hại hơn bởi “nó chẳng nói gì cả”!

Sống cùng với lũ hay vùng lên chống cơn lũ “chia bè kết phái”?

Nhiều người tự hỏi “tại sao chưa bao giờ thấy ai vùng lên”. Nhưng thật phiền, sẽ là quá mệt mỏi nếu hở ra là chúng ta gây bão tạo gió ở nơi vốn chỉ nên để kiếm tiền thôi. Vậy làm sao để vượt ra khỏi mớ rắc rối ấy để an yên làm công việc của mình. Dù người ta có thể bằng mặt không bằng lòng nhau, nhưng sẽ khó mà có chuyện ai ai cũng đồng lòng. Luôn có một cuộc chiến ngầm, luôn có sự chia bè kết phái giữa hội này, hội kia; nên “đồng lòng” hóa ra là một khái niệm rất phi thực tế.

Những con tắc kè hoa thường sống rất bền. Điều này không có nghĩa bạn phải trở thành “tắc kè hoa”. Lúc này hùa với nhóm này, khi lại hùa với nhóm kia, bởi như thế cũng rất mệt. Hãy đóng vai một kẻ trung lập. Làm tròn nhiệm vụ của mình ở công ty, nghĩ về lợi ích chung của tổ chức. Đừng gieo rắc “drama”, đừng bàn tán, thêu dệt về bất cứ điều gì hay bất cứ ai. Bởi đến một ngày, bạn cũng sẽ nghe được hàng tá những câu chuyện không hay về bản thân mình. Hãy là một người hiểu luật chơi, hiểu tình thế và xây dựng chiến lược “đồng minh rộng rãi”.

Cái quan trọng, là bạn phải (nên) nghĩ cho lợi ích CHUNG của công ty, của tổ chức. Hãy thể hiện một tầm nhìn xa, khi đó bạn có thể tồn tại, dù có hay không thuộc về phe nào.

Đừng tỏ ra mình vô công rỗi việc để dễ bị lôi kéo vào những câu chuyện không điểm dừng. Cũng đừng tham vọng quá mà dùng mưu mẹo để cướp công người khác. Chỉ cần làm tròn vai trò và năng lực làm việc của bản thân để tạo lòng tin cho sếp và đồng nghiệp. Chẳng thế mà, có những người chẳng ở “phe phái” nào ai cũng phải nói “Đứa/thằng này nó sống được” khi nhắc đến. Sống hòa nhã và chấp nhận rằng môi trường nào cũng có người này người kia. Giống như dòng sông có nhiều loại cá, lại có chỗ nước đục, nước trong. Quan trọng là bản thân phải tỉnh táo, không để chuyện tiêu cực không liên quan ảnh hưởng tới mình.

Ai đi làm rốt cuộc cũng vì một mục đích kiếm tiền, mưu sinh. Vì chúng ta có duy nhất điểm chung ấy, nên hãy thông cảm và cố hiểu cho đồng nghiệp. Để cuộc sống công sở trở nên dễ dàng hơn, để đi làm không còn là đi đánh trận giả.