Series câu chuyện thương hiệu hôm nay, TopCV sẽ cùng bạn khám phá về hành trình xây dựng thương hiệu The Coffee House và quan điểm kinh doanh của CEO trẻ tuổi – Nguyễn Hải Ninh.
CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh đã có những chia sẻ về hành trình xây dựng thương hiệu The Coffee House và quan điểm kinh doanh tại Triển lãm cà phê diễn ra tại TP HCM ngày 2/11.
Câu hỏi “Mình sẽ dành cả cuộc đời để làm gì?” và mảnh đất 7 phòng trọ
“23 tuổi, tôi còn ngây thơ hơn các bạn đang ngồi phía dưới”, CEO 8x bắt đầu nói về câu chuyện khởi nghiệp của mình. Nguyễn Hải Ninh bấy giờ cũng như rất nhiều bạn trẻ khác, chỉ nghĩ về chuyện kiếm tiền.
“Năm 26 tuổi, khi đã có một chút thành công, lúc đó, tôi nhận ra rằng việc kiếm tiền không sẽ không tạo ra động lực. Tôi tự hỏi: Mình sẽ dành cuộc đời của mình để làm gì, sao cho cuộc sống có ý nghĩa?”
Một lần, tôi hỏi bố: “Bố ơi, giờ con bỏ tất cả để làm lại từ đầu thì bố thấy thế nào? Và ông quyết định giao cho tôi mảnh đất đang kinh doanh phòng trọ của gia đình. Bố tôi bảo: Cuộc đời bố có 2 miếng đất, 1 miếng bố đang ở và miếng có 7 phòng trọ. Mỗi tháng 1 phòng cho thuê được 1,5 triệu. 7 phòng được hơn 10 triệu. Bố cho con căn nhà đó, 10 triệu, bố nghĩ ở thành phố con sống đủ rồi. 27 tuổi, con cũng làm được một vài điều rồi, điều quan trọng nhất là cuộc đời của con sau này, không có gì để hối tiếc”, Ninh hồi tưởng lại.
Và từ mảnh đất phòng trọ ấy, The Coffee House đầu tiên ra đời. Đó là câu chuyện của 2014
Một mình không thể thành công
“Khi mở một cửa hàng, bạn sẽ làm hết mọi thứ. Tôi có thể nói với mọi người rằng, tôi từ bùn đen đi lên. Tôi học trái ngành, không biết gì về cà phê, không biết gì về nhà hàng”, Ninh nói.
Tôi học trái ngành, ban đầu không biết gì về cafe, nhà hàng.
Và trở ngại của việc mở cửa hàng đầu tiên là làm sao để pha được cà phê, làm sao để biết chọn cửa hàng như thế nào, xây dựng như thế nào?. “Tôi chỉ có thể ở cửa hàng từ 10-12 tiếng/ngày, làm sao để những tiếng còn lại mình không ở cửa hàng nhưng vẫn biết mọi chuyện diễn ra thế nào, làm sao để nhớ tên khách hàng. Đó là cả vấn đề”, CEO 8X nói. Và đó là khó khăn khi mở một cửa hàng.
“Trong năm nay, The Coffee House đã mở 80 cửa hàng. Mỗi cửa hàng, nếu muốn mở thì phải tham khảo 5 địa điểm. Tức là tổng số 400 địa điểm cần tới trong một năm. Và điều đó tôi không thể làm được. 10 Ninh cũng không làm được”, CEO chuỗi cà phê cho biết.
Mỗi nhân viên đều phải nhiệt huyết như thể mình là chủ
“Khi làm 1 cửa hàng thay vì bạn làm 8 tiếng/ngày, bạn làm 10 tiếng, 12 tiếng/ngày, thậm chí 16 tiếng/ngày ở cửa hàng, nhưng khi bạn mở 100 cửa hàng bạn không thể làm một mình được. Các bạn phải nghĩ bao nhiêu khách hàng ngoài kia sẽ có cơ hội nói chuyện với tổng giám đốc của công ty – chắc đếm trên đầu ngón tay. Hay ai sẽ là người mà hằng ngày phục vụ khách hàng. Người đầu tiên mà khách hàng biết đến điều đấy không phải là ông tổng giám đốc mà là nhân viên – bạn ấy phục vụ cửa hàng cả ngày”, Ninh nói thêm.
Người đầu tiên khách hàng tiếp xúc là nhân viên bán hàng, không phải CEO. Nên phải làm sao truyền được thông điệp xuống cho nhân viên.
Đọc thêm: Mẹo ứng tuyển Nhân Viên bán hàng
“Nên là khi mở được 100 cửa hàng, các bạn phải đảm bảo được ngàn con người đang làm trong công ty, tổ chức bạn phải hiểu được giá trị tổ chức bạn muốn theo đuổi nó là cái gì. Làm sao để bạn đảm bảo hàng ngàn con người mỗi ngày họ thức dậy có động cơ giống như bạn. Những điều gì khiến bạn bắt đầu công ty này, tại sao bạn bắt đầu cái ngành này, bạn phải đảm bảo truyền được cho 1.000 con người ở đây những điều như thế?”, CEO 8X nói tiếp.
Nguyễn Hải Ninh đưa ra kết luận rằng, mỗi khó khăn sẽ có một bài toán khác nhau. Nhưng nếu không khó khăn thì không có thành công, cách tốt nhất là tìm lời giải phù hợp mà thôi.
– Vì sao chuỗi The Coffee House không nhượng quyền?
– Tôi nghĩ chắc chắn chúng tôi không bao giờ có ý định nhượng quyền. Một trong những lý do là, chúng tôi bắt đầu TCH với một ước mơ, ước mơ thì sẽ thay đổi. Hồi nhỏ chúng ta ước mơ làm siêu nhân, lớn lên chúng ta làm bác sĩ, một ngày nào đó chúng ta ước mơ đi bán cà phê. Và khi bạn nhượng quyền, bạn phải trao đứa con của mình cho người khác, đồng nghĩa với việc bạn phải từ bỏ ước mơ, nếu sau này lỡ ước mơ của bạn thay đổi.
Khi nhượng quyền, nghĩa là bạn trao đứa con cho người khác.
Tôi không biết là 10 năm, 15 năm, 20 năm sắp tới tôi có những ước mơ gì nữa, và mình nghĩ, điều quan trọng đối với mình là làm sao mình chia sẻ ước mơ của mình với từng bạn nhân viên. Các bạn nhân viên các bạn thấy làm cho công ty này, tổ chức này, thực sự các bạn có lý tưởng gì đấy để phấn đấu làm việc mỗi ngày.
Mình phải có toàn quyền quyết định, mình phải có toàn quyền nuôi dưỡng ước mơ của các bạn nhân viên, và đó là lý do tại sao mà mình chưa bao giờ có ý nghĩ nhượng quyền.
– Anh quản lý một chuỗi gần 200 cửa hàng. Tôi nghe nói, anh làm việc 8 tiếng mỗi ngày, thức dậy 6 giờ sáng. Vậy anh quản lý quỹ thời gian, công việc ra sao?
– Các bạn nhân viên có thể làm chứng cho việc tôi ra về sớm nhất công ty. Tôi không làm một mình, tất cả mọi việc điều hành ở The Coffee House tôi không bao giờ làm một mình, mà với rất nhiều người.
Để xây dựng một ước mơ lớn không bao giờ các bạn có thể làm một mình được, cần sức của mọi người. Làm chung với mọi người thật sự sẽ vui hơn rất nhiều là làm một mình.
Để xây dựng giấc mơ lớn, bạn không bao giờ có thể làm được một mình.
Đó là sự lựa chọn của tôi. Tôi cũng không có khuyên ai nên làm giống tôi hay không. Nếu thật sự bạn thích làm công việc đấy, bạn có thời gian mà không làm gì hết, tôi nghĩ cũng rất tốt nếu bạn dành thêm thời gian cho nó.
Ngoài 8 tiếng/ngày trên văn phòng, tôi có những thú vui khác. Tôi thích được đi cửa hàng, thích được nói chuyện với các bạn nhân viên, thích được về nhà nói chuyện với gia đình. Tôi nghĩ cái đó đơn giản chỉ là sự lựa chọn của tôi mà thôi.
Xem thêm các bài viết cùng chủ đề:
- Nữ CEO PepsiCo từ chức: “Dù có được sự nghiệp tuyệt vời nhưng tôi ước có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình và con cái”
- Shark Đặng Hồng Anh: “Nhiều Startup nói mô hình của mình lời 500 triệu đồng/tháng nhưng thực chất chỉ có 50 triệu đồng, thì sao các Shark có thể đầu tư được…”
Theo Cafebiz