Cách vượt qua “bẫy” phỏng vấn của nhà tuyển dụng

Phỏng vấn tuyển dụng không chỉ là một buổi gặp mặt hỏi – đáp. Chỉ bằng vài câu hỏi hay tình huống đánh lạc hướng tưởng chừng đơn giản nhà tuyển dụng có thể nhận định được đâu là kiểu nhân viên mình tìm kiếm. Hãy chắc chắn rằng bạn sẽ không mắc phải những “bẫy phỏng vấn” sau đây.

Bẫy phỏng vấn chính là những kiểu tình huống hay câu hỏi tưởng chừng không liên quan tới chuyên môn, vị trí bạn ứng tuyển nhưng thực ra lại có vai trò quan trọng trong việc nhà tuyển dụng đánh giá bạn có phải là kiểu nhân lực họ đang tìm kiếm hay không.

Thời gian phỏng vấn

Gần đây nhà tuyển dụng khi đưa ra lời mời phỏng vấn thường kèm theo lựa chọn thời gian tuỳ vào bạn quyết định. Nếu bạn không thực sự bận rộn thì câu trả lời tốt nhất chính là “mình sẽ làm theo sắp xếp bên bạn”. Thái độ này phần nào thể hiện sự nghiêm túc của bạn đối với việc công việc và phù hợp với vì trí là người ứng tuyển. Ngoài ra nếu bên tuyển dụng đưa ra những khung thời gian cho bạn lựa chọn thì tốt nhất hay có một buổi phỏng vấn trong giờ hành chính, ở đầu ngày/buổi làm việc. Điều này vừa khiến bạn có cơ hội xuất hiện tươi tỉnh nhất vừa thể hiện ưu tiên của bạn đối với cuộc gặp mặt. Cuối cùng, sau khi đã có được lịch hẹn phỏng vấn thì tuyệt nhiên tránh thay đổi lịch và nhớ tới đúng giờ các bạn nhé.

Câu hỏi giới thiệu bản về thân

Với câu hỏi này thông thường nhà tuyển dụng muốn biết khả năng tổng hợp thông tin cũng như kỹ năng trình bày logic của ứng viên, cũng có khi người phỏng vấn hoặc 1 trong số những người phỏng vấn chưa đọc kỹ/chưa đọc CV của ứng viên. Với câu hỏi này nhà tuyển dụng muốn phân loại bạn có thuộc kiểu ứng viên khoe mẽ và dong dài hay không. Tốt nhất hãy giới thiệu ngắn gọn, chỉ nói về công ty và vị trí bạn đã làm việc hay là trường học hay hoạt động bạn đã tham gia (đối với sinh viên mới ra trường). Đừng đi quá nhiều về sở thích cá nhân hay thành tích nhé.

Bạn tìm thấy thông tin tuyển dụng ở đâu?

Đây dường như là một câu hỏi rất bình thường nhưng thực chất lại đánh giá được rất nhiều. Nếu bạn trực tiếp tìm hiểu qua kênh thông tin trực tiếp của doanh nghiệp nghĩa là bạn có thực sự có mong muốn làm việc ở đây, điều bạn quan tâm chính là thương hiệu tuyển dụng doanh nghiệp ; Nếu bạn tìm thấy thông tin ở một kênh trung gian bạn có thể đơn giản là người đi tìm việc, điều bạn quan tâm là vị trí làm việc; Còn nếu bạn là người được nhà tuyển dụng chủ động mời tới buổi phỏng vấn thì bạn chính là ứng viên “hạt giống” điều bạn quan tâm chính là phúc lợi làm việc.

Vì sao nghỉ việc ở công ty cũ?

Với câu hỏi này nhà tuyển dụng muốn biết lý do bạn không tiếp tục công việc cũ là vì tính chất công việc, môi trường không phù hợp hay do những mâu thuẫn gì đó,…và từ đó xem xét liệu việc này có bị lặp lại ở công việc bạn đang ứng tuyển. Hãy thành thật ở mức độ vừa phải và khéo léo, có gắng chuyển câu trả lời sang hướng thể hiện bạn phù hợp với công việc mới như thế nào và cho nhà tuyển dụng thấy bạn không muốn tiếp tục công việc cũ vì ở đó không còn đáp ứng được những mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Tuyệt đối không nên nói xấu công ty, sếp hoặc đồng nghiệp cũ. Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có những điểm hạn chế và nếu nhận thấy bản thân không còn phù hợp, không thể thích nghi với những giá trị ở đó thì tìm kiếm những cơ hội mới.

Mức lương mong đợi?

Đây là một câu hỏi rất khó trả lời vì ứng viên thường sợ bí “hố”, nói cao quá thì sợ mất cơ hội nhưng thấp quá thì sợ “hố hàng”, vậy nói mức nào là phù hợp? Bạn nên nói cụ thể mức lương mong muốn và mức lương thấp nhất mình có thể chấp nhận nếu làm ở vị trí đang phỏng vấn để tránh mất thời gian cho cả hai phía ở những vòng tuyển chọn tiếp theo. Một điều chắc chắn là chúng ta biết rất rõ mình là ai, mình có những khả năng gì có thể đóng góp cho công ty, đó là đã “biết mình”. Vậy nên tìm hiểu thêm để “biết ta” nữa bằng cách trước khi đi phỏng vấn cần tham khảo thêm các anh, chị, bạn bè đã có kinh nghiệm đi làm, các anh, chị làm nhân sự, tìm hiểu ở các diễn đàn để có được những thông tin cơ bản về mức lương trên thị trường lao động. Nên tránh trả lời theo kiểu chung chung như em nghĩ công ty sẽ có khung lương phù hợp cho từng vị trí, công ty đánh giá được khả năng của em nên sẽ có mức lương phù hợp cho em. Nếu bạn chưa hiểu rõ tính chất, phạm vi công việc thì có thể xin phép nhà tuyển dụng được hỏi thêm để có thông tin trước khi trả lời. Điều cấm kỵ nhất là khả năng của intern nhưng mong đợi thu nhập của trưởng phòng.

Bạn có câu hỏi cho chúng tôi? 

Câu này rất quan trọng để nhà tuyển dụng một lần nữa đánh giá tổng thể về sự chuẩn bị, những mối quan tâm của ứng viên, dữ liệu trả lời trong câu hỏi này sẽ được xem xét, đối chiếu rất kỹ với những câu trả lời trước trong buổi phỏng vấn. Bạn nên hỏi kỹ hơn về công việc, môi trường, đồng nghiệp, cấp trên của vị trí đang phỏng vấn. nếu co chỗ nào chưa rõ trong bản môi trường công việc thì đây là cơ hội tốt nhất. Nên hỏi những khó khăn, thử thách thường gặp của vị trí này? Những mong đợi của cấp trên, công ty cho vị trí này? Vị trí công việc này thường được đánh giá qua những yếu tố, thước đo gì,….
Tránh hỏi những câu về lương, benefits vì thông thường phần sau cùng của buổi phỏng vấn nhà tuyển dụng sẽ “sales” cho bạn về những chính sách phúc lợi của công ty. Bạn không nên hỏi những câu mang tầm vĩ mô, chiến lược hoặc nhạy cảm (Nghe đồn công ty sắp bán chẳng hạn) Câu trả lời tồi tệ nhất cho câu này là em không có gì để hỏi.

Kết quả buổi phỏng vấn có thể ảnh hưởng đến 80% kết quả tuyển dụng, bên cạnh kiến thức chuyên môn thì thái độ, hành vi, động cơ của ứng viên cũng là các yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc ra quyết định tuyển dụng. Vì vậy khi tham gia phỏng vấn, ngoài việc nắm vững các kiến thức chuyên môn thì ứng viên nên chủ động tìm hiểu thật kỹ về công ty, công việc, nếu có phần nào chưa hiểu rõ thì nên chuẩn bị sẵn các câu hỏi cần thiết để trao đổi với nhà tuyển dụng nhằm giúp chúng ta có đầy đủ thông tin để lựa chọn công ty, công việc phù hợp.
TÚ ANH