Các đối tượng khác nhau được tính nghỉ phép năm như thế nào?

Các đối tượng khác nhau được tính nghỉ phép năm như thế nào?

Số ngày và quy định nghỉ phép luôn là một trong những con số được nhân viên quan tâm nhiều nhất chỉ sau mức thu nhập. Vậy quy định của pháp luật về số ngày nghỉ phép dành cho các đối tượng khác nhau như thế nào? Hãy cùng TopCV tìm hiểu về con số này ngay trong bài viết dưới đây.

Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để nhà tuyển dụng có thể nắm rõ hơn về các quy định về ngày nghỉ phép hàng năm cho người lao động (“NLĐ”) ở ba đối tượng khác nhau!

Tình huống: Chị Y là nhân viên kĩ thuật ngắn hạn cho công ty X. Chị đã ký kết hợp đồng lao động (“HĐLĐ”) theo mùa vụ với công ty X, tức chị chỉ làm cho công ty X trong vòng 10 tháng kể từ ngày bắt đầu HĐLĐ. Tuy nhiên, trong thời gian làm việc, chị Y có công việc gia đình nên xin nghỉ 02 ngày, sau đó chị vẫn tiếp tục đi làm. Vậy, chị Y có được hưởng ngày nghỉ hàng năm hay không? Nếu có, chị sẽ nhận được bao nhiêu ngày nghỉ?

Theo điều 111 Bộ luật Lao động 2012 quy định, người lao động (NLĐ) có đủ mười hai (12) tháng làm việc cho một người sử dụng lao động (NSDLĐ) thì được nghỉ 12 ngày làm việc/năm, hưởng nguyên lương theo HĐLĐ.

Do đó, để hiểu đúng về tình huống của chị Y, trước hết, người làm nhân sự phải phân biệt rõ ràng ba đối tượng NLĐ như sau:

1. Người học nghề, tập nghề

Trong suốt quá trình học nghề, tập nghề để làm việc cho NSDLĐ, người học nghề, tập nghề sẽ không được hưởng ngày nghỉ hàng năm như những NLĐ chính thức khác. Thay vào đó, thời gian thử việc vẫn được tính là thời gian làm việc để hưởng phép năm nếu như sau thời gian thử việc NLĐ làm việc cho NSDLĐ.

Lưu ý rằng, ngoài đối tượng là người học nghề, tập nghề để làm việc cho NSDLĐ nói trên, pháp luật lao động hiện nay không có quy định điều chỉnh riêng biệt nào cho đối tượng là các thực tập sinh (intern) thực tập tại các doanh nghiệp. Vì vậy, các chế độ và quyền lợi dành cho các đối tượng này sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên. Theo đó, khác với trường hợp học nghề, tập nghề; thời gian thực tập không được tính vào thời gian làm việc để hưởng ngày nghỉ hàng năm sau này nếu được tuyển dụng và ký kết HĐLĐ với NSDLĐ.

Các đối tượng khác nhau được tính nghỉ phép năm như thế nào?

2. NLĐ đang trong thời gian thử việc

Tương tự như trong trường hợp người học nghề, tập nghề như trên; chỉ khi NLĐ thử việc đạt yêu cầu và bắt đầu kí kết HĐLĐ, lúc này thời hạn thử việc mới được tính vào thời gian làm việc chính thức cho việc tính phép năm.

Do đó, NLĐ đang trong thời gian thử việc sẽ không thuộc đối tượng được hưởng ngày nghỉ hàng năm. NSDLĐ cũng không có nghĩa vụ thanh toán tiền phép năm cho NLÐ khi chấm dứt làm việc tại doanh nghiệp do thử việc không đạt yêu cầu. Ví dụ: Công ty bạn ký HĐLĐ thử việc với một nhân viên trong vòng hai (02) tháng. Tuy nhiên, sau thời gian thử việc, nhân viên đó không đạt yêu cầu và tiêu chuẩn của công ty, nên không được ký kết HĐLĐ chính thức. Vậy, thời gian hai (02) tháng thử việc của họ không được tính là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ phép năm.

Tuy nhiên, trong thực tế, có một số doanh nghiệp vẫn đồng ý cho NLĐ đang trong thời gian thử việc được hưởng ngày phép năm theo tỷ lệ số tháng làm việc tại thời thời điểm xin nghỉ phép. Điều này không trái với quy định của pháp luật lao động vì có lợi hơn cho NLĐ nhưng cần quy định rõ các chế độ này trong thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc hợp đồng thử việc (nếu có).

3. NLĐ làm việc theo HĐLĐ mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới mười hai (12) tháng

Trường hợp HÐLÐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định, đối với những NLÐ làm việc chưa đủ mười hai (12) tháng thì thời gian nghỉ hàng năm vẫn sẽ được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc.

Do đó, theo trường hợp của chị Y, chị cũng được hưởng ngày nghỉ hàng năm theo nguyên tắc số ngày nghỉ hàng năm sẽ được xác định theo tỷ lệ tương ứng với thời gian làm việc thực tế của chị tại công ty X.

Như đã đề cập, hợp đồng thời vụ là một trong những loại hợp đồng lao động được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Theo đó, người làm theo hợp đồng thời vụ vẫn được đảm bảo các quyền lợi như những lao động khác, trong đó có chế độ nghỉ phép năm. Theo điều 7 Nghị định 45/2013/NĐ-CP, số ngày nghỉ hàng năm trong trường hợp này sẽ được tính như sau:

Số ngày nghỉ = {(Số ngày nghỉ hàng năm +Số ngày nghỉ theo thâm niên (nếu có)) : 12} x Số tháng làm thực tế

Tùy thuộc vào công việc và thời gian làm việc thực tế cho NSDLĐ mà mỗi lao động thời vụ sẽ có thời gian nghỉ phép năm khác nhau.

Hy vọng phần giải đáp trên đã giúp người đọc trang bị được những kiến thức pháp luật cơ bản cần thiết liên quan đến chế độ nghỉ phép năm.

Tổng hợp