Bí quyết viết tin tuyển dụng tăng 300% hồ sơ ứng tuyển

viet-tin-tuyen-dung-topcv

Nhân sự chất lượng trong tương lai, ánh mắt cảm ơn của trưởng bộ phận, cái gật đầu hài lòng của CEO chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực viết tin tuyển dụng của bạn. Vậy nên để tin tuyển dụng càng thêm hiệu quả, tăng hồ sơ ứng tuyển thêm 300%, đừng bỏ qua những tips dưới đây.

1. Tin tuyển dụng – nơi bạn thoả sức sáng tạo

Nếu mô tả công việc (job description – JD) là bản mô tả chi tiết yêu cầu công việc, yêu cầu sự nghiêm túc thì tin tuyển dụng (job posting) là nơi bạn có thể sáng tạo nhiều hơn.

Bạn có quyền quyết định những thông tin xuất hiện trên đó, tự chọn văn phong hài hước hay sâu sắc, tự design hoặc thuê thiết kế…Thậm chí bạn có thể linh hoạt các phong cách tuỳ vào vị trí bạn đăng tin, miễn sao tin tuyển dụng của bạn trở nên nổi bật và chạm tới tay của đúng ứng viên.

Nếu xem công việc là thứ cần bán đi, người làm nhân sự là nhân viên kinh doanh thì nhiệm vụ của bạn là nhanh chóng bán được hàng. Và để tối ưu thời gian lẫn công sức bán hàng thì cách tốt nhất là tiếp cận đúng khách hàng tức các ứng viên tiềm năng. Không gì hiệu quả bằng một tin tuyển dụng thu hút và nó được đăng đúng chỗ.

Một tin tuyển dụng hiệu quả sẽ gồm:

  • Tiêu đề
  • Đoạn mở đầu
  • Giới thiệu về công ty
  • Yêu cầu công việc
  • Những lý do nên ứng tuyển vào doanh nghiệp.

Các chỉ dẫn dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng viết được tin tuyển dụng có chuyển đổi “đơn hàng” nhanh nhất.

2. Tips viết tin tuyển dụng tăng 300% hồ sơ ứng tuyển

1. Đầu tư vào tiêu đề

Nếu khách hàng mất 3 giây để biết được mẫu quảng cáo đó có dành cho mình không thì tin tuyển dụng cũng vậy. Tiêu đề phải ngay lập tức gây sự chú ý, thậm chí làm người đọc thốt lên:”Chà, nghe hấp dẫn nhỉ”.

Các nguyên tắc khi viết tiêu đề tuyển dụng:

  • Rõ ràng và chính xác

Giật tít là cách để tiêu đề thêm ấn tượng. Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng giật một cái tít thật kêu và truyền tải đúng vai trò công việc. Vậy nên, khi không thể viết hoành tráng, hãy giữ tiêu đề của bạn rõ ràng, giúp ứng viên nhanh chóng xác định được liệu thông tin tuyển dụng này có dành cho mình hay không.

Ví dụ:
Tiêu đề 1: Trở thành best seller của Việt Nam với công ty X
Tiêu đề 2: Trở thành best seller của tập đoàn số 1 tại Việt Nam

Bạn thấy tiêu đề nào thú vị hơn?

  • Gọi chính xác tên vị trí (job title) cần tìm

Job title càng chính xác vai trò công việc càng giúp bạn sàng lọc được ứng viên. Sáng tạo một chút để biến nó trở nên thú vị hơn. Ví dụ: Công ty X tìm kiếm nhân viên kinh doanh năng động, nhạy bén…

  • Đề cập tới lĩnh vực cụ thể

Bạn đang cần tuyển nhân viên kinh doanh BĐS, trên tiêu đề hãy ghi rõ như vậy thay vì tuyển nhân viên kinh doanh. Cũng giống như việc tuyển kế toán thuế thay vì tuyển kế toán chung chung.

  • Không viết tắt

Bạn thích tiêu đề Tuyển dụng Sr. Account Mgr hay Agency X tuyển dụng Senior Account Manager hơn?

Viết tắt không những gây nhầm lẫn về công việc mà còn làm giảm hiệu quả của tin tuyển dụng.

  • Đừng dùng từ khoá quá 5 lần

Nếu bạn có ý định sử dụng từ khóa để giúp ứng viên dễ dàng định hình được lĩnh vực và yêu cầu công việc, đồng thời gây chú ý cho tiêu đề của mình thì đừng dùng quá 5 lần nếu không tin tuyển dụng sẽ trở nên lan man.

  • Thời gian và địa điểm làm việc rõ ràng

Tiêu đề tuyển dụng nên ghi rõ là tuyển part-time hay full-time, cùng vị trí làm việc (HCM, Hà Nội, Đà Nẵng,…) để hướng tới đúng đối tượng và tiết kiệm thời gian cho cả hai bên.

2. Viết một đoạn mở đầu ấn tượng

Sau khi có được tiêu đề ưng ý, hãy viết một đoạn ngắn để tóm tắt lại 3 đến 5 điểm thú vị nhất về công việc. Bên cạnh việc cho ứng viên những thông tin cơ bản về công việc, đoạn văn này giúp bạn tiếp tục duy trì chú ý của người đọc.

3. Giới thiệu về doanh nghiệp của bạn

Trong phần này, hãy viết về lịch sử hình thành, sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, đừng quên viết về văn hóa doanh nghiệp doanh nghiệp. Tuy vào loại hình doanh nghiệp cũng như tin tuyển dụng hướng đến đối tượng nào, bạn có thể thêm các thông tin như:

– Lịch sử doanh nghiệp: ngày thành lập, các cột mốc đáng nhớ,…
– Tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp
– Giải thích về lĩnh vực hoạt động, tập khách hàng, và sản phẩm / dịch vụ đang cung cấp
– Số lượng nhân viên, số lượng văn phòng hoặc số lượng khách hàng
– Địa điểm làm việc thuận lợi: vị trí, các nhà hàng quán ăn, môi trường xung quanh,…
– Văn hóa doanh nghiệp, cách thức vận hành, niềm tin và những gì công ty cho là giá trị (sự sáng tạo, sự cải tiến, tập trung vào trải nghiệm của khách hàng, tốc độ phát triển nhanh,…)

Lưu ý: Khi lựa chọn công việc, ứng viên không chỉ tìm kiếm cơ hội có việc làm, có lương lo cho cuộc sống mà còn tìm kiếm một môi trường mà ở đó, họ có thể cảm thấy tin tưởng, thoải mái và gắn kết lâu dài. Phần giới thiệu doanh nghiệp có ảnh hưởng to lớn đến cảm nhận này của ứng viên.

4. Viết yêu cầu công việc

Phần này càng rõ ràng càng giúp ứng viên nhanh chóng biết được mình có phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề công ty đang kinh doanh hay không. Tiếp đến là mình có đủ kinh nghiệm để ứng tuyển hay không. Hãy lựa chọn các thông tin mô tả rõ về công việc, bao gồm trách nhiệm của nhân viên, các nhiệm vụ được giao, kỹ năng cần có để hoàn thành công việc.

Cần chú ý các tips sau:

  • Cá nhân hoá thông tin: Thay vì sử dụng mẫu câu “Ứng viên sẽ…”, nên dùng “Bạn sẽ…” khi tóm tắt những gì ứng viên sẽ làm hằng ngày. Việc này sẽ khuyến khích ứng tuyển nhiều hơn. Ngoài ra, tin tuyển dụng có nhiều tính từ cũng giúp xây dựng hình ảnh hấp dẫn, thách thức cho công việc.
  • Làm nổi bật một vài ý trong phần này để thông tin trở nên súc tích.
  • Sử dụng gạch đầu dòng (bullet point) để dễ theo dõi hơn.
  • Lược bỏ những yêu cầu công việc không thực sự quan trọng để thông tin ngắn gọn.
  • Khi liệt kê các kỹ năng cần thiết, bạn nên chia ra hai phần là kỹ năng bắt buộc và kỹ năng không bắt buộc. Phần kỹ năng không bắt buộc có thể là kinh nghiệm làm việc, các bằng cấp khác, background trong một số lĩnh vực nhất định, thành thạo trong việc sử dụng một số chương trình, phần mềm,…

viet-tin-tuyen-dung-topcv

5. Nhấn mạnh những lý do ứng viên đừng bỏ lỡ công việc này

Trong phần này bạn có thể đưa những phúc lợi mà công ty sẽ hỗ trợ khi làm việc tại. Du lịch hàng năm, thưởng quý, chế độ bảo hiểm, sự phát triển và hỗ trợ chuyên nghiệp dành cho nhân viên, cơ hội thăng tiến, quyền tự chủ trong công việc,…

Đừng quên đưa ra những đặc điểm chỉ riêng doanh nghiệp bạn mới có, như chương trình training nội bộ liên tục, trang phục tới công ty thoải mái, hỗ trợ bữa trưa, bữa chiều, văn phòng thân thiện với chốn riêng tư.. và bất kỳ điều gì khác khiến ứng viên cảm thấy thích thú với doanh nghiệp của bạn.

Tìm được ứng viên phù hợp từ trước tới nay vốn không dễ dàng, nhất là khi thị trường tuyển dụng ở kỷ nguyên 4.0 cạnh tranh gắt gao từng nhân sự. Chỉ cần bỏ một chút đầu tư trong tin tuyển dụng, với tài năng sẵn có, chi phí chẳng mấy tốn kém, bạn có thể thu lại kết quả hơn cả mong đợi. Điểm cốt lõi nằm ở chỗ bạn hiểu doanh nghiệp của mình đến đâu và nắm được điều gì sẽ thu hút ứng viên.

TopCV chúc bạn sớm tìm được nhân tài như ý!