Bí quyết giúp bạn tự tin ứng tuyển: Quy tắc 60%

Đã bao giờ bạn đọc mô tả công việc và cảm thấy lo lắng, áp lực rằng mình không đủ khả năng, bằng cấp nhà tuyển dụng yêu cầu? Nếu câu trả lời là có thì đừng quá lo lắng. Bạn không phải là người duy nhất cảm giác như vậy. Theo Harvard Business Review, hơn 40% ứng viên chia sẻ rằng họ sẽ không nộp hồ sơ dự tuyển khi tự cảm thấy mình không đạt tiêu chuẩn.

Sẽ rất khó để một ứng viên đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng viết trong bản mô tả công việc. Vì thế, nếu bạn cảm thấy không tự tin thì cũng có rất nhiều ứng viên khác đang cảm thấy lo lắng. Bởi bản mô tả công việc được viết ra cho những ứng viên lý tưởng, chứ không hẳn là người được lựa chọn. Nếu khả năng của bạn đáp ứng được hơn 60% yêu cầu nhà tuyển dụng đặt ra đừng vội bỏ cuộc nhé! Đó có thể là một cơ hội tốt dành cho bạn.

Hãy cùng TopCV tham khảo một số phân tích khá hợp lý về quy tắc 60% được chia sẻ trên Idealist:

Mô tả công việc dành cho ứng viên lý tưởng

Hãy xem một ví dụ về mô tả công việc cho vị trí Development Coordinator tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (American Museum of Natural History) đăng trên Idealist.org:

Trách nhiệm chính:

– Nghiên cứu và biên soạn hồ sơ về triển vọng của nhà tài trợ (donor).

– Nhập liệu và duy trì độ chính xác của các hồ sơ trong cơ sở dữ liệu Raiser’s Edge.

– Giám sát các khía cạnh kỹ thuật của hệ thống báo cáo quản lý tiềm năng.

– Chủ động lập danh sách tiềm năng cho các triển lãm và dự án đặc biệt.

– Phân tích dữ liệu thông qua sàng lọc các tài sản nhằm phân khúc donor theo chiến lược.

++ Kỹ năng ứng tuyển chuyên nghiệp 2019

– Theo dõi các dữ liệu làm việc của nhóm.

– Quản lý các nghiên cứu, đăng ký khách hàng tiềm năng và ngân sách.

– Quản lý các đánh giá định kỳ, bao gồm biên soạn các tin tức thông báo hàng ngày, cho bộ phận Institutional Advancement.

– Hỗ trợ giám đốc trong các dự án liên quan đến nghiên cứu, khi cần thiết.

– Tổ chức sự kiện cho nhân viên bộ phận Institutional Advancement vào buổi tối, khi cần thiết.

Làm sao để biết mình có phù hợp với vị trí này không? Bằng cách nào bạn có thể thuyết phục nhà tuyển dụng lựa chọn bạn thay vì những ứng viên khác? Đây chính là lúc quy tắc 60% phát huy tác dụng.

Xem xét yêu cầu và trách nhiệm chính

Hãy nhìn lại nội dung mô tả công việc được trích dẫn ở trên một lần nữa. Vị trí này tập trung vào điều gì?

  • Làm việc với giám đốc
  • Làm việc với cơ sở dữ liệu của nhà tài trợ
  • Tiến hành nghiên cứu triển vọng

Nếu có kinh nghiệm nghiên cứu triển vọng, bạn đã tiến xa hơn nửa chặng đường trở thành ứng viên sáng giá cho vị trí này. Còn không, bạn có kinh nghiệm làm việc với các cơ sở dữ liệu của nhà tài trợ hoặc từng làm việc trực tiếp một cách chặt chẽ với các giám đốc chưa? Câu trả lời “có”, nghĩa là hơn 60% bạn phù hợp với yêu cầu chính của công việc và nên mạnh dạn cân nhắc tham gia quy trình nộp đơn dự tuyển.

Nếu từng làm công việc về phát triển nhưng chưa rành dữ liệu Raiser’s Edge? Vẫn có thể ứng tuyển – khi bạn hiểu biết công nghệ, đã từng quản lý dữ liệu và có khả năng nhanh chóng bắt kịp tốc độ của Raiser’s Edge.

Lưu ý: Phải làm việc với nhà tài trợ là một phần rất lớn trong công việc. Nếu bạn không có trải nghiệm và hoàn toàn không muốn tích lũy kinh nghiệm, có lẽ bạn nên bỏ qua công việc này. Bạn không thuộc về nó và nó cũng chẳng hợp với bạn.

Cân nhắc kinh nghiệm của bản thân

Trong trường hợp bạn không có kinh nghiệm liên quan trực tiếp, đừng để điều này ngăn cản ý định muốn ứng tuyển của bạn. Chừng nào còn theo kịp xu hướng, bạn vẫn là ứng viên tốt. Chúng ta có thể tự học nhanh những thứ mình còn thiếu theo chủ đề hoặc thông qua các nền tảng.

Bạn không có kinh nghiệm về cơ sở dữ liệu? Vẫn còn cơ hội dành cho bạn. Khi nhà tuyển dụng xem xét các mặt khác, nếu ứng viên mạnh quản lý thông tin. Hãy dành thời gian đầu tư một chút để có phương án làm đẹp CV. Hãy truyền đạt đến nhà tuyển dụng thông điệp rằng bạn hoàn toàn biết cách khai thác, sắp xếp và vận dụng lượng thông tin lớn để hoàn thành nhiệm vụ.

Bạn không có kinh nghiệm làm việc với hoạt động tài trợ? Hãy rà soát thật kỹ các công việc cũ và dự án trong quá khứ. Trong suốt lịch sử làm việc và phát triển chuyên môn, có giai đoạn nào bạn tiếp xúc nhiều với ngân sách? Có bao giờ bạn phụ trách theo dõi chi tiêu và bạn đã áp dụng quy trình nào để thực hiện công việc? Đó là những kinh nghiệm hoàn toàn có thực và giá trị, bạn có thể sử dụng để chứng tỏ rằng mình có kỹ năng cần thiết trong việc tổ chức và quản lý ngân sách tài trợ.

Cân nhắc và không tự tin khi ứng tuyển có thể là nỗi băn khoăn của rất nhiều ứng viên bởi lo lắng không đạt chuẩn của nhà tuyển dụng. “Tôi không phải người phù hợp”; “tôi không đủ khả năng”; “tôi có ít kinh nghiệm liên quan”… là vô vàn những lý do ngăn cản ý định ứng tuyển của ứng viên. Tuy nhiên, bạn hãy thử áp dụng quy tắc 60%, rồi một ngày nào đó bạn sẽ phát hiện mình chính là nhân tài mà nhà tuyển dụng vẫn đang tìm kiếm.

——————————————————————