Tuần vừa qua, showbiz Việt chứng kiến drama nảy lửa, chiếm trọn spotlight khiến các sự kiện giải trí, thậm chí hoành tráng như việc một tài tử siêu nổi tiếng của Hàn Quốc sang Việt Nam cũng bị gạt sang một bên. Ca sĩ, diễn viên Trương Thế Vinh và một nhãn hàng thời trang nội địa tạm gọi là M. đã xảy ra tranh chấp trong việc sử dụng hình ảnh. Cả hai bên đều có những lý lẽ của riêng mình, không ai chịu nhường ai, thậm chí còn dẫn Luật trong mỗi lập luận căn cứ khiến cư dân mạng chóng mặt nhanh chóng chia thành 2 phe: một phe ủng hộ đòi quyền lợi cho Trương Thế Vinh, 1 bên đa phần là các stylist, ca sĩ, người trong nghề lên tiếng ủng hộ nhãn hàng thời trang. Cuộc chiến như cơn lốc này cuốn theo vào nó rất nhiều nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng với công chúng; chứng tỏ mức độ ảnh hưởng của scandal này không phải là chuyện nhỏ.
Nhìn rộng ra phía sau cuộc tranh cãi này, không chỉ là scandal xoay quanh các celeb trong giới showbiz, nó mở ra việc tranh cãi về việc sử dụng hình ảnh nghệ sĩ về mục đích thương mại, cũng như cách làm việc giữa các nhãn hàng với KOLs, mà lớn hơn là câu chuyện marketing trong thế giới giải trí đầy sắc màu và thị phi. Vốn dĩ đây là những câu chuyện “thâm cung bí sử” chỉ người trong giới biết với nhau, nhưng nhờ drama kịch tính của Trương Thế Vinh mà chúng ta có thể rút ra được một điều vô cùng thú vị về Marketing: Làm việc với KOLs cũng là cả một nghệ thuật. Nếu biết rõ những quy định ngay từ đầu thì có lẽ giữa chàng ca sĩ “Tình yêu hoa gió” và nhãn hàng M. chắc chắn sẽ không xảy ra mâu thuẫn đáng tiếc…
Các KOLs và nhãn hàng sẽ làm việc cùng nhau chắc chắn bằng mối quan hệ Win-Win – anh có lợi, tôi cũng có lợi. Anh được tôi quảng bá hình ảnh sản phẩm rộng rãi tới công chúng, tôi được nhận thù lao cho những đóng góp của mình. Tôi tác động vào hành vi của người tôi dùng mua sản phẩm của anh, anh trả tôi những quyền lợi xứng đáng nhận được cho phần công sức đó. Bởi vậy trong quá trình làm việc, các nhãn hàng nên cố gắng để công việc sòng phẳng, trôi chảy và đem lại hiệu quả tốt nhất.
Một trong những hình thức đảm bảo quyền lợi rõ ràng nhất cho cả hai bên đó là hợp đồng cộng tác. Hợp đồng với KOLs sẽ quy định rõ nội dung công việc giữa 2 bên bao gồm những nghĩa vụ KOLs phải thực hiện, và phần trách nhiệm và quyền lợi KOLs được nhận sau mỗi chiến dịch truyền thông. Ngược lại, nhãn hàng cũng phải thực hiện trách nhiệm và cam kết như đúng trong hợp đồng đối với KOLs.
Tuy nhiên, với văn hóa hay nhờ vả và “sinh chuyện” của Việt Nam, dễ thấy nhiều nhãn hàng vẫn rất hay nhờ vả KOLs hay Influencers phải thực hiện thêm rất nhiều các hạng mục phát sinh với đủ loại cớ và lý do. Chính hành động này dễ làm nảy sinh bất đầu, mâu thuẫn trong quá trình hợp tác của cả hai bên. Và từ đây, các nhãn hàng hay các KOLs hãy rõ ràng mọi thứ ngay từ đầu.
Trong showbiz Việt, có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng là KOLs của các nhãn hàng lớn. Chẳng hạn, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 Hoàng Thùy là KOL của một ông lớn trong lĩnh vực nước giải khát. Sơn Tùng M-TP là KOL của một hãng vận tải công nghệ… Đối với các nghệ sĩ hạng A, A+, tên tuổi càng lớn, hợp đồng càng chặt chẽ, sau khi thỏa thuận sẽ khó có những phát sinh liên quan tới chuyện nhờ vả.
++ Việc làm Marketing chất lượng cao
Theo tiết lộ của một nhãn hàng mời các ngôi sao quốc tế, phía nghệ sĩ kiểm tra kỹ lưỡng từng điều khoản một, xuất hiện bao nhiêu phút; phải nói những gì; chụp ảnh với bao nhiêu người; hình ảnh đó sẽ xuất hiện ở đâu; dùng trong thời hạn bao lâu,… tất cả những điều đó đều được vạch ra chi tiết, rõ ràng từ đầu. Ví dụ cách đây không lâu, Diệp Lâm Anh mời được tài tử “Giày thủy tinh” So Ji Sub tới Việt Nam. Nam diễn viên nổi tiếng chỉ xuất hiện chớp nhoáng đúng theo những gì đã thỏa thuận từ trước.
Nhiều nhãn hàng thường chủ quan cho rằng những chiến dịch nhỏ thì có thể thỏa thuận miệng hoặc email. Nhưng tránh để “đêm dài lắm mộng”, tốt nhất nên có một bản hợp đồng với những điều khoản cụ thể. Hợp đồng càng chặt chẽ bao nhiêu thì sẽ càng tránh được những rắc rối không đáng có.
Về việc sử dụng hình ảnh, các nhãn hàng cần quan tâm hơn nữa tới những quy định về việc sử dụng hình ảnh của KOLs/Influencers khi hợp tác. Trong hợp đồng, các bên phải nắm rõ việc sử dụng hình ảnh như thế nào, có dùng cho mục đích thương mại hay không; có được phép đăng tải trên báo chí, truyền hình hay không; thời gian sử dụng hình ảnh là bao lâu trong phạm vi như thế nào,…
Tại Việt Nam, nhiều nhãn hàng vẫn cố tình sử dụng “chùa” hình ảnh của nghệ sĩ, và phía KOLs vẫn chưa nắm được quyền lợi của mình. Tuy nhiên, về mặt bản quyền, các quy định trong việc sử dụng hình ảnh đã được ghi rõ trong luật:
– Tại khoản 1 điều 32 Bộ luật dân sự 2015 việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Nếu sử dụng vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao trừ khi có thỏa thuận khác.
– Khoản 8 Điều 8 luật quảng cáo 2012 quy định cấm quảng cáo sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý.
– Điểm 3 khoản 3 điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ – CP quy định PHẠT TIỀN từ 20-30.000.000 đồng nếu sử dụng quảng cáo có hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân mà chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
Dù đã có các điều luật rõ ràng như trên, nhưng không hiếm lần nghệ sĩ Việt, KOLs bị sử dụng hình ảnh cá nhân sai mục đích, bị kẻ xấu lợi dụng hình ảnh.
++ Tham khảo mẫu CV nhân viên Marketing chuyên nghiệp, tăng 80% cơ hội được gọi đi phỏng vấn
Là nam chính trong bộ phim truyền hình “quốc dân” ở thời điểm tại nên Quốc Trường cũng là cái tên được rất nhiều nhãn hàng chú ý tới. Mới đây, sau khi “Về nhà đi con” chính thức đóng máy, nam diễn viên có thời gian rảnh để livestream trò chuyện cùng người hâm mộ. Tuy nhiên, trong lúc đang tâm sự cùng fan, Quốc Trường liên tục bị tag vào những nhãn hàng, thương hiệu một cách vô tội vạ. Quốc Trường từng lên tiếng bức xúc khi bị các nhãn hàng vô tư tag tên vào để quảng bá mà không hề cho sự thỏa thuận hay thông báo trước đó.
Cũng giống như Quốc Trường hay Trương Thế Vinh, Hoa hậu Đặng Thu Thảo cũng từng rơi vào trường hợp tương tự nhưng ở một hình thức tinh vi và chuyên nghiệp hơn. Cụ thể, hình ảnh Hoa hậu Đặng Thu Thảo cùng con gái mới sinh bị quảng cáo rộng rãi cho sản phẩm ngũ cốc lợi sữa. Kẻ mạo danh “tự soạn” một bài phỏng vấn trực tiếp Hoa hậu với lối dẫn dắt có thể làm người đọc tin tưởng để mua sản phẩm.
NSND Hoàng Dũng – ông trùm khét tiếng trong bộ phim “Người phán xử” cũng không nằm ngoài “tầm ngắm” của các nhãn hàng. Có lần NSND Hoàng Dũng đã phải bức xúc lên tiếng khi hình ảnh của mình bị lợi dụng quảng cáo thuốc trị ngủ ngáy.Chia sẻ trên trang cá nhân, “ông trùm Phan Quân” bức xúc: “Thật bực mình khi liên tục có người hỏi về thuốc chống ngáy và được biết có một trang bán hàng đã lợi dụng, cắt ghép hình ảnh của mình để quảng cáo. Tôi yêu cầu các bạn hãy gỡ xuống, chấm dứt tình trạng giả dối này”.
Và còn rất nhiều trường hợp sử dụng trái phép hình ảnh của nghệ sĩ đã diễn ra. Có thể nói, từ vụ lùm xùm của Trương Thế Vinh, ý thức giữ hình ảnh của nghệ sĩ ngày càng được nâng cao hơn, quyết truy tới cùng những doanh nghiệp, nhãn hàng cố tình lợi dụng hình ảnh cho mục đích thương mại.
Trong môi trường làm việc chuyên nghiệp quốc tế, có thể thấy các thương hiệu lớn như Gucci, Versace, Dior,… vô cùng cẩn trọng trong việc sử dụng hình ảnh của các ngôi sao, đặc biệt là khi đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội như Instagram, Facebook, Twitter,…
Có thể tưởng tượng thế này, khi được bạn bè chụp cho một bức ảnh đẹp, ta cũng đều ghi “credit” tên người đã chụp ảnh cho mình như một sự tôn trọng dành cho người bạn đã đem tới hình ảnh đẹp cho mình. Đây là một hành động đẹp và văn minh. Mở rộng ra trong tương quan với sự chuyên nghiệp của các nhãn hàng nổi tiếng, họ càng phải thận trọng hơn trong việc sử dụng hình ảnh của ngôi sao khi quảng bá cho sản phẩm của mình. Vừa thể hiện được sự chuyên nghiệp tối đa vừa thể hiện được cái danh ông lớn hay không.
Câu trả lời là có!
Người lên tiếng đầu tiên trong vụ việc là Trương Thế Vinh, khi anh phát hiện nhãn hàng M sử dụng “chùa” hình ảnh của mình trong hoạt động thương mại. Để đòi quyền lợi cho bản thân, Trương Thế Vinh đã trực tiếp nhắn tin cho thương hiệu này để yêu cầu gỡ ảnh và yêu cầu bồi thường 25 triệu đồng. Ngoài ra, Trương Thế Vinh cũng khẳng định không tranh cãi thêm chuyện ai đúng ai sai mà muốn nhắc nhở về thái độ của phía thương hiệu đã thiếu tôn trọng quyền lợi nghệ sĩ.
“Hành vi xảy ra trên lãnh thổ ở Việt Nam mà không có thoả thuận gì khác theo hợp đồng thì cứ dựa vào quy định của pháp luật Việt Nam mà giải quyết. Không đưa ra được cơ sở để anh sử dụng hình ảnh đó là anh sai, đừng nói nước ngoài họ làm thế nào, đừng nói sao khác họ làm thế nào. Cứ sử dụng hình ảnh trái phép là sai” – Trương Thế Vinh chia sẻ.
Từ đây có thể thấy, điều nhãn hàng M. cần làm đầu tiên khi để xảy ra khủng hoảng truyền thông này là lên tiếng xin lỗi khách hàng một cách chân thành và chính thức, chứ không phải là đôi co, “trả treo” hay công kích cá nhân Trương Thế Vinh. Có lẽ việc cả hai bên cùng quá nóng giận đã không giữ được đủ sự bình tĩnh cho những hành động của mình và kéo thêm sự tham gia của rất nhiều nhân vật nổi tiếng, có máu mặt trong giới thời trang.
Nhãn hàng M. hoàn toàn có thể kết thúc cuộc tranh cãi bằng lời xin lỗi đối với Trương Thế Vinh một cách nghiêm túc nhất. Sau đó, hai bên có thể ngồi xuống, giải quyết mọi chuyện, thậm chí bên nhãn hàng M. có thể mời chàng Voi biển thực hiện một bộ hình có trả thù lao cho sản phẩm mới của mình. Đây có thể là một trong những giải quyết hợp lý trong trường hợp này, không khiến nhãn hàng M. bị cư dân mạng tẩy chay và rơi vào “blacklist” của người tiêu dùng.
Suy cho cùng, đối với các nghệ sĩ, không ai khác chính họ phải tự bảo vệ hình ảnh của chính mình và có những hành động quyết liệt hơn khi hình ảnh, tên tuổi bị lợi dụng để quảng cáo bát nháo, để tránh ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của chính mình. Đối với các nhãn hàng, nên thận trọng trong việc sử dụng hình ảnh của KOLs và biết cách làm việc với KOLs để đạt được hiệu quả tổ nhất cho cả hai bên. Và khi không may có tranh chấp hay khủng hoảng truyền thông xảy ra, nhãn hàng và KOLs cũng nên tìm ra phương thức giải quyết êm đẹp nhất, tránh tranh cãi, vạch áo cho người xem lưng, vừa làm xấu đi hình ảnh của KOLs, vừa khiến sự chuyên nghiệp của nhãn hàng bị giảm sút trầm trọng. Thế mới thấy, làm việc với KOLs cũng là cả một nghệ thuật…
—————————————————————————————
- Tham khảo thêm các mẫu CV để tăng 80% cơ hội trúng tuyển tại: https://www.topcv.vn/mau-cv
- Tìm việc làm chất lượng lương cao tại: Việc làm chất lượng
- Tải App TopCV để trải nghiệm tìm kiếm và ứng tuyển công việc chỉ với một chạm: IOS: https://apple.co/2TSeTJA; Android: http://bit.ly/2FnLblz