6 quy tắc ứng xử khi vợ là sếp của bạn?

6 quy tắc ứng xử khi vợ là sếp của bạn?

Người ta vẫn thường rỉ tai nhau rằng không nên yêu người cùng công ty nếu không muốn gặp những hệ lụy ngoài ý muốn, hay ảnh hưởng xấu tới tâm trạng thậm chí còn làm đổ vỡ mối quan hệ. Người yêu thôi đã nhiều rắc rối rồi, vậy khi vợ trở thành sếp trực tiếp của chồng thì sao? Đây không phải là tình huống xảy ra quá thường xuyên nhưng tất nhiên không phải không có; thậm chí còn để lại không ít chuyện bi hài đáng suy ngẫm. Hãy cùng TopCV chia sẻ một vài nhận định về cách ứng xử khi vợ là sếp và các quy tắc giúp bạn nhanh chóng vượt qua thử thách.

Tôn trọng thẩm quyền của vợ

6 quy tắc ứng xử khi vợ là sếp của bạn?

Trong lúc làm việc cùng nhau, bạn không nên có bất cứ hành động gì làm suy yếu hoặc hạ thấp quyền hạn của sếp-vợ. Nếu cô ấy phân công bạn làm việc, trách nhiệm của bạn là thi hành. Nếu vợ nói hoặc làm điều gì đó sai (có thể gây tổn hại đến công ty hoặc hôn nhân của bạn), bạn có thể khéo léo góp ý hoặc nhắc nhở nhưng hãy để cô ấy quyết định việc sẽ làm. Những khi không làm việc, nếu muốn thảo luận chủ đề nào đó liên quan đến công việc, bạn nên giữ cho mọi bình luận trong giới hạn của cấp dưới và cấp trên.

Phân biệt rõ chuyện cá nhân và công việc

Trong công việc, bạn không nên đặt sự tự ái hay bất kỳ cuộc chiến tranh nào vì vấn đề cá nhân. Bạn và vợ là những người đã trưởng thành và nên hành xử văn minh. Nếu gặp bất đồng trong cách triển khai công việc, hãy cứ ngồi lại với nhau, thảo luận rõ ràng và tìm ra hướng giải quyết.

Bạn phải tiếp thu và chấp nhận các phản hồi của vợ trong tâm thế giống như bất kỳ nhân viên nào khác. Đối diện với mọi xung đột hay tranh cãi trên nguyên tắc công việc, xử lý mọi vấn đề vì mục tiêu chung của công ty, không phải chuyện của gia đình bạn. Tất cả chúng ta đều có thể phạm phải sai lầm, nếu cô ấy nói “anh sai rồi”, hãy học hỏi từ điều đó. Cô ấy là sếp – đừng cố gắng bật lại, phản đối hay tranh cãi. Hãy nhớ lại xem, bạn thường đâu có cãi sếp, và vợ bạn cũng không phải là ngoại lệ. Bạn nên tôn trọng cô ấy.

>> Xem thêm: Yêu sếp thì có nên công khai? – Chia sẻ của người trong cuộc

Chuyện cá nhân ở nhà hãy giữ ở nhà, việc công ty nên để lại công ty. Bạn không nên lẫn lộn các vai trò. Khi ở nhà cô ấy là vợ của bạn, đến văn phòng cô ấy là sếp của bạn: Giờ nào việc đó, không nên vượt qua ranh giới. Tuyệt đối tránh mang cảm xúc sau các cuộc cãi vã chẳng hạn như chuyện dạy con vào cơ quan để hờn dỗi hay phán xét nhau.

Bạn cũng không nên đem những bực tức vì bất đồng ý kiến trong khi lập kế hoạch triển khai dự án nào đó về “mặt nặng mày nhẹ”, hậm hực lớn tiếng với vợ. Chuyên nghiệp trong mọi hành vi và cử chỉ khi giao tiếp làm việc cùng sếp – vợ cũng cực kỳ quan trọng. Những hành động yêu thương, âu yếm hay vui đùa suồng sã lẫn đố kị ghen tuông đều nhất định phải loại bỏ khỏi nơi làm việc. Bên cạnh đó, cũng nên xây dựng không gian làm việc bất khả xâm phạm nhằm tránh bị vợ “tấn công và chiếm đóng” hết mọi ngóc ngách cuộc đời. Dù là vợ chồng, mỗi người vẫn cần giữ lại chút tự do riêng để có thể phát triển cá nhân một cách độc lập và lành mạnh.

Không can thiệp vào công việc của vợ

6 quy tắc ứng xử khi vợ là sếp của bạn?

Khi công tác cùng một bộ phận, bạn có điều kiện thuận lợi để nắm được các thông tin và sự kiện diễn ra trong công việc của vợ. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn có thể can thiệp hay tác động vào các quyết định công việc của vợ.

Vợ bạn nắm quyền đưa ra quyết định cuối cùng cho những việc cô ấy phụ trách. Nếu có vấn đề phát sinh từ quyết định đó, cô ấy có trách nhiệm giải quyết. Đừng vì quá lo lắng mà tùy tiện cho ý kiến, phát biểu thay hay làm dùm phần việc của sếp, chỉ vì sếp là vợ của bạn.

Kết quả cuối cùng sẽ là rất nhiều điều tiếng đổ ập vào hai bạn. Các thành viên trong nhóm không còn nể phục sếp nữa, họ cho rằng vợ bạn thiên vị, thiếu công tâm, hoặc kém năng lực… Trong khi đó, bạn sẽ bị ác cảm vì hành động “cậy thế lạm quyền” hoặc bị đánh giá làm việc không chuyên nghiệp. Chỉ nên giúp vợ sửa sai khi được yêu cầu, mọi thứ không phải là việc của bạn cho đến khi cô ấy chính thức xác định. Vợ của bạn có quyền nhận lấy bài học riêng từ sai lầm của chính cô ấy.

Tạo dựng một mối quan hệ bình đẳng

Suy cho cùng, dù có là nhân viên của vợ hay lãnh đạo của chồng, bạn và người ấy chỉ khác nhau về trách nhiệm trong công việc. Sở thích, tính cách, lòng tự tôn hay các khía cạnh khác trong cuộc sống vẫn cần sự bình đẳng. Cả hai đều phải đảm bảo rằng mình vẫn giữ được niềm vui và cảm giác hài lòng khi phối hợp cùng nhau trên cả hai cương vị. Thiếu mất điều đó, mối quan hệ đã lệch về một phía và chắc chắn sẽ không thể bền vững.

Nếu bất cứ khi nào bạn quan sát được tín hiệu dù rất nhỏ của trạng thái bất bình đẳng, hãy lập tức điều chỉnh cho cân bằng. Trong trường hợp bạn không thể kiểm soát được nữa, hãy mạnh dạn từ bỏ công việc đó, ưu tiên tìm kiếm “bãi đáp” mới nhằm giữ lấy gia đình.

Bổ sung “vitamin” cho mối quan hệ

Trong gia đình với nhiều lo toan và gánh nặng khác nhau, bạn có thể dễ dàng bị cuốn vào vai trò của một người cha nghiêm khắc hay hình ảnh người chồng khô khan. Vợ của bạn sẽ ngày càng mờ nhạt dần khỏi những câu chuyện ngọt ngào thuở mới quen nhau. Khi đổ thêm hỗn hợp những cảm xúc phức tạp của một cặp đôi làm việc chung nhóm nữa, mọi thứ dường như có thể bùng nổ căng thẳng bất cứ lúc nào.

Vì vậy hãy luôn gợi nhắc bản thân lý do vì sao mình kết hôn? Động lực nào thúc đẩy cả hai lựa chọn trở thành bạn đời của nhau? Hãy duy trì cảm giác yêu thương, chia sẻ và chở che cho nhau như ngày xưa đã từng. Cố gắng lên lịch hẹn hò với nhau mỗi tuần hoặc ít nhất một tháng một lần, chẳng hạn như xem ca nhạc, đi du lịch, tụ tập bạn bè hoặc đơn giản chỉ là một tối thư thả cùng nhau theo dõi hết bộ phim hay. Cảm xúc gắn bó sẽ làm tăng năng lượng tích cực và trở thành sợi dây liên kết bền vững, sự thấu hiểu và đồng cảm sẽ giúp đôi bên gia tăng sự dẻo dai để đủ sức “chịu đựng” nhau trong những giờ làm việc không như ý.

++ Tham khảo các kỹ năng văn phòng chuyên nghiệp 2019

Trên đây là 6 quy tắc ứng xử cho cánh mày râu khi có vợ là sếp. Bạn đã từng trải qua tình huống này chưa? Người Việt Nam vẫn thường hay nói, trong gia đình, vợ là sếp. Vậy có ngột ngạt hay bất công lắm không khi cô vợ của bạn lại làm sếp của bạn trên cả mặt trận công sở? Có hay không tùy vào thế giới quan của mỗi người. Nhưng hãy nhớ rằng, sức mạnh của một người không nằm ở việc bạn là chồng hay vợ, là cấp trên hay cấp dưới, mà sức mạnh được xây bởi tư duy đĩnh đạc, thái độ chuyên nghiệp và cách hành xử tôn trọng nhau. Không được phép từ bỏ chính mình và cũng đừng bao giờ bỏ rơi sếp-vợ, cả trong cuộc sống lẫn công việc bạn nhé!