Bỏ ngay tư duy “giấu nghề” nếu muốn làm việc hiệu quả!

Người Việt Nam chúng ta thờ một vị thần rất lạ ấy là thần “giấu nghề”. Thần dạy rằng giỏi gì là phải giấu, giấu kĩ, giấu triệt để người không biết quỷ không hay, tránh cho hàng xóm học bạn bè học thậm chí gia đình cũng hiếm khi được biết. Thế thì mới độc tôn, mới giỏi giang, mới nhanh giàu!!??

Bạn mở một hàng phở, có một công thức thật ngon. Bạn quyết định làm việc bí mật, không ai khác biết đến công thức đó ngoài bạn. Sau 30 năm cắm mặt vào nồi nước lèo hàng phở của bạn trở nên nổi tiếng số 1 thành phố. Bạn mua được nhà to xe to và coi đó là thành công mỹ mãn.

Tuy nhiên, người có công thức làm phở ngon thứ 2 sau bạn chọn quyết định thương mại hóa, chia sẻ công thức đó cho đối tác, mở nên chuỗi cửa hàng ẩm thực khắp cả nước. 30 năm sau cả thành phố không ai ăn phở của người nọ vì họ đã trở thành  ông chủ tập đoàn và nghỉ bán phở tử lâu.

Tư tưởng “giấu nghề” xuất phát từ suy nghĩ sợ cạnh tranh. Khi mà quy mô kinh tế còn nhỏ nhỏ hẹp “ao vườn chuồng trại”, người giỏi nghề phải lăn lộn bao nhiêu năm mới rút ra chút ít kinh nghiệm bí quyết nên tuyệt nhiên phải trân quý, bảo vệ thì mới tồn tại nổi bật được lâu dài.

Tuy nhiên, bước vào thời đại buổi hiện đại, công nghệ bùng nổ, mọi sự phát triển đều được quy về tốc độ thì tư duy “giấu nghề” xưa cũ đã sớm lỗi thời. Đặc biệt nếu bạn muốn tồn tại trong một nền kinh tế mở. Mọi nhu cầu đều đã và đang được thương mại hóa nhanh chóng, cách vận hành chuyên nghiệp là thứ đang được đề cao và tư duy “nhỏ nhen” mới chính là thứ đang “bóp chết” nền kinh tế.

Đây không phải chỉ là câu chuyện về bài học kinh doanh, người trẻ chúng ta có thể áp dụng nó ngay cả trong cung cách làm việc hằng ngày, nhất là đối với những bạn đang làm việc trong môi trường công sở.

“Giấu nghề” tức là giấu giỏi. Nếu bạn có kĩ năng, bạn phải thể hiện. Đấy là yếu tố đầu tiên để người khác đánh giá năng lực của bạn.

Bạn giữ suy nghĩ sợ người khác học được quy trình làm việc hiệu quả của mình kết cục là luôn phải làm việc một cách thậm thà thậm thụt. Làm lúc không ai biết, không ai hay, tất nhiên có kết quả tốt cũng không ai biết đó là nhờ bạn.

Giấu nghề cũng là dấu dốt. Nên nhớ không ai có thể làm việc hoàn hảo 100% ngay từ lần đầu tiên.

Thể hiện kỹ năng trước mọi người cũng là cách để học hỏi và hoàn thiện mình. Bạn có thể nghe được lời khuyên từ những người có kinh nghiệm, cũng là môi trường học hỏi điều hay từ những người khác. Ngay cả “bí kíp” cũng cần hoàn thiện và nâng cấp.

Với một xã hội phát triển từng giây, “giấu nghề” chỉ khiến “nghề” ngày càng cũ mòn và sớm vất đi

Một người làm tốt không kéo được một team. Nếu bạn “giấu nghề” tất nhiên bạn là người việc hiệu quả. Nhưng nên nhớ kết quả của một cá nhân không làm nên thành tích của tập thể, tuy nhiên một tập thể không thành công thì cá nhân chắc chắn cũng thất bại.

Bạn làm việc trong môi trường công sở có nghĩa là bạn đã và đang không thể làm việc một mình. Team-work chính là bài học đầu tiên và quan trọng nhất để có thể tồn tại. Nếu bạn không biết chia sẻ với mọi người thì bạn sẽ không thể thành công.

Và bạn cũng không thể tồn tại mãi với chỉ một “nghề”. Để phát triển trong xã hội hiện đại thì chúng ta cần trang bị nhiều kĩ năng, và thậm chí còn phải nâng cấp những kĩ năng đó thường xuyên.

Bạn có chằng rằng mình không khư khư giữ lấy một bí mật không thực sự hữu ích cho mình như bạn tưởng, một bí mật chả ai quan tâm, tệ hơn là có khi tất cả mọi người đều biết và nó đã lỗi thời.

Tuy nhiên, mọi vấn đề đều có hai mặt. Bạn không nên giữ tư tưởng “giấu nghề” để làm việc chốn công sở nhưng việc chia sẻ nếu muốn hiệu quả cũng cần quy tắc.

  1. Đảm bảo rằng mọi ý tưởng, công sức đều đã được “đóng dấu”. Bạn chia sẻ để phát triển chứ không phải để tạo sơ hở cho một ai đó cướp trắng công sức làm việc. Hãy đảm bảo mọi đóng góp của mình đều được ghi nhận. Đây không phải là tư tưởng thực dụng, nó là thực tế và phương pháp để giữ đam mê. Không ai muốn làm việc chăm chỉ mà không được ghi nhận
  2. Chia sẻ kinh nghiệm, kĩ năng nhưng không “chia sẻ năng lực”. Hãy rạch ròi giữa việc giúp đỡ và làm hộ, gánh team. Giúp cần câu, không giúp con cá. Việc thể hiện năng lực cá nhân tốt sẽ dễ biến bạn thành đối tượng ưa thích để team “lười” nhờ vả. Đối với trường hợp này cần tuyệt đối cương quyết
  3. Công sở không phải là trường học, không làm học sinh cũng đừng làm giáo viên. Mọi sự chia sẻ đều có giới hạn. Công sở cuối cùng là môi trường để làm việc và cạnh tranh (tốt nhất là lành mạnh), không phải là nơi để nêu cao tinh thần hiếu học. Bạn không có nghĩa vụ phải giáo dục hay cũng chẳng có quyền lợi được học hỏi ở đây. Hãy giữ mọi thứ ở giới hạn dễ chịu. Đừng làm phiền và ảnh hưởng tới công việc người khác.

TÚ ANH